(https://www.facebook.com/100064761668552/posts/707989941369722/?mibextid=cr9u03)
Gần đây Tập Cận Bình đã vắng mặt tại 2 sự kiện quan trọng là hội nghị thượng đỉnh Asean-Đông Á ở Indonesia và hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ, trước đó là một loạt các sự kiện rối ren trong nội bộ: cách chức thân tín Tần Cương dù nhậm chức chưa đầy 7 tháng, thay thế các chỉ huy đầu não của lực lượng Tên lửa, đây là lực lượng do chính Tập tâm huyết thành lập, Tập được cho là đã bị đám bô lão “kiểm điểm” tại hội nghị Bắc Đới Hà, đã có những bài báo công khai chỉ trích chính sách của Tập, vụ tàu ngầm hạt nhân loại 093 “Long March 15” được cho đã phát nổ tại biển Hoàng Hải làm tất cả 100 người trên tàu thiệt mạng và theo báo cáo vụ việc đang được quy trách nhiệm cho người thuộc phe Tập là tư lệnh hải quân của quân khu phía Bắc Vương Đại Trung, và sự vắng mặt gần nửa tháng qua của bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc. Điều này cho thấy Tập đang có khởi đầu khó khăn trong nhiệm kỳ đầu tiên được làm lãnh tụ tối cao thực sự.
Lý Thượng Phúc, và cả người tiền nhiệm Ngụy Phương Hòa, có thể sẽ bị thanh trừng như Tần Cương. Có thể thấy những bất ổn gần đây mà Tập phải đối mặt phần lớn liên quan đến lực lượng quân đội, nòng súng lớn để bảo vệ những chế độ độc tài như TQ và VN. Liệu Tập có đang mất kiểm soát quân đội và phải đối diện nguy cơ đảo chính nên không dám công du nước ngoài? Theo tôi khả năng này là thấp. Nói thêm một chút về vị trí bộ trưởng bộ quốc phòng tại TQ và VN: cơ quan thật sự điều hành và lãnh đạo quân đội tại 2 nước này là quân ủy trung ương, dù đều là thành viên của quân ủy trung ương nhưng quyền lực thực sự của bộ trưởng quốc phòng tại TQ và VN là rất khác nhau.
Tại VN, tổng bí thư nghiễm nhiên là bí thư quân ủy trung ương, bộ trưởng quốc phòng là phó bí thư thường trực, là tướng lĩnh quân đội giữ vị trí cao nhất trong quân ủy trung ương nên có thực quyền trong quân đội. Còn tại TQ, bộ trưởng quốc phòng chỉ là thành viên của quân ủy trung ương, tướng lĩnh quân đội quyền lực nhất và chịu trách nhiệm cao nhất là phó chủ tịch quân ủy trung ương Trương Hựu Hiệp, người này cũng được Mỹ xác định là quyền lực số 2 tại TQ, chỉ đứng sau Tập Cận Bình. Do đó việc thanh trừng Lý Thượng Phúc hay Ngụy Phượng Hòa sẽ khó có khả năng dẫn đến đảo chính từ quân đội nhưng sẽ đánh mạnh vào uy tín của Tập vì chính Phúc chỉ vừa được bổ nhiệm chưa đầy 7 tháng.
Trong bối cảnh đó, Tập chắc chắn sẽ phải sớm giải quyết những rối ren này, và một trong các giải pháp có thể là dùng chiến tranh dẫn lửa ra bên ngoài để ổn định bên trong, và các chiến trường được chọn có thể là: vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ, vùng lãnh hải đang tranh chấp với Nhật Bản, tranh chấp lãnh thổ với Nga, Đài Loan, và cuối cùng là biển Đông.
Tập sẽ không dại gì gây ra xung đột với Ấn Độ, Nhật Bản, hay Đài Loan vào lúc này, vì giải pháp này có khả năng thành công không cao, dù có thành công thì cũng phải tổn hao lớn, đôi khi là lợi bất cập hại. Không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản và Hàn Quốc vừa công bố bộ trưởng quốc phòng mới gần như cùng thời điểm, dù lý do bên ngoài là để thay thế bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc là do sức ép từ đảng đối lập, còn từ phía Nhật Bản là chuẩn bị cho cuộc bầu cử sớm, nhưng việc thay tướng vào thời điểm nhạy cảm như thế này cũng cho thấy sự phòng bị của các nước trước những biến động đang diễn ra bên trong đảng cộng sản TQ. Dù vậy, tôi vẫn cho rằng xác suất xung đột TQ-Nhật Bản hay TQ-Đài Loan vào lúc này là khó xảy ra.
Chỉ có biển Đông là chiến trường khả dĩ nhất do đang bị phân mảnh và tranh giành bởi các nước nhỏ hơn TQ, khả năng thành công cao với mức chi phí thấp, chỉ cần chiếm thêm vài đảo ở biển Đông thì Tập sẽ đủ chính danh vượt qua Mao Trạch Đông để trở thành vị cha già kính yêu của dân tộc Trung Hoa vì có công mở mang bờ cõi cho TQ. Do đó theo tôi, biển Đông sẽ là favourite của Tập.
Tại VN, đảng cộng sản vẫn đang lãnh đạo toàn diện về mọi mặt, nếu lợi ích quốc gia bị xâm hại, kết hợp cùng sự bất mãn với chế độ quan liêu, tham nhũng đang ngày càng gia tăng trong quần chúng thì đảng khó có thể quang vinh muôn năm. Do đó, đảng cũng sẽ có nhu cầu bảo vệ lợi ích và chù quyền quốc gia để duy trì tính chính danh lãnh đạo.
Hy vọng đảng cũng sẽ sáng suốt nhìn ra nguy cơ mất biển đảo và có những bước đi phù hợp như cách thức đảng khôn khéo lợi dụng những bất ổn của TQ để nhảy cốc trong quan hệ Việt-Mỹ. Dù thế nào cũng phải giữ cho bằng được phần lãnh thổ thiêng liêng của cha ông để lại, nếu nước mất nhà tan mà bàn về thiên đường xã hội chủ nghĩa hay dân chủ nhân quyền trên cõi mạng thì có ý nghĩa gì?
DAN
https://www.eurasiantimes.com/skipping-curcial-g20-meet-in-india-is-chinas-xi-jinping/
https://www.ntdtv.com/gb/2023/09/11/a103783454.html
https://asia.nikkei.com/Politics/Japan-PM-Kishida-revamps-cabinet-ahead-of-election