Đòi hỏi minh bạch thông tin trong vụ xung đột ở Đồng Tâm

0
122
Thông báo trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an và việc cưỡng chế vào rạng sáng 9/1/2020. RFA Edited
RFA

Thông báo của Bộ Công an vào ngày 9/1 cho biết một số người chống đối việc giao đất quốc phòng cho chính quyền ở Đồng Tâm đã sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng. Vụ việc đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, trong đó có 3 công an và 1 người dân. Ngoài ra còn có một người dân khác bị thương mà báo chí trong nước gọi là đối tượng.

Đồng thời, thông tin từ Bộ Công an cho biết có ít nhất khoảng 30 người dân được cho là chống đối bị bắt giữ.

Theo lời kể của một dân làng trốn thoát được từ xã Đồng Tâm cho RFA vào ngày xảy ra vụ đụng độ, cảnh sát đã được điều đến Đồng Tâm từ khoảng ba giờ sáng, và lực lượng chức năng đã ném bộc phá, ném hơi cay, bắt nhiều người và thậm chí bắn vào người dân.

Báo chí nước ngoài tìm cách liên hệ trực tiếp với người dân Đồng Tâm sau đó đều không được. Ngoài thông tin từ báo chí nhà nước buộc tội người dân Đồng Tâm, các thông tin từ chính người dân Đông Tâm ra được bên ngoài lại đến từ những Facebooker vẫn tìm cách giữ liên hệ với người Đồng Tâm bằng điện thoại lúc được lúc không.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, người đại diện cho người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền, nói với Đài Á Châu Tự Do.

“Đương nhên theo quy định việc cưỡng chế đất đai rõ ràng phải được công khai minh bạch và rất là nghiêm. Minh bạch từ thông tin cho đến việc chuẩn bị lực lượng thi hành phải được minh bạch đối với người dân và báo chí. Người ta xem đây là một sự cố đặc biệt nên bên ban Tuyên giáo có thể người ta xem xét định hướng tình hình mới quyết định không cho báo chí điều tra độc lập. Còn đối với báo chí nước ngoài, ngay cả luật sư chúng tôi còn không được tiếp cận, báo chí còn rất là khó nên việc nhận định đúng sai cũng không thể biết được. Phần lớn giới luật sư và người làm báo chí họ biết được ranh giới của pháp luật tới đâu khi mà tiếp cận thông tin và trong hiến pháp cũng quy định rất rõ ràng rồi nên đối với việc này thật sự là không minh bạch về báo chí.”

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao hôm 9/1, các phóng viên nước ngoài đã yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phóng viên tiếp cận hiện trường vụ đụng độ. Lời hứa duy nhất cho đến giờ từ Bộ Ngoại giao là phía Việt Nam sẽ xem xét lời đề nghị này.

Nhận định về điều này, blogger Nguyễn Ngọc Già nói

“Bởi vì điều 70 của Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rất rõ. Thứ nhất khoảng 1 của điều 70 nguyên tắc cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc. Điểm thứ nhất việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, đảm bảo trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật. Điểm thứ hai là thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính. Điều này có nghĩa rằng toàn bộ quá trình cưỡng chế người dân Đồng Tâm từ khuya ngày 9/1 là hoàn toàn vi phạm pháp luật.”

Điều thứ hai, blogger Nguyễn Ngọc Già khẳng định đây quá trình cưỡng chế cướp đất của người dân chứ không còn là việc cưỡng chế theo quy định pháp luật nữa, nó đã chà đạp lên pháp luật Việt Nam, phi nhân tính và chà đạp nhân quyền.

Theo thông tin từ Bộ Công an, có 3 công an đã tử vong trong cuộc đụng độ với những người chống đối tại Đồng Tâm nhưng thông báo không cho biết danh tính của những người đó.

Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định rằng, một biến cố nghiêm trọng vào thời điểm cận Tết như thế này nhưng thông tin báo chí nhà nước đưa ra rất mơ hồ .

“…ban đầu khi họ bảo rằng phía công an có 3 người chết còn phía người dân họ gọi là người chống người thi hành công vụ có 1 người chết nhưng cho đến thời điểm hiện nay về phía người dân tôi đã đọc và kiểm tra rất nhiều thông tin thì ít nhất có 2 người đã chết đó là ông Lê Đình Kình và có thể từ 1 đến 2 người con của ông Kình. Trong khi phía công an trước đây thì họ lại nói là 3 người nhưng tới thời điểm này bản thân tôi kiểm tra thì chỉ thấy có một người duy nhất nhưng đầy khuất tất của trang báo Bảo Vệ Pháp luật đưa ra. Ông này là Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô E22 – Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, lúc gọi là Nguyễn Huy Thịnh, lúc gọi là Nguyễn Duy Thịnh nhưng không có tên tuổi mà chỉ có một tấm ảnh duy nhất thôi.”

Ngay sau sự việc xảy ra, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) đã lên tiếng đề nghị chính quyền Việt Nam phải mở cuộc điều tra công khai và khách quan về vụ đụng độ gây chết người này. Ngoài ra, HRW cũng yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phép các nhà báo, các nhà ngoại giao quốc tế, giới chức Liên Hiệp Quốc được tìm hiểu tình hình tại Đồng Tâm, giám sát việc điều tra vụ việc của chính phủ và đưa tin khách quan về vấn đề này.

Blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng những yêu cầu của quốc tế về việc để báo chí quốc tế vào tác nghiệp đưa tin là điều ông rất hoan nghênh. Tuy nhiên “…Đây có phải thật sự là thiện chí của phía chính phủ Việt Nam hay không bởi vì phát ngôn của bà Lê Thị Thu Hằng phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói rằng sẵn sàng tạo điều kiện cho báo chí quốc tế vào tác nghiệp về vấn đề Đồng Tâm thì không biết rằng chuyện này có thành sự thật hay không, mặc dù tôi rất hy vọng chuyện này được đưa ra cộng đồng quốc tế bởi vì nó không còn gói gọn trong vấn đề pháp luật của Việt Nam nữa mà đây là một cái chỉ dấu rất nghiêm trọng về việc chống lại loài người trong một đất nước đang rối ren như vậy, và đây là vết nhơ cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.”

Luật sư Ngô Anh Tuấn lại cho rằng, báo chí quốc tế chắc chắn sẽ không được vào khi chưa có sự thoả hiệp cơ bản giữa người dân và chính quyền:

“Việc này có thể sẽ không có cuộc đối thoại nhẹ nhàng giống như trước vào năm 2017 nữa vì họ còn giải quyết những vấn đề liên quan đến một số người chết bên trong đó nữa. Nó sẽ liên quan đến nhân quyền và nhân văn nữa.  Họ phải nói chuyện với người dân, người đại diện của họ để làm sao giải quyết vấn đề người chết trước mắt cho nó êm đẹp đã. Tôi tin chắc chỉ trong 1, 2 ngày tới đây thôi vấn đề này sẽ được đưa lên bàn cân chứ bây giờ họ vẫn còn đang họp bàn làm sao vấn đề này cho nó phù hợp.”

Vụ cưỡng chế đất Đồng Tâm của chính quyền hồi năm 2017 đã thất bại khi người dân bắt 38 công an và cán bộ làm con tin. Vào lúc đó, sự việc đã được giải quyết qua đối thoại giữa người dân và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Thậm chí một số đại biểu Quốc hội cũng đã tới tận Đồng Tâm để tiếp xúc người dân ngay sau khi sự việc xảy ra.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here