CHUYỆN CÀ KÊ DÊ NGỖNG (Phần 5)

0
48
Tác giả Ngô Nhật Đăng
Vũ Tuân

Strasbourg, 17/11/2023

Ngô Nhật Đăng

Kết thúc chương 1 CÀ KÊ CHUYỆN CÀ PHÊ

Như vậy không còn con đường nào khác và càng sớm càng tốt những đối thoại trực tiếp và công khai phải được tổ chức. Nhưng cái gì ngăn trở việc này? Đó là tầng lớp trung gian ở nước ta, tầng lớp này là những người hăng hái bảo vệ cho ý thức hệ còn “bảo hoàng hơn vua”, họ là những giáo sư, tiến sỹ những “nhà lý luận” của Viện Triết, Viện Sử của ban tuyên giáo hay ban lý luận Trung ương v.v… Những người vẫn vỗ ngực tự hào mình là “kiến trúc sư của chế độ” hay “kỹ sư tâm hồn”. Vì là tầng lớp trung gian nên họ cực kỳ giỏi nắm bắt cơ hội và siêu thực dụng, họ cho rằng tri thức chỉ cần đủ để đạt được mục tiêu, việc phải học tập suốt đời là điều vô cùng cùng lãng phí do đó họ có một sự thiếu hiểu biết dẫn đến những lỗ hổng trí tuệ và gây ra những điểm mù trong tâm hồn.
Tự cho mình là tầng lớp tinh hoa ưu tú nên họ coi thường đám đông quần chúng “thiếu hiểu biết và ít học”, những kẻ không xứng đáng để họ hạ cố để tranh luận. Những người “phản biện xã hội” chỉ là kẻ vô công rỗi nghề không chịu làm ăn mà chỉ lo chống phá, tốt nhất là tống họ vào tù, nằm trong trại giam mà phản biện. Do đó những người muốn nói lên sự thật phải có cách vượt qua tầng lớp trung gian này để có thể gây sự chú ý của tầng lớp lãnh đạo. Suy cho cùng phẩm chất cao nhất của lãnh đạo không phải là “biết lý luận” mà là biết lắng nghe, nhất là những lời nói khó nghe.
Chính vì thế mà tôi dẹp sự ê dè về vị trí nhỏ bé không có ảnh hưởng trong xã hội của mình để chấp nhận lời mời đến Mỹ tham gia cuộc điều trần tại Hạ Viện Hoa kỳ cũng như dự hội thảo về báo chí độc lập do “Câu lạc bộ nhà báo quốc tế tổ chức”. Bởi tôi tin những sự kiện này sẽ gây tiếng vang và bằng một cách nào đó thông qua chính giới Hoa kỳ có thể gây chú ý đến giới lãnh đạo ở Hà Nội. Mọi việc vượt quá sự kỳ vọng của tôi, tất nhiên tôi tin rằng đây không phải là do mình có tài mà là sự sắp đặt của Thượng Đế. Đó cũng là nguyên nhân mà suốt 10 năm nay tôi liên tục bị mời “làm việc” tuy nhiên cái giá phải trả này không hề đắt dù cuộc sống của tôi vì thế mà bị đảo lộn, bù lại tôi cũng được đời trả lại rất nhiều, lòng tôi luôn tràn đầy sự biết ơn cuộc đời.

Trong bài tham luận nổi tiếng năm 1956, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đặt sự quan trọng vào tư pháp, vì vậy khi làm việc với cơ quan An ninh tôi cũng muốn làm rõ khái niệm này.

