Cựu lãnh tụ sinh viên Hong Kong Hoàng Chi Phong lại bị buộc tội

0
41
Nhà hoạt động nữ Chu Đình và Cựu lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong rời khỏi tòa án ở Hong Kong sau khi được tại ngoại hôm 30/8/2019. Reuters
RFA

Anh Hoàng Chi Phong, cựu lãnh tụ sinh viên Hong Kong trong Phong trào dù 2014, bị chính quyền Hong Kong hôm 30/8 buộc tội tổ chức biểu tình bất hợp pháp.

Reuters loan tin cùng ngày và nhận định anh Hoàng Chi Phong là nhân vật nổi bật nhất bị chính quyền bắt giữ vào khi những cuộc biểu tình ở Hong Kong xảy ra liên tiếp đến tuần thứ 12.

Cảnh sát Hong Kong cũng bắt giữ một số nhà hoạt động khác và ra lệnh cấm một cuộc biểu tình lớn của người dân vào Thứ Bảy tuần này nhân kỷ niệm năm năm ngày Trung Quốc loại trừ quyền bầu cử phổ thông ở Đặc khu hành chính từng là thuộc địa của Anh này.

Cảnh sát Hong Kong cho biết, Andy Chan, người sáng lập Đảng Quốc Gia Hong Kong ủng hộ cho độc lập của đặc khu, bị cảnh sát bắt giữ hôm 27/8 ở sân bay Hong Kong với cáo buộc bạo loạn và tấn công cảnh sát. Đảng Quốc gia Hong Kong đã bị cấm hoạt động từ tháng 9 năm ngoái.

Nhóm ủng hộ dân chủ Demosisto của Hoàng Chi Phong nói vụ bắt giữ Andy Chan là một nỗ lực của chính quyền nhằm đổ tội cho những cá nhân trong một phong trào có ảnh hưởng mà không cần người chỉ huy.

Anh Hoàng Chi Phong từng bị kết án vì liên quan đến phong trào sinh viên năm 2014 và bị tù năm tuần trước khi được thả ra vào tháng 6 năm nay.

Hoàng Chi Phong và nhà hoạt động nữ Chu Đình mới đây bị buộc tội tổ chức tụ tập nơi công cộng trước trụ sở cảnh sát vào ngày 21 tháng 6. Họ được tại ngoại và vụ án được hoãn lại cho tới tháng 11.

Một dân biểu ủng hộ dân chủ khác có tên Cheng Chung-tai cũng bị chính quyền Hong Kong bắt vào hôm 30/8 với cáo buộc ‘âm mưu gây thiệt hại hình sự’ liên quan đến vụ biểu tình phản đối ở tòa nhà quốc hội vào tháng 7 vừa qua.

Các cuộc biểu tình của người dân Hong Kong xảy ra từ đầu tháng 6 năm nay đã thu hút hàng triệu người tham gia.

Những cuộc biểu tình ôn hòa ban đầu nhằm phản đối dự luật dẫn độ đưa phạm nhân Hong Kong sang Đại lục, nhưng sau đó chuyển dần thành phong trào chống chính phủ của đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đòi Trung Quốc tôn trọng nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ như đã ký kết, và một số yêu cầu dân chủ khác.

Cảnh sát đã dùng hơi cay, đạn cao su và vòi rồng để giải tán các cuộc biểu tình. Tính đến cuối tháng 8, có khoảng 900 người bị bắt giữ vì liên quan đến các hành vi được cảnh sát cho là bạo lực.

Khủng hoảng Hong Kong hiện nay là một trong những thách thức cho Đảng cộng sản Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012.

Người phát ngôn Trung Quốc về các vấn đề Hong Kong và Macao từng nhận định những người biểu tình ở Hong Kong có hành vi ‘khủng bố’.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here