Đường lưỡi bò có “phi pháp” như cách nói của VN ?

0
77
Người Việt Nam biểu tình ở TPHCM hôm 10/6/2018 phản đối dự luật đặc khu và luật An ninh mạng. AFP

Nhân Tuấn Trương

Đứng trên quan điểm của VN thì tấm bản đồ đường chữ U chín đoạn của TQ (còn gọi là đường lưỡi bò) là “phi pháp”. Bất kỳ hàng hóa, văn hóa phẩm… nhập vào VN mà trên đó (hay nội dung của nó) có in hình, hay chứa đựng dáng dấp tấm bản đồ đều bị chế tài, qua các hình thức cấm đoán, phạt vạ. Vụ phim Barbie của Warner-Bros bị cấm chiếu là sự kiện gần đây nhứt. 

Câu hỏi đặt ra là trên thế giới này có bao nhiêu quốc gia “đồng ý” với VN về chuyện “bản đồ đường lưỡi bò” của TQ là phi pháp ?  

Nếu người đặt câu hỏi là một người Phi. Câu trả lời có lẽ đại đa số các quốc gia trên thế giới này đều đồng ý rằng “bản đồ đường lưỡi bò” là “phi pháp”.

Bởi vì Phán quyết ngày 13 tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, trong vụ án Phi đơn phương kiện TQ, với nội dung “diễn giải và cách áp dụng Luật Biển”. Tòa phán rằng “yêu sách vùng biển lịch sử theo đường chữ U 9 đoạn của TQ” là không phù hợp với Luật Biển. 

Vì nội dung phán quyết có mục đích “giải thích và hướng dẫn cách áp dụng luật” do đó phán quyết cũng là “luật”. 

Vì vậy người Phi có lý khi phát biểu “đường lưỡi bò” là “phi pháp”. Có thể cả thế giới này đều đồng ý với người Phi.

Nhưng chuyện không đơn giản đối với VN. 

Nếu ta qui chiếu điều 36 Hiến chương (nội qui) của tòa Công lý Quốc tế (thuộc LHQ), hiệu lực của một phán quyết chỉ liên quan đến các phe trong vụ kiện mà thôi. 

Tức là phán quyết, trên lý thuyết, chỉ có hiệu lực đối với Phi và TQ mà thôi. (Vấn đề là TQ không nhìn nhận tính chính đáng của phiên tòa. Do đó cũng không nhìn nhận hiệu lực bản án và không thi hành phán quyết).

Tức là với tư cách của một người VN, khi phát biểu “đường lưỡi bò phi pháp”, thì điều này rất ít tính thuyết phục. 

Nếu phía TQ nại ra các bằng chứng, như Công hàm 1958 (VN nhìn nhận hải phận và chủ quyền HS và TS là của TQ) thì VN càng không có cơ hội nào thuyết phục hết cả.

VN cần phải “hóa giải” hiệu lực công hàm 1958, cũng như tìm cách làm cho “đường lưỡi bò” của TQ trở thành “phi pháp” trước dư luận quốc tế.  

VN có thể áp dụng mô thức kiện của Phi để đi kiện TQ. Vấn đề là “không ai kiện một vụ đến hai lần – non bis in idem”. Phán quyết của Tòa PCA 13-7-2016 có mục đích “giải thích và hướng dẫn cách áp dụng Luật Biển”. Không thể có hai cách giải thích về một điều luật, trong một bộ luật. Vì vậy phán quyết cũng là Luật. 

VN có nhiều cách để Phán quyết trở thành “erga omnes”, một thứ luật bắt buộc cho tất cả các quốc gia trong (và ngoài) khu vực, theo nguyên tắc “actio popularis” (mà nhiều lần đề cập tới).

Nếu không có một nền tảng pháp lý nào cả, như hiện nay, thì cách nói của VN “đường lưỡi bò phi pháp” là không thuyết phục được bao nhiêu người. 

Với cái cách hành sử áp đặt như hiện nay, sẽ không bao lâu VN trở thành “quốc gia cô lập”. Vì không ai dám “làm ăn” với VN hết cả. 

VN cấm chỉ Warner-Bros, không cho chiếu phim Barbie  thì chắc chắn Mỹ sẽ tìm cách trả đũa. Vì lịnh cấm của VN không có cơ sở pháp lý (quốc tế).

Nếu VN tẩy chay nhóm nhạc BlackPink thì chắc chắn Nam Hàn cũng tìm cách trả đũa. So sánh thử, một vé hạng nhứt để coi BlackPink trình diễn ở sân Mỹ Đình là 10 triệu đồng (trên 400 đô la).  Đây cũng là lương trung bình của công nhân VN làm việc trong các xí nghiệp có chủ là Hàn quốc. 