Phần lớn các quốc gia trên thế giới có nền tư pháp đi theo 2 nguyên tắc phổ quát:

1- Nguyên tắc suy đoán vô tội: Một người được xem là vô tội cho đến khi anh ta được chứng minh là tội phạm.
Nguyên tắc này chỉ vận hành tốt trong một quốc gia mà cả chính phủ và người dân điều có tinh thần thượng tôn pháp luật. Tinh thần này chỉ được hình thành ở một xã hội mà mọi ứng xử dựa trên các quy chuẩn đạo đức. Nền tảng đạo đức chỉ có ở một dân tộc có Đức Tin. Đức Tin nguyên thủy tin rằng con người được Tạo Hóa sinh ra ở tầng thần khí cùng với các vị thần linh vì thế nó khác với loài vật. Theo một kế hoạch bí ẩn, con người phải sống trong một môi trường khác với các vị thần, họ phải chăm chỉ và vất vả lao động qua đó mà tiến hóa về mặt vật chất để tạo ra nhiều của cải và xây dựng một cuộc sống ngày càng tiện nghi hơn. Về mặt tinh thần cũng tiến hóa qua con đường tâm linh do vậy mà tôn giáo ra đời. Kinh dịch nói “trí thành như thần”, Phật Tổ nói “Ta cũng là con người nhưng là con người đã chiến thắng”, hay khái niệm Ba Ngôi trong đức tin Kitô Chúa Jesus là “Ngôi hai xuống thế làm người”.

Đây là một trạng thái xã hội lý tưởng nhưng lý tưởng thì khó thực hiện mà nếu có thực hiện được thì cũng khó giữ, nên nguyên tắc “suy đoán vô tội” để lại một lổ hổng chết người đó là bỏ lọt tội phạm. Vì vậy tư pháp phải xin ra những cơ chế rắc rối, phức tạp và tốn kém ví dụ như “chương trình bảo vệ nhân chứng”. Những công dân có đạo đức và dũng cảm tố giác tội phạm thì lại bị nguy hiểm đến tính mạng, họ phải thay tên đổi họ, chuyển chổ ở thậm chí phải phẫu thuật để thay đổi gương mặt bởi nếu họ bị phát hiện và bị thủ tiêu thì bọn tội phạm sẽ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật mà không bị trừng trị. Nó là nguyên nhân chính gây ra tội phạm có tổ chức như Mafia.

2- Nguyên tắc suy đoán có tội: “Một người là tội phạm cho đến khi anh ta chứng minh được sự vô tội của mình”.
Tư pháp Việt Nam cũng vận hành theo nguyên tắc này.
Nó có ưu điểm là ngăn chặn tội phạm có tổ chức giữ được trật tự xã hội nhưng với bộ mặt của “trật tự” này ẩn giấu những điều khôn lường vì được gián tiếp sinh ra nhưng lại có tác động trực tiếp đến tâm lý xã hội nên khó mà đánh giá được mức độ gây hại của nó. Đó là sự oan sai và bị coi là nghi phạm nên nạn nhân có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào, anh ta chỉ được chứng minh sự vô tội qua các bản lấy cung của mình và của người khác, tình trạng mớm cung, ép cung dễ dàng xảy ra. Thiên tài Nguyễn Du đã mô tả điều này trong tác phẩm bất hủ “Truyện Kiều”: “Nỗi oan dậy đất án ngờ lòa mây” của gia đình Thúy Kiều hóa ra lại do “thằng bán tơ” bị tra tấn đã khai bậy, gọi là “Xưng Suất”. Thằng bán tơ chỉ được nhắc duy nhất một lần rồi biệt tăm tích, bằng chứng gở tội cho gia đình Vương viên ngoại đã không bao giờ được tìm thấy. Tố Như đã treo một câu hỏi lơ lửng suốt hơn 200 năm mà chưa có ai khẳng định rằng: Phải chăng thằng bán tơ đã bị “diệt khẩu”, rằng đây là một “vụ án được dàn dựng” bởi đám quan lại bất lương:

Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

Vụ án có giá là “Có ba trăm lạng việc này mới xong”.

Vậy có con đường thứ ba không? Lại phải mượn lời của luật sư Nguyễn Mạnh Tường trong bài tham luận nổi tiếng của ông “Tôi xin cương quyết trả lời là CÓ”.
Trong Hồng Phạm (những mẫu mực của họ Hồng Bàng) – tổ của Việt tộc có một phạm trù nên 8 nguyên tắc trong hoạt động chính trị gọi là “Bát chính” thì lập pháp không được nhắc tới, hành pháp được nhắc gián tiếp, nhưng tư pháp thì có hẳn một chương gọi là Tư Hình – tôi sẽ phân tích kỷ trong phần sau.

