BBC
Đồng Tâm trở thành cái tên nhiều người biết tới từ tháng Tư 2017 sau sự kiện người dân phong tỏa thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức) bắt giữ 38 cán bộ, công an.
Nhưng những mẫu thuẫn tranh chấp tại mảnh đất nhỏ ngoại ô Hà Nội này đã xuất phát từ hàng chục năm trước.
Chủ tịch Chung ‘mong Đồng Tâm chấp hành’
Nhìn lại vụ Đồng Tâm – vì đâu nên nỗi?
Quy hoạch quốc phòng
Ông Lê Đình Kình, cựu chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, cho BBC biết vào đầu thập niên 1980, toàn bộ khu đất nông nghiệp Đồng Sênh được đưa vào quy hoạch dự án quốc phòng.
Ngày 10/11/1981, theo Quyết định 386 QĐ/UB, UBND tỉnh Hà Sơn Bình (tên cũ) tiến hành giao đất giai đoạn I, thu hồi khu đất 47,36 ha thuộc phía đông Đồng Sênh. Đổi lại, Hợp tác xã Đồng Tâm được đền bù 150.312,00 đồng.
Cũng theo ông Lê Đình Kình, sau Đại hội 10, năm 2006, dự án Sân bay Miếu Môn là “không khả thi” và là một “dự án treo”.
Tuy nhiên khu đất 47,36ha đã thu hồi đền bù năm 1981 rồi nên được xem là đất quốc phòng, thuộc quản lý của Bộ Tư lệnh công binh, và sau này thuộc Lữ Đoàn 28, Quân chủng phòng không không quân.
Chỉ có 14 hộ dân có hợp đồng canh tác trên khu đất này để nộp tô lợi hàng năm cho lữ đoàn.
Tranh cãi về đất nông nghiệp – quốc phòng
Khu đất phía tây của Đồng Sênh, theo ông Lê Đình Kình, tuy nằm trong diện quy hoạch nhưng từ năm 1981 đến nay chưa có quyết định thu hồi, đền bù nên người dân vẫn tiếp tục canh tác, nuôi trồng, và coi đây vẫn là đất nông nghiệp ‘nằm trong quy hoạch quốc phòng’.
Quan điểm này cũng được đại diện Lữ đoàn 28 chia sẻ.
“Phần đất thuộc dự án còn lại người dân tiếp tục canh tác cho đến khi có quyết định thu hồi giai đoạn II. Khi đó người dân sẽ có giấy tờ tường trình, giải phóng mặt bằng, đền bù theo chính sách luật đất đai năm 2003,” ông Kình dẫn lời Lữ phó Nguyễn Văn Liêm nói hôm 30/7/2007.
Ngày 20/10/2014, UBND TP Hà Nội ra Quyết định 5383 “bàn giao 2.367.562,3m2” (tức khoảng 236 ha) cho Quân chủng Phòng không Không quân.
Quyết định này không nêu rõ trong số 236 ha này, phần nào thuộc Đồng Sênh, phần nào thuộc đất của huyện Chương Mỹ kế bên.
Tuy nhiên, người dân Đồng Tâm cho rằng quyết định bàn giao nói trên không nhắc tới việc “thu hồi và đền bù” như Quyết định 386 năm 1981, và giới chức chưa hề thực hiện việc đền bù theo luật đất đai, cho nên nó không làm thay đổi nguyên trạng đất Đồng Sênh.
Do vậy, đông Đồng Sênh vẫn là đất quốc phòng Lữ đoàn 28 ký hợp đồng cho dân canh tác, còn tây Đồng Sênh tiếp tục là đất nông nghiệp người dân Đồng Tâm tự do canh tác.”
Từ sân bay Miếu Môn đến Viettel
Truyền thông trong nước cũng đề cập đến dự án sân bay Miếu Môn, nhưng không nói rõ dự án đang tạm ngưng hay đã dừng vĩnh viễn.
Ngày 27/3/2015, Bộ Tham mưu ra Quyết định 551 thu hồi 50,03 ha do QCPKKQ quản lý.
Báo VnExpress ngày 18/04/2017 cho biết:
“Bộ Quốc phòng đã thu hồi 50,03 ha đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không không quân đang quản lý, sử dụng để giao cho Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel tiếp nhận quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó bao gồm 46 ha thuộc xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).”
