Donald Trump và vấn đề an ninh quốc gia

0
228
TT Barack Obama và Phó TT Joe Biden, cùng với các thành viên của đội an ninh quốc gia, theo dõi đặc vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden trong Situation Room của tòa Bạch Ốc, ngày 1/5/2011. Ảnh trên mạng

Nhã Duy

30-6-2020

Trung tâm liên lạc nào của những tập đoàn kỹ thuật hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Microsoft… là tân tiến nhất? Hay quốc gia nào?

Xin thưa ngay cùng bạn, đứng đầu thế giới hiện nay phải kể là Situation Room, tạm dịch là Trung Tâm Biến Sự Vụ nằm ở tầng hầm của West Wing tại tòa Bạch Ốc.

Đọc trên báo chí về các cuộc họp quan trọng tại “situation room”, dễ cho một số người ta cảm giác rằng đây chỉ là một phòng họp thông thường. Nhưng không, đây là một phòng họp thuộc trung tâm đầu não quan trọng bậc nhất nước Mỹ và thế giới, nơi các quyết sách về an ninh quốc gia Hoa Kỳ được đưa ra.

Được xây dựng vào năm 1961 theo lịnh của tổng thống Kennedy ngay sau vụ Vịnh Con Heo bị thất bại và đầy tai tiếng, trung tâm liên lạc này đã ra đời và được cải đổi liên tục để trở thành một trung tâm thông tin liên lạc và theo dõi mọi diễn biến khắp thế giới với các phương tiện kỹ thuật tân tiến nhất trong kỹ thuật quốc phòng, an ninh và tình báo, cũng như có các hệ thống nối kết vệ tinh an toàn và bí mật. Nó có thể liên lạc với các lãnh đạo thế giới, các tướng lĩnh quân đội Hoa Kỳ mọi nơi hay xem những diễn biến tức thời (realtime) đang diễn ra ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Hoạt động 24/7 do những chuyên viên phân tích tình báo cao cấp và lão luyện của các cơ quan an ninh và quân đội đảm trách, Trung Tâm Biến Sự Vụ trực thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia chịu trách nhiệm điều hành, nhằm cung cấp tin tức tình báo và an ninh quốc gia hàng ngày (President’s Daily Briefing – PDB) cho tổng thống Hoa Kỳ và các cố vấn an ninh quốc gia.

Tấm ảnh nổi tiếng tại một phòng của trung tâm Biến Sự Vụ này chắc nhiều người vẫn còn nhớ đến là tấm ảnh của Tổng Thống Obama, Phó TT Joe Biden, Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Giám đốc Cơ quan tình báo CIA Leon Panetta cùng các cố vấn an ninh quốc gia đang căng thẳng theo dõi trực tiếp cảnh các biệt hải thuộc Biệt đội 6 (Seal Team Six) tinh nhuệ nhất quân lực Hoa Kỳ đang thực hiện đặc vụ Geronimo.

TT Barack Obama và Phó TT Joe Biden, cùng với các thành viên của đội an ninh quốc gia, theo dõi đặc vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden trong Situation Room của tòa Bạch Ốc, ngày 1/5/2011. Ảnh trên mạng

Đây là đặc vụ tiêu diệt thủ lãnh khủng bố Osama Bin Laden ngay trên lãnh thổ Pakistan vào tháng 5/2011. Đó là điều mà tổng thống Kennedy không có được trong vụ CIA dàn dựng vụ đổ bộ vào Cuba ở sự kiện Vịnh Con Heo (Bay of Pigs Invasion) 50 năm trước, hồi tháng 5/1961.

Xin được nói thêm rằng, trong các hồi ký, các tin tức từ những cựu cố vấn an ninh quốc gia hay nhân viên tòa Bạch Ốc và giới truyền thông đều cho biết, tổng thống Obama là một trong những tổng thống Mỹ tham dự các cuộc briefing PDB đều đặn với thái độ nghiêm túc nhất mỗi ngày. Ông tham dự sáu ngày mỗi tuần, đọc các báo cáo an ninh quốc gia được chuyển tới hàng ngày nếu đang công du hay không có mặt tại tòa Bạch Ốc.

Đặc vụ tiêu diệt Bin Laden là một quyết định táo bạo và đánh cược sinh mạng chính trị của Obama. Nếu thất bại, không chỉ Bin Laden cùng nguy cơ khủng bố vẫn còn mà tai tiếng mà có thể ông bị trả giá bằng khả năng đắc cử nhiệm kỳ hai của mình.

Chiến dịch Ưng Trảo (Operation Eagle Claw) do TT Jimmy Carter ra lịnh để giải cứu con tin Mỹ tại Đại Sứ Quán Hoa Kỳ trên đất Iran là bài học lớn. Chiến dịch này bị thất bại, đưa đến cái chết của một số công dân Mỹ, ảnh hưởng nặng nề đến uy tín Hoa Kỳ và tổng thống Carter, là một trong những lý do dẫn đến sự thất cử của ông Carter năm 1980.