Do vậy với nguyên tắc “Suy đoán có tội” nạn nhân luôn phải chú ý đến một nguyên tắc trong việc chứng minh sự vô tội của mình. Đó là:

3- Nguyên tắc “Hà Tam Nhân”
Tức là người thứ ba ở đâu (là ai)?

Bên điều tra sẽ tìm người thứ ba để kết tội nghi phạm nhưng nạn nhân phải tuyệt đối không. Bởi đơn giản khi anh ta chứng minh được sự vô tội của mình thì đương nhiên bên thứ ba cũng gián tiếp được chứng minh là trong sạch. Mặt khác, về phạm trù đạo đức anh ta giữ được phẩm giá của mình. Tố cáo ân nhân thậm chí cả người thân trong gia đình thì không còn biết đến xấu hổ, không điều gì làm cho người ấy thấy nhục nhã nữa và sẽ không từ một tội ác nào mà không dám làm. Không còn nhân phẩm thì con người còn thua con vật nên từ xưa đến nay “Kẻ Sỹ” chọn nguyên tắc sống: Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục .

Tôi biết đây có thể đây là lần làm việc cuối cùng và không thể chỉ một buổi là xong.
Người phụ trách nói:

– Tôi được giao là người có thẩm quyền cao nhất trong những buổi làm việc trực tiếp với anh. Nhưng anh cũng biết còn có nhữngngười trên tôi, các sếp trong Tỉnh cũng như ngoài Bộ. Chúng ta sẽ cố gắng kết thúc trong tháng này vì tháng sau tôi phải đi công tác.

Tôi cũng xác định sẽ bắt tay thực hiện kế hoạch của đời mình trong vài năm tới hoặc chuẩn bị cho những việc để làm trong tù nên hoàn toàn đủ kiên nhẫn và bình thản “Quân tử thản đãng đãng”.

Buổi làm việc đầu tiên không có gì căng thẳng, chúng tôi vừa nói chuyện vừa uống cafe và hút thuốc, buổi trưa mua cơm hộp về cùng ăn, lúc giải lao thì tán cà kê dê ngỗng chuyện đời, người ngoài nhìn vào sẽ tưởng đây là một team.

Cũng có vài “trục trặc ” nho nhỏ, như khi anh chàng trẻ tuổi nhất của an ninh Tỉnh chỉ vào mặt tôi:

– Chỉ mình tôi cũng thừa sức tranh luận với anh. Tôi sẽ chỉ cho anh thấy tư tưởng của anh đúng ở chỗ nào, sai ở chỗ nào. Từ khi nào anh bị lung lay, bị mua chuộc và bị lợi dụng.

Tôi đành phải “dạy dỗ” cậu ta, uốn nắn lại mỗi khi cậu ta tỏ ra vô lễ xấc xược. Những lúc như thế người phụ trách lại can thiệp:

– Tôi làm việc với ông này đã 10 năm mà nhiều khi còn không giữ được bình tĩnh nói gì người mới. Người đâu mà nóng như lửa, sáu mấy tuổi rồi còn thế thì hồi trẻ không biết còn nóng đến đâu.

Hay khi điện thoại của tôi reo, có lẽ chỉ là một người gọi tới nên sau mấy lần nhìn vào màn hình, anh chàng trẻ nhất hất hàm hỏi tên:

– “Em Thương” là ai?
– Là vợ tôi – Tôi trả lời.

Cậu ta gật đầu và nhắn vào nút “Từ chối”. Cứ thế đến 3 giờ chiều thì trời đổ mưa lớn, chịu không nổi tôi đành phải xin:

– Các bạn cho tôi một cú điện thoại trả lời vợ được không? Giờ này cô ấy đã tan làm, tôi biết tánh cổ, sẽ không chịu về nhà mà đứng ngoài đường chờ tin chồng.