VnExpress đăng kèm một bản đồ rộng về “Khu vực xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức trên bản đồ”, không có sơ đồ địa hình chi tiết về miếng đất dành cho Viettel này.
Theo ông Lê Đình Kình, khu đất được nhắc tới trong Quyết định 551 chính là khu phía đông Đồng Sênh, nơi đã được thu hồi, đền bù từ 1981 nên người dân không phản đối quyết định thu hồi.
Tuy nhiên, cũng theo ông, lúc đó “bên giao không giao, bên nhận không nhận, nên mới xảy ra thêm mâu thuẫn đất đai.”
Theo ông Lê Đình Kình, đến ngày 14/11/2016, UBND huyện Mỹ Đức căng dây “màu trắng hồng” khắp khu vực tây Đồng Sênh, “san gạt một số mặt bằng và cắm biển ‘Vùng cấm – Khu vực quân sự'”.
Vì luôn coi khu tây Đồng Sênh là vùng đất nông nghiệp, chưa bị thu hồi, đền bù để làm đất quốc phòng cho nên “Người dân Đồng Tâm vào tìm hiểu và bức xúc với việc làm UBND huyện Mỹ Đức và cho rằng Ủy ban đã không làm đúng Luật đất đai,” ông Kình thuật lại.
“Sau đó Ủy ban huy động 600 lực lượng công an, cảnh sát an ninh dân phòng, xe vòi rồng, xe cứu thương đến khu vực tranh chấp,” ông Kình cho BBC biết.
Theo báo Tuổi Trẻ đăng ngày 18/4:
“Giữa tháng 2/2017, khi Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel tổ chức triển khai việc thi công dự án A1 thì số công dân khiếu kiện tại địa bàn tổ chức nhiều hoạt động gây mất an ninh tại địa bàn và khu vực đất quốc phòng trên, với tính chất phức tạp ngày càng tăng.
Liên tiếp nhiều ngày trong tháng 2-2017, số công dân khiếu kiện đã vận động người dân trên địa bàn tổ chức ngăn cản các đơn vị Quốc phòng cắm biển, chăng dây xác định mốc giới diện tích đất Quốc phòng; tự ý thu giữ số dây phản quang và nhổ biển báo “Khu vực quân sự” tại khu vực này; đưa máy móc (4 máy cày, 1 máy xúc), thiết bị, vật tư nông nghiệp vào khu vực đang thi công để canh tác”
Chính quyền TP Hà Nội định kết luận thế nào?
Vụ việc mâu thuẫn tranh chấp bất đồng leo thang đến tháng 4/2017 khi việc bắt ông Lê Đình Kình và một số người dân Đồng Tâm dẫn đến xung đột, và bắt giữ 38 cán bộ, công an gần một tuần liền.
Ngày 7/7, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị thông qua dự thảo kết luận thanh tra liên quan diện tích đất khu Sân bay Miếu Môn thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Cuộc họp có mặt ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố.
Tại buổi công bố, theo trang thông tin điện tử Hà Nội, thanh tra thành phố đã trả lời ba nội dung kiến nghị của cụ Lê Đình Kình và một số công dân xã Đồng Tâm:
- Không có diện tích 59ha đất nông nghiệp xứ Đồng Sênh như công dân nêu, diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,11ha, là đất quốc phòng;
- Đề nghị trả tiền bồi thường về đất khi giải phóng mặt bằng khu đất 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng cho nhân dân xã là không có cơ sở;
- Diện tích 28,7ha chênh lệch giữa Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 của UBND Thành phố với Quyết định số 113/TTg ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ (theo kết quả đo đạc ngày 21/6/2017 là 28,9ha) chính là diện tích 31,9ha bị ảnh hưởng của thi công thuộc địa giới hành chính huyện Chương Mỹ nằm trong quy hoạch giai đoạn 2 sân bay Miếu Môn do Nông trường quốc doanh Lương Mỹ đã bàn giao cho Bộ Tư lệnh công binh sau khi trừ đường giao thông 2,5ha và sai số do đo đạc 0,5ha.
Phó chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy dẫn lại các quyết định năm 1980, 1981, và 2014, theo đó, mốc giới sân bay Miếu Môn “được giới hạn bởi các mốc giới bê tông cốt thép được cắm trên thực địa còn nguyên, là đất quốc phòng, do các đơn vị quốc phòng quản lý và sử dụng, có diện tích 236,9ha, tăng 28,9ha so với diện tích ghi trong Quyết định số 113/TTg ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ”.
