DANH SÁCH NHỮNG QUAN CHỨC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN VỤ ÁN NGUYỄN VĂN CHƯỞNG

0
60

Như Luật Khoa đã đưa tin, ngày 4/8/2023 gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng nhận được thông báo từ Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Hải Phòng về việc làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt của người bị thi hành án tử hình. 

Vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra từ năm 2007 đã và đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, bởi có nhiều bằng chứng của nhà chức trách cho thấy kết luận Nguyễn Văn Chưởng phạm tội là không có cơ sở. 

Vậy những ai liên quan (trực tiếp lẫn gián tiếp) đến quá trình điều tra, xét xử, xem xét việc thi hành án tử có dấu hiệu hàm oan này?

Dù liên quan ở mức độ nào, công luận đều có quyền truy cứu trách nhiệm của các quan chức về vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai kéo dài đằng đẵng 16 năm này.

1. Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca 

Chức vụ: Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng.

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca

 

Khuya ngày 14/7/2007, thời điểm án mạng xảy ra, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca (khi đó là Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hải Phòng) sau khi nhận được tin báo đã trực tiếp có mặt tại hiện trường. Ngay sau đó, ông triệu tập các phòng ban liên quan và lập ban chuyên án điều tra.

Ông Ca cũng là người thẩm vấn hai nghi phạm đầu tiên bị bắt giữ.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hòa – nguyên tổ trưởng tổ kiểm tra án oan, Ban Nội chính Trung ương, khi tổ của ông được phân công nghiên cứu vụ án Nguyễn Văn Chưởng hồi cuối năm 2013 và đầu năm 2014, Thiếu tướng Ca (khi đó là Giám đốc Công an TP. Hải Phòng) đã từ chối hợp tác với họ để tìm hiểu, tiếp cận hồ sơ vụ án. [4] [5]

Cuối năm 2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận hồ sơ và xem xét vụ việc kêu oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Ngày 23/12/2014, Thiếu tướng Ca đề nghị Báo Tuổi Trẻ không đăng bài trao đổi giữa ông và phóng viên về việc tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan. [6] Báo Tuổi Trẻ chấp thuận đề nghị này.

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca nổi tiếng trong vụ án cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng năm 2012. Đầu năm 2023, ông đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt để điều tra vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nghi nhận hàng chục tỷ đồng để chạy án. [7]

2. Đại tá Dương Tự Trọng 

Chức vụ: Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra TP. Hải Phòng.

Dương Tự Trọng khi còn là Phó giám đốc Công an TP.Hải Phòng – Ảnh:Hoàng Trang

Trong đơn Kêu cứu hoãn thi hành án tử hình viết ngày 5/8/2023, ông Nguyễn Trường Chinh – bố của Nguyễn Văn Chưởng – cho rằng trong giai đoạn điều tra, các điều tra viên cùng đại tá Dương Tự Trọng đã “dùng nhiều biện pháp đê hèn, dã man, độc ác nhất để bức cung, nhục hình, bày vẽ sắp đặt ép cung, đe dọa đến tính mạng bố mẹ, em trai, vợ con, buộc Chưởng phải nhận tội […]”.

Ông Chinh cũng cho rằng, ông Trọng đã tạo dựng hồ sơ vụ án giả lừa dối cấp trên, cố tình bỏ qua kẻ phạm tội để hãm hại người vô tội. [8] Vụ án giết người, cướp tài sản hồi năm 2007 này được ông Dương Tự Trọng (khi ấy là Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hải Phòng, tức là dưới quyền Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca) ký quyết định khởi tố. [9]

Ông Dương Tự Trọng được biết đến vì đường quan lộ hanh thông, sau cũng “vào tù ra tội”. Tháng 8/2014, ông bị tuyên án 15 năm tù vì tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. [10] Vụ án này không liên quan tới Nguyễn Văn Chưởng.

