Bài bình luận của Nguyễn Thị Liên Hoa
2022.02.17
Hôm 16/2, trong nhóm cư dân Vinhomes có một bài chia sẻ thu hút gần 2 ngàn lượt đồng tình. Người viết nói đến việc hầm giữ xe của Vinhomes đang được chủ đầu tư khai thác và thu lợi gian lận từ nhiều năm nay, trong khi nó phải được giao cho chính các chủ sở hữu căn hộ.
40 tỷ/năm từ hầm giữ xe đi đâu về đâu?
Dùng nhiều con số để tính toán và phân tích, người viết có nick Song Tra cho biết theo luật, mỗi căn hộ ở Vinhomes Central Park (viết tắt là VCP) có hai chỗ để xe máy và một chỗ để xe đạp ở hầm giữ xe. Theo hợp đồng mua bán căn hộ, phần diện tích này thuộc về chủ sở hữu căn hộ (gọi tắt là cư dân) vì đã được tính vào tiền mua căn hộ. Diện tích chỗ giữ xe hai bánh là 6,9 m2/căn hộ.
VCP có 11.300 căn hộ, nên toàn bộ diện tích phần này là:
11.300 x 6,9 m2 = 77.970 m2 (gần 8 ha)
Nếu tính cả phần diện tích dưới hầm dành cho lối đi chung, lối đi chữa cháy, phòng điều hành… thì tổng diện tích hầm để xe cho toàn bộ VCP là gần 10 ha.
Đơn giá giữ xe máy là 170.000 đ/tháng.
Với 11.300 căn hộ thì tiền giữ xe hàng năm là:
11.300 căn hộ x 2 xe máy x 170.000 đ/tháng x 12 tháng = 46.104.000.000 đồng (46 tỷ, 104 triệu đồng).
Đó là chưa kể số xe của khách vãng lai gửi (rất nhiều) và xe đạp. Nhưng có một số căn hộ không gửi đủ 2 xe nên ước tính doanh thu từ hầm giữ xe khoảng 40 tỷ/năm.
Chi phí bảo trì, điện nước, an ninh cho hầm xe thì cư dân đã trả thông qua quỹ bảo trì và phí quản lý.
Như vậy, lấy 40 tỷ trừ chi phí lương nhân viên gác cổng bãi xe thì có được kết dư.
Do chủ sở hữu căn hộ đã trả toàn bộ chi phí nên số kết dư này thuộc về cộng đồng cư dân.
Đây chính là mấu chốt mâu thuẫn kéo dài nhiều năm nay giữa cộng đồng cư dân VCP và Vinhomes.
Vinhomes trả lời: kết dư hàng năm là 0 đồng
Người viết nhấn mạnh: “Chính cái 0 đồng này là một trong nhiều lý do khiến các Ban quản trị tòa nhà (VCP có nhiều tòa nhà, mỗi tòa nhà cư dân bầu ra một Ban quản trị-viết tắt là BQT) thương thảo với Vin mấy năm nay vẫn không ký được hợp đồng dịch vụ”.
Dưới bài viết, hàng trăm bình luận để lại phàn nàn hầm xe dơ bẩn, tối tăm. Có những khu vực trồng cây bên ngoài khu nhà hồi trước được chăm sóc đẹp đẽ nhưng giờ rác bẩn vương vãi, cư dân phản ánh nhiều lần nhưng cũng không được giải quyết.
Tại VCP, trước giờ đã có nhiều phản ánh về chất lượng không tốt của căn hộ. Ví dụ tường và sàn/ trần mỏng, cách âm không tốt như quảng cáo khi bán hàng, nứt sơn, kính từ tháp Landmark thỉnh thoảng nổ vỡ rơi tự do xuống dưới…
Khi mua hết mình, khi nhận hết hồn
Một dự án dân cư khác của Vinhomes tại Hà Nội là Vinhomes Smart City Tây Mỗ cũng đã bị chính người mua bóc phốt cách đây một năm. Người mua này viết trên trang thekymoi.vn: “Tâm lý hân hoan vì hôm nay được chủ đầu tư bàn giao nhà, nhưng lúc đi hết mình, khi về hết hồn.
Thất vọng toàn tập.
(…)
– Tường và các góc tường quá nhiều vết nứt.
– Cổ tường cũng chung tình trạng nứt và hoàn thiện không kỹ.
– Trần thạch cao thì phòng nào cũng nứt ở vị trí nối tấm.
