Chuyện GATO trong gia đình Bernouilli

0
164
Chân dung Daniel Bernouilli, lưu giữ tại thư viện đại học ETH Zurich, Thụy Sĩ.

Vũ Quí Hạo Nhiên

Trong một bài trước tôi có hứa sẽ kể về gia đình Bernouilli. Giờ giữ lời hứa là vừa.

Bernouilli là một cái tên mà nếu ai học ngành khoa học kỹ thuật có lẽ đều ít nhất một lần dùng tới. Trong Wikipedia tiếng Anh có hẳn một mục dành cho “các thứ mang tên gia đình Bernouilli.”

Nhà Bernouilli dân Thụy Sĩ. Gốc gác xa xưa là người Bỉ. Trong thời gian bị Tây Ban Nha đánh chiếm và áp đặt đạo Công Giáo, gia đình Bernouilli theo đạo Tin Lành nên bỏ trốn sang Đức tỵ nạn. Rồi từ Đức, thế hệ sau đó dọn qua Basel, mở tiệm buôn gia vị, và được nhập tịch Thụy Sĩ. Con ông này là Niklaus, và các con ông Niklaus là những người Bernouilli đầu tiên trong các Bernouilli nổi tiếng về toán, khoa học, và kỹ thuật.

Các thế hệ toán học trong nhà Bernouilli. (Hình: Vũ Quí Hạo Nhiên)
Các thế hệ toán học trong nhà Bernouilli. (Hình: Vũ Quí Hạo Nhiên)

Jacob (1654–1705) là con trai lớn của Niklaus. Bố bảo con đi học thần học, nên Jacob học thần học. Ông tốt nghiệp master triết và licentiate, một loại bằng hậu đại học, về thần học. Nhưng sau đó ông đi Paris theo học với trường phái Descartes. Ông đi khắp châu Âu, học với nhiều nhà toán học khác nhau, kể cả Hooke ở Anh. (Định luật Hooke về lò xo là Hooke này.) Từ đó về sau ông tiếp tục liên lạc bằng thư tín với hầu hết các nhà toán học, khoa học châu Âu. Jacob bắt đầu dạy toán tại Viện Đại học Basel từ năm 1687 tới khi mất.

Phương trình vi phân Bernouilli là mang tên ông này. Năm 1696, Jacob đã giải phương trình vi phân tuy môn giải tích chỉ mới được Leibnitz và Newton phát minh năm 1684.

Chân dung Jacob Bernouilli do Niklaus, em ông, vẽ.
Chân dung Jacob Bernouilli do Niklaus, em ông, vẽ.

Ông cũng là một trong những nhà tiên phong trong ngành toán xác suất, một phần lớn là vì thời đó dân quý tộc có tiền thì khoái chơi bài chơi bạc, mà ai hiểu xác suất thì dễ thắng hơn, nên họ trả tiền cho dân Toán phân tích các môn cờ bạc cho họ. Hàm xác suất Bernouilli, trong đó một sự kiện có thể xảy ra hay không xảy ra – một con bài có thể là ách hoặc không, một bệnh nhân có thể dương tính Covid hoặc không — là của Jacob.

Thế thì Jacob có ông em tên là Johann (1667–1748), kém Jacob 12 tuổi. Ông bố muốn Johann học kinh doanh để còn kế tục nghề buôn gia vị nhưng Johann thuyết phục bố cho ông đi học y khoa. Rồi Johann cũng không ham gì ngành y, bỏ thời giờ học thêm về toán. Ông đạt tiến sĩ năm 1694 với luận án sử dụng toán để phân tích chuyển động của bắp thịt. Giáo sư hướng dẫn là Jacob.

Năm 1692, Johann đi Paris. Tại đây, ông gặp Hầu tước Guillaume de L’Hôpital, một nhà quý tộc mê toán. Khi L’Hôpital biết Johann hiểu môn giải tích do Leibniz mới sáng chế ra, ông trả một số tiền rất lớn để Johann dạy ông môn này. Sau này, L’Hôpital viết một quyển sách giáo khoa dạy môn giải tích, trong đó có định luật ngày nay mang lên L’Hôpital, nhưng thật ra do Johann tìm ra. Điều này khiến cho Johann tức giận trong nhiều năm, nhưng vì hợp đồng với L’Hôpital không cho phép, nên ông không thể nói gì. Phải tới sau khi L’Hôpital qua đời, Johann mới bắt đầu đòi lại công trạng cho mình.

Chân dung Johann Bernouilli, sơn dầu Johann Rudolph Huber, treo tại đại học Basel.
Chân dung Johann Bernouilli, sơn dầu Johann Rudolph Huber, treo tại đại học Basel.

Johann làm trưởng khoa toán ở Groningen, một đại học lớn và do đó xem như ông đã qua mặt ông anh về sự thành danh. Điều này khiến ông anh tức. Mặt khác thì tuy Groningen là ghế sáng giá hơn nhưng Johann thích về lại Basel vì gia đình vợ ở đó. Nhưng ghế Basel thì Jacob ngồi mất rồi. Mầm mống ganh ăn tức ở (GATO) giữa hai anh em đã có sẵn lại càng lớn hơn. Jacob nhiều lần công khai tấn công Johann trên giấy trắng mực đen, Johann cũng chằng ngần ngại đáp trả.