Đăng lại bài viết của tôi đăng trên BBC năm 2012 về vụ “bản đồ hình lưỡi bò” in trên hộ chiếu của TQ.

Biển Đông và cái bẫy hộ chiếu 

Tranh chấp biển Đông ngày càng thêm phức tạp. Thủ đoạn của Trung Quốc, một mặt dùng kinh tế để chi phối nhằm chia rẽ nội bộ các nước ASEAN, tạo ý kiến đa số cho phương thức không « quốc tế hóa » tranh chấp biển Đông, cô lập hai nước Việt Nam và Phi. Mặt khác, Trung Quốc nỗ lực thực thi quyền hành sử chủ quyền (effectivité) tại các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa đã chiếm của Việt Nam, cũng như trên vùng biển Đông, với tham vọng tạo ra một thế « đã rồi » về pháp lý cho các nước có tranh chấp trong khu vực. 

Những ngày gần đây Trung Quốc tiến thêm một bước như để khẳng định quyền tài phán của mình tại vùng biển Đông bằng cách cho in hình bản đồ chữ U chín đoạn lên hộ chiếu điện tử kiểu mới để cấp cho kiều dân của họ. Việc này gây khó xử cho các nước có tranh chấp như VN, Phi. Quyết định cho hay không cho những người mang hộ chiếu này nhập cảnh vào VN (và Phi) đều có thể tạo những hậu quả khó đoán về các mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế. 

Nguồn gốc của bản đồ chữ U chín gạch có nhiều điểm không minh bạch. Trên phương diện hành chánh và quốc tế công pháp, tháng 7 năm 2006, nhà nước Trung Quốc đã công bố, trong nước cũng như trước quốc tế,  bộ bản đồ hành chính gồm có các bản đồ sau : Trung Quốc Chính Khu 中国政区, Trung Quốc Địa Thế 中国地势, Trung Quốc Thủy Hệ 中国水系 và Trung Quốc Giao Thông 中国交通. Việc công bố này nhằm giới thiệu  cho các nước trên thế giới địa lý nhân văn, địa lý kinh tế cũng như các vùng lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc. Bản đồ « Trung Quốc Chính Khu » bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời vùng biển chung quanh được vẽ bằng chín đoạn hình chữ U. Bản đồ này cũng không quên bao gồm Đài Loan, Tây Tạng cũng như các vùng có tranh chấp với Ấn Độ vào lãnh thổ TQ. 

Sau khi bộ bản đồ công bố, hầu hết các tấm bản đồ do TQ xuất bản đều có vẽ đường chín đoạn hình chữ U, với ghi chú Hoàng Sa và Trường Sa thuộc TQ. Và cũng kể từ đó phía Trung Quốc đơn phương mở mặt trận truyền thông để tuyên truyền ra quốc tế về chủ quyền của của họ tại biển Đông. 

Trong các lớp dạy Hoa ngữ của các trường trung học hay đại học tại các nước Châu âu, bản đồ Trung Quốc Chính Khu luôn được các giáo sư người Hoa treo trong các lớp học.  

Các tài liệu nghiên cứu của các học giả TQ đều có hình bản đồ Trung Quốc Chính Khu. Sự việc gần đây, National Geographic Hoa Kỳ đã bị thuyết phục, ghi chú trên các bản đồ HS và TS thuộc TQ. Các tạp chí khoa học lừng danh quốc tế như tờ «Nature », « Science »… đã công bố bài của học giả TQ có đính kèm tấm bản đồ Trung Quốc Chính Khu mặc dầu các tấm bản đồ này không liên quan gì đến chủ đề nghiên cứu… Các sự việc này đã tạo ra một cuộc tranh cãi giữa các học giả VN và các tạp chí quốc tế liên hệ. Rốt cục tính hợp lý của khoa học được thiết lập vì một tạp chí khoa học, hay một cơ quan địa dư quốc tế, không thể đăng các dữ kiện nặng về tuyên truyền, hay các dữ kiện khoa học không kiểm chứng.

Nhưng hình như dư luận quốc tế chỉ biết đến tấm bản đồ chín đoạn chữ U của Trung Quốc qua công hàm phản đối các hồ sơ « Thềm lục địa mở rộng » của Việt Nam và Mã Lai tháng 5 năm 2009.

hình bản đồ « Trung Quốc Chính Khu » trên hộ chiếu điện tử

Việc cho in hình bản đồ « Trung Quốc Chính Khu » trên hộ chiếu điện tử cũng nằm trong chiến dịch tuyên truyền, nhưng tầm lợi hại của nó về mặt pháp lý không thể xem thường. 

