Chương trình đặc biệt cho thuyền nhân cho thấy những yếu kém của hệ thống di trú Canada

0
399
Võ Văn Dũng đến Sân Bay Quốc Tế Pearson ở Toronto vào năm 2016 từ Thái Lan. Một cuộc điều tra của CBC đã phát hiện ít nhất năm người, bao gồm ông Dũng, được cho nhập cư vào Canada thông qua một chương trình tái định cư đặc biệt, mặc dù họ có vẻ không phải là những người mà chính phủ liên bang muốn giúp đỡ. (Pho Duc Lam/Facebook)
Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada đang điều tra một số vi phạm luật pháp liên bang có khả năng đã xảy ra

Eric Szeto, Joseph Loiero, David Common · CBC News · Posted: Oct 10, 2019 4:00 AM ET | Last Updated: October 10

Võ Văn Dũng đưa ngón tay cái lên trước ống kính truyền hình khi ông đi qua Sân Bay Quốc Tế Pearson, Thành phố Toronto.

Cùng với hơn 100 “thuyền nhân” Việt Nam đến Canada trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2017, có thể nói ông đã đáp xuống đất nước này sau 20 năm sinh sống trong bóng tối xã hội.

Thay vì chịu đựng sự cai trị của Cộng Sản ở Việt Nam, nhiều người trốn chạy khỏi quê hương mình sau Chiến Tranh Việt Nam đã xin tỵ nạn ở nước láng giềng Thái Lan vào những năm 1970 và 80. Nhưng việc tỵ nạn đồng nghĩa với phải trả giá. Trong nhiều thập niên, họ là những người “vô tổ quốc,” sống một cuộc sống “không được thừa nhận”. Họ không thể làm việc mà không bị đe dọa bắt giữ hay xử phạt. Họ không được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế. Một số phải lệ thuộc vào các khoản cứu trợ để sống qua ngày.

Họ có rất ít hoặc không có sự lựa chọn nào cho đến khi Canada tiếp nhận họ theo một chương trình đặc biệt được thiết kế nhằm tái định cư các thuyền nhân mà trước đó đã sống trong hoàn cảnh vô vọng.

Nhưng CBC News được tin rằng trước khi đến Canada, ông Dũng rõ ràng đã có một cuộc sống sung túc hơn.

Người đàn ông 57 tuổi này trước đó điều hành một cơ sở kinh doanh tour du lịch có hướng dẫn viên. Có trụ sở chính tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Lữ Hành Đỏ Sài Gòn (Saigon Red Travel Company Limited) cung cấp các tour du lịch giữa Việt Nam và Thái Lan. Và ông Dũng cũng vô tư không che giấu việc làm ăn và các dự án kinh doanh lữ hành của mình, vẫn thản nhiên chụp ảnh cùng nhân viên và đăng trên mạng xã hội.

Tấm danh thiếp xác nhận ông Võ Văn Dũng là giám đốc của công ty Saigon Red Travel, có trụ sở chính tại Việt Nam. (Submitted)

Cuộc điều tra của CBC về chương trình này phát hiện rằng ít nhất năm người, bao gồm ông Dũng, được Canada cho nhập cư mặc dù họ không phải là những người mà chính phủ Canada muốn giúp đỡ, điều mà đã đặt ra một số nghi vấn về quá trình kiểm tra và xét duyệt nhằm mục đích bảo vệ hệ thống di trú của quốc gia này.

Ông Guiddy Mamann, luật sư chuyên biện hộ cho người tị nạn ở Toronto, đã chia sẻ với chúng tôi rằng, “Canada được biết đến là tấm gương sáng cho cả thế giới về những chương trình nhân đạo cứu giúp những người tha hương, những người mà đã không may rơi vào hoàn cảnh bế tắc vì một lý do nào đó.”

Hồ sơ cho thấy cơ sở kinh doanh này được thành lập vào năm 2014. (CBC)

“Nếu có người đã chiếm chỗ của những người mà thực sự xứng đáng được đi Canada, thì điều đó làm tôi hết sức phiền lòng.”