Ông Huy giải thích: “Trong diện tích 236,9ha có 64,11ha đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm (giảm 0,55ha so với diện tích đất 3 đơn vị đã bàn giao cho Bộ Tư lệnh công binh trước đây do sai số đo đạc).”
Theo Quyết định số 386-QĐ/UB ngày 10/11/1981 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình, Bộ Tư lệnh Công binh đã nhận bàn giao, đền bù 236,9 ha đất, trong đó có 64,66 ha đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm do ba đơn vị bàn giao (Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm 14,36 ha, Xí nghiệp Vôi đá Miếu Môn 3 ha và Nông trường quốc doanh Lương Mỹ 14,3 ha).
Cũng trong buổi công bố, ông Nguyễn Đức Chung được dẫn lời theo đó xác nhận tổng diện tích đất quốc phòng ở Đồng Sênh 64,66 ha.
“Vấn đề thứ hai mà các bác đang khúc mắc là bây giờ đất Đồng Tâm này là 96ha, 106ha nhưng mà tài liệu đến hiện nay đất thuộc Sân bay Miếu Môn thuộc địa phận xã Đồng Tâm từ trước đến nay thu hồi chỉ có 64,66ha thôi,” ông Chung dẫn kết quả thanh tra.
“Đất của khu Đồng Sênh cộng tất tần tật lại đất nông nghiệp mà thu cho Sân bay Miếu Môn giao cho quân đội quản lý chỉ có hơn 64ha thôi chứ không 96 hay 106 như các cụ nói. Đây là một trong những lý do tạo ra và tôi cho là có một sự gian dối để kích động người dân, kích cái lòng tham của các cụ lên.”
‘Người dân chưa thông’
Tuy nhiên, ông Lê Đình Kình cho rằng trong tổng phần diện tích đất quốc phòng hơn 64 ha được nhắc tới trong dự thảo kết luận thanh tra, chỉ có 47,36 ha là thuộc về xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức mà thôi, và đó chính là phần đất thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm.
Ông cũng khẳng định rằng phần đất của hai nơi còn lại, gồm Xí nghiệp Vôi đá Miếu Môn và Nông trường Lương Mỹ, đều nằm ngoài huyện Mỹ Đức.
Ý kiến của ông Lê Đình Kình cũng được ông Đào Xuân Hà Phó Ban Tuyên giáo huyện Chương Mỹ xác nhận.
Xí nghiệp vôi đá Miếu Môn và Nông trường Lương Mỹ đều “ở Chương Mỹ cả”, và không hề có sự thay đổi gì trong địa giới hành chính của huyện Chương Mỹ từ năm 1980 đến nay, ông Hà nói với BBC hôm 12/7.
Về phần đất thuộc Hợp tác xã Đồng Tâm, BBC không có điều kiện trực tiếp xem bản dự thảo để biết chính xác phần đất thuộc dự án Sân bay Miếu Môn mà thanh tra nhắc tới nằm ở đâu trên Đồng Sênh.
Theo những hình ảnh được thể hiện trên bản đồ của Google Map thì một phần của sân bay Miếu Môn nằm trên khu đất phía đông của Đồng Sênh.
Tuy nhiên, cụ Lê Đình Kình nói với BBC rằng khu vực được (thanh tra) chăng dây, khoanh vùng cắm biển cấm chính là khu tây Đồng Sênh, chứ không phải khu đông Đồng Sênh vốn đã được thu hồi, đền bù và trở thành đất quốc phòng từ 1981.
Có lẽ đây là khúc mắc lớn nhất giữa người dân với chính quyền từ nhiều năm nay, dù khu đất phía tây Đồng Sênh đã nằm trong ‘quy hoạch quốc phòng’ từ 1981, nhưng chưa có quyết định thu hồi đền bù, thì họ cho đó vẫn là đất nông nghiệp.
Hôm 11/7 VKSND huyện Mỹ Đức ra quyết định truy tố 14 cán bộ lãnh đạo cấp xã và huyện liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai ở Đồng Tâm.
Hiện truyền thông trong nước đưa tin phiên tòa xét xử 14 người này sẽ diễn ra trong tháng Bảy, nhưng chưa rõ ngày giờ.
Vụ việc tranh chấp đất đai Đồng Tâm có thể sẽ sáng tỏ hơn khi những người này khai báo trước toà.