Giải Nobel văn học là giải thưởng đầy uy tín, béo bở và khá điên rồ.

0
62
Jon Fosse

Cù Tuấn

– Cù Tuấn biên dịch phân tích của The Economist.

Tóm tắt: Chúng tôi sẽ vén bức màn về cách đánh giá giải thưởng văn học được thèm muốn nhất này, và cho thấy sự tùy tiện của nó.

Việc công bố người đoạt giải Nobel văn học thường gây ra một trong ba phản ứng. Đầu tiên là “Ai vậy?”; thứ hai là “Tại sao?”; còn câu thứ ba—và cho đến nay là hiếm nhất—là “Hoan hô!” Năm nay, phản ứng mạnh mẽ chủ yếu nằm ở hai phản ứng đầu tiên. Ngày 5/10, Jon Fosse, nhà văn người Na Uy, đã được trao giải thưởng viết văn danh giá nhất thế giới này. Hầu hết những người yêu thích văn học đều chưa bao giờ nghe nói đến ông. Ông Fosse viết văn chủ yếu bằng ngôn ngữ Nynorsk, một ngôn ngữ mà ngay cả các nhà văn Na Uy cũng coi là ngôn ngữ của dân tộc thiểu số. Bộ ba tác phẩm nổi tiếng nhất (nhưng vẫn ít được biết đến) của ông có tên là “Septology”, được tự quảng cáo là “một trải nghiệm đọc hoàn toàn khác”.

Ở một khía cạnh nào đó, việc trao giải thưởng này là một quá trình đơn giản. Theo thông lệ, ông Fosse đã được gọi điện ngay trước 1 giờ chiều ngày 5/10 theo giờ Thụy Điển. Như thường lệ, ông nhấc máy thì nghe một giọng nói người Scandinavi nói với ông rằng ông Fosse đã giành được giải thưởng đáng thèm muốn trên, đi kèm với 11 triệu SKr (khoảng 1 triệu USD). Giống như nhiều người đoạt giải Nobel, ông Fosse có thể cho rằng đó là một trò lừa bịp. Giống như nhiều người, sau đó ông có thể đã mở sâm panh. Hoặc có lẽ, như Doris Lessing đã làm, ông ấy có thể chỉ thở dài và nói: “Ôi, lạy Chúa!”

Trong hầu hết các khía cạnh khác, giải thưởng này là một cơn ác mộng về độ phức tạp. Đánh giá bất cứ điều gì, ngay cả người về đích đầu tiên trong một cuộc chạy đua 100 mét, đều là rất khó khăn. Đánh giá chất lượng văn học – hay một bản giao hưởng, chứ không phải một cuộc chạy nước rút – còn khó hơn nhiều. Aristotle có thể đã nhanh chóng phác thảo được những phẩm chất khiến một tác phẩm trở nên tuyệt vời trong cuốn “Thơ” của ông; rất ít người khác cảm thấy tự tin đề ra các tiêu chí như vậy. “Posh bingo” là cách nhà văn Julian Barnes từng mô tả về giải Booker, một giải thưởng văn học khác được trao hàng năm cho cuốn tiểu thuyết hay nhất viết bằng tiếng Anh và xuất bản ở Vương quốc Anh và Ireland. (bản thân Barnes đã lọt vào danh sách rút gọn ba lần trước khi đoạt giải ở lần thứ tư.)

Các thành viên Ban giám khảo giải thưởng có vẻ đã đưa ra những quyết định quan trọng nhưng không kỹ càng bằng cái mũ của trường Hogwarts khi chọn nhà cho các tân sinh. Vào năm 2016, khi ủy ban Nobel văn học của Viện Hàn lâm Thụy Điển chọn Bob Dylan, ca sĩ và nhạc sĩ người Mỹ, đã có một làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn thế giới. Như Anders Olsson, chủ tịch hiện tại của Ủy ban này đã lặng lẽ nhận xét: “Chúng tôi luôn nhận được những lời chỉ trích”.