Ông Dũng đã không trả lời yêu cầu cho ý kiến của CBC. Nhưng khi CBC News hỏi một người quen của ông về công việc làm ăn và lối sống của ông, thì người đó nói rằng ông hay đi lại giữa Việt Nam, Thái Lan và vùng Vancouver mở rộng và họ “nghĩ rằng ông ấy đang sống rất tốt”.

Ai là những người vô tổ quốc?

Một cuộc khủng hoảng nhân đạo đã xảy ra sau khi Sài Gòn thất thủ vào năm 1975. Gần một triệu người chạy trốn khỏi Việt Nam – nhiều người ra đi bằng thuyền, lao mình vào những cuộc hành trình đầy hiểm nguy. Liên Hiệp Quốc ước tính rằng lên đến 250,000 thuyền nhân đã chết trên biển.

Nhiều người trong số những thuyền nhân sống sót đã cập bến tại các nước láng giềng như Malaysia, Hong Kong, Philippines và Thái Lan.

Riêng Canada đã tiếp nhận hơn 100,000 người tỵ nạn sau chiến tranh.

Một nhóm người đang nghỉ ngơi tại một cơ sở lưu trú dành cho người tỵ nạn ở Hồng Kông vào ngày 7 tháng 1 năm 1980, sau khi rời khỏi Việt Nam. (Fresco/Evening Standard/Hulton Archive/Getty Images)

Vào năm 1996, Việt Nam hồi hương hàng chục ngàn thuyền nhân từ nước ngoài. Những người không muốn trở về vì sợ bị đàn áp tại quê nhà đã trốn khỏi trại tỵ nạn, sống trong tình trạng vô tổ quốc ở những nơi như Thái Lan.

Năm 2006, Hiệp Hội Người Canada Gốc Việt (Vietnamese Canadian Federation – VCF), cùng với một hội nhóm có trụ sở tại Hoa Kỳ có tên gọi là Sáng Kiến Thể Hiện Lương Tâm Người Việt Hải Ngoại (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment – VOICE), đã gửi kiến nghị lên chính quyền Canada, yêu cầu chính quyền cho nhập cư một số người còn mắc kẹt tại Thái Lan.

Ông Jason Kenney, thủ hiến đương nhiệm của Alberta, lúc đó là bộ trưởng di trú liên bang, đã bí mật gặp gỡ các quan chức chính phủ Thái Lan để đảm bảo những người này được cấp giấy phép xuất cảnh để rời khỏi Thái Lan.

Một quan chức trong chính phủ Canada cho biết, nhà chức trách Thái Lan không muốn lan truyền tin tức về chương trình này vì sợ rằng hàng ngàn người sẽ đến nước họ một cách bất hợp pháp và biến nước họ thành một trung tâm nhập cư.

“Thực sự tôi đã đi Bangkok … và chúng tôi đã có nhiều cuộc đàm phán,” ông Kenney phát biểu trước một phòng họp đầy kín những người vừa mới đến Vancouver mà đã từng bị mắc kẹt tại Thái Lan, theo một video trên YouTube về phiên họp này vào năm 2014. “Chúng tôi đã hứa thực hiện việc đàm phán này một cách bí mật.”

Theo lời một quan chức cấp cao và một người khác được tham vấn để xây dựng chương trình tái định cư này, các điều kiện được đưa ra cho 100 người tỵ nạn mà sau này được Canada tiếp nhận khá hạn chế và cụ thể: những người được chọn phải sống ở Thái Lan sau khi rời khỏi Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1984 đến năm 1991. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai đã hồi hương về Việt Nam hoặc đã sống ở một nơi nào khác sẽ không hội đủ điều kiện.

Nhưng ông Mamann, luật sư di trú ở Toronto, nói rằng có một số lỗi nghiêm trọng trong văn bản chính sách của chương trình này, được gọi là “Bản Ghi Nhớ Liên Quan Đến Chính Sách Tạm Thời Về Một số Người Việt Cụ Thể Tại Thái Lan (“Memorandum Of Understanding Relating To A Temporary Public Policy Concerning Certain Vietnamese Persons In Thailand — MOU”).

