Tháng 12/2017, BCH TƯ đảng khóa 12 giới thiệu Nghị quyết 18-NQ/TW, đề cập đến “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” [1]. Nghị quyết này mới được phủi bụi và được giới thiệu là nền tảng của kế hoạch “điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan” mà chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa công bố [2]. Tuy nhiên có những bằng chứng cho thấy, bản chất việc “điều chỉnh” như vừa được biết chỉ vì công an được thời và đang đắc thế.
Khoảng ba năm sau khi BCH TƯ đảng khóa 12 giới thiệu Nghị quyết 18-NQ/TW, các ĐBQH khóa 14 sổ toẹt hai dự luật do Bộ Công an soạn thảo và cậy chính phủ đệ trình: Dự luật về Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Dự luật sửa Luật giao thông đường bộ. Các ĐBQH khóa 14 bác bỏ Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vì công an đã quá đông, tăng thêm nhân lực sẽ tạo ra gánh nặng tài chính cho quốc gia [3]. Tương tự, Dự luật sửa Luật giao thông đường bộ bị các ĐBQH bác bỏ bởi Bộ Công an muốn chẻ Luật Giao thông đường bộ làm đôi (một về GTĐB và một về Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB) và mục đích chỉ nhằm giúp Bộ Công an giành việc quản lý đào tạo – sát hạch – cấp GPLX từ tay Bộ GTVT với lý do… tai nạn giao thông cao và… cần xử lý vấn nạn GPLX giả [4]. Vào thời điểm đó (tháng 11/2020), đa số ĐBQH khóa 14 vẫn lắc đầu với ý tưởng giao việc quản lý đào tạo – sát hạch – cấp GPLX cho Bộ Công an bởi mong muốn ấy “vừa trái thông lệ chung trên thế giới, vừa gây ra những xáo trộn không cần thiết”. Có ĐBQH nói thẳng: Công an không nên nhận thêm nhiệm vụ khác, chỉ cần giải quyết tốt những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình để quốc thái, dân an là nhân dân cảm kích lắm rồi[5]. Thậm chí có ĐBQH còn đề nghị xem xét trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật do đã “tham mưu tách Dự luật sửa luật GTĐB làm đôi” [6]. Cần nhớ, Quốc hội khóa 14 có 95,8% đại biểu là đảng viên, nói cách khác, giống như tất cả các khóa trước và sau đó, đa số ĐBQH khóa 14 cũng “quán triệt” một cách sâu sắc chủ trương, đường lối của đảng CSVN nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc vận dụng Nghị quyết 18-NQ/TW để hỗ trợ công an thâu tóm quyền lực!
Dẫu kinh tế – xã hội Việt Nam không có bất kỳ chuyển biến đáng kể nào nhưng ba năm sau, khi Bộ Công an muốn Quốc hội khóa 15 tái xét hai dự luật đã từng bị bác bỏ, các ĐBQH đã ngoan ngoãn thông qua Dự luật về Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào tháng 11/2023 [7] và nhất trí chẻ Luật Giao thông đường bộ làm đôi, thông qua cả Dự luật Đường bộ lẫn Dự luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào tháng 6/2024 [8]. Vì sao lại thế? Muốn có câu trả lời cứ nhìn vào chính trường Việt Nam – các viên chức cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, kể cả những Ủy viên Bộ Chính trị giữ vai trò Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội,… rụng như sung. “Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực” theo kiểu như đã biết giúp Bộ Công an trở thành một loại thế lực “nhất hô, bá ứng”. Nhiều chuyện chưa từng thấy liên tục xảy ra. Bộ trưởng Công an được BCH TƯ đảng nhất trí vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhà nước, vừa kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an [9] và ý tưởng đó chỉ bị loại bỏ vào phút chót [10] vì chuyện khó tin nhưng có thật này có thể ảnh hưởng đến “ổn định chính trị”!
Từ khi ông Tô Lâm bước lên đỉnh quyền lực, những sự kiện chưa từng thấy liên tục xuất hiện và sự thuận lợi luôn nghiêng về hướng công an. Chẳng hạn những nhân vật vẫn được xem như thủ túc của ông Tô Lâm đột nhiên được cất nhắc bất kể các quy định vốn được xem là nền tảng trong lựa chọn, sắp đặt nhân sự của đảng CSVN. Chẳng hạn chính phủ đột nhiên giới thiệu ông Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Công an và quốc hội hoan hỉ phê chuẩn, biến ông Quang trở thành nhân vật đầu tiên ở Cộng hòa XHCN Việt Nam được chọn làm Bộ trưởng Công an khi chưa phải là Ủy viên Bộ Chính trị. Hai tháng sau, ông Quang được “bầu bổ sung” vào Bộ Chính trị cho dù Qui định 214-QĐ/TW [11] xác định, chỉ lựa chọn – đưa vào Bộ Chính trị những cá nhân đã có ít nhất một nhiệm kỷ làm Ủy viên BCH TƯ đảng và ông Quang không đạt điều kiện này. Tương tự, ông Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Công an đột nhiên được điều động làm Chánh Văn phòng BCH TƯ đảng và hai tháng sau được bầu vào Ban Bí thư BCH TƯ đảng dù ông Ngọc không đủ tiêu chuẩn theo Qui định 214-QĐ/TW (ít nhất phải là Ủy viên BCH TƯ đảng trọn một nhiệm kỳ)…
***
Chưa rõ vô tình hay hữu ý mà kế hoạch “điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan” – gom nhiều thứ vốn thuộc chức năng của nhiều bộ đặt vào tay Bộ Công an lại đáp ứng 100% “nguyện vọng” của ông Tô Lâm khi ông còn là Bộ trưởng Công an và chẳng khác gì cung cấp ví dụ minh họa cho nghi vấn, dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam từ thượng tầng trở xuống đang bị lũng đoạn, cả đảng lẫn quốc hội, chính phủ đang phục vụ ý chí của một vài cá nhân.
Tại sao những quốc gia phát triển giao việc tổ chức đào tạo – sát hạch – cấp phát GPLX cho những cơ quan thuần túy dân sự thực thi nhưng tai nạn giao thông, GPLX giả không phải là vấn nạn còn ở Việt Nam lại là vấn nạn mà chỉ Bộ Công an mới có thể giải quyết? Cách nay khoảng năm năm, khi công an tha thiết mong các ĐBQH khóa 14 cho phép chẻ Luật GTĐB làm đôi để có thể thay Bộ GTVT tổ chức đào tạo – sát hạch – cấp phát GPLX, có ĐBQH khuyên, đại ý: Công an cố gắng giải quyết tốt vấn đề tội phạm, trật tự xã hội để quốc thái dân an thì nhân dân đã cảm kích, tôn vinh lắm rồi, không cần phải xin nhận thêm những nhiệm vụ khác. Đó cũng là lý do đa số ĐBQH khóa 14 bác bỏ “nguyện vọng” của công an nhưng ông Tô Lâm và ngành công an không cam tâm.
Giao thêm “trọng trách” cho công an lợi hay hại? Hãy nhìn ví dụ mới nhất – Nghị định 168/2024…
Chú thích
[2] https://plo.vn/bo-cong-an-se-nhan-them-mot-so-chuc-nang-nhiem-vu-tu-4-bo-khac-post829940.html