Quả nhiên, tôi nói với nàng hãy về nhà kẻo ngấm mưa, tôi vẫn ở quán cafe chuyện dài nhưng sắp xong rồi một lát tôi sẽ về. Nàng không chịu , khăng khăng đòi tới quán. Tôi nhìn người phụ trách, anh ấy gật đầu. Tôi nói với nàng “Anh đang ở Công An Phường”.
Người phụ trách đứng lên và đi ra ngoài, khi quay trở lại anh nói với tôi:

– Có mấy năm không gặp mà chị Kiều “xuống” dữ heng. Rồi thêm:

– Anh lớn tuổi rồi, đã đến lúc sống cho mình và dành thời gian chăm sóc cho chị ấy.

Ai mà không muốn, nhưng ở đời đâu phải cứ muốn là được. 6 giờ chiều thì buổi làm việc kết thúc. Biên bản ghi tôi: “Tự nguyện giao nộp laptop và điện thoại, cơ quan an ninh được phép truy cập vào các tài liệu lưu trữ phục vụ cho công tác điều tra.

-Cam kết 7 ngày nữa sẽ có mặt tại trụ sở công an tỉnh Tiền Giang để làm việc tiếp.

Tôi xin sửa chữ “Tự nguyện giao nộp” thành “Đồng ý giao nộp”. Anh chàng trẻ tuổi nhất lại nói: “Tự nguyện và đồng ý thì có khác gì nhau?”

Không phải tôi bắt bẻ câu chữ chẳng qua tôi muốn giữ thể diện cho họ. Rõ ràng là cưỡng ép giữ đồ vật của người khác mà lại viết là “Tự nguyện” người ngoài sẽ thấy phản cảm. Nên tôi hỏi cậu ta:

– Bạn hãy trả lời thật lòng đừng có nói dối, nếu là bạn thì bạn có tự nguyện không?
Tôi ký vào biên bản chẳng thèm để ý là cậu ta có sửa hay không. Tôi nói với người phụ trách:

– Cho tôi giữ lại điện thoại được không? Vì còn một tuần nữa mới làm việc tiếp, các bạn cũng cần phải giữ liên lạc với tôi.
Người phụ trách đồng ý nhưng nói tôi phải cam kết không dùng điện thoại để thay đổi mật khẩu của facebook cũng như gmail, tôi chưa kịp trả lời thì anh chàng trẻ tuổi lại nói “Anh có khóa đến 8 lớp thì tôi cũng mở được”, tôi định lên lớp cậu ta về những kẻ chuyên đào tường khoét vách nhà người khác nhưng lại nghĩ “vợ yêu đang chờ” nên bỏ qua.
Cuối cùng tôi nói với người phụ trách:

– Nếu các bạn vẫn quyết định “truy cùng đuổi tận” thì xin nói thẳng để tôi còn liệu. Nếu không thì phải cho tôi đăng ký tạm trú, tôi không thể mỗi tháng lại phải chuyển chổ ở vài lần.
Người phụ trách trả lời:

– Anh chụp chứng minh nhân dân rồi gửi qua zalo, anh em sẽ làm tạm trú cho anh và làm cả căn cước công dân nữa.

Thế là xong, không chào từ biệt ai tôi lao ra khỏi phòng phóng xuống cầu thang. Nàng đứng nép dưới mái hiên ngôi nhà bên cạnh trụ sở công an phường. Cái áo khoác rộng thùng thình kéo mũ che gần kín khuôn mặt. Tôi chạy nắm bàn tay lạnh ngắt của nàng:

– Vợ yêu, mình về nhà thôi.
Chúng tôi dắt nhau đi về, được một quãng nàng nói:

– Để em ghé vô mua mấy ngàn đá lạnh. Anh muốn một lon bia nước chanh hay cafe đá.
Tôi trả lời:

– Anh ớn cafe lắm rồi bây giờ anh chỉ muốn uống em thôi, Hiền thê.

Hết chương 1

Chương 2
CÀ KÊ CHUYỆN HIỀN THÊ

Chương 3
CÀ KÊ CHUYỆN BÊN ĐÊ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here