Đối thủ của Mỹ là TQ chớ không phải là các đồng minh EU, Canada hay Mexico.

0
4
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phản ứng sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp đặt mức thuế quan mới nhằm vào Canada. Ottawa, ngày 01/02/2025. AP - Justin Tang
Đối thủ của Mỹ là TQ chớ không phải là các đồng minh EU, Canada hay Mexico. Bởi vì TQ sẽ vượt qua Mỹ về kinh tế lẫn quốc phòng, vấn đề chỉ là thời gian, nếu Mỹ vẫn loay hoay “phe ta đánh phe mình”, bỏ lỡ những cơ hội cũng như không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn đà tiến của TQ.
Việc sử dụng vũ khí thuế quan để làm rào cản đối với TQ, suốt 7 năm từ Trump 1.0 đến Biden cho thấy không hiệu quả. Bằng chứng là thặng dư mậu dịch năm 2024 của TQ lên tới khoảng 1 ngàn tỉ đô la. Hàng hóa của TQ “bao phủ địa cầu”. Điều này không chỉ làm Mỹ bối rối mà còn khiến các quốc gia EU, Nhật, Hàn, ASEAN… thêm lệ thuộc vào TQ.
Năm 2015, khi bắt đầu kế hoạch “Made in China 2025”, hàng hóa do TQ sản xuất hầu hết là các sản phẩm giả rẻ và lạc hậu, ở mức thấp hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu. Hầu hết xe cộ trên đường xá TQ đều có nhãn hiệu Nhật, Mỹ Âu. Trên không là máy bay mang hiệu Boeing, Airbus. Các xí nghiệp, nhà máy TQ chỉ có thể hoạt động với máy móc và công nghệ nhập từ Nhật, Đức, Hàn… Các bộ phận cứng, mềm trong máy tính và điện thoại di động đa số có nguồn gốc từ Mỹ. Ngay cả hệ thống các ngân hàng TQ cơ sở dữ liệu được sử dụng cũng dựa vào các tập đoàn đa quốc gia để mã hóa và bảo trì…
Kế hoạch “Made in China 2025” ra đời năm 2015, là trong vòng 10 năm TQ sẽ đảo ngược toàn bộ quan hệ sản xuất trong kinh tế. TQ sẽ tiến tới một nền kinh tế công nghệ kỹ thuật cao, “tự lực tự cường”, tức không lệ thuộc về công nghệ và kỹ thuật bởi bất kỳ nước nào.
Năm 2018 TT Trump 1.0 bắt đầu “chiến tranh thương mại” với TQ, bằng cách áp thuế trên các mặt hàng TQ nhập vào Mỹ.
Không biết hành vi “áp thuế” của Mỹ có đem lại một động lực nào cho TQ hay không. Thực tế cho thấy xã hội TQ đã có những thay đổi sâu sắc. Đường xá TQ bây giờ xe điện TQ nhiều hơn là xe của nước ngoài (kể cả xe điện và xe máy nổ trong). Trên không thì đã thấy xuất hiện máy bay chở khách C919 do Trung Quốc sản xuất. TQ cũng có một hệ thống xe lửa cao tốc hàng đầu thế giới, với mạng 5G. Các hãng xưởng của TQ cũng sử dụng robot tự động nhiều hơn. TQ cũng sản xuất được điện thoạt thông minh với chip và hệ điều hành 100% nội địa. TQ cũng là nhà đóng tàu lớn nhứt thế giới, vượt qua Hoa Kỳ hơn 200 lần…
Mới tuần trước ta còn thấy sản phẩm AI miễn phí DeepSeek của TQ. Sự ra đời của DeepSeek đã làm bốc hơn cả ngàn tỉ đô la trên sàn chứng khoán của các “ông lớn” công nghệ Mỹ.
Đó là kinh tế về mặt nổi.
Về mặt “công nghệ” chìm, qua những hình ảnh vệ tinh mà Mỹ công bố. Ta thấy TQ có thể đang xây dựng một nhà máy nhiệt nguyên tử, dùng chùm tia laser để “hợp nhân – fusion” nguyên tử (deuterium, tritium, helium…). Trên thế giới chỉ có hai cường quốc là Mỹ và Pháp đã thụ đắc công nghệ (ở mức đọ trong phòng thí nghiệm) này. Ta cũng thấy TQ đã vượt qua nhiều đại cường khác để sánh vai với Mỹ về phương diện không gian. Ngoài ra TQ cũng đã có những nghiên cứu sâu sắc và thành quả đáng ghi nhận về vật lý nguyên lượng với “máy tính nguyên lượng”.
Còn về công nghệ quốc phòng. Điều này có lẽ tân Bộ trưởng Bộ QP Mỹ Pete Hegseth biết rõ hơn nhiều người. Ông này (tuy không biết có bao nhiêu nước trong khối ASEAN) nhưng ông có vẻ rất “ấn tượng” (và lo ngại) trước những công bố về vũ khí của TQ. Vị bộ trưởng QP này đã bày tỏ lo ngại trong một lần nói chuyện trước công chúng rằng 9/10 hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ bị vũ khí TQ tiêu diệt trong những phút đầu tiên, nếu hai bên Mỹ-Trung đụng độ. Một công bố khác từ TQ cho biết 90% máy bay của Mỹ cũng sẽ bị phóng không TQ tiêu diệt, từ phút đầu tiên, nếu cuộc chiến xảy ra. Đồng thời nhiều công bố về công nghệ quốc phòng của TQ gần đây như drones hoạt động vừa dưới biển vừa trên không, Trong khi công nghệ drone của TQ đứng đầu thế giới (với hãng DJI chiếm 90% thị phần thế giới)…
Rõ ràng là chuyện “áp thuế” và “rào cản công nghệ” đã không thành công để kềm chế TQ trong kế hoạch “Made in China 2025”. Nhưng rất có thể là hành vi áp thuế và rào cản công nghệ đã đánh động vào sự “tự ái dân tộc”, khiến tập thể khoa học gia TQ đồng lòng đoàn kết đưa đất nước TQ vượt qua trở ngại.
Bây giờ TT Trump 2.0 áp thuế với Canada, Mexico và EU, các quốc gia đồng minh cật ruột. Trump 2.0 cũng yêu sách kinh đào Panama và Groenland đồng thời muốn sáp nhập Canada thành tiểu bang 51 của Mỹ. Điều này trước hết chỉ giúp cho Nga và TQ củng cố thêm sức mạnh. Phe ta đánh phe ta thì phe địch dĩ nhiên phải mạnh hơn. Trump ngồi xổm lên luật thì hiển nhiên việc ngồi xổm lên luật của Putin qua việc xâm lược Ukraine xem như “huề”. Điều này sẽ mở đường cho TQ ngồi lên luật để mở rộng biển Đông hay xâm chiếm Đài loan…
Thực tế cho ta câu trả lời: việc áp thuế sẽ không có hiệu quả.
Kinh tế thị trường, thuận mua vừa bán, nếu các bên “chơi đúng theo luật”, thì không ai có thể ép ai cả.
Việc áp thuế lên đồng minh TT Trump đã phá bỏ luật chơi, thêm thù bớt bạn. Trong khi chuyện chống TQ mới là trọng tâm của mọi chính sách, đường lối chiến lược kinh tế hay địa chính trị của Mỹ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here