Ông Trọng còn viết nhạc và làm thơ. Cuối năm 2021, khi mãn hạn tù, ông làm thầy thuốc, chữa bệnh cứu người. [11]

3. Cảnh sát viên Phạm Hồng Quang

Mục Kết quả kiểm tra, xác minh trong báo cáo của tổ công tác kiểm tra án oan gửi Trưởng Ban Nội chính Trung ương ngày 8/2/2014 về vụ án Nguyễn Văn Chưởng, khẳng định: “Cơ quan điều tra vi phạm thủ tục tố tụng trong bảo vệ, khám nghiệm hiện trường; thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án. […] Cảnh sát Phạm Hồng Quang đem áo mưa, áo cảnh sát, dép, v.v. của nạn nhân Sinh gửi ở phòng bảo vệ Công ty Neu Hope; còn điện thoại di động và khẩu súng K59 + băng đạn còn một viên của anh Sinh thì Quang cầm và mang đi đâu không rõ, đến hơn 1 giờ ngày 15/7/2007 mới được lập biên bản thu giữ và đến 17 giờ cùng ngày mới làm thủ tục niêm phong […]”. [12]

4. “Điều tra Vũ”, “đại úy Dũng đen”

Amnesty

Ngày 7/4/2019, từ trại giam Trần Phú (Hải Phòng), Nguyễn Văn Chưởng biên thư gửi mẹ. Trong thư, Chưởng khẳng định đã bị các điều tra viên tra tấn, ép cung nên mới phải nhận tội.

“[…] Hôm con đi cung bị đánh là do điều tra Vũ đá thẳng vào ngực. […] Con ở đó (trại giam Thủy Nguyên) đến sáng 12/9/2007 thì bị chuyển lại trại Kế – Bắc Giang. Không biết điều tra Vũ nói gì với cán bộ đại úy Dũng ‘đen’. Dũng ‘đen’ đi về phía con lấy chân giận lên còng tay xuống đất và một chân kia thì đá liên tục vào ngực, vào mặt, vào lưng của con […]”. [13]

Bên cạnh đó, các nhân chứng của vụ án cho hay cũng gặp tình trạng tương tự. [14]

5. Hội đồng xét xử sơ thẩm: Lê Văn Trang, Nguyễn Văn Thiệm, Hà Văn Nhiều, Phạm Trang Nghiêm, Nguyễn Trọng Phúc

Ngày 12/6/2008, tại TAND TP. Hải Phòng, Thẩm phán chủ tọa Lê Văn Trang cùng hội đồng xét xử tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Nguyễn Văn Chưởng, Vũ Toàn Trung, Đỗ Văn Hoàng, Nguyễn Trọng Đoàn. [15]

Ngoài Thẩm phán chủ tọa Lê Văn Trang còn có Thẩm phán Nguyễn Văn Thiệm và ba hội thẩm nhân dân Hà Văn Nhiều, Phạm Trang Nghiêm, Nguyễn Trọng Phúc.

Hội đồng xét xử trích dẫn nhiều bút lục có trong hồ sơ để khẳng định việc Chưởng khai bị bức cung, nhục hình là không có cơ sở. 

Cuối giờ chiều cùng ngày, hội đồng xét xử tuyên đọc bản án. Nguyễn Văn Chưởng bị tuyên mức án tử hình. [16]

6. Nguyễn Văn Sơn

Chức vụ: Thẩm phán.

Ngày 21/11/2008, tại TAND Tối cao, Thẩm phán chủ tọa Nguyễn Văn Sơn cùng hội đồng xét xử tiến hành xét xử phúc thẩm. Tòa tuyên y án sơ thẩm: Nguyễn Văn Chưởng tử hình, Đỗ Văn Hoàng chung thân, Nguyễn Trọng Đoàn 2 năm tù. [17]

7. Trung tướng Trương Hòa Bình

Chức vụ: Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (2007-2016).

