Kính Hòa, phóng viên RFA
2017-07-11
Ngày 28 tháng sáu năm 2017, Thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường Nguyễn Linh Ngọc ký giấy phép cho công ty điện lực Vĩnh Tân 1 tại Bình Thuận đổ một triệu mét khối bùn nạo vét ở cảng gần đó xuống vùng biển gần khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Ngày 10 tháng 7, năm 2017, Tổng công ty điện lực Việt Nam lại xin phép đổ thêm 2,4 triệu mét khổi bùn thải xuống khu vực này.
Ngay sau khi có tin về giấy phép của Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện một trang Fan Page có tên Phản đối xả bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận.
Người thành lập và điều hành trang Fan page này là Tiến sĩ công nghệ thông tin Phan Hữu Trọng Hiền, hiện sống và làm việc tại thành phố Melbourne, Australia.
Tiến sĩ Trọng Hiền cho Kính Hòa đài RFA buổi trao đổi sau đây về việc thành lập trang Fan Page của ông.
Tiến sĩ Phan Hữu Trọng Hiền: Tôi là một người sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết, Bình Thuận. Mặc dù tôi không còn ở Việt Nam nữa, nhưng lúc nào cũng quan tâm đến chuyện quê nhà mình. Khi biết chuyện Bộ tài nguyên môi trường cho phép xả một triệu mét khối bùn nạo vét xuống biển Tuy Phong Bình Thuận, và cái nguy cơ quá lớn có thể tiêu diệt một vùng môi sinh rộng lớn ở Bình Thuận, mà giấy phép (xả thải) đã có rồi, nên đó là một chuyện vô cùng tồi tệ mà mình phải có một tiếng nói, giúp mọi người có thông tin nhiều hơn, hy vọng ngăn chận được việc này. Cho nên tôi đã lập một page tren Facebook mang tên Phản đối xả bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận, là nơi phản biện cho nhiều người cùng tham gia. Vì là thời gian đầu nên tôi cũng phải trả cho một số chi phí để mà tài trợ cho page để nhiều người biết đến. Mà chuyện này cũng đáng thôi.
Chuyện này rất là cấp bách rồi, họ cho thải từ đây đến tháng 10, mình phải làm càng nhanh càng tốt, đó là lý do cho ra đời page này.
Kính Hòa: Ông tổ chức hoạt động như thế nào?
Tiến sĩ Phan Hữu Trọng Hiền: Tôi đang đi làm, có hai người bạn phụ trợ trong thời gian tôi đi làm, không có thời gian quản lý. Nhưng tôi viết nội dung chính cho page, và quản lý nó. Qua khoảng một tuần thì hiện nay có khoảng 7000 người theo dõi và like, chưa kể số lượng share rất là lớn.
Kính Hòa: Chi phí mấy chục đô la một ngày là để làm gì?
Tiến sĩ Phan Hữu Trọng Hiền: Page của mình có lượng like nhiều thế nào đi nữa, nhưng nó cũng bị giới hạn việc truyền đến bạn đọc trên Facebook. Để cho bài viết của mình xuất hiện trên tường của những người quan tâm, thì Facebook yêu cầu chủ trang page đó trả một số tiền gọi là tiền tài trợ, cho nên là vào lúc quá cấp bách này tôi phải bỏ ra một số tiền tài trợ để cho bài viết trên page xuất hiện nhiều trên tường của những người quan tâm, những người dân địa phương, mỗi ngày vài chục đô chi phí cho chuyện đó.
Kính Hòa: Hiện nay những quan chức của Bộ tài nguyên môi trường, của tỉnh Bình Thuận có sự phản hồi về sự xuất hiện của trang này không?
Những nhà đầu tư mà cụ thể là công ty điện lực Vĩnh Tân 1, hoàn toàn có khả năng lách luật bằng cách đưa ra bản đánh giá tác động môi trường cho chính công ty này soạn thảo.
-Tiến sĩ Phan Hữu Trọng Hiền
Tiến sĩ Phan Hữu Trọng Hiền: Tôi không biết, không có thông tin để nhận biết họ phản hồi như thế nào. Nhưng tác động của page rất khả quan, hiện nay, hàng ngày lượng người bình luận trên page rất là rộng lớn, nhất là dân địa phương rất quan tâm và ủng hộ page. Đó là điều khả quan mà page hướng tới.
