Tôi vừa nhận hộ chiếu mới. Không phải bằng cách quen thuộc xưa kia: chầu chực ở cấp phường xin xác nhận từng mẫu đơn, rồi lên quận, lên thành phố, đến Cục Xuất nhập cảnh, qua bao cửa kiểm tra, đóng phí, chụp hình, lấy dấu vân tay – mỗi bước đều có thể trật nhịp, “ma sát” ở đâu là phải biết đường “bôi trơn” ở đó.
Không. Lần này, chỉ là vài cái chạm màn hình, một cú click chuột. Một ngày sau, tôi nhận hai tin nhắn: một báo hồ sơ đã hợp lệ, một báo tôi hãy chuyển khoản lệ phí. Và rồi sau 10 ngày giọng anh shipper reo vui dưới sân chung cư:
– “Ông anh có cái bưu phẩm là hộ chiếu nè, xuống nhận giùm em!”
Tôi đã cười một mình. Không chỉ vì hộ chiếu mới, mà vì cảm giác một thời đã khép lại. Một thời mà những điều giản dị như đi xin giấy tờ cũng có thể khiến người ngay thở dài, người vội cúi đầu, người bất lực sinh thói quen.
Nhưng hôm nay, như một phép màu giản dị – mọi chuyện đã đổi thay. Không ồn ào tuyên bố. Không lễ lạt hoành tráng. Nhưng cuộc cách mạng âm thầm của tư duy, của công nghệ, của tổ chức bộ máy đang xới lại gốc rễ.
Một hệ thống từng quen “hành là chính” đang thực sự chuyển mình.
Sáng nay tỉnh dậy, tôi chợt mơ hồ không biết: hôm nay là ngày gì? Có nên ra đường? Hay cứ nghỉ, treo cờ, bật nhạc nhẹ, đọc một tờ báo?
Hôm nay là 30 tháng Sáu – đêm trước của một cuộc hợp nhất chưa từng có trong lịch sử hành chính nước nhà. Một kỳ đại lễ không cần quốc khánh. Một khúc chuyển chương mà mọi người gọi bằng đủ tên: “sắp xếp lại giang sơn”, “tái thiết toàn đồ”, “tái định nghĩa quyền lực”, hay giản dị hơn: “ngày mai đất nước sang trang”.
Tôi đọc thấy sáng mai, hơn 18 nghìn ngôi chùa trên cả nước sẽ cùng vang ba hồi chuông trống thượng đường. Không phải cho một lễ Phật hay một ngày hội tôn giáo – mà cho vận hội mới của đất nước. Tôi nghe bà con bàn nhau: “Cái lễ này còn to hơn cả mồng Một Tết, lớn hơn cả Quốc khánh hay 30 tháng Tư!”
Đêm nay, nhiều tỉnh sẽ bắn pháo hoa. Cờ đỏ sao vàng ngợp khắp ngõ ngách. Một người bạn làm báo gửi tôi những dòng ngậm ngùi: “Hôm nay là số báo cuối cùng. Tạm biệt anh em, tạm biệt bạn đọc thân thương…” Tôi hiểu. Những kênh truyền hình, những trang báo – cũng đang khép lại. Không vì thất bại, mà vì đã đến lúc đổi thay.
Có nỗi buồn…
Nhưng là nỗi buồn trưởng thành. Khác hẳn những giọt nước mắt cuối năm ngoái khi vài kênh bị cắt sóng, nay người ta chia tay nhau bằng cái ôm, cái bắt tay rắn rỏi, tiếng “Chúc may mắn!” gửi đến những người sẽ nhận chức ở đơn vị mới – không phải bằng liên hoan nhậm chức bị cấm, mà bằng những bữa tiệc chia tay thật sự: “Hẹn gặp ở nơi mới!”.
Chúng ta từng nói “người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, còn cán bộ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.
Nhưng hôm nay, khái niệm ấy không còn là lý thuyết.
Nó đang thành thực tiễn. Nghị quyết từ những cấp cao nhất không còn chỉ là văn bản, mà là hành động: dỡ bỏ những rào cản vô hình, xóa sạch những “mâm bát” chỉ dành cho thiểu số. Ngân sách đổ vào hạ tầng, đường sá, sân bay, cảng biển; tư nhân được trao vai trò dẫn dắt; xã lên gần ngang huyện, tỉnh hợp nhất, trụ sở mở rộng, nhà công vụ sẵn sàng đón người đến ở làm việc lâu dài.
Ở Ninh Bình, tôi nghe có xe đưa rước cán bộ từ Nam Định và Phủ Lý mỗi ngày. Một hình ảnh mà trước đây ai nhắc tới cũng bảo là chuyện viễn tưởng. Nhưng bây giờ thì có thật.
Dĩ nhiên, như mọi đêm Giao thừa khác, ngày 30 vẫn là thời khắc đòi nợ. Những nhà hàng từng nuôi các đoàn liên hoan xã, huyện bằng “nợ gối đầu” đang tất bật gọi điện: “Hôm nay là hạn cuối đó nha!”. Vì mai – mọi con dấu cũ đều hóa thành “tro tàn”. Câu “cứt trâu hóa bùn” giờ nghe chẳng hề tục, mà như một lời nhắc thức tỉnh.
Tôi ngồi viết những dòng này, bên khung cửa mở, nghe vang đâu đó bản nhạc “Khát vọng” của Phạm Minh Tuấn. Trên bàn, hộ chiếu mới, bằng lái mới. Trong lòng, cảm giác mới. Không phải sự hân hoan cuồng nhiệt, mà là một sự tĩnh tại rưng rưng.
Chúng ta đã bước đến đêm trước của một kỷ nguyên mới. Và dù có người còn hoài niệm, có người chưa sẵn sàng, có người buông tiếng thở dài vì tên cơ quan cũ, chỗ làm cũ không còn… thì điều ấy không làm chậm đi nhịp chuyển mình của thời đại.
Chính sách mới sẽ có. Thế hệ mới đang lên. Quyết tâm mới rõ ràng. Và thời khắc này – thời khắc của những người dũng cảm nhìn về phía trước – là món quà quý nhất mà lịch sử để lại cho chúng ta.
Ngày mai đất nước sang trang. Và tôi – một công dân bình thường – tự nhủ: Hãy đi cùng nó.
Nhẹ lòng.
Vững bước.
Như chưa từng sợ đổi thay.