Trung tướng Trương Hoà Bình từng làm đến chức thứ trưởng Bộ Công an trước khi sang làm Chánh án TAND Tối cao
Ảnh : báo Tuổi Trẻ

Ngày 7/12/2011, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao gồm 11 thành viên do Chánh án Trương Hòa Bình làm chủ tọa mở phiên tòa giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Ngày 13/3/2015, trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: “Chưởng là người cầm đầu, chủ mưu, hậu quả đến đâu thì người cầm đầu phải chịu trách nhiệm đến đó. Đây không phải là vụ án oan […]”. [18]

Ngày 14/4/2015, phát biểu tại nghị trường, ông Bình khẳng định: “Quyết định của hội đồng là cao nhất, là sau cùng, chánh án cũng không thể làm gì được.” [19]

Đến ngày 8/7/2023, Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 14, khẳng định theo quy định mới trong Bộ luật Tố tụng Hình sự thì Quốc hội đã cho phép Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem lại các quyết định của chính hội đồng. [20] [21]

Trung tướng Trương Hoà Bình từng làm đến chức thứ trưởng Bộ Công an trước khi sang làm Chánh án TAND Tối cao, rồi từ đó trở thành ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng thường trực (2016-2021). 

8. Nguyễn Văn Hiện

Chức vụ: Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện khẳng định: vụ án Nguyễn Văn Chưởng có phát hiện sai sót thì cũng đã hết đường kháng nghị – Ảnh: Việt Dũng

Ngày 20/3/2015, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện khẳng định: “Vụ án Nguyễn Văn Chưởng có phát hiện sai sót thì cũng hết đường kháng nghị.” [23]

Ông Hiện là người tiền nhiệm của Chánh án Trương Hòa Bình. 

9. Trương Tấn Sang

Chức vụ: Chủ tịch nước (2011-2016).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh trên mạng

Ngày 15/5/2012, tức sau phiên tòa giám đốc thẩm của TAND Tối cao, 5 văn phòng luật sư biện hộ cho Nguyễn Văn Chưởng cùng làm kiến nghị gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cho rằng kết án tử hình Nguyễn Văn Chưởng là xử oan, sai. 

Các luật sư đồng kiến nghị chủ tịch nước cho dừng việc thi hành án tử hình đối với Chưởng và giao cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xem xét trách nhiệm hình sự của những người tiến hành tố tụng. [24] Tuy vậy, vụ việc sau đó không có tiến triển gì.

10. Phạm Đức Tuyên, Phạm Văn Phích

Chức vụ: Chánh án/ Phó Chánh án.

Ngày 4/8/2023, TAND TP. Hải Phòng có thông báo gửi gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng về việc làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt của người đã bị thi hành án tử hình. Thông báo viện dẫn căn cứ theo Quyết định thi hành án tử hình số 02/2023/QĐ-CA cùng ngày của Chánh án TAND TP. Hải Phòng Phạm Đức Tuyên.

Thông báo do Phó Chánh án Phạm Văn Phích ký. [25] [26]

11. Võ Văn Thưởng

Chức vụ: Chủ tịch nước (2/2023 – nay).

Võ Văn Thưởng

Ngay sau nhận được thông báo thi hành án tử hình con trai, ông Nguyễn Trường Chinh – bố đẻ tử tù Nguyễn Văn Chưởng viết đơn Kêu cứu hoãn thi hành án tử hình ngày 5/8/2023 gửi đương kim Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. [27] Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 14, gửi tin nhắn qua điện thoại cho vị nguyên thủ quốc gia với nội dung đề nghị yêu cầu xem xét lại bản án và các vấn đề liên quan đến việc (chuẩn bị) tử hình Nguyễn Văn Chưởng. 

Ông Nhưỡng khẳng định Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã phản hồi tin nhắn của mình. [28]

Ông Thưởng, với tư cách là chủ tịch nước, có quyền ân xá cho tử tù xuống chịu án chung thân. Ngoài ra, với tư cách là một trong những ủy viên quyền lực nhất của Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, ông Thưởng có quyền lực rộng lớn đối với ngành tư pháp.

(Nguồn: https://www.luatkhoa.com/r/e012e630…)

TOÀ ÁN NÀO SẼ BẮT NHỮNG KẺ ĐẨY NGƯỜI VÔ TỘI VÀO VÒNG LAO LÝ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here