LUẬT KHOA
Tạp chí khoa học danh tiếng Science mới đăng một bài viết giải đáp nhiều thắc mắc về hai loại thuốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tới: chloroquine và azithromycin. Bài viết đăng ngày 26/3, tức bảy ngày sau phát biểu của ông Trump. Luật Khoa chọn dịch bài viết này vì Science là một tạp chí khoa học thuộc loại có uy tín nhất thế giới, trực thuộc Hiệp hội vì sự phát triển khoa học Hoa Kỳ (AAAS), tổ chức khoa học lớn nhất thế giới với 120 nghìn thành viên. Tựa bài do Luật Khoa đặt.
Khi Tổng thống Donald Trump mới đây gợi ý hai loại thuốc chloroquine and azithromycin là liệu pháp tiềm năng chữa coronavirus 2019 (COVID-19), ông làm bùng phát một cơn sốt chưa từng có tiền lệ với hai loại thuốc này, và khiến các nhà khoa học cau mày, nhăn trán.
Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng ý rằng hai hợp chất này nên được thử nghiệm đầy đủ hơn trong đại dịch coronavirus, không mấy chuyên gia dược phẩm và bệnh truyền nhiễm – thậm chí không có cố vấn nào của tổng thống – chia sẻ sự lạc quan khi ông tweet rằng hai loại thuốc này có thể trở thành “một trong những đột phá lớn nhất trong lịch sử y học”. Và nhiều người chỉ trích cái nghiên cứu lâm sàng ở Pháp mà có vẻ như Tổng thống Trump đã dựa vào để phát biểu – vốn chỉ là một thử nghiệm quy mô nhỏ, dựa trên dữ liệu của 42 bệnh nhân.
“Tổng thống chỉ đang nói về triển vọng thôi” – Anthony Fauci, giám đốc Viện Bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, nói một cách tế nhị như vậy trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, nơi ông Trump ngợi khen tiềm năng của hai loại thuốc này.
Nhưng nhiều người khác thì không tế nhị đến thế. Darren Dahly, đồng tác giả của nhiều phản biện dành cho nghiên cứu kể trên của Pháp, đồng thời là chuyên gia thống kê chính của Khoa Y tế Cộng đồng, Đại học Cork – Ireland, nói rằng, sẽ là “cực kỳ tệ hại” khi giới thiệu thuốc cho hàng triệu người uống dựa trên một nghiên cứu thử nghiệm nhỏ như vậy, bất kể chất lượng của nghiên cứu đó tới đâu.
Còn Gaetan Burgio, chuyên gia về kháng thuốc kháng sinh của Đại học Quốc gia Australia thì tweet: “Chuyện này thật là điên rồ!”. Ông cho rằng có sai sót trong cuộc thử nghiệm dài sáu ngày này, trong đó có cả việc xét nghiệm mức độ virus một cách không nhất quán trên các bệnh nhân.
Đối với Dahly và nhiều người khác, chỉ khi có những nghiên cứu lớn hơn và tốt hơn – chẳng hạn như một nghiên cứu mà WHO mới triển khai – thì mới có thể cho biết sự lạc quan của ông Trump chính xác hay không.
“Cách tốt nhất để biết một loại thuốc chữa COVID-19 có công hiệu hay không là thông qua một thử nghiệm lâm sàng chất lượng cao” – ông Joshua Sharfstein, phó trưởng khoa Y tế Công cộng của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết. “Những nỗ lực phổ biến những liệu pháp chưa được thẩm định, nhẹ thì gọi là xúi dại, còn nặng thì phải nói là nguy hiểm”.
Trong cơn sốt thuốc hydroxychloroquine, được bán dưới nhãn hiệu Plaquenil, và thuốc chloroquine, những lời cảnh báo đều bị bỏ ngoài tai, khi các bác sĩ vội vã kê đơn một trong hai loại thuốc này cho các bệnh nhân hoặc người nghi nhiễm COVID-19. Những hậu quả nhãn tiền là:
- Thuốc trở nên khan hiếm, gây nguy hiểm cho những bệnh nhân cần đến nó để trị bệnh lupus hoặc viêm thấp khớp.