Tôi cũng nghĩ rằng những quan chức Bộ tài nguyên môi trường, của Bình Thuận chắc chắn biết được sự tồn tại của Page, và theo dõi page này. Tôi cũng hy vọng là khi theo dõi page thì họ sẽ hiểu người dân muốn gì, để họ thay đổi quyết định, ra những quyết định hợp lòng dân, chặn được thảm họa này cho môi sinh hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, cho tương lai gần, tương lai xa sắp tới.
Kính Hòa: Nhưng cách đây một hai ngày, ông có bình luận một câu khá là bi quan về việc khả năng có thể làm thay đổi quyết định của các quan chức.
Tiến sĩ Phan Hữu Trọng Hiền: Tôi thì tôi thấy khả năng ngăn chận phải nói là không cao.
Thật là buồn vì bản thôi tôi thú nhận là không cao. Bởi vì các văn bản pháp luật như vậy, giấy phép xả thải của Bộ tài nguyên môi trường, có tác dụng rất lớn, ngay cả nếu phía tỉnh Bình Thuận muốn ngăn chận thì cũng khó. Những nhà đầu tư mà cụ thể là công ty điện lực Vĩnh Tân 1, hoàn toàn có khả năng lách luật bằng cách đưa ra bản đánh giá tác động môi trường cho chính công ty này soạn thảo.
Nếu như bên Bộ tài nguyên môi trường không công khai tất cả những văn bản, họp hành, văn bản đánh giá tác động môi trường, thì họ có thể nói bừa rằng đó là quyết định của 22 người chuyên gia hội đồng, mà mọi người không biết 22 người đó là ai, và nhân tố nào làm họ cho phép điều đó.
Nhưng văn bản cho phép xả thải đó, về mặt pháp luật, thực ra rất là mạnh. Phía tỉnh có muốn ngăn chận cũng bị giới hạn bởi qui định pháp luật. Mà ở Bình Thuận thì có đến bốn nhà máy nhiệt điện, mà việc nạo vét xả thải, việc đặt các nhà máy nhiệt điện ở đó đều nằm trong qui hoạch. Cho nên là mặc dù tôi có cho ra page như vậy, nhưng nhìn ở viễn cảnh rộng lớn hơn, khả năng ngăn chận là không cao, tôi rất buồn phải thú nhận như vậy.
Kính Hòa: Giả sử chúng ta có thể ngăn chận việc xả thải vào lúc này, nhưng việc hình thành một loạt nhà máy nhiệt điện như vậy, theo ông là có cần chặn nó không vì nó vẫn sẽ là nguồn xả thải?
Tiến Sĩ Phan Hữu Trọng Hiền: Chính xác. Nguyên nhân sâu xa là nhà máy nhiệt điện đặt tại Bình Thuận.
Đó là điều rất nghịch lý. Bình Thuận hoàn toàn không có than đá. Mà họ lại đem về bốn nhà máy như vậy và đặt cạnh bờ biển.
Những người đó đã sai lầm. Trong ý tưởng của họ là họ thải tất cả ra biển, từ nạo vét, làm cảng đến vận chuyển. Tất cả đều tiêu diệt môi trường.
Cái việc xả một triệu mét khối lần này là hệ quả của việc sai lầm đặt nhà máy nhiệt điện sát bờ biển trước đó. Việc đặt nhà máy điện như vậy cũng đồng nghĩa với việc hy sinh môi trường của một vùng kinh tế lớn của cả nước và Bình Thuận, để chấp nhận sự tồn tại của những nhà máy này.
Cá nhân tôi nhận thấy định mệnh của thảm họa môi trường tại Bình Thuận Ninh Thuận đã xuất hiện từ khi có những nhà máy nhiệt điện đặt tại Tuy Phong Bình Thuận.
Kính Hòa: Rất cám ơn ông và chúc page chống xả thải xuống biển Bình Thuận nhận được sự quan tâm của nhiều người và đánh động tới các gioi chức chính quyền.
Sau khi thực hiện cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Phan Hữu Trọng Hiền, chúng tôi nhận được thông tin rằng trong ngày 11 tháng bảy, năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Hai Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã gửi một công văn hỏa tốc đến Bộ tài nguyên môi trường.
Công văn này kiến nghị Bộ tài nguyên môi trường thu thập các thông tin về vùng biển Hòn Cau gần nơi xả thải trước khi bắt đầu nhận chìm bùn nạo vét, và sau đó phải theo dõi hoạt động nhận chìm bùn thải này.
Không thấy tỉnh Bình Thuận phản đối chuyện nhận chìm bùn thải tại vùng biển Tuy Phong Bình Thuận.