CÔNG LÝ CHO TRƯƠNG DUY NHẤT

0
561
Trương Duy Nhất trình bày tại tòa. Ảnh chụp qua màn hình. (Báo TP)

Lê Công Định

Hôm nay, ngày 9/3/2020, vụ án Trương Duy Nhất được đưa ra xét xử sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, sau khi bị hoãn một lần vào ngày 28/2/2020.

Chúng ta đều biết, ông Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Thái Lan vào ngày 26/1/2019 (không phải tại Hà Nội vào ngày 28/1/2019 như công bố chính thức). Theo Kết luận điều tra của Bộ Công an và Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông Trương Duy Nhất bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 3, Điều 356 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (bổ sung năm 2017), như sau:

“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

[…]

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.”

Vụ án này liên quan đến căn nhà số 82 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng (diện tích đất là 108,60m2 và diện tích sử dụng là 101,20m2), vốn trước đây là trụ sở của Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ của Báo Đại Đoàn Kết, mà ông Trương Duy Nhất từng là Trưởng VPĐD một thời gian. Căn nhà này sau khi Báo Đại Đoàn Kết mua từ chính quyền Đà Nẵng, đã được bán lại cho Công ty Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm).

Kết quả điều tra vụ án xác định rằng việc mua và bán lại căn nhà 82 Trần Quốc Toản trong thời gian ông Trương Duy Nhất làm Trưởng VPĐD, đã gây thiệt hại cho nhà nước 13.129.188.600 đồng. Do đó, ông Trương Duy Nhất bị cáo buộc đã phạm tội như nêu trên.

Câu hỏi được đặt ra là: TRƯƠNG DUY NHẤT CÓ TỘI HAY KHÔNG?

Căn cứ vào chính tình tiết của vụ án, như được nêu tại hai bản Kết luận điều tra và Cáo trạng, có thể kết luận rằng ông Trương Duy Nhất hoàn toàn KHÔNG phạm tội, vì những lý do trình bày duới đây.

1. Thiếu các yếu tố cấu thành tội phạm theo luật định

Tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 của Bộ luật Hình sự đòi hỏi phải có các yếu tố cấu thành tội phạm như sau: có hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ” gắn với mục đích “vì vụ lợi” hoặc “vì động cơ cá nhân khác” khiến “gây thiệt hại về tài sản” của nhà nước.

1.1. Trong toàn văn hai bản Kết luận điều tra và Cáo trạng không một tình tiết nào nhắc đến và không một phân tích pháp lý nào chứng minh được ông Trương Duy Nhất đã hành động “vì vụ lợi” hoặc “vì động cơ cá nhân khác”. Ông Trương Duy Nhất không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ các giao dịch mua và bán căn nhà 82 Trần Quốc Toản, theo hồ sơ vụ án. Hoàn toàn KHÔNG. Chỉ riêng thiếu yếu tố chủ quan về động cơ của hành vi như thế, bị can và bị cáo không thể bị xem là phạm tội theo luật định.

1.2. Mặt khác, căn nhà 82 Trần Quốc Toản hiện đã được nhà nước thu hồi nguyên vẹn trong vụ án Vũ Nhôm, mà giá trị của nó tính theo mức giá của thị trường nhà đất hiện nay tại Đà Nẵng chắc chắn đã tăng thêm vài mươi lần so với năm 2004, lúc diễn ra các giao dịch mua bán căn nhà này. Như vậy, tài sản của nhà nước trong vụ án này chính là căn nhà vẫn còn đó, chứ không phải là số tiền đã bị tiêu xài hết, nên dứt khoát không có cái gọi là “thiệt hại về tài sản” của nhà nước. Thiếu yếu tố khách quan về thiệt hại tài sản, bị can và bị cáo càng không thể bị xem là phạm tội theo luật định. Trong mục 3 dưới đây, chúng tôi sẽ chứng minh con số “thiệt hại” 13.129.188.600 đồng là nguỵ tạo.