- Ấn Độ, nước sản xuất phần lớn thuốc hydroxychloroquine, đã cấm xuất khẩu loại thuốc này, và một số bác sĩ đang tích trữ cả hai loại thuốc này bằng cách kê đơn cho chính họ hoặc người nhà.
- Vài người ở Nigeria tự điều trị COVID-19 và chết do dùng thuốc chloroquine quá liều, và một người đàn ông ở bang Arizona (Mỹ) chết sau khi tự uống một loại chloroquine độc hại vốn dùng để thau bể cá.
- Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, một đồng minh thân cận của ông Trump, đã ra lệnh cho các phòng thí nghiệm của quân đội tăng cường sản xuất chloroquine. Người dân sau đó đổ xô đi mua thuốc là lẽ dĩ nhiên.
Bà Natalia Pasternak Taschner, một nhà vi trùng học ở Đại học Sao Paulo, cho biết: “Ở Brazil này, ngay cả những nhà khoa học giỏi cũng ủng hộ việc này, họ nói rằng chúng ta không nên cẩn thận quá trong những thời điểm khó khăn”.
“Chúng ta thậm chí nên cẩn thận hơn nữa để khỏi làm cho người dân hy vọng hão huyền và để khỏi đầu tư quỹ thời gian và tiền bạc ít ỏi cho những phát biểu không xác đáng”, bà nói.
Mặc dù các bác sĩ coi hydroxychloroquine là loại thuốc tương đối an toàn để kê toa trong thời gian ngắn, nó vẫn liên quan đến những tác dụng phụ về tim mạch gây chết người và có thể dẫn đến ý định tự tử.
“Do tính độc hại của loại thuốc này, tôi e rằng chính quyền nước tôi sẽ giết chết người dân mất thôi”, bà Taschner nói.
Phát biểu đầu tiên của ông Trump về triển vọng của loại thuốc này ngày 19/3 vừa qua có vẻ như dựa trên các bản tin vô căn cứ từ Trung Quốc và một nghiên cứu ở Pháp mà, theo tờ Vanity Fair, ông Trump biết được sau khi Elon Musk tweet về nó và rồi đài Fox News thổi phồng lên.
Trong nghiên cứu thử nghiệm kể trên ở Pháp, Viện Truyền nhiễm Địa Trung Hải đã điều trị cho 26 bệnh nhân COVID-19 chỉ với thuốc hydroxychloroquine, hoặc kết hợp với thuốc kháng sinh azithromycin. Các tác giả của nghiên cứu này báo cáo hầu hết các bệnh nhân “khỏi bệnh” (clearance) – không có virus trong những mẫu lấy từ xét nghiệm phết dịch mũi họng – nhưng trong một nhóm 16 bệnh nhân khác, hầu hết mọi người vẫn tiếp tục bị lây nhiễm. Những bệnh nhân dùng cả hai loại thuốc là khỏi bệnh nhanh nhất – các nhà nghiên cứu trên cho biết trong một bài báo khoa học được bình duyệt (peer-reviewed) trên tạp chí International Journal of Antimicrobial Agents [là tạp chí được ông Trump nhắc tới trong một tweet của ông – ND].
Nhiều nhà khoa học đã chỉ trích cuộc thử nghiệm này là hỏng về phương pháp luận khiến kết quả không đáng tin cậy hoặc gây hiểu nhầm. Một số nhà thống kê sinh học ở Anh và Ireland đã chỉ ra một sai lầm căn bản: các nhà nghiên cứu không chọn mẫu một cách ngẫu nhiên – vốn là nguyên tắc thiết yếu để đảm bảo cho các so sánh khoa học. Họ cũng lưu ý rằng sáu trong số các bệnh nhân được điều trị đã không được tính đến trong kết quả nghiên cứu, trong đó năm người bệnh nặng thêm – một người chết; ba người phải chuyển sang điều trị đặc biệt, và một người dừng điều trị vì nôn mửa. Tuy vậy, họ đã bị loại ra khi phân tích dữ liệu, có thể là để bóp méo kết quả.