Bản ghi nhớ này quy định rằng những người nộp đơn phải từ Việt Nam đến trong thời gian từ năm 1984 đến năm 1991, và phải đã cư trú tại Thái Lan – nhưng lại không ra điều kiện cụ thể rằng họ phải sống ở Thái Lan liên tục trong suốt khoảng thời gian đó.

“Đây là một lỗi rất rõ ràng …Điểm mấu chốt của chương trình này là chúng tôi tin rằng những người tỵ nạn này không có cách nào để quay về quê hương [và] rằng họ bị mắc kẹt ở đây. Họ giống như đang ở trên một hòn đảo giữa đại dương và chúng tôi phải đến cứu họ,” ông Mamann nói. “Bản ghi nhớ này đã được biên soạn một cách cẩu thả và không chính xác.”

Nhóm người đầu tiên đến Canada vào năm 2014, và gia đình cuối cùng đến vào năm 2017.

Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối của chương trình này, cộng đồng người Việt tại Bắc Mỹ và hải ngoại đã bắt đầu chỉ trích một số trong những người được chọn cho đi nhập cư.

“Xin hãy giúp chúng tôi”

Ông Tú Nguyễn, một cựu thuyền nhân đang điều hành một công ty an ninh mạng tại Houston, bắt đầu điều tra các nghi ngờ vào năm 2016 sau khi nhận được thông tin về chương trình này từ một số người còn bị mắc kẹt tại Thái Lan.

Ông đã đến Việt Nam, Thái Lan và đã nghe người ta cáo buộc rằng một số người thuộc nhóm dễ bị tổn thương, những người mà tin rằng họ đáng lẽ phải được chấp nhận bởi chương trình này, đã bị bỏ qua.

“Một số thuyền nhân từ Thái Lan đã liên lạc với tôi … [và nói rằng], ‘Xin hãy cứu giúp chúng tôi, cứu giúp chúng tôi,'” Ông Tú kể lại.

Cựu thuyền nhân Nguyễn Tú bắt đầu điều tra các nghi ngờ về chương trình tái định cư của Canada sau khi nhận được cáo buộc về chương trình này từ một số người còn bị mắc kẹt tại Thái Lan. (Jonathan Castell/CBC)

Những lời cáo buộc đó và một vài sự cố khác đã thúc đẩy ông Tú thu xếp họp mặt với quan chức của Cục Di Trú Thái Lan (Thailand Immigration Bureau), Cơ Quan Các Dịch Vụ Biên Giới Canada và RCMP tại Thái Lan. Ông nói rằng ông đã cung cấp cho họ các tài liệu mà ông đã phát hiện được.

Sau đó, vào tháng 5 năm 2019, Cha Nguyễn Thiện, một linh mục tại Hoa Kỳ, cùng với Vũ Bắc Đẩu, một cựu thuyền nhân hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, đã thực hiện video trực tiếp trên Facebook từ Bangkok để đưa ra thêm cáo buộc, trong video có sự tham gia của một nhóm người Việt vô tổ quốc. Với gần 50,000 lượt xem, nội dung video này cáo buộc rằng các hội nhóm như VOICE đã chọn một số người mà đã từng quay trở lại Việt Nam như Võ Văng Dũng thay vì chọn họ.

“Theo hiểu biết của tôi thì một số trong những người này không xứng đáng được đi với tư cách là thuyền nhân,” ông Đẩu nói bằng tiếng Việt. “Như vậy những người này đáng lẽ ra không được đi, vậy mà họ vẫn được VOICE bảo trợ.”

CBC đã nói chuyện với hai trong số những người sống gần biên giới Thái Lan. Họ cho chúng tôi biết rằng họ đã không được đưa vào danh sách [của VOICE].

Ông Phạm Tý cho biết ông đến Thái Lan vào năm 1991 và đã nhiều năm sống trong trại tỵ nạn. Theo lời ông kể, gần 30 năm sau ông vẫn đang sống tại một thị trấn gần biên giới Thái Lan – Campuchia.

Vào tháng 5 năm 2019, Cha Nguyễn Thiện, một linh mục tại Hoa Kỳ, đồng thực hiện một video trực tiếp trên Facebook từ Bangkok, nơi một nhóm người Việt vô tổ quốc đã đưa ra thêm cáo buộc về chương trình. (Nguyen Thien/Facebook)

Ông nói ông đã nộp đơn cho chương trình tái định cư Canada nhưng không được chọn và không được giải thích tại sao.