Ngay trong năm đầu tiên thành lập, Ủy ban Nobel đã gây ra sự phẫn nộ khi không trao giải thưởng cho Leo Tolstoy mà thay vào đó trao giải thưởng cho nhà thơ Sully Prudhomme – một cái tên gần như không mấy ấn tượng thời bây giờ. Ông Olsson thừa nhận: “Rất nhiều nhà văn xuất sắc” không những không được chọn mà thậm chí còn không được đề cử: Anton Chekhov, Joseph Conrad, James Joyce, Marcel Proust và Virginia Woolf chẳng hạn. Jorge Luis Borges, Henrik Ibsen và Henry James cũng không thể giành chiến thắng (mặc dù ít nhất họ đã được đề cử).

Một số người có thể vẫn có thiện cảm với các thành viên Ủy ban. Có một điều, tiêu chí đánh giá của giải Nobel gần như là bí truyền; chúng không hề rõ ràng chút nào. Alfred Nobel – một người giỏi về hóa học hơn là viết lách – đã tuyên bố trong di chúc rằng một trong những giải thưởng mang tên ông sẽ được trao cho “người đã tạo ra trong lĩnh vực văn học các tác phẩm xuất sắc nhất theo hướng lý tưởng hóa.”Bất kể điều đó có nghĩa là gì đi nữa.

Đối tượng cạnh tranh tiềm năng cho giải thưởng văn học này là rất lớn. Các tác giả không tích cực tham gia để được xét giải Nobel. Thay vào đó, ban giám khảo phải lựa chọn trong số tất cả các nhà văn còn sống, viết bằng mọi ngôn ngữ trên thế giới. Cứ cho rằng chỉ có 7.000 ngôn ngữ trên toàn cầu, thì số lượng đối thủ cạnh tranh tiềm năng là rất lớn. Ông Olsson thừa nhận đó là một nhiệm vụ “khổng lồ”. Và tất nhiên đó là một điều vô nghĩa. Sáu thành viên của ban giám khảo sẽ không rảnh rỗi để xem xét tác phẩm của mọi tác giả Ireland viết bằng tiếng Gaelic hay mọi tác giả người Papua New Guinea viết bằng tiếng bản địa Hiri Motu.

Tuy nhiên, các thành viên Ban giám khảo cũng đang xem xét khá nhiều trong số đó. Mỗi năm, Ủy ban này gửi khoảng 4.000 lời mời đến các tổ chức văn học trên toàn thế giới, và yêu cầu họ đề cử trước ngày 1 tháng 2. Những đề cử này trở thành một danh sách dài gồm 200 tác giả và được rút gọn xuống còn 20 tác giả vào tháng 4. Đến tháng 5, họ đã đưa ra một danh sách ngắn hơn gồm 5 ứng cử viên (giống như tất cả các danh sách khác, được giữ bí mật hoàn toàn, trong 50 năm qua đều như vậy). Sau đó việc đánh giá và đọc bắt đầu một cách nghiêm túc. Quá trình này là công bằng nhất có thể, nghĩa là cực kỳ không công bằng.

Neil MacGregor, cựu giám đốc Bảo tàng Anh và chủ tịch Ủy ban giải thưởng Booker năm 2022, cho biết việc lựa chọn giữa các tác phẩm được chọn là “rất, rất khó”. Theo ông MacGregor, các thành viên Ủy ban phải chọn lựa giữa một cuốn sách về cuộc nội chiến Sri Lanka thời hiện đại và những suy nghĩ nội tâm của một phụ nữ Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu thời cận đại. Nói cách khác, họ đang lựa chọn giữa “táo và cam”.

Việc chọn lựa này thậm chí còn khó hơn thế nhiều. Câu hỏi dành cho các thành viên Ủy ban này không chỉ đơn thuần là: bạn, với tư cách cá nhân, có thích cuốn sách này hay không? Đó là: liệu chúng ta, với tư cách là một nhóm, có thể chấp nhận nó không? Ông MacGregor nói, điều cần thiết để một cuốn sách giành được giải thưởng không phải là sự nhiệt tình của cá nhân mà là “sự đồng ý chung”: nó “hơi giống một bồi thẩm đoàn xem xét một vụ án hình sự”. Và đôi khi không khí trao giải có thể cũng nghiêm túc y như quá trình lựa chọn tác giả tác phẩm. Việc đánh giá tác giả đoạt giải Booker đã khiến Joanna Lumley, một nữ diễn viên người Anh, kết luận rằng “giải thể hiện trung thực một showbiz khốn nạn”, khi một “bữa tiệc trà được so sánh với một vùng nước biển tràn ngập cá piranha răng nhọn”.