– Len chân tường thì ọp ẹp.
– Sơn tường cũng không đạt, màu không đồng nhất.
– Nhất là hai tấm kính phòng ngủ có hai vết xước chữ X to đùng (sau đại diện chủ đầu tư nói là do bị phá hoại).
Đây là những lỗi lớn, mình tạm liệt kê, còn những lỗi nhỏ như bơm keo, dán cách âm ở cửa lô gia phòng khách… mình không tính đến”
Dưới bài viết này khá nhiều chủ nhà cho biết căn hộ của họ cũng gặp tình trạng y như vậy.
Giá của căn hộ này là 38 triệu đồng/m2. Đây là mức giá rất cao.
Có người nói rõ thêm: “Tệ từ thang máy đến bên trong căn hộ. Chín tòa nhà khoảng 50 ngàn cư dân về sống có một cái bể bơi bé tí, độ sâu 1,2m không đủ để trẻ con vầy còn người lớn thì chen nhau mà lội. Đi lại bất cập. Sa bàn và sơ đồ vẽ đường rõ to (thực tế thì nhỏ-TG). Dân hỏi thì bảo còn đợi nhà nước cho phép mới được mở đường. Phí dịch vụ sau này dự kiến 15.000 đ – 17.000 đ/m2. Nhà gửi xe ô tô cách cả một km. Nếu hơn 50 tòa nhà mọc ra thì rải đâu cho hết người với công viên bé xíu”.
Người này kết luận: “Lỡ mua và chuyển về rồi mới biết cái mùi của Vin. Còn nhiều vấn đề bất cập không tả hết”.
Nhiều người mua nhà để lại khá nhiều ảnh chụp căn hộ của họ với tình trạng chung như tường nứt dài từ trần đến sàn, chủ đầu tư khắc phục nhiều lần nhưng ít lâu lại nứt tiếp…
Quay trở lại với VCP ở Sài Gòn.
Người viết tiếp tục kể rõ về các cuộc tranh luận giữa các BQT tòa nhà với chủ đầu tư. Đảm bảo quý vị đọc xong cười bò!
“Vin nói 0đ (phần kết dư).
Các BQT nói nếu 0đ thì cho kiểm tra số liệu thu chi.
Vin nói: Vin đã ký hợp đồng với đối tác thứ ba, đối tác khai thác toàn bộ chỗ để xe hai bánh với giá 0đ.
Có mấy tiếng chửi thề trong cuộc họp, một số người cao huyết áp ra ngoài sớm.
Năm 2020 họp tiếp.
Các BQT nói: Nếu hợp đồng cũ là 0đ thì bây giờ cho đấu thầu công khai.
Vin: Chung cư có thang máy thì cần có Ban quản lý.
BQT: OK.
Vin: BQL có trách nhiệm quản lý nhà xe.
BQT: OK.
Vin: Đã quản lý thì được thu tiền.
BQT: Cắt! Tiền của cư dân, BQL chỉ thu hộ.
…
Không lẽ anh bỏ tiền mở cái quán ăn và thuê quản lý thì quản lý được lấy hết tiền lời? Không lẽ nhân viên được giao trách nhiệm thu nợ cho công ty thì được lấy hết tiền nợ?
Các BQT nhận ra, càng cãi thì Vin càng thích, trong thời gian cãi thì Vin vẫn cứ thu tiền.
Năm 2021, các BQT căn cứ pháp luật, yêu cầu Vin bàn giao phần diện tích để xe hai bánh, gửi công văn lên các cấp chính quyền. Vin buộc lòng tiến hành bàn giao.
Cũng lắm chuyện ly kỳ. Tôi là người trực tiếp hỗ trợ các BQT để nhận bàn giao.
Nhìn bản vẽ, tôi bảo: Các ram dốc lên xuống có để được xe đâu mà bàn giao chỗ đó, các lối đi cho PCCC có để xe được đâu mà bàn giao làm chỗ để xe?
Cãi nhau à, tôi mời cảnh sát PCCC (Phòng cháy chữa cháy) xuống hỏi, họ đồng ý cho để xe thì tôi nhận. Thế là gạch (bỏ) chỗ đó ra.
Tôi chỉ tiếp, các phòng kỹ thuật đặt máy móc thiết bị làm sao để xe. Gạch ra.
Cứ mỗi lần loại bỏ một phần diện tích thì đợi Vin vẽ lại bản vẽ, vẽ cái gì cả tháng chưa xong, vẽ vài lần gần hết năm!