“Tôi tin tưởng vào sự công bằng. Tôi tin rằng ông trời sẽ nhìn thấy mọi thứ. Chẳng có ích gì khi đổ lỗi cho người khác,” ông Tý nói khi được hỏi liệu ông có buồn bực khi người khác được cho đi tái định cư tại Canada chứ không phải ông. “Nếu tôi được phép [đến Canada] thì tôi sẽ rất biết ơn.”

Những trường hợp khác

Thông qua các nguồn thông tin, hồ sơ kinh doanh, tài khoản mạng xã hội, email và cảnh quay trên truyền hình Việt Nam được lưu trữ, CBC phát hiện có ít nhất năm trường hợp người nộp đơn đáng nghi ngờ liên quan đến chương trình này.

Một trong những trường hợp này là bà Trương Lan Anh – trang mạng xã hội cá nhân của bà cho thấy bà đang sống tại Ottawa. Bà đến Canada vào năm 2016, tuy nhiên hồ sơ kinh doanh của một công ty lữ hành thành lập tại Việt Nam cho thấy bà là chủ sở hữu của công ty này từ năm 2012.

Hồ sơ kinh doanh cho thấy Trương Lan Anh sở hữu một công ty lữ hành tại Thành Phố Hồ Chí Minh kể từ năm 2012. (Submitted)

Facebook của bà có đăng hình ảnh mà bà đã chụp tại cơ sở kinh doanh này vào năm 2013. Theo một video CBC có được, nhân viên công ty lữ hành này đã xác nhận Trương Lan Anh  là chủ nhân của mình.

Bà Trương Lan Anh không trả lời yêu cầu cho ý kiến từ CBC.

Hồ sơ kinh doanh cho thấy giấy phép đề ngày 7 tháng 9 năm 2012 được cấp cho cơ sở kinh doanh do Trương Lan Anh sở hữu. (CBC)

Một trường hợp khác liên quan đến một người tên Sabay Kieng. Năm 2014, ông đã được chào đón bởi đông đảo giới truyền thông và những người ủng hộ khi đến Toronto. Kieng tuyên bố ông đã phải vật lộn trong nhiều năm để cố gắng nuôi sống gia đình mình.

“Tôi [muốn] tìm một việc làm. Điều đó không dễ dàng nên tôi đi bán trái cây trên đường phố [tại Thái Lan] … để nuôi con trai và vợ tôi,” ông nói với CBC trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Ông cho biết ông đang làm việc trong ngành sản xuất ô tô tại Khu Vực Đại Đô Thị Toronto.

Nhưng CBC thu thập được một số hồ sơ, hình ảnh và video cho thấy ông đã điều hành một cơ sở kinh doanh về trang sức và hàng thủ công tại Campuchia có tên là Craftworks Cambodia ít nhất từ năm 2008. Có lần ông đã đến Manilla để trình bày về kinh nghiệm kinh doanh của mình tại một hội nghị.

Một hồ sơ tài sản xác nhận Sapbay Keang là chủ sở hữu của Craftworks Cambodia. (CBC)

Ông Kieng xác nhận với CBC rằng ông có các cơ sở kinh doanh tại Campuchia nhưng ông không sống ở đó và chỉ sống gần biên giới.

Tuy nhiên, theo lời của một đối tác kinh doanh trước đây của ông, ông đã sống trong một ngôi nhà tại thủ đô Campuchia, Phnom Penh, trước khi đến Canada.

“Tôi nghĩ rằng so với nhiều người ở Campuchia, ông ấy lúc đó có cuộc sống khá tốt,” đối tác kinh doanh này nói với CBC. “Ông ta đã đi thẳng đến Canada. Ý tôi là, ông ta phải đi ngay khi được chấp thuận.”

CBC cố gắng liên lạc lại qua điện thoại với Kieng, nhưng ông bảo ông “bận” trước khi ngắt máy.

CBC đã nỗ lực thêm vài lần để yêu cầu ông cho ý kiến về những thông tin không nhất quán này nhưng không nhận được câu trả lời.

