[Vì vừa đọc một bài báo về chủ đề này nên muốn viết thêm mấy dòng]
“Dạy văn là dạy làm người, học văn là học làm người”. Cái quan niệm này đã được đa số coi là đương nhiên, gần như thành “kinh điển”, và đã đi vào nhà trường rồi ngự trị ở đó như một mục tiêu trọng yếu nhất của môn Văn.
Tôi muốn hỏi các vị: Tại sao học toán là để biết tính, học vẽ là để biết vẽ, học đàn là để biết đàn…, mà khi sang đến học văn thì lại bỗng biến thành “để làm người” vậy? Có một cái gì lúng túng, tù mù, nhập nhèm và đao to búa lớn, không thực tiễn trong mục tiêu cụ thể của một môn học ở nhà trường.
Tôi đã nhiều lần viết trên báo và trên Facebook này rằng, học văn/ngữ văn/quốc văn trước hết và quan trọng nhất là để biết sử dụng tiếng Việt (dùng từ, đặt câu, thiết kế các loại văn bản…). Còn “làm người” là gì? Xin thưa, cái này nhân loại cãi nhau hàng mấy nghìn năm nay.
Tuy cãi nhau nhưng không phải không có những đúc kết đã được chấp nhận ở mức rộng lớn. Ông Khổng Tử nói, làm người là “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”, ông Phật bảo rằng là “không sát, không trộm, không dâm, không dối, không nghiện ngập”, Plato bảo “Con người là một sinh vật đi tìm ý nghĩa của mọi thứ”, Aristotle thì nói “Con người là một con vật có mục đích sống”, chính ông cũng nói “Con người là một sinh vật chính trị”… Không ông nào sai cả, nhưng đi theo lối nào là do thời đại, do định chế của mỗi xã hội quyết định. Cũng như trong thời đại XHCN này ở Việt Nam thì con người nghĩa là “vừa hồng vừa chuyên”. Chúng ta nói “dạy làm người, học làm người” nhưng là cái khái niệm “người” nào đây? Và môn văn có thẩm quyền tới đâu trong cái mục tiêu “làm người” ấy (nếu giả sử như ta đã xác định được một cách chắc nịch một khái niệm)?
Dù khác nhau tới đâu, “NGƯỜI” nghĩa là phải biết lẽ phải và có lương tâm để biết sống cho tử tế. Nhưng tử tế thôi chưa đủ, người ta phải tự do nữa mới “thành người” được. “Người tốt” nhưng sống nô lệ thì chưa phải con người đúng nghĩa. Làm con người tự do là mục đích của thế giới văn minh. Mà muốn được như thế thì phải có trí sáng, tâm đẹp. Muốn trí sáng thì phải học lấy các thành tựu của khoa học cổ kim, muốn tâm đẹp thì phải tiếp xúc và sống với với thiên nhiên, nghệ thuật, tôn giáo… Môn Văn dạy tất cả cái này sao?
Nếu nói dạy và học làm người, môn quan trọng nhất trong chương trình phải là môn Giáo dục công dân. Môn này ở tiểu học gọi là Đạo đức, cấp 2 và cấp 3 thì gọi là GDCD. Ở đó không chỉ dạy cho học sinh biết các giá trị và ứng xử đạo đức phổ quát của con người, mà còn dạy cho họ biết “làm dân”. Không ai có thể được gọi là làm người trọn vẹn khi mà không biết làm dân (ý thức sâu sắc quyền con người và quyền công dân). Cũng thế, sẽ không thể gọi là biết làm người nếu kẻ ấy không biết làm việc (giữ gìn và tạo ra giá trị).
Hiểu như thế để ta thấy rằng, học toán, lý, hóa, văn, sử, địa, Sinh, Tin, ngoại ngữ, CD, Thủ công, Thể dục cho đến Triết học, Tôn giáo…, không gì không phải là không học để làm người. Thậm chí có môn như GDCD, Lịch sử, Triết học còn “làm người” hơn cả môn Văn. Vậy môn văn có dính líu gì với chuyện “làm người” không? Có, có nhiều, nhưng sát nhất là năng lực giao tiếp mà nó mang lại. Khả năng sử dụng ngôn từ để truyền thông là một phẩm chất quan trọng mà nếu không được trang bị tốt thì con người sẽ bị hạn chế từ cả 2 đầu: tiếp nhận và tạo lập. Khó mà “làm người” cho ra hồn nếu “ăn không nên đọi, nói không nên lời”. Thật buồn cười khi nghĩ rằng kẻ theo nghề Văn thì “người” hơn kẻ theo nghề Toán!
Chúng ta còn tung hỏa mù đạo đức vào môn Văn đến bao giờ nữa? Dạy văn trước hết và quan trọng nhất là dạy làm văn. Làm văn cũng phải chân thành, trong sáng, đẹp đẽ chứ không phải lòe loẹt, sáo rỗng, giả tạo. Như thế, há chẳng phải dạy làm văn đã gián tiếp giúp người ta thành người đó sao?
