Những ngày nằm cô lập trong nhà dù với gia đình hay một mình, mỗi người đều có nguy cơ đối diện với một tâm trạng không mấy dễ chịu mà văn học đã có nhiều từ để diễn tả một phổ dài với cung bậc khác nhau: lo lắng [concerned], bứt rứt [agitated], bồn chồn [jittery], lo âu [worried], bất an [unease], sợ hãi [fearful], v.v…
Vốn là một con vật bầy đàn, việc giao tiếp với người khác của mỗi cá nhân chúng ta không chỉ là một tập quán xã hội được ghi nhớ trong các nền văn hóa của nhân loại mà còn được khắc ghi trong hệ thần kinh của chúng ta qua các nghiên cứu về sự phân hóa của các cá thể trong cùng một loài trong tiến trình tiến hóa [phylogenesis].
Một sản phẩm của sự tiến hóa này là chức năng của hệ thần kinh số 10 phế vị của nhân loại. Học thuyết Đa Thần Kinh Phế Vị [Polyvagal Theory] nhấn mạnh nguồn gốc chức năng của hệ thần kinh phế vị trong cấu trúc não là để điều hòa hành vi tự vệ và xã hội.
Trong một môi trường được cảm nhận là an toàn, cá nhân sẽ từ bỏ các thái độ phòng thủ và cảnh giác vốn được dùng để nhận diện các nguy cơ cũng như tạo ra các phản ứng bản năng để đáp ứng thích đáng với các nguy cơ ấy, thay bằng hành vi tương tác xã hội tích cực [prosocial behaviors]. Khi thực hiện các hành vi tương tác xã hội tích cực, cá nhân sẽ cảm thấy bình an hơn, và điều này sẽ dẫn đến sự gần gũi thậm chí là sự đụng chạm hay ôm ấp [physical contact].
Hành vi xã hội tích cực kiểu mẫu trong động vật hữu nhũ thường bao gồm hành vi chăm sóc con trẻ, giao hợp để duy trì nòi giống, chơi đùa tương tác với người chung quanh, và kể cả hành vi trấn tĩnh yên ổn khi có sự hiện diện của người khác.
Trong hệ thống thân kinh phế vị, các dây thần kinh “thông minh” nằm ở vùng bụng của các dây thần kinh [Ventral vagal complex – VVC] đặc biệt này có liên quan đến việc điều hòa phản ứng “đánh hay lánh” của hệ thần kinh giao cảm để phục vụ cho các hành vi xã hội. Chúng chịu trách nhiệm ức chế hay kích thích các mạch tự vệ thuộc hệ viền tùy theo tình huống: khi chuyện trò và sự cảm nhận bình an thông qua hành vi giao tiếp này hay khi cảm nhận sự đe dọa trong giao tiếp với tha nhân.
Khi tham gia vào trong một cuộc chuyện trò an toàn và thân mật, VVC sẽ nâng cao mí mắt và kéo căng các bắp thịt tai trong của chúng ta để chúng ta không chỉ “mở tròn mắt” mà còn lắng tai nghe giọng điệu và câu chuyện của người đối diện.
Khi hệ thống VVC được kích hoạt nó còn giúp nhịp tim của chúng ta chậm dần. Mặc dù nhịp tim chúng ta tăng lên khi chúng ta háo hức và thích thú với dự cảm được ở bên cạnh người nào đó, nhịp tim chúng ta lại chậm dần khi chúng ta ôm người đó vào lòng. Nhịp tim chậm lại tao cho chúng ta nhận thức bình an và gia tăng nhu cầu có những hành động xã hội tích cực trong tương lai.
Những nghiên cứu gần đây trong ngành sinh học thần kinh và ảnh tượng thần kinh [neuroimaging] về các chức năng của con người còn cho thấy các tiếp cận xúc giác mang tính xã hội hay cảm xúc đặc biệt trong các liên hệ xã hội quan trọng đóng một vai trò đặc thù trong các loại trải nghiệm về xúc giác.
Tiếp cận xúc giác trong các mối quan hệ xã hội còn có chức năng điều hòa sinh lý của phản ứng cơ thể đối với những tác nhân gây căng thẳng trong môi trường, bằng cách tạo ra khoảng đệm ngăn ngừa những hiệu quả sinh lý bất lợi đối với những phản ứng của cơ thể không hiệu quả hay có hại. Hệ thống tiếp cận xúc giác xã hội này còn giúp phòng ngừa việc cách ly xã hội [social separation] hay thiết lập lại mối tương giao sau khi bị cách ly xã hội.
Những hành vi xã hội tích cực trong đó có hành vi ôm ấp vì vậy không chỉ giúp chúng giữ những mối quan hệ xã hội và cải thiện tương tác xã hội mà còn giúp chúng ta điều hòa tâm trạng và cải thiện sức khỏe, phát triển, và hồi phục sau những căng thẳng và tổn thương của đời sống.
Chúng ta có thể làm gì trong thời gian đại dịch phải tránh tiếp xúc với người thân bạn bè nhất khi bạn sống một mình? Mở sổ điện thoại ra và gọi cho tất cả những người thân của mình, chia sẻ những tình cảm tích cực, sự quan tâm và yêu thương của mình đối với họ, chú tâm vào giọng nói của họ, và nếu tốt hơn nhìn họ qua màn hình nếu các bạn dùng những công cụ cho phép điều đó. Nó không chỉ giúp cho mối quan hệ xã hội của bạn với người đó tốt hơn mà cả cho tâm lý và thể chất của bạn trong mùa dịch này.
Và nhớ lập một danh sách những người bạn sẽ gặp gỡ, ôm chầm lấy, vỗ vào lưng nhau sau mùa cách ly. Kể cả hôn ai đó, à cái này thì không cần danh sách.
Cozolino, L. (2014). The Neuroscience of Human Relationships: Attachment and the Developing Social Brain. W.W. Norton & Company: New York, NY.
Morrison, I. (2016). Keep Calm and Cuddle on: Social Touch as a Stress Buffer. Adaptive Human Behavior and Physiology. 2. 10.1007/s40750-016-0052-x.
Trevarthen, C. (2009). The Functions of Emotion in Infancy: The Regulation and Communication of Rhythm, Sympathy, and Meaning in Human Development. In Fosha, D, Siegel, D.J, & Solomon, M. (Eds.), The Healing Power of Emotion: Affective Neuroscience, Development & Clinical. W.W. Norton & Company: New York, NY.