Tin tức từ BBC, Giáo sư môn quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân, ông Thời  n Hoằng, cho rằng quyết định in hình bản đồ này là do lãnh đạo cấp bộ đưa ra, chứ “không phải từ cấp lãnh đạo cao nhất”. 

Trên quan điểm quốc tế công pháp, các bộ Nội Vụ (hay bộ Công An), bộ Ngoại giao là cơ quan có đủ thẩm quyền về các vấn đề thuộc về chiếu khán và kiều dân. Nhận định của GS Thời sẽ là không hợp cách nếu nhận định trên có ý nghĩa : vì hộ chiếu này do cấp bộ đưa ra (chứ không phải do lãnh đạo cấp cao) nên không có giá trị pháp lý.   

Điều cần phải xem xét là hình thức của tấm bản đồ in trên hộ chiếu của Trung Quốc có được xem như là một « tuyên bố đơn phương » về lãnh thổ của nước này hay không ? Việc này sẽ đặt lại vấn đề, nếu các nước khác đóng dấu cho nhập cảnh một cách bình thường như không có việc gì xảy ra đối với các công dân TQ mang hộ chiếu này, có thể suy diễn rằng các nước đó mặc nhiên chấp nhận « tuyên bố đơn phương » này của TQ hay không ?

Phía VN, bộ Ngoại giao gởi công hàm phản đối và yêu cầu phía TQ thâu hồi các hộ chiếu này.

Nhưng phản ứng của phía Ấn Độ thì dữ dội « miếng trả miếng », cho đóng dấu in hình bản đồ Ấn Độ lên các tấm hộ chiếu này, trong đó các vùng tranh chấp thì thuộc về Ấn Độ.

Mới đây, tin tức trong nước đăng từ BBC cho biết, để trả đũa, các đồn công an biên phòng VN tại Lào Cai và Móng Cái đóng dấu « hủy » trên các hộ chiếu này. 

Trên phương diện công pháp quốc tế, nếu hành vi này đến từ quyết định cá nhân của các viên chức địa phương thì sẽ không có giá trị pháp lý. (Nhưng các hành động đơn phương của cá nhân có thể đưa đến các trục trặc ngoại giao hay các phản ứng trả đũa về kinh tế, chính trị, thậm chí xung đột quân sự mà phía VN không có phương cách hữu hiệu chống trả lại.) 

Tuy vậy, các hành vi thể hiện việc « hành sử quyền chủ quyền » của TQ có thể nhắm đến 2 điều :

1/ chuẩn bị hồ sơ pháp lý cho một phiên tòa (hay trọng tài) phân xử trong tương lai và

2/ tạo một cái bẫy đển các nước liên quan (VN và Phi) nhìn nhận có tranh chấp tại các khu vực không có tranh chấp. 

Điểm 1, trong các vụ tranh chấp lãnh thổ, hành vi hành sử chủ quyền của quốc gia luôn là một bằng chứng thuyết phục nhứt chứng minh quốc gia này có chủ quyền tại vùng lãnh thổ đó. 

Trong vụ án xử tranh chấp giữa Mã Lai và Singapour về chủ quyền đảo Pedra Branca, Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) ngày 23-5-2008 là một bản án mẫu để so sánh giá trị pháp lý của « danh nghĩa chủ quyền lịch sử » với « hành vi hành sử chủ quyền » tại một vùng lãnh thổ. 

Mã Lai đã chứng minh, và được Tòa nhìn nhận, nước này có danh nghĩa chủ quyền lịch sử tại các đảo tranh chấp. Nhưng yếu tố đã khiến Mã Lai bị mất chủ quyền lịch sử là trong một thời gian dài, Mã Lai (và các quốc gia tiền nhiệm) đã im lặng trước những hành vi thể hiện quyền tài phán của Singapour tại đảo tranh chấp. Mặt khác, tấm « công hàm » viết năm 1953 của bộ trưởng ngoại giao lâm thời của vương quốc Johor (nhà nước tiền nhiệm của Mã Lai) đã phủ nhận chủ quyền của tiểu quốc Johor tại đảo Pedra Branca. 

Tòa quyết định Singapour tạo được danh nghĩa chủ quyền tại đảo Pedra Branca do việc chiếm hữu hòa bình và lâu dài trên lãnh thổ này (effectivité) cũng như thái độ đồng thuận (acquiescement) của Mã Lai. 

Điểm hai, phía TQ có lẽ tạo ra một hỏa mù chung quanh ý nghĩa của tấm bản đồ chữ U chín gạch để biến có tranh chấp một vùng biển không tranh chấp.