Thời cổ đại là “văn – sử – triết bất phân”. Tư duy nguyên hợp đã dồn tất cả vào Một, không có biên giới rõ ràng nào cho cái gọi là văn, thành ra khi đọc một bản cổ thư thì ta thấy ở đó là những câu chuyện “sáng tác ra” lịch sử để truyền tải một tư tưởng (triết học/đạo học). Nhưng sau mấy nghìn năm, trước các thành tựu to lớn của khoa học xã hội, mọi thứ đã được chuyên biệt hóa, chuyên môn hóa đến tối đa, vậy mà nhiều người, đặc biệt là những người làm giáo dục vẫn khư khư ôm giữ cái tư duy hỗn mang ấy.
Môn ngữ văn (trước gọi là Quốc văn) là môn dạy tiếng nói của dân tộc. Việc đưa các tác phẩm văn học vào chương trình là hợp lẽ và không có gì phải băn khoăn cả, vì đó là “tinh hoa ngôn ngữ dân tộc”. Môn văn có trách nhiệm phân tích cho học sinh biết tác giả đã sử dụng tiếng mẹ đẻ tài tình và sáng tạo ra sao… để các em biết mà tham khảo, mà học hỏi, mà vận dụng.
Nhưng kỳ lạ thay, môn Văn càng ngày càng đi vào chỗ rất xa so với mục tiêu nên có của nó. Việc thao thao bất tuyệt phân tích về các “hình tượng nhân vật”, về tư tưởng của tác giả – tác phẩm, tán tụng nhà văn và sướt mướt với nhân vật, là để làm gì vậy?
Coi văn chương (tác phẩm văn học) là một đối tượng nghiên cứu lại là một chuyện khác. Đó là một ngành học khác, cũng như lịch sử Hội họa, lịch sử Điện ảnh, lịch sử Âm nhạc… Môn văn trong nhà trường đang lẫn lộn đến ít nhất là 2 lần: lần 1 là nhầm nó với môn phê bình/lịch sử văn học, lần 2 là nhầm với môn đạo đức. Thành ra, người ta gán cho môn học này những thứ vừa to tát vừa bất khả thi, trong khi lại xem nhẹ chính cái mục đích quan trọng nhất của nó: năng lực sử dụng tiếng Việt.
Dù kỳ thi THPTQG năm nay môn Văn chỉ có 1 điểm 10 nhưng điểm 9 thì như mưa. Học sinh có thật sự đã tạo lập được những văn bản tiếng Việt tốt đến mức tạo thành một cơn mưa như thế? Với lối dạy học tiếng Việt như trong nhà trường hiện nay tôi nghi ngờ kết quả này. Nếu ta xem xét cách thức tổ chức kỳ thi thì lại càng thấy có cơ sở cho sự lo lắng ấy (đối với một môn học mà đáp án của nó không có kết quả chính xác, trong khi các địa phương lại tự coi thi, tự chấm bài giữa một áp lực và bệnh thành tích đã trở nên khó cứu chữa). Nhiều người sẽ không tin, nhưng giáo viên văn bây giờ có được bao nhiêu người biết viết một bài văn cho ra văn! Dạy học sinh cách viết văn nhưng chính họ lại không viết được, có lẽ chưa bao giờ lại bi hài đến thế. Và với thực tế này, thì làm sao chúng ta có thể lạc quan mà tin rằng kết quả môn văn như đang thấy là phản ánh trung thực năng lực tiếng Việt của học sinh?
Sản phẩm của môn văn sau ít nhất 12 năm học có thể được quan sát thấy một cách rõ ràng trên báo chí hàng ngày, khi mà đến ngay cả các nhà báo cũng dùng từ tùy tiện, câu cú lủng củng, ngữ pháp sai be bét một cách rất hồn nhiên, văn bản thì rối rắm… Nó làm cho ta có cảm giác môn văn trong nhà trường đã thành vô dụng/có hại từ lâu rồi.
Môn Ngữ văn trong chương trình mới (2018) đã chính thức đưa đọc – viết – nói – nghe vào làm các thao tác kỹ thuật trong dạy học, đây là một sự tiến bộ (tôi chỉ không hiểu tại sao lại sắp xếp các kỹ năng này theo một trình tự khác lạ như thế), và hi vọng sẽ có những chuyển biến tích cực. Tuy thế, với quan niệm cố hữu trong đa số thầy cô giáo dạy văn và người dân nói chung về môn văn trong nhà trường như hiện nay, thì việc xác lập một tư duy và mục đích cụ thể thiết yếu đối với môn văn e rằng vẫn còn xa lắm, chưa nói việc sẽ hiện thực được mục tiêu ấy.
Thái Hạo