‘Một đám mây báo điềm rất xấu’

Nguyễn Đinh Thắng, giám đốc điều hành của tổ chức Thuyền Nhân S.O.S (Boat People S.O.S), một tổ chức phi lợi nhuận tại Hoa Kỳ chuyên hỗ trợ về mặt pháp lý cho người Việt tỵ nạn ở nước ngoài, cũng đặt ra một số câu hỏi quan trọng về chương trình này sau khi CBC cho ông xem các ví dụ mà chúng tôi đã phát hiện, bao gồm trường hợp của ông Võ Văn Dũng.

Ông Thắng, người đã nhiều lần thảo luận với Hiệp Hội Người Canada Gốc Việt trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận này, nói rằng, “Họ thậm chí không thể làm việc một cách hợp pháp tại Thái Lan chứ đừng nói đến việc [điều hành] một cơ sở kinh doanh tại Thái Lan hoặc các nước khác.  Nếu họ thực sự bị mắc kẹt, thì nhất định họ không được phép [làm việc hoặc kinh doanh].”

Mặc dù Bản Ghi Nhớ Liên Quan Đến Chính Sách Tạm Thời Về Một số Người Việt Cụ Thể Tại Thái Lan không rõ ràng lắm và không hề nêu cụ thể rằng người nộp đơn với chương trình này phải sống liên tục tại Thái Lan trong suốt thời gian đó, sau khi xem xét các trường hợp của CBC, ông Thắng không nghĩ rằng đây là những người mà chính phủ Canada có ý định giúp đỡ dựa trên mục đích của chính sách này.

“Theo quy tắc của chương trình tạm thời đặc biệt này, không một trường hợp nào trong những trường hợp đó đủ điều kiện cả,” ông nói.

Nguyễn Đinh Thắng, giám đốc điều hành của Thuyền Nhân S.O.S. (Boat People S.O.S), một tổ chức phi lợi nhuận tại Hoa Kỳ chuyên cung cấp hỗ trợ pháp lý cho người Việt tỵ nạn ở nước ngoài, đặt ra một số câu hỏi quan trọng về chương trình này. (Andrew Lee/CBC)

Quá trình chọn người như thế này: VCF có nhiệm vụ xác định những người có thể đủ điều kiện,  nhưng nhờ đến VOICE để giúp đỡ những người bị mắc kẹt tại Thái Lan điền và nộp đơn cho Bộ Quốc Tịch và Di Trú Canada (Citizenship and Immigration Canada) (nay là Bộ Di Trú, Tỵ Nạn và Quốc Tịch Canada – Immigration, Refugees and Citizenship Canada).

Sau khi nộp danh sách những người có thể đủ điều kiện cho cơ quan di trú Canada, chính phủ liên bang có trách nhiệm phỏng vấn những người này và đồng thời thực hiện bước sau cùng là đảm bảo họ hội đủ điều kiện để được tái định cư tại Canada.

Ông Thắng, người chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho người Việt tỵ nạn tại Thái Lan, nói rằng ông “hoang mang vì sự thiếu kiểm soát nội bộ” của chính quyền Canada, bởi vì nếu xảy ra bất kỳ hoạt động đáng nghi ngờ nào, điều đó sẽ “rõ ràng tạo thành một đám mây báo điềm rất xấu” lên tất cả các chương trình tỵ nạn.

“Trách nhiệm của bộ di trú là sàng lọc và đảm vai trò tuyến phòng ngự đầu tiên để bảo vệ tính trung thực của chương trình di trú quốc gia này,” ông Thắng nói.

VCF cho biết tổ chức này không hay biết về bất kỳ trường hợp tái định cư tại Canada nào mà đáng nghi ngờ, và rằng quyết định cuối cùng trong việc tiếp nhận bất kỳ ai đến Canada thuộc về bộ di trú Canada.

Một quan chức cấp cao có đóng góp vào quá trình thành lập chương trình này nói với CBC rằng chính phủ Canada sẽ không bao giờ phê duyệt chương trình này nếu họ biết rằng một số người đã đến Thái Lan từ Việt Nam hoặc những nơi khác sau khi hồi hương.

