Giá USD tiến sát mốc 25.000 đồng làm trầm trọng hơn việc trả nợ nước ngoài của Việt Nam

0
50

RFA

Tỷ giá trần VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng trong ngày 19/10 là 24.846 VND cho một đô la Mỹ. Theo một chuyên gia  trong lĩnh vực ngân hàng, việc tỷ giá ngoại tệ tăng cao làm tăng gánh nặng trả nợ nước ngoài cho Việt Nam.

Theo mạng báo Kinh tế và Đô thị, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng 19/10 tiếp tục tăng mạnh so với phiên trước.

Lúc 9 giờ 20 phút, ngân hàng Vietcombank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 24.240 – 24.550 đồng/USD, tăng 90 đồng/USD chiều mua và tăng 320 đồng/USD chiều bán so với mức niêm yết trước

Trong khi đó trên thị trường tự do tại Hà Nội, đồng USD giao dịch (mua – bán) ở quanh mức 24.662 – 24.722 đồng/USD.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đồng sáng lập và là cựu thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho rằng, việc tăng tỷ giá ngoại tệ so với tiền đồng tác động không nhỏ đến nghĩa vụ trả nợ công cho quốc gia này. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):

Nợ nước ngoài của Việt Nam phải trả bằng USD, tính theo tiền đồng sẽ tăng lên, và điều này tăng gánh nặng cho việc trả nợ gốc và lãi của nợ quốc gia.”

Theo Tờ trình của Bộ Tài chính đến Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 3 năm nay, giai đoạn từ năm 2022 đến 2024, Chính phủ sẽ phải gánh vác nghĩa vụ trả nợ công hơn một triệu tỷ đồng.

Trên cơ sở GDP đánh giá lại, dự báo đến cuối năm 2022 nợ công chiếm khoảng 45-46% GDP, nợ Chính phủ khoảng 41-42% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với thu Ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 22-23%.

Tiến sĩ Chu Hồng Quý, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân trong tin nhắn gửi cho RFA cho rằng:

Tỷ giá USD/VND tăng sẽ làm nợ công quy ra tiền đồng sẽ lớn hơn và để bù đắp thiếu hụt. Chính phủ Việt Nam sẽ phát hành thêm tiền mặt và thực tế đã có biểu hiện việc tăng phát hành tiền mặt rồi.”

Giảng viên này nhấn mạnh, khi tiền đồng mất giá việc phát hành thêm tiền đồng sẽ đẩy thiệt hại cho toàn bộ dân chúng.

Báo điện tử Vietnamnet cho hay, kể từ đầu tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường  thêm gần 120.000 tỷ đồng để giảm lãi suất xuống còn mức 5%/năm trong những ngày gần đây.

Riêng trong phiên giao dịch ngày 12/10 để đối phó với việc khách hàng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) rút tiền ồ ạt, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hơn 25 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc tăng biên độ tỷ giá giữa USD và đồng Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gần đây và giá ngoại tệ tăng hiện nay không ảnh hưởng nhiều lên nền kinh tế trong nước.

Ông nói việc giá USD tăng cao có lợi cho xuất khẩu, khiến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh hơn nhưng hàng nhập khẩu sẽ có giá cao hơn và khó bán hơn.

Tương tự, người Việt Nam đi du lịch nước ngoài sẽ phải trả nhiều tiền đồng hơn trong khi người nước ngoài đến Việt Nam sẽ được lợi hơn. Ông A khẳng định:

Việt Nam dựa phần lớn vào xuất khẩu. Chính vì thế, về tổng thể (việc tăng tỷ giá USD/VND- PV) hiện nay không ảnh hưởng quá nhiều lên nền kinh tế Việt Nam.”

Ông Nguyễn Phạm Mười, người từng là phóng viên lâu năm của Dow Jones – một trang chuyên về kinh tế và chứng khoán của Wall Street Journal – cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ lên 5% là để thích ứng với việc đồng USD tăng giá trên thế giới.

Cho rằng Việt Nam đang kiểm soát tốt tỷ giá và lạm phát còn Ngân hàng Nhà nước đang làm những gì cần thiết để bảo vệ tiền đồng Việt Nam cùng sự ổn định kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Phạm Mười dự báo tỷ giá sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo ông, việc giữ USD không sinh lời, là giữ giá trị tài sản trong khi giữ tiền đồng mới sinh lời khi lãi suất hiện nay mà các ngân hàng thương mại đưa ra 6.6-7.5%/năm ở mức hợp lý, cao hơn lạm phát.

Ông Đỗ Thế Đăng, một doanh nhân ở Hà Nội, cho rằng, việc tăng tỷ giá ngoại tệ hiện nay có liên quan đến việc bắt giữ và điều tra một số nhân vật chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gần đây.

Ông nói, khả năng hỗ trợ cho doanh nghiệp của ngân hàng suy giảm do hệ quả của một loạt ngân hàng liên quan Vạn Thịnh Phát bị phong tỏa hoặc kiểm soát đặc biệt.

Ông nói với RFA qua tin nhắn như sau:

Việc tỷ giả USD/VND tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt khi giá cả theo đó tăng lên. Tôi tin giá USD tiếp tực tăng khi hệ thống ngân hàng Việt Nam đang bị khủng hoảng mạnh.

Bản thân gia đình tôi đã chuyển sang trữ USD thay vì giữ tiền đồng Việt Nam.”

Một nhân viên của Công ty TNHH Thương mại Izumo có trụ sở ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chuyên về vận tải xuất nhập khẩu cho phóng viên biết rằng, doanh nghiệp này tính cước vận chuyển bằng USD, do vậy, trong tuần này, các khách hàng của công ty không hài lòng khi phí vận chuyển hàng hoá tăng theo tỷ giá USD/VND.

Theo Báo Đầu Tư, trong khi hàng nhập khẩu trở lên đắt đỏ hơn và áp lực dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam thì doanh nghiệp xuất khẩu trong nước vẫn khó hưởng lợi từ việc tiền đồng mất giá.

Thị trường chủ yếu của các doanh nghiệp thuỷ sản, dệt may, nông sản… vẫn chủ yếu là các thị trường châu Âu, châu Á, Nam Mỹ … và do vậy các doanh nghiệp này đều không hưởng lợi thực sự như kỳ vọng.

Thêm nữa, cùng với sự gia tăng lạm phát trên toàn cầu, thu nhập thực tế của người dân ở các thị trường chính của hàng Việt suy giảm và kéo theo sức mua của họ cũng giảm theo.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here