Hiện nay, tùy thời kỳ và tùy lúc,  phía TQ đã viện các lý lẽ như sau để chứng minh quyền chủ quyền của họ :  1/ vùng biển giới hạn bởi bản đồ 9 gạch chữ U là vùng « biển lịch sử », 2/ TQ có chủ quyền các đảo HS và TS và vùng nước chung quanh, và 3/ TQ có « quyền lịch sử » trong vùng biển giới hạn vẽ trên tấm bản đồ. 

Về giá trị pháp lý, theo tập quán quốc tế, các bản đồ, như bản đồ chữ U chín đoạn, tự nó không có giá trị pháp lý. 

Vụ tranh chấp Burkina-Faso – Mali  được đưa ra Tòa CIJ ngày 22-12-1986, Tòa cho rằng « Trong vấn đề phân định biên giới hay tranh chấp lãnh thổ quốc tế, các tấm bản đồ chỉ đơn giản là các dữ kiện, với ít nhiều chính xác tùy theo trường hợp. Chúng không bao giờ, chỉ qua chúng và bằng sự hiện hữu của chúng, mà tạo ra một danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ, tức là một tài liệu theo đó Công pháp quốc tế ban cho một giá trị pháp lý tự tại nhằm để thiết lập những quyền hạn về lãnh thổ ». 

Vì vậy tranh luận về giá trị « bản đồ » với TQ là sai lầm.

Nhưng ta không thể loại bỏ trường hợp, nếu một tấm bản đồ vẽ sai, nhưng đã được in đi in lại nhiều lần, kể cả do bên liên quan in ra, thì nó có thể được xem như là sự đồng thuận (acquiescement) của bên liên quan kia về nội dung của tấm bản đồ đó. Vụ xử của CIJ về tranh chấp Thái-Miên về ngôi đền Preah Vihear cho ta kinh nghiệm này.

Chủ ý của hộ chiếu cũng nhắm vào việc này.

Yếu tố 1, vùng « biển lịch sử », phía TQ không thuyết phục được vì luật quốc tế không có qui định về « biển lịch sử ».

Yếu tố 2, phía TQ cần chứng minh các đảo thuộc HS và TS thuộc chủ quyền của TQ mà việc này không dễ dàng vì phải đối phó với hồ sơ vững chắc của phía VN. Ngoài ra còn phải thuyết phục các nước trong khu vực về hiệu quả 200 hải lý ZEE dành cho các đảo thuộc HS và TS.

Yếu tố 3, hiện nay TQ vịn vào « quyền lịch sử » để đòi chủ quyền vùng biển Đông và các đảo Điếu Ngư. Dư luận quốc tế hiện nay phê phán « quyền lịch sử – droit historique » của TQ đang thách thức « luật quốc tế – droit international ». 

Công pháp quốc tế không nhìn nhận « quyền lịch sử ».

Vì vậy chủ ý các việc tạo căng thẳng của TQ trong những năm tháng gần đây là tạo một ấn tượng « có tranh chấp » ở một vùng « không tranh chấp », như bãi Tư Chính của VN. 

Vụ xử tranh chấp Ấn Độ và Pakistan về khu vực Rann Of Kutch cho ta thấy lợi hại của lập trường các phía về vùng tranh chấp. Phía Ấn cho rằng không hề có tranh chấp ở khu vực Rann Of Kutch, trong khi phía Pakistan đòi phân nửa vùng này. Kết quả phân xử, Ấn được 90% vùng tranh chấp. Phía Ấn có đầy đủ hồ sơ chứng minh chủ quyền, nhưng nếu hồ sơ nước này khai rằng « có tranh chấp ở vùng Rann Of Kutch » thì kết quả sẽ chưa chắc là như vậy. 

Các kế sách Tôn Tử, Ngô Tử… cho thấy nghệ thuật dùng mưu của người Hoa. Nhiều lãnh đạo (trước kia) và học giả (hiện nay) của VN đã sụp vào bẫy này. Đến nay người viết này vẫn không hiểu lý do nào, lãnh đạo VN, cũng như các học giả VN, cho rằng có tranh chấp tại vùng biển Trường Sa ? 

Học giả  VN muốn chia đôi với TQ khu vực này thì tiếp tục tuyên bố như vậy. TQ sẽ rất mang ơn.

Tham khảo : https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2012/11/121127_biendong_bayhochieu

https://www.facebook.com/nhantuan.truong/posts/pfbid02WHBLyrAqCtVpF9PcYGdxzk3hsM2cF6Krx4pWaSb2PZPGtcqFcARXWMXjypP7Zj5gl

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here