Ông nói rằng điều này sẽ “làm yếu đi lý luận rằng họ không có lựa chọn nào khác cho mình.”

‘Điều đó không công bằng”

CBC đã cho ông Trịnh Hội, người đồng sáng lập VOICE, xem xét các trường hợp mà dư luận cho rằng không đủ điều kiện để đi Canada, trong đó có trường hợp của ông Võ Văn Dũng.

“Chỉ vì có người đã tái định cư ở đây không có nghĩa là người đó không thể trở lại Việt Nam và thăm quê hương mình,” ông Trịnh Hội nói.

“Quý vị không thể sử dụng câu chuyện của một người mà lâu nay có một cuộc sống tốt hoặc tương đối tốt … để minh họa và nói rằng những người tỵ nạn này đã không lâm vào tuyệt vọng và không phải là những người vô tổ quốc – điều đó không công bằng,” ông nói.

Trịnh Hội, người đồng sáng lập tổ chức Sáng Kiến Thể Hiện Lương Tâm Người Việt Hải Ngoại (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment – VOICE), nói rằng các hồ sơ được nộp cho chính phủ Canada để xem xét theo chương trình tái định cư này đều “hội đủ điều kiện theo hiểu biết tốt nhất của tôi.” (CBC)

Theo ông, “Khi một người lợi dụng, và tôi không đang nói là [ông Dũng ] đã lợi dụng chương trình này, nếu ông ta hội đủ điều kiện theo pháp luật …ông ta nên được xem xét nếu ông ta đáp ứng được các yêu cầu [đó].”

Ông nói tiếp rằng các hồ sơ được nộp cho chính phủ Canada đều “hội đủ điều kiện theo hiểu biết tốt nhất của tôi” và rằng công việc của ông là “giới thiệu các trường hợp đó để được xem xét” cho chính quyền liên bang.

Ông phủ nhận ông hay hội nhóm của mình đã làm bất kỳ điều gì mờ ám, bác bỏ những lời khẳng định trong video nói trên.

‘Chúng tôi rất nghiêm túc đối với các quan ngại này’

Một nguồn tin từ chính phủ Canada xác nhận với CBC rằng Cơ quan Dịch Vụ Biên Giới Canada (Canada Border Services Agency – CBSA) đang điều tra các vi phạm có thể đã xảy ra đối với Đạo Luật Di Trú, Bảo Vệ Người Tỵ Nạn (Immigration, Refugee Protection Act) nhưng không nêu rõ cụ thể ai là những người đang bị điều tra, nếu có.

Ông Ahmed Hussen, Bộ Trưởng Bộ Di Trú, Tỵ Nạn và Quốc Tịch Canada, không đưa ra bình luận về bất kỳ cáo buộc nào trong những cáo buộc này, nhưng nói rằng niềm tin vào hệ thống di trú Canada là điều tối quan trọng.

Bộ Trưởng Bộ Di Trú Ahmed Hussen nói rằng sự tin tưởng vào hệ thống di trú Canada là điều tối quan trọng. (Joseph Loiero/CBC)

“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta tiếp tục duy trì tính trung thực của hệ thống của mình. Chúng tôi hết sức nghiêm túc trong việc điều tra bất kỳ cáo buộc nào về gian lận hay bất kỳ điều gì đe dọa đến tính trung thực của hệ thống tỵ nạn của chúng tôi”, ông Hussen nói.

Ông nói ông không thể cho ý kiến về những điều được cân nhắc vào thời điểm chương trình này ra đời, vì chương trình này được thành lập bởi chính quyền trước đây.

Văn phòng ông Kenney từ chối bình luận về vấn đề này và nói với CBC rằng “ông Kenny giữ chức bộ trưởng bộ di trú cách đây lâu lắm rồi và hiện giờ ông hoàn toàn tập trung vào Alberta.”

Nguồn : https://www.cbc.ca/news/canada/vietnamese-boat-people-resettlement-program-1.5302919?__vfz=medium%3Dsharebar&fbclid=IwAR3axbrNC4LQ2o18j-z8KpWDBDEbS6nUKSzq_c7I0zPkGeZWvT8V4U4w3LQ

Trời cao có mắt! (Nam Lộc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here