Elisabeth Bik, một nhà tư vấn về liêm chính khoa học, viết trên blog của bà rằng với một số bệnh nhân được cho là tiến triển tốt nhờ phương pháp điều trị này, các xét nghiệm coronavirus hàng ngày cho thấy kết quả dao động giữa dương tính và âm tính, để ngỏ khả năng rằng virus có thể vẫn tồn tại, ngay dưới ngưỡng phát hiện của xét nghiệm. Bà cho rằng, các nhà nghiên cứu đúng ra phải nên xác định không có virus trong khoảng thời gian trên hai hoặc ba ngày liên tiếp, đặc biệt trong điều kiện họ đã không theo dõi các chỉ số lâm sàng như sốt hoặc khó thở. Vả lại các xét nghiệm virus cũng kết thúc sau không quá tổng số sáu ngày đối với tất cả các bệnh nhân.
Bà Bik và một số nhà nghiên cứu khác nghi ngờ một số khía cạnh khác của bài báo khoa học này, bao gồm cả việc bình duyệt. Khi cân nhắc ngày nộp và ngày duyệt, bà nhận thấy bài báo này có thể chỉ được bình duyệt trong vòng chưa đến 24 giờ. Một trong những tác giả của bài báo lại cũng là tổng biên tập của tạp chí đăng tải, điều bà Bik nói rằng có thể “coi như một xung đột lợi ích lớn”.
“Hãy tiến hành vài thử nghiệm chuẩn mực, xem kết quả này có đúng trong những nghiên cứu cẩn thận hay không”, bà Dahly nói.
Đồng tác giả của nghiên cứu, ông Didier Raoult, một nhà nghiên cứu có tiếng và đứng đầu Viện Truyền nhiễm Địa Trung Hải, đưa ra một tuyên bố vào thứ Hai (23/3) để đáp lại những chỉ trích trên. Ông nói ông sẽ điều trị cho bất kỳ bệnh nhân COVID-19 nào với tổ hợp thuốc hydroxychloroquine và azithromycin ngay sau khi chẩn đoán. (“Như bất kỳ bác sĩ nào khác, khi một phác đồ điều trị đã chứng tỏ có hiệu quả, tôi thấy sẽ là vô đạo đức nếu không áp dụng nó. Chỉ đơn giản vậy thôi”, ông nói với tờ báo Pháp Libération.)
Mọi chuyện có thể sẽ rõ ràng hơn sau một thử nghiệm quy mô lớn mà WHO đang tiến hành cùng với hai thử nghiệm lớn khác với những liều lượng hydroxychloroquine khác nhau do cả hai Đại học Columbia và Đại học Minnesota song song thực hiện. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã thông báo rằng bang ông cũng sẽ gấp rút tiến hành một thử nghiệm với tổ hợp thuốc hydroxychloroquine và azithromycin.
Tuy vậy, bằng chứng từ những nghiên cứu đang tiến hành chắc chắn vẫn sẽ trì hoãn việc sử dụng thuốc đại trà ngoài chỉ định (off-label use) như cách tổng thống ủng hộ.
Hàng loạt hãng dược lớn đã thông báo sẽ sản xuất gần 200 triệu liều thuốc trên trong những tuần tới để chống đại dịch. Vinay Prasad, nhà huyết học và ung thư học ở Đại học Y tế và Khoa học Oregon, người chuyên nghiên cứu về y học thực chứng, nói rằng việc vội vã dùng hai loại thuốc này là không sáng suốt. “Trong thời kỳ đại dịch, bạn nên ưu tiên sản xuất những gì đã được chứng minh là hiệu quả”, nhiều thứ trong đó đang khan hiếm, ông nói. “Khẩu trang, áo bệnh viện, máy trợ thở. Có mấy cái đó đi đã. Trước khi tăng cường cung cấp loại thuốc gì, tốt nhất là phải biết thuốc đó có hiệu quả hay không”.