Đức trục xuất tùy viên tình báo Việt Nam và yêu cầu trả Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức

0
86
Toàn văn tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Đức:

Dân Luận chuyển ngữ

Chính phủ Đức buộc tội các cơ quan tình báo của Việt Nam hôm thứ Tư đã tham gia vào vụ bắt cóc một cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam tại Berlin, và yêu cầu tùy viên tình báo Việt Nam tại Đức phải rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ.

Trịnh Xuân Thành, 51 tuổi, đã mất tích tại Việt Nam hồi tháng 7 năm ngoái sau khi bị buộc tội quản lý kém tại một công ty con của tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam, dẫn đến thiệt hại khoảng 150 triệu USD. Cảnh sát Việt Nam đã đưa ra lệnh truy nã vào tháng Chín.

Tuần này, các nhà chức trách Việt Nam cho biết ông đã ra đầu thú ở Việt Nam hôm thứ Hai.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Đức tin rằng ông đã bị bắt cóc ở Berlin vào ngày 23 tháng 7. Họ nói rằng ông đã xin tị nạn ở Đức – hồ sơ vẫn chưa được xử lý – và các nhà chức trách Việt Nam đã tìm cách bắt cóc ông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer nói với các phóng viên: “Không còn nghi ngờ gì nữa về sự tham gia của các cơ quan tình báo Việt Nam và đại sứ quán… trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam tại Berlin”.

Vụ bắt cóc, ông nói, “là một vi phạm chưa từng có và thô bạo đối với luật pháp Đức và quốc tế” và “có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ [Đức – Việt] một cách khủng khiếp”.

Bộ Ngoại Giao Đức đã triệu tập đại sứ Việt Nam vào thứ Ba và được cho biết rằng Đức yêu cầu trả Trịnh Xuân Thanh lại cho Đức để các thủ tục xin tị nạn và dẫn độ có thể được thực hiện đúng quy trình.

Schaefer cho biết, các quan chức Đức và Việt Nam đã gặp mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 7-8 tháng 7 để thảo luận về mong muốn của Hà Nội rằng Thanh bị dẫn độ.

Đức cũng tuyên bố rằng viên chức tình báo tại đại sứ quán của Việt Nam không được hoan nghênh tại Đức và yêu cầu ông ra đi trong vòng 48 giờ, Schaefer nói.

Ông nói thêm: “Chúng tôi giữ quyền ra thêm trừng phạt cần thiết ở cấp độ chính sách chính trị, kinh tế và phát triển”.

Các công tố viên ở Berlin cho biết họ không thể bình luận về vụ việc ngoài việc khẳng định rằng có một cuộc điều tra. Các cuộc gọi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Béclin đã không được trả lời.

Ông Thanh là Chủ tịch Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Dầu khí Việt Nam đến năm 2013 khi ông được bổ nhiệm vào một số vị trí cấp cao của chính phủ, trong đó có Phó chủ tịch Hậu Giang ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ông được bầu vào Quốc hội tháng 5 năm 2016, nhưng đã bị miễn nhiệm khỏi cơ quan lập pháp nước này sau đó một tháng ngay trước kỳ họp quốc hội đầu tiên.

Đảng Cộng sản và chính phủ cầm quyền đã đẩy mạnh hoạt động chống tham nhũng trong vài năm qua.

… Bên cạnh đó, một điều chắc chắn là, công an Việt Nam không bao giờ chọn phương án “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh trên nước Đức. Nếu bị lộ ra thì hậu quả là khôn lường, nó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an Việt Nam, mà nguy hiểm hơn chính là ảnh hưởng đến uy tín của cả một quốc gia…

Lời bình trên trang Trần Đại Quang, bảo vệ quan điểm không có chuyện công an Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Toàn văn tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Đức:

“Sau khi có những bằng chứng ngày càng rõ ràng và không còn cơ sở để nghi ngờ gì về sự liên quan của các cơ quan của Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam ở Berlin, Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, ngày hôm qua đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Đức.

Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là hành động vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có.

Vụ việc đã được phát giác nhờ sự nhanh nhạy của các cơ quan thực thi pháp luật của Đức. Giới chức thực thi luật pháp Đức nay cũng đang tiến hành điều tra.
Vụ việc như thế này có thể ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng tới quan hệ giữa Đức và nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc này cũng phá vỡ lòng tin một cách nghiêm trọng – bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, các đại diện cao cấp của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhắc lại yêu cầu dẫn độ công dân Việt Nam này từ Đức về Việt Nam.

Quốc vụ Khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer ngày hôm qua đã nói rất rõ quan điểm của Chính phủ Đức trong vấn đề này với Đại sứ Việt Nam. Ông cũng nêu rất rõ ràng với Đại sứ rằng Chính phủ Liên bang Đức đòi phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ yêu cầu dẫn độ và đơn xin tỵ nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý.

Do hệ quả của vụ việc hoàn toàn không chấp nhận được này, viên chức đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non grata) và có 48 tiếng để rời khỏi Đức.

Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các hành động khác ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển.”

Nguồn: BBC Việt Ngữ

____________________

Luật sư Lê Công Định: Persona non grata

Sử dụng thuật ngữ la-tinh “persona non grata” là cách biểu hiện phản ứng mạnh mẽ trong ngoại giao quốc tế. Nó có nghĩa là “người không được chào đón”, một quy chế do ngành hành pháp của nước chủ nhà áp dụng khi trục xuất một viên chức ngoại giao của nước khác.

Điều 9, Mục 1 của Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao quy định: “Quốc gia tiếp nhận [viên chức ngoại giao] có thể vào bất kỳ lúc nào và không cần giải thích quyết định của mình, thông báo cho quốc gia gửi [viên chức ngoại giao] rằng người đứng đầu hoặc bất kỳ viên chức nào thuộc ngoại giao đoàn là persona non grata, hoặc rằng bất kỳ viên chức nào thuộc ngoại giao đoàn là không thể chấp nhận được.”

Tuyên bố persona non grata được đưa ra khi có bằng chứng viên chức ngoại giao đó vi phạm luật pháp nước sở tại và/hoặc luật pháp quốc tế.

Cuối năm ngoái Chính phủ Mỹ đã trục xuất 35 viên chức ngoại giao Nga do tình nghi liên quan đến sự việc Nga bị cáo buộc can dự vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Việc trục xuất đó cũng dựa trên sự áp dụng quy chế persona non grata.

Chính phủ Đức vừa ra tuyên bố đặt viên tình báo tại Toà đại sứ Việt Nam ở Đức trong tình trạng persona non grata và ra lệnh trục xuất người này khỏi lãnh thổ Đức trong vòng 48 giờ.

Thông thường quốc gia có viên chức ngoại giao bị trục xuất sẽ trả đũa bằng cách trục xuất lại một viên chức ngoại giao nước kia. Không biết trong trường hợp hiện tại nhà cầm quyền Việt Nam sẽ trả đũa ngoại giao ra sao đối với Đức?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here