Xin được chia sẻ bài viết của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc về con gái của nhà văn Nguyên Ngọc, để được cùng ông nhớ mãi về cô.
Được biết, sinh thời Hoài Phương không thích được/ bị chụp ảnh, nên mình không đưa ảnh cô. Cô hết lòng với nhiều hoạt động đóng góp cho xã hội, mà không thích được nhắc đến, ghi danh. Nhưng một con người được nhớ đến, nhiều khi không phải vì hình hài hay danh tiếng của họ.
THƯƠNG TIẾC CHÁU HOÀI PHƯƠNG
Cháu Hoài Phương, con gái duy nhứt của nhà văn Nguyên Ngọc vừa lìa đời sáng nay, 14.11.2024, do bạo bệnh.
Cháu sinh năm 1975, và như nhiều trẻ con có cha mẹ gốc miền nam tập kết, cháu được đặt tên Hoài Phương, giống như Hoài Nam, Hoài Hương…, hoặc tên một dòng sông/một địa danh nào đó ở miền nam.
Anh Nguyên Ngọc kể: “Khi lần đầu bác sĩ bế cháu trao cho cha mẹ, hai vợ chồng quan sát thật kỹ mặt mày, nắn bóp thật kỹ tay chân để coi con mình có khiếm khuyết gì không. Bởi vì chị Tâm từng bị tù, bị đánh đập nhiều, khi lên rừng thì cả hai người lại đẫm mình dưới biết bao cơn mưa chất độc da cam. Và dù vui mừng thấy con gái bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng anh chị đã quyết định không sinh con thứ hai, bởi không dám chắc cháu có thể cũng gặp may như chị gái.
Và Hoài Phương lớn lên ở Hà Nội mà không có em, chia sẻ cùng cha mẹ căn hộ khiêm tốn trong khu vực nhà tập thể của tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Cháu nói giọng bắc, có bạn bè cùng giọng bắc giống mình, nên khi người cô từ Hội An ra thăm gia đình, cháu đã chỉnh cô: “Cô toàn nói ngọng không à” . Cô, vốn dân Quoảng-Nôm-hay-cãi, liền cãi ngay: “Cô núa ngạn hồi mô?”. “Đó, ngay chữ nói ngọng cô còn nói ngọng nữa là…”.
Cho nên khi cùng cha mẹ chuyển vào sống ở Hội An, Hoài Phương không chỉ từ bỏ công việc, bạn bè, cháu còn phải học cách sống và thích nghi với văn hóa, cung cách ứng xử của người phố cổ.
Khi thi vào chuyên toán Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Hoài Phương đã được 22 trên 20 điểm vì bài giải của cháu còn hay hơn đáp án. Cô học trò ưu tú của Giáo sư Hoàng Tụy khi trở về quê cha đã tự tìm niềm vui trong việc chăm chút hoa kiểng, rau trái. Mấy lần chúng tôi về Hội An, cháu đều khoe những chậu hoa treo quanh nhà, khoe những kiến thức về cây cỏ mà mình có được.
Năm 2014, dân Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm chiếm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hoài Phương cũng tham gia và bị bắt. Khi được lọc ra và thả về trước, cháu đã từ chối, ở lại cùng đám đông cho đến khi được thả cùng nhau.
Anh Nguyên Ngọc đã nói về con gái: ”Nó bướng bằng cả tôi và bà Tâm cộng lại”.
Không thể tin là cháu đã rời khỏi cuộc sống này, khi mẹ cháu cũng vừa từ biệt cha cháu chưa lâu. Cha cháu, người đàn ông đa đoan với bao gánh nặng tự đặt lên vai mình, rồi sẽ một mình bước tiếp thế nào đây…
Hoài Phương, nguyện cầu cho cháu siêu sinh Cõi An lạc. Nếu có nhớ về cha, cháu hãy phù hộ cho cha khỏe mạnh để tiếp tục công việc mà cha cháu đã dâng hiến cả cuộc đời để có thể tìm thấy niềm vui trong cay đắng…