Đại tự sự chống Tàu đóng một vai trò quan trọng, thậm chí quan trọng nhất, trong thái độ của người Việt về cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ tuần tới. Còn người Trung Quốc, họ nghĩ gì? Bài viết mới đây của bà Vương Tú Anh (Wang Xiuying) trên bán nguyệt san London Review of Books, tạp chí văn học nhiều độc giả nhất ở châu Âu, cho chúng ta biết một số khía cạnh.
*
Bài viết kể về một Trung Quốc hậu Covid, khi thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và phương Tây, còn chưa vượt qua đỉnh dịch. Kinh tế bên ngoài suy sụp và thất nghiệp tràn lan, trong khi một cửa hàng Hermès ở Quảng Châu mới mở cửa trở lại chỉ trong một ngày đạt doanh thu gần 3 triệu dollar; riêng trong tháng Tám, doanh thu của cửa hàng Louis Vuitton ở Thượng Hải là hơn 22 triệu dollar; thị trường nội địa hưởng lợi từ 300 tỉ dollar không chảy ra nước ngoài để mua sắm hàng xa xỉ như ở thời tiền Covid. Không khí lạc quan và tích cực khiến các chiến sĩ và anh hùng bàn phím hăng hái lập luận rằng chính quyền Trung Quốc đã làm tốt gần như tất cả mọi mặt, người Trung Quốc không có lý do gì phải quan tâm tới cái mô hình bỏ phiếu dân chủ chỉ đẻ ra toàn những thứ như Trump hay Brexit.
Một trong những chủ thuyết có sức lan tỏa lớn trên các mạng xã hội gần đây là “nhập quan học” (ruguan xue, 入關學), so sánh Hoa Kỳ với Trung Quốc dưới triều Minh trong lịch sử. Sau một thời hoàng kim rực rỡ, Hoa Kỳ ngày nay cũng thoái hóa, thối nát như ở thời vãn Minh, và Covid cũng tương tự như cuộc bạo loạn của gã nông dân bé nhỏ Lý Tự Thành, đột nhiên đánh gục một đế chế, để rồi quân Mãn Châu dễ dàng tiến vào, xóa sổ một vương triều từng tồn tại gần ba thế kỉ, lập nên một triều đại mới, triều Thanh. Người Trung Quốc tự thấy mình bây giờ như Mãn Châu một thuở, bao đời bị nguyền rủa, vu khống, bóc lột, bị coi là mọi rợ và phải lăn lưng làm lụng triều cống, song lịch sử đã xoay chiều, nay kẻ man di đã đứng trước cổng thành văn minh và chuẩn bị tiến vào, thay chân đế chế Hoa Kỳ lập nên một kỉ nguyên mới.
Nhiều người cấp tiến thuộc thế hệ lớn tuổi, từng nếm mùi Cách mạng Văn hóa và phong trào phản kháng 1989, nhìn phương Tây qua lăng kính màu hồng và coi Trump là đối thủ tối thượng có thể đương đầu với Đảng Cộng sản Trung Quốc và là cứu tinh của nhân dân Trung Quốc, vì khác với phe Dân chủ cánh tả nhu nhược, Trump không ngại chơi các chiến thuật trong vở tuồng cấm đoán của Trung Quốc và thậm chí sẵn sàng hạ kèo xuống nước – mà theo họ là cách duy nhất khả dĩ – để qua mặt Bắc Kinh. Tuy qua đó nhiều giá trị dân chủ bị nướng không thương tiếc, nhưng trong trò chơi có tổng bằng không này, đơn giản là bạn phải thắng. Họ ăn mừng mỗi khi Trump chĩa mũi dùi vào một tập đoàn doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei, TikTok hay WeChat, cũng như họ hoan nghênh quan điểm “miễn dịch bầy đàn” như hiện thân của một tính nhân văn hoàn hảo.
Một bộ phận khác, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cũng muốn Trump tái đắc cử. Họ đặt cho ông ta biệt danh “the nation-builder”, nhà kiến thiết quốc gia. “Quốc gia” ở đây không phải là Hoa Kỳ, mà là Trung Quốc. Trump đã nâng cao hiểu biết cho người Trung Quốc về thói đạo đức giả của Hoa Kỳ và khiến người Trung Quốc thêm nhu cầu đoàn kết dưới lá cờ tổ quốc.
Nói chung, người Trung Quốc bây giờ có thể bảo rằng, thà họ chọn độc tài nhưng giàu năng lực như ông Tập còn hơn rất-muốn-thành-độc tài nhưng thiếu năng lực như ông Trump. Chế độ anh tài trị, trật tự, ổn định, năng lực, hiệu quả và tiện nghi mà Trung Quốc thúc đẩy ngày càng tỏ ra ưu việt hơn trọn gói mô hình phương Tây. Trung Quốc có một đặc thù riêng về lịch sử, một chu kỳ trong đó các đế chế và triều đại phân chia và sụp đổ để rồi tái hợp. Gió đã thổi từ phương Tây, nay đã đến thời của gió từ phương Đông. Nho giáo đã tồn tại từ hàng ngàn năm, cả sau một Phong trào Ngũ Tứ đạp đổ thần tượng và cả sau một Cách mạng Văn hóa. Có lẽ đã đến lúc phủi bụi cho vài tư tưởng của đạo Khổng để đem ra dùng lại, chẳng hạn ý tưởng về một vị minh quân, hay một nền độc tài sáng suốt. Mô hình dân chủ đại nghị không còn là một triển vọng đáng bàn nữa, vậy có nên đặt hy vọng vào một bậc vua hiền toàn tâm toàn ý vì hạnh phúc của con dân?
*
Vậy thực ra, trừ doanh thu của Hermès và Louis Vuitton, và tất nhiên trừ giấc mơ Mãn Châu, tâm tình của người Việt không khác của người Trung Quốc là bao, ngay cả với đại tự sự chống Tàu.
Toàn văn bài của Vương Tú Anh: https://www.lrb.co.uk/…/n20/wang-xiuying/china-after-covid?