Và cá tính của hai người không giúp làm nguội trận chiến GATO này. Jacob ngưòi nóng tính và hay viết những điều này ra giấy. Tài liệu còn lại cho thấy ông tấn công luôn cả các sếp trong đại học Basel vì nhiều lý do khác nhau.

Còn Johann thuộc loại yêu thì củ ấu cũng tròn, ghét thì quả bồ hòn cũng méo. Như với L’Hôpital chẳng hạn. Nên ông thù dai với Jacob tới già.

Johann về phe với Leibniz nên trong cuộc tranh chấp với Newton xem ai là người phát minh môn giải tích trước, Johann bênh Leibniz hết mức. Và qua đó ghét Newton trong các lãnh vực khác luôn. Khi Newton đưa ra thuyết vạn vật hấp dẫn thì Johann chống đối kịch liệt, bênh vực cho một thuyết khác là thuyết vòng xoáy (vortex) của Descartes. Chính vì sự chống đối của Johann khiến cho các nhà khoa học châu Âu lục địa không chấp nhận thuyết của Newton trong một thời gian dài.

Sau này khi Jacob mất, Johann về lại Basel ngồi vào ghế trưởng khoa toán ở đó. Đến khi Johann qua đời thì ghế đó vào tay Johann (II) con ông.

Nhưng sự GATO chưa chấm dứt. Jacob mất rồi thì Johann lại bắt đầu ganh với con mình là Daniel.

Chân dung Daniel Bernouilli, lưu giữ tại thư viện đại học ETH Zurich, Thụy Sĩ.
Chân dung Daniel Bernouilli, lưu giữ tại thư viện đại học ETH Zurich, Thụy Sĩ.

Daniel là con trai thứ nhì của Johann. Định luật Bernouilli trong cơ học thủy lưu là của ông này. Bài nghiên cứu về thiên văn của ông đoạt giải Grand Prix của Hàn Lâm Viện ở Paris năm 1734. Xui cho ông, là ông bố, Johann, cũng nộp bài thi Grand Prix. Hàn Lâm Viện trao giải cho hai cha con chia nhau. Thế là ông bố tức, cho là Daniel cướp vinh quang của mình, cấm cửa không cho Daniel vào nhà nữa.

Cũng khoảng năm 1734, Daniel viết sách về cơ học thủy lưu mang tên Hydrodynamica. Sách này được xuất bản năm 1738, thì cũng khoảng thời gian đó Johann cho xuất bản sách cùng đề tài, mang tên rất giống, là Hydraulica. Nhưng ông cố tình ghi năm viết là 1732. Nhất định phải trước Daniel. Không thể để trứng khôn hơn rận.

Tới khi Johann cũng qua đời nốt, hai cây đại thụ khó chịu của gia đình này không còn nữa, thì cũng hết tranh chấp. Các ông anh em họ trong thế hệ thứ nhì không có dấu hiệu giành giựt gì nhau, và nhiều người trở thành những người bảo tồn công trình toán học của dòng họ.

Cũng nhờ đó mà nhiều trăm năm sau, năm 1922, người ta tìm được trong văn khố nhà họ Bernouilli bằng chứng là Johann đã chứng minh được định luật mang tên L’Hôpital nhiều năm trưóc khi quyển sách ông này ra đời. Hoá ra là Johann nói đúng. Nhưng cũng văn khố này cho thấy Johann đã ăn gian khi ghi năm viết sách Hydraulica là 1732, chỉ để ăn thua với Daniel. Sự thật trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, có khi có lợi có khi không.

Vũ Quí Hạo Nhiên là giáo sư Toán đại học cộng đồng Coastline College ở Quận Cam, California, với hơn 10 năm dạy các đại học cộng đồng trong vùng như Santa Ana, Cypress, Santiago Canyon, và Orange Coast College. Ngoài ra, ông cũng từng làm báo Việt ngữ trong hơn 10 năm, với chức vụ Tổng thư ký Toà soạn và Phụ tá chủ bút cũng như cộng tác viên cho nhiều báo, đài phát thanh tại Mỹ và các nước khác.

Ông là giám đốc chương trình luyện thi SAT cho một trung tâm tại Garden Grove, là giám khảo chấm thi AP Statistics cho College Board / ETS, và là cộng tác viên viết sách giáo khoa Toán cho nhà xuất bản Hawkes Learning.

Trong blog này Vũ Quí Hạo Nhiên viết về những chuyện ông biết: Toán, giáo dục, lịch sử California. Ông hy vọng độc giả sẽ thảo luận, phê bình, kể cả chê trách, cũng như cho ý kiến đề nghị đề tài.

Các bài viết của tác giả là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Nguồn : https://www.voatiengviet.com/a/bernouilli-giai-tich-hoptial/5560153.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here