Các BQT họp, quyết định yêu cầu Vin bàn giao các mốc giới, ta nhận trước để khai thác, phần diện tích giao thiếu theo luật ta kiến nghị sau để không sa đà lọt bẫy cãi nhau này.
Cuối 2021 hoàn thành mốc giới hầm xe khu Central, Park, Landmak 4,5,6 và Landmark Plus.
Bốn toà Landmark 1,2,3,81 đến giờ (2022) vẫn chưa bàn giao xong, vẫn đợi bản vẽ”.
Khôn như Vin, quê tôi xích đầy
Sau nhiều năm quyết liệt của cư dân, cuối cùng Vinhomes cũng buộc phải đồng ý giao hầm giữ xe ra để đấu thầu quyền khai thác kinh doanh. Thế nhưng họ yêu cầu chỉ bàn giao trên hồ sơ giấy tờ, còn quyền quản lý vẫn là của Vin! Tức ai giữ giấy tờ cứ giữ, nhưng lợi nhuận từ hầm giữ xe Vin vẫn nuốt trọn.
(Người viết mở ngoặc bình một câu: Vin khôn (lỏi) thật! Khôn thế này quê tôi xích đầy!)
Kịch tính chưa hết. Người này kể tiếp:
“Có tiếng đập bàn!
Ối trời! Chỗ để xe là sở hữu chung của cư dân, các BQT đại diện cho cư dân nhận mấy tờ giấy lộn làm gì khi mà kết dư giá trị khai thác cư dân không được hưởng.
Vin lập nhóm đàm phán, cứ mỗi lần nhóm này đuối lý thì cho nghỉ, lập nhóm khác. Cứ nhóm sau xuất hiện thì không chấp nhận các vấn đề nhóm trước đã thừa nhận.
Các BQT yêu cầu nhóm đàm phán phải có ủy quyền của người có tư cách pháp nhân.
Vin làm giấy ủy quyền, giấy ghi CHO PHÉP ĐÀM PHÁN nhưng KHÔNG ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH!
Chú Q lên huyết áp, bước ra ngoài hít thở sâu. Anh K đứng lên (là chửi chắc luôn) nhưng rồi ngồi xuống vì lỡ hứa với mấy em đội đàm phán của Vin là không chửi nữa, chứ chửi mấy em bỏ chạy thì không đàm phán được gì.
Mình thuộc loại cực kỳ bình tĩnh nhưng cũng lên huyết áp, nhưng mình thủ sẵn thuốc hạ huyết áp nhanh ngậm dưới lưỡi, chơi một viên liền”.
***
Trong dịp Tết vừa qua, một số căn hộ ở VCP bị Vin thông báo cắt dịch vụ vào đúng sáng mùng Một Tết (những nhà chậm trả phí quản lý).
Sau khi bị cư dân phản ứng dữ dội, BQL nhân nhượng lùi thời hạn này đến mùng 6 Tết.
Thời điểm đó, thông tin này xôn xao trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, đến hôm nay (17/2/2022, 16 tháng Giêng), tôi không thể tìm ra nó trên internet nữa.
Những thông tin xấu của Vingroup thường cực hiếm khi lộ ra trên báo chí. Nguyên nhân ai cũng đã biết, đội nhân viên của Vin làm việc rất hiệu quả để chặn, xóa các thông tin dạng này. Nhiều người làm báo ở Việt Nam từng trải cảnh thông tin vừa lên báo ít phút thì nhân viên của Vin gọi nhờ xóa, vì lý do này nọ. Vin lại thường có chiêu bịt miệng báo chí bằng cách góp vốn kinh doanh hoặc đều đều ký hợp đồng quảng cáo giá trị lớn. Nên dễ hiểu là chẳng ai muốn mất lòng một khách hàng giàu có cả.
Thế nhưng dù ít khi lộ, nhưng một khi lộ thì chuyện của Vin thường là những chuyện rất gây sửng (lửng) sốt (rét) cho khách hàng.
Sau khi không thể đạt được thỏa thuận với Vinhomes, sáng ngày 17/2, các BQT tòa nhà của VCP đã hẹn làm việc với Thanh tra xây dựng để làm rõ quyền lợi của hầm giữ xe thuộc về ai. Kết quả của cuộc chiến không cân sức này như thế nào, đón xem hồi sau sẽ rõ.
_____________
Tham khảo:
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.