Hãy cảm ơn TT Obama về điều này vì suốt tám năm mẫn cán trong hai nhiệm kỳ của ông, nước Mỹ và người dân được sống an toàn, bình an nhờ trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu quốc gia như ông.

Nó không giống như dưới thời TT Donald Trump hiện nay. Những người theo dõi tin tức thời cuộc ắt cũng đã biết, các nguồn tin dẫn lời các viên chức trong cộng đồng tình báo cho biết rằng, Trump tham dự rất ít các cuộc briefing như vậy và không hề đọc các báo cáo về tình báo mỗi ngày.

Đơn giản vì chúng quá phức tạp để Trump có đủ khả năng và đủ kiên nhẫn nghe trình bày hay đọc báo cáo về an ninh quốc gia.

Hơn nữa, là người thường quyết định theo trực tính, Trump chỉ làm và tự quyết định những điều mình muốn, hơn là dựa vào các phân tích tình báo cùng cố vấn của Hội đồng An ninh Quốc gia.

Đó là lý do chính mà hầu hết các cựu thành viên ban Cố vấn An ninh Quốc gia trong nội các của Trump đã từ nhiệm do các bất đồng trong những quyết định mang tính chiến lược và an ninh quốc gia của Trump. Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, Ngoại Trưởng Rex Tillerson, các cố vấn an ninh quốc gia như John Bolton, tướng Hebert McMaster, chánh văn phòng Bạch Ốc tướng John Kelly … là một vài nhân vật có thể kể tên, chưa kể rất nhiều tướng lãnh, đô đốc Hải Quân, viên chức cao cấp của CIA, Bộ Nội an Hoa Kỳ khác từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia.

Cố vấn an ninh Robert O’Brien hiện nay là người thay thế John Bolton và là cố vấn ăn ninh thứ tư chỉ trong hơn ba năm qua. O’Brien là một luật sư tư nhân với kinh nghiệm chính phủ hạn chế và xa lạ với cộng đồng tình báo, an ninh quốc gia. Ông bị xem là thiếu sự lão luyện và kinh nghiệm cần có trong vai trò này, ngoài việc trung thành với Trump. Nếu Hội đồng An ninh Quốc gia thời Obama có đến 240 thành viên, thì Robert O’Brien chỉ muốn giảm xuống còn khoảng 100 người hiện nay.

Tin tức về việc Nga treo giải thưởng cho Taliban sát hại binh lính Hoa Kỳ ở Afghanistan trong vài ngày qua là một ví dụ về cách Trump và cố vấn an ninh O’Brien của ông giải quyết vấn đề quốc sự ra sao. Trump gởi tweet bảo rằng ông và phó tổng thống không được báo cáo về tin tình báo này, cho dù các nguồn tin cho biết, ông đã được báo cáo nhiều tháng trước mà không hề thông báo hay đưa ra quyết định gì. Thậm chí Trump còn có ý định mời Nga tham dự hội nghị G7 sắp tới.

Điều này tương tự như việc ông bảo rằng không biết hay đọc các tường trình tình báo về dịch Covid-19 của các nhân viên tình báo hồi đầu năm nay, khi đại dịch chớm bắt đầu tại Vũ Hán. Truyền thông cũng cho biết rằng, Trump thường xuyên bỏ các cuộc họp với ban đặc nhiệm chống đại dịch Covid-19 đôi tháng trước, cho dù trong cả thời gian dài, ông đã đứng ra để trả lời các cuộc họp báo với nhiều phát biểu gây bất ngờ với chính các thành viên nhóm đặc nhiệm.

Cơn đại dịch hiện nay đã chứng tỏ khả năng Donald Trump xoay trở trước các cuộc khủng hoảng quốc gia thế nào. Một khi khủng bố, chiến tranh xảy ra thì có lẽ tình thế sẽ còn tệ hại rất nhiều nếu Trump tái đắc cử. Hàng trăm ngàn người dân Mỹ đã, đang và sẽ còn thiệt mạng trong đại dịch, đã là câu trả lời cho mỗi người.

Là tổng thống kiêm tổng tư lệnh quốc gia, Trump đã phủ nhận vụ Nga treo giải thưởng lấy mạng binh sĩ Hoa Kỳ, thay vào đó là tuyên bố hăm dọa tìm người tiết lộ tin tức cho truyền thông. Trách nhiệm người lãnh đạo hàng đầu ở Mỹ đang ở đâu?

Từ những điều kể trên, liệu vấn đề an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân Hoa Kỳ, hay cũng không ngoa nếu bảo phần nào của thế giới, đang nằm trong tay của một tổng thống Hoa Kỳ như Donald Trump là điều chúng ta có thể tin tưởng và an tâm giao phó hay không?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here