Việc đánh giá các tác phẩm cũng có những khó khăn khác. Danh sách ứng cử viên các giải thưởng hiện đại luôn dài lê thê. Ban giám khảo giải Booker phải xem qua khoảng 170 cuốn sách trong 7 tháng; Ban giám khảo giải Nobel thông qua kết quả của 200 tác giả chỉ trong vòng 2 tháng. Trong thực tế, hầu hết các thành viên Ủy ban không đủ sức đọc hết. Michael Wood, một nhà sử học từng chủ trì một cuộc thi khác, giải Baillie Gifford cho các tác phẩm phi hư cấu, nói: “Tôi không tin là họ có thể đọc hết được”.

Mỗi thành viên Ủy ban có các phương pháp riêng của mình; một số đọc 30-40 trang mỗi tác phẩm. Những người khác đọc hú họa  ngẫu nhiên để xem liệu tác phẩm nào có nội dung tốt. Thật may mắn cho các giám khảo (nếu không phải là độc giả), câu trả lời thường là: không thấy tác phẩm có cái gì ra hồn. Tác giả Malcolm Muggeridge đã rút lui khỏi việc đánh giá Booker vì ông “buồn nôn và kinh hoàng” trước các tác phẩm văn học dự thi. Ông MacGregor, ôn hòa hơn, đôi khi thấy mình đặt sách xuống và tự hỏi, “Làm sao có thể nghĩ được rằng cuốn sách này đáng được xuất bản?”

Giải Nobel Văn học đưa ra những khó khăn khác. Không giống như nhiều giải thưởng, nó coi các tác phẩm được dịch thuật—và thơ, như người ta thường nói, bị mất chất lượng sau mỗi lần dịch thuật. Văn xuôi cũng chịu chung số phận: ngay cả câu nói “Je ne sais quoi” cũng mất đi một số je ne sais quoi khi nó được dịch sang tiếng Anh. Một số tác phẩm có nội dung quá thơ mộng, quá gắn liền với ngôn ngữ riêng của chúng, đến mức không thể dịch được, và do đó không có bản dịch sang ngôn ngữ khác. Chủ nghĩa quốc tế mang lại những phức tạp khác. Giải thưởng Nobel Văn học có mục đích được trao trên toàn thế giới nhưng có xu hướng lấy châu Âu làm trung tâm: trong số 120 người giành giải  cho đến nay, khoảng 100 người đến từ Châu Âu hoặc Châu Mỹ. Đây là một thành kiến mà Viện Hàn lâm Thụy Điển có nhận thức sâu sắc và cảm nhận được.

Trên thực tế, những khó khăn với việc lựa chọn người trúng giải thưởng là rất nhiều và rất rõ ràng đối với Viện Hàn lâm Thụy Điển ngay từ đầu. Theo ông Olsson, khi Viện này được đề nghị nhận tài trợ từ Alfred Nobel, Viện Hàn lâm đã “rất do dự” trước khi chấp nhận trách nhiệm này. Với những lời chỉ trích mà Viện Hàn lâm đôi khi phải đối mặt cho đến nay, có lẽ Viện này đã ân hận vì họ đã không từ chối lời yêu cầu làm Ủy ban đánh giá giải thưởng này của Nobel. Đương nhiên, tất cả các giải thưởng Nobel đều có những tranh cãi – nhưng giải thưởng về văn học luôn gây ra tranh cãi nhiều nhất.

Mặc dù không phải ai cũng phản đối giải này. Như ông Barnes nói đùa, các nhà văn có thể coi các giải thưởng này như một giải xổ số độc đắc – nghĩa là cho đến khi họ trúng được chúng. Sau đó, họ đột ngột nhận ra rằng những người thuộc Ban giám khảo giải thưởng suốt ngày bị chửi này thực chất là “những người đứng đầu khôn ngoan nhất trong nền văn học Cơ đốc giáo”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here