1.3. Yếu tố “lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ” liên quan đến hành vi có chủ ý của người phạm tội theo Điều 356. Trong suốt quá trình mua bán căn nhà 82 Trần Quốc Toản, ông Trương Duy Nhất luôn hành động theo sự ủy quyền và chấp thuận của Ban Biên tập và Tổng Biên tập của Báo Đại Đoàn Kết. Mục 2 dưới đây sẽ trình bày cụ thể hơn về sự ủy quyền và chấp thuận như vậy, qua đó chứng minh rằng không có yếu tố “lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ” trong hành động của ông Trương Duy Nhất.

2. Sự ủy quyền của Báo Đại Đoàn Kết

2.1. Báo Đại Đoàn Kết đã có chủ trương xin chính quyền Đà Nẵng cấp, bán hoặc cho báo này thuê một căn nhà làm trụ sở của Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ trước khi quyết định bổ nhiệm ông Trương Duy Nhất làm Trưởng VPĐD.

2.2. Quyết định bán nhà, thay vì cấp hoặc cho thuê, là quyết định của chính quyền Đà Nẵng, chứ không phải của Báo Đại Đoàn Kết, và càng không phải của ông Trương Duy Nhất, bất kể bên có quyền lợi liên quan đề xuất một hình thức thực hiện nào trong số đó. Hẳn nhiên, đề xuất đó là một quyền hợp pháp và không bị cấm bởi luật pháp, nên không thể bị suy diễn một cách có chủ đích theo hướng buộc tội, rằng đó là dấu hiệu “trái công vụ”.

2.3. Trong toàn bộ quá trình mua căn nhà 82 Trần Quốc Toản từ chính quyền Đà Nẵng, ông Trương Duy Nhất đều báo cáo đầy đủ và hành động theo yêu cầu của Báo Đại Đoàn Kết, chứ không tự ý làm theo ý riêng như cáo buộc nêu trong hai bản Kết luận điều tra và Cáo trạng.

Cần lưu ý, hai bản Kết luận điều tra và Cáo trạng cố tình nêu 3 công văn mà ông Trương Duy Nhất ký tên gửi chính quyền Đà Nẵng xin mua nhà, thay vì xin cấp hoặc thuê, như là bằng chứng cho thấy đó là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ”.

Tuy nhiên, đây chỉ là sự suy diễn theo hướng có tội của cơ quan điều tra và công tố, chứ bản thân 3 công văn đó đơn thuần chỉ cho thấy ông Trương Duy Nhất đang hành động trong tư cách Trưởng VPĐD được cơ quan chủ quản của mình ủy quyền thay mặt liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vấn đề tìm trụ sở cho Văn phòng đại diện.

Suy diễn theo hướng có tội là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của Việt Nam và pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, để buộc tội anh Trương Duy Nhất sự vi phạm nghiêm trọng này đã bị phớt lờ.

2.4. Trong toàn bộ quá trình bán lại căn nhà 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79, ông Trương Duy Nhất đã báo cáo đầy đủ và nhận sự chấp thuận cũng như ủy quyền của Báo Đại Đoàn Kết, căn cứ Quyết định số 112/ĐĐK ngày 12/11/2004 của Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, chứ hoàn toàn không tự ý làm theo ý riêng. Do đó, không thể có hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ” ở đây.

2.5. Ngày 30/3/2011, ông Trương Duy Nhất chấm dứt hợp đồng lao động với Báo Đại Đoàn Kết, nên không còn chịu trách nhiệm đối với mọi quyết định liên quan đến Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ của Báo Đại Đoàn Kết kể từ ngày đó, bao gồm cả quyết định ngày 20/4/2011 của chính Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết về việc thanh lý hợp đồng chuyển nhượng căn nhà 82 Trần Quốc Toản đã ký với Công ty Xây dựng 79, theo đó chấp nhận hưởng tiền bồi thường 1 tỷ đồng để dời Văn phòng đại diện sang địa điểm khác.

