GIAO THÔNG THỜI NAY

0
87
Chỉ với 2 làn đường, không có giải phân cách cứng. Lại còn có đoạn giới hạn tốc độ 60km/h…mà được giải ngân theo tiêu chuẩn “đường Cao tốc” thì chỉ có ở Chiều Nay…

Xuân Sơn Võ

Mùng 7 Tết vừa rồi, chúng tôi hồi hộp theo dõi các con trở về Sài Gòn sau khi nghe thông tin về vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc. Phần mềm theo dõi xe được mở liên tục.

Tùy xe, có xe thì vô cao tốc rồi bị đẩy ra, có xe không cho vô, đoạn sau lại cho vô. Quá nửa đêm, các xe đều về đến nhà an toàn. Lúc đó chúng tôi mới có thể thở phào. Thực sự thì lái xe trên đường bây giờ nguy hiểm quá. Có thể nói tai nạn luôn chực chờ. Mà phần lớn các tai nạn đều xuất phát từ việc thiếu ý thức của các bên liên quan đến giao thông.

Chiều Mùng 2 Tết, tại giao lộ Kim Cúc, Đà Lạt, tôi đi trên đường 3/4 rẽ phải vô đường Trần Hưng Đạo, ở làn cuối cùng, sát con lươn bên trái. Tốc độ khi ấy khoảng 6, 7km/h. Khi cả thân xe của tôi đã nằm trong đoạn đường quẹo có con lươn ở bên trái, thì một chiếc xe gắn máy vượt bên phải cắt đầu xe tôi, đâm thẳng vô vè trước xe tôi, gần mũi xe.

Đó là một người đàn ông, khoảng 50 tuổi, chạy xe mang biển số 70. Chân chống xe của anh ấy đâm lủng vè trước xe tôi. Anh ấy xoa chân, nhưng vẫn đi lại bình thường, và tự dắt xe vô lề. Ngày Tết, không muốn mất thời gian yêu cầu anh ấy bồi thường, nên tôi định đi luôn. Nhưng anh ấy lại ra dấu cho tôi qua nói chuyện với anh ấy. 

Khi tôi quẹo, tôi hoàn toàn không thấy anh ấy trong kính chiếu hậu, đèn cảnh báo điểm mù cũng không sáng, có nghĩa là khi ấy, anh ta còn chưa đến giao lộ, phần đường quẹo phải từ 3/4 qua Trần Hưng Đạo. Tôi đã bật signal từ trước, tốc độ di chuyển rất chậm. Đằng trước, chiều đường đi thẳng đang đèn đỏ. Đường cũng không đến nỗi quá đông. 

Có lẽ anh ấy phóng khá nhanh. Nhưng ngay cả khi anh ấy cắt đầu xe tôi thành công, thì chắc chắn là anh ấy sẽ tông thẳng vô con lươn. Thế nhưng, anh ấy lại bảo là tôi, muốn quẹo phải thì bắt buộc phải nhường cho anh ấy đi thẳng. Cũng may, khi tôi chỉ cho anh ấy điểm va chạm và con lươn, thì anh ấy mới thôi không bắt lỗi tôi. Định bắt anh ấy bồi thường vụ làm lủng vè xe mình để anh ấy học lại luật giao thông, nhưng nghĩ lại, mới Mùng 2 Tết nên thôi.

Đấy là trường hợp không rành luật, hoặc cố tình không rành luật. Nhưng hiện tượng xe gắn máy luôn tìm mọi cách để cắt đầu xe hơi là chuyện chúng ta thường thấy khi tham gia giao thông. Vụ tai nạn tại cao tốc La Sơn – Túy Loan cho chúng ta thấy cảnh xe hơi vượt phải và cắt đầu xe hơi, kiểu chạy xe bát nháo thường thấy ở xe gắn máy hơn, đã bắt đầu trở nên phổ biến trên đường cao tốc. 

Trên cao tốc từ Sài Gòn ra tới Vĩnh Hảo và ngược lại, thường xuyên chúng ta thấy xe đang chạy tốc độ 100km/h hoặc hơn, chuyển làn bất chấp khoảng cách, thậm chí là không bật tín hiệu, hoặc quẹo qua rồi mới bật tín hiệu. Bạn không bao giờ giữ được khoảng cách an toàn cả, vì cứ có khoảng hở là có xe khác chen vô.

Văn hóa di chuyển trên cao tốc cũng là vấn đề. Nhiều khi mấy cái xe tải chạy ở tốc độ tối thiểu, thậm chí là thấp hơn tốc độ tối thiểu, giăng hàng ngang kéo dài, không cho xe nào vượt lên, hoặc bắt buộc phải vượt trong làn khẩn cấp. Ngoài xe tải, các xe khác chạy chậm cũng vậy, họ không phân biệt làn trong với làn ngoài, tốc độ nào thì cũng đi ở bất cứ làn nào họ thích, khiến các xe đi tốc độ cao (trong phạm vi cho phép) cứ phải luồn lách, chuyển làn liên tục.

Văn hóa giao thông của người dân là một vấn đề. Việc kiểm soát giao thông của cơ quan chức năng là một vấn đề khác. Nếu như CSGT kiểm tra và phạt việc chạy vô làn đường khẩn cấp, phạt việc chuyển làn không an toàn gắt gao như phạt nồng độ cồn, thì việc chạy xe trên cao tốc sẽ an toàn hơn. Nhưng có lẽ việc này khó có thể là hiện thực nếu không có những đòn bẩy hiệu quả.

Một vấn đề nữa, việc xây dựng các công trình giao thông cũng không bảo đảm mức độ an toàn. Một số cao tốc, chỉ có chi phí xây dựng là đúng tầm cao tốc, còn thì không có làn dừng khẩn cấp, hoặc không có con lươn cứng phân cách hai chiều đường. Chắc là các nhà xây dựng của chúng ta có lí do gì đó để gọi những con đường đó là cao tốc mà chúng ta không rõ, chứ thực sự, đó không thể là cao tốc theo cách nghĩ của người lái xe thông thường.

Con tôi nói với tôi, rằng chạy xe trên cao tốc rất ức chế, và nguy hiểm quá. Tôi chỉ biết trả lời con tôi, rằng ở Việt Nam thì phải chịu vậy thôi. Đấy là tôi còn chưa nói với con tôi, rằng trong tương lai gần, nếu vẫn những nhà quản lí này, cách quản lí này, thì chỉ có thể tệ hơn mà thôi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here