Nguyễn Thông cùng với Nguyễn Thông Cào
Chả nói ra ai cũng biết hộ chiếu (tên tây là passport) là thứ giấy tờ tùy thân. “Tùy” có nghĩa theo, đi theo. Tùy thuộc là lệ thuộc theo ai đó. Phu xướng phụ tùy là chồng nêu lên khơi lên, còn vợ nghe theo làm theo (vợ thời xưa khổ thế đấy, chứ đâu được tự ý hoặc… quang quác như bây giờ). Tùy thân là mang (cái gì đó) theo mình, trong con người (thân) mình. Ví dụ đi rừng phải luôn đem theo con dao phát thì con dao ấy là dụng cụ tùy thân.
Con người ta càng ở xã hội văn minh thì càng bị lắm giấy tờ để chứng minh bản thân, luôn đem nó theo trong mình. Giấy/thẻ ấy có tên chung là giấy tờ tùy thân. Bị công an hạch hỏi giấy tùy thân đâu – quên, không có – a lê về đồn. Đã trót làm cái thân người thì phải có giấy căn cước, sau được chính quyền đổi thành chứng minh thư, rồi lại đổi thành chứng minh nhân dân, rồi đổi tiếp thành căn cước công dân. Chỉ riêng cái tên của giấy/thẻ tùy thân đã chóng cả mặt với các bố. Đó là chưa kể đủ loại 9 số, 12 số, mã vạch, gắn chíp, không biết đâu mà lần.
Nhân đây, công dân Thông cào cũng xin góp ý với quốc hội, với bộ công an, với chú Tô Lâm, chú Tô Văn Huệ và nhiều chú: Thứ “giấy” tùy thân phổ biến nhất hiện nay là cái “căn cước công dân”. Vậy xin hỏi, ngoài con người (công dân) được cấp, thực ra là mua bởi dân phải trả tiền chứ các chú có cho không ai cái gì, thì căn cước ấy có cấp cho loài vật nào không, con chó con mèo con chim chẳng hạn. Không ai cấp căn cước cho con bò bao giờ bởi nó không phải công dân. Nếu không cấp, và chắc chắn không, thì tại sao phải đèo thêm chữ “công dân” vào làm gì. Vừa rườm rà, vừa sai trầm trọng. Dài nhưng lại thiếu hẳn một chữ quan trọng: Thẻ. Quốc hội họp mấy trăm ông bà, họp bao nhiêu buổi để ra luật về căn cước nhưng chẳng vị tinh hoa nào phát hiện ra sự “đầu thiếu đuôi thừa”, lòng thòng vô nghĩa ấy. Còn công an cứ nhắm mắt làm, không hề thắc mắc, có ý kiến, lâu nay họ là vậy.
Tại sao không đặt cho chiếc thẻ tùy thân đó cái tên gọn gàng, chính xác “Thẻ căn cước”? Chỉ cần vậy thôi là đã quá đủ, quá chính xác. Trước tháng 4 năm 1975, ở miền Nam thời chính quyền Sài Gòn – Việt Nam cộng hòa, tên của thẻ tùy thân là vậy, “thẻ căn cước”.
Thời trước, sống ở nông thôn miền Bắc, khi độ tuổi thiếu nhi tôi chẳng có giấy thẻ nào. Chỉ đi học và ra đồng, cần quái gì giấy tờ. Ngay cả vào đội thiếu nhi, rồi sau được kết nạp đoàn, đám lãnh đạo “chúng nó” cũng chỉ tuyên bố hôm nay chúng tao kết nạp mày, mày đã thành đội viên, thành đoàn viên, thế thôi, chứ không phát thẻ thiếc gì sất. Tới đủ 17 tuổi thì công an huyện cấp cho cái thẻ căn cước, thứ giấy tờ cá nhân khởi thủy của một đời người, giấy/thẻ tùy thân của một công dân. Tôi vẫn còn nhớ, trong cái giấy vào đời ấy, phần đặc điểm nhân dạng của đương sự là tôi, công an ghi rõ “Sống mũi thẳng khúc khuỷu”. Chị tôi than, giời ạ, đã thẳng lại còn khúc khuỷu nữa thì là mũi gì. (còn tiếp)
Tái phím: Một ông em/bạn tôi than, anh viết dài, em thích đọc mà không có đủ thì giờ một lúc để đọc cho hết. Lại một ông bạn cũ nhắn tin, viết đéo gì mà ngắn thế, chả chịu dài dài để đọc một thể. Chẳng biết thế nào mà chiều. Hỏi thằng ChatGPT, mày ơi, vậy bao nhiêu thì vừa, nó quả quyết cứ sáu bảy trăm chữ là OK.
Nguyễn Thông
Bằng chứng tên Thông cào không giống ai, bởi sống mũi đã thẳng lại còn khúc khuỷu