3. Con số “thiệt hại về tài sản” 13.129.188.600 đồng của nhà nước trong vụ án này hoàn toàn nguỵ tạo

3.1. Theo hai bản Kết luận điều tra và Cáo trạng, chính quyền Đà Nẵng đã bán căn nhà 82 Trần Quốc Toản cho Báo Đại Đoàn Kết theo giá ưu đãi là 674.483.400 đồng tại thời điểm năm 2004. Nếu thực sự có “thiệt hại” do Báo Đại Đoàn Kết bán lại căn nhà đó cho Công ty Xây dựng 79, thì lẽ ra cần phải lấy giá thị trường tại thời điểm năm 2004 trừ đi giá mua ưu đãi.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra không chọn cách tính công bằng và bình thường đó, mà lại cố tình lấy giá thị trường của 14 năm sau, tại thời điểm ngày 17/4/2018 (thời điểm vụ án Vũ Nhôm bị khởi tố), là 13.803.672.000 đồng để làm cơ sở tính “thiệt hại”, nên con số “thiệt hại” sau khi trừ đi giá ưu đãi năm 2004 biến thành một con số khổng lồ là 13.129.188.600 đồng. Nói cách khác, đó là con số hoàn toàn nguỵ tạo, dựa trên tính toán hoàn toàn có chủ đích buộc tội và đầy bất lợi cho ông Trương Duy Nhất, nhằm mục đích khép ông vào Khoản 3 của Điều 356, với khung hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Một lần nữa, đó chỉ là sự suy diễn theo hướng tăng nặng mức độ phạm tội một cách phi lý của cơ quan điều tra và công tố. Điều này là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của Việt Nam và pháp luật quốc tế.

3.2. Theo hợp đồng chuyển nhượng căn nhà 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79, như diện tích ban đầu, ngoài việc được thanh toán số tiền 674.483.400 đồng là giá mua mà Báo Đại Đoàn Kết phải trả cho nhà nước tại thời điểm 2004, Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ của Báo Đại Đoàn Kết còn được hưởng quyền sử dụng toàn bộ phần diện tích tầng 2, gồm 2 phòng làm việc, 1 phòng nghỉ, 1 phòng bếp và 1 phòng vệ sinh trong tòa nhà được xây trên mặt bằng căn nhà cũ trong thời hạn 30 năm. Như vậy, tính tại thời điểm năm 2004 và 30 năm sau đó, Báo Đại Đoàn Kết đã hưởng lợi rất nhiều, chứ không bị thiệt hại như cơ quan điều tra và công tố cố tình cáo buộc bằng cách phớt lờ lợi ích to lớn này.

Cần lưu ý, việc chuyển nhượng diện tích khuôn viên nhà cũ cho nhà đầu tư mới để xây lên một bất động sản mới nhiều diện tích sử dụng hơn, mà vẫn được quyền sử dụng miễn phí một phần diện tích của tòa nhà mới trong một thời hạn dài là phương thức vẫn được giới đầu tư bất động sản trong nước và quốc tế sử dụng để phát triển các dự án cải trang đô thị tại các thành phố hiện đại trên thế giới. Ngôi Nhà Đức (Deutsches Haus) tọa lạc tại số 33 Lê Duẩn, TPHCM, là một ví dụ điển hình của phương thức đầu tư như vậy, theo đó khuôn viên của ngôi nhà cũ thuộc quyền sở hữu của Chính phủ Đức đã được chuyển nhượng cho một nhà đầu tư tư nhân xây dựng nên cao ốc mới, mà trong đó Tổng Lãnh Sự Quán Đức được quyền sử dụng một phần diện tích nhất định trong một thời hạn cố định do các bên thỏa thuận.

3.3. Và như đã nêu trên, căn nhà 82 Trần Quốc Toản hiện đã được nhà nước thu hồi nguyên vẹn, nên việc tính toán thiệt hại thành tiền, dù đúng hay sai, vẫn hoàn toàn không có ý nghĩa, mà trái lại chỉ là sự nguỵ tạo phi thực tế nhằm cố tình gán tội ông Trương Duy Nhất.

Từ những phân tích nêu trên, có thể kết luận rằng TRƯƠNG DUY NHẤT HOÀN TOÀN KHÔNG PHẠM TỘI theo như cáo buộc bất công của cơ quan điều tra và công tố.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here