Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Phát xít có cùng một DNA?

0
34
Chú thích ảnh: Ảnh 1 là tượng Marx mình chụp ở Bảo tàng Cộng sản tại Praha năm 2018, mình đã bổ sung chú thích tiếng Việt. Ảnh 2 chụp Lenin và Stalin đứng canh toilet Bảo tàng Cộng sản. Ảnh 3 là một tác phẩm điêu khắc vừa được dựng lên ở Berlin để vinh danh các nhà tư tưởng lớn của nước Đức, trong đó có Marx.
   

Nguyễn Yến Khanh

Mình đã muốn viết về vấn đề này sau khi đọc xong quyển The Road to Serfdom – Đường về Nô lệ của nhà kinh tế học Friedrich Hayek từ lâu mà chưa tự tin vì dù sao mình tìm hiểu lịch sử và kinh tế chính trị vẫn đang ở mức độ thầy bói xem voi, cố bù đắp cho những thiếu hụt kiến thức của bản thân thôi. Nhưng hôm nay mình viết ra để sắp xếp tư duy mạch lạc, để hiểu thêm vấn đề.

Nước Đức là cái nôi sinh ra và nuôi dưỡng các triết gia và các nhà tư tưởng lớn. Nhưng nước Đức cũng là quê hương của Karl Marx, cha đẻ của tư tưởng Cộng sản. Và nước Đức cũng là cái nôi của Chủ nghĩa Phát xít khi người dân đã bầu Hitler lên làm quốc trưởng. Điều đáng nói là những tư tưởng cốt lõi của Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Phát xít đều có cùng một DNA, được nhiều nhà tư tưởng cùng phát triển, hội tụ, ủng hộ, rồi lan truyền ra dân chúng chứ không phải vô tình nảy nòi ra ông Marx với ông Hitler lẻ loi, lạc loài.

Chủ nghĩa Cộng sản (Communism) đặt nền tảng trên mâu thuẫn và đấu tranh giữa giai cấp tư sản, thành phần sở hữu tư liệu sản xuất và công nhân, thành phần phải bán sức lao động để lĩnh lương (ai nhớ bài học môn Kinh tế Chính trị thời đại học thì giơ tay nha). Chủ nghĩa Cộng sản cũng đặt nền tảng trên cái gọi là tinh thần tập thể, chủ nghĩa bình quân. Hayek dành hẳn một chương để lý giải vì sao những người Cộng sản muốn chọn chủ nghĩa tập thể và triệt tiêu chủ nghĩa cá nhân.

Giấc mơ, thực tế và ác mộng

Nước Đức thời kỳ Karl Marx đã có nền công nghiệp phát triển vượt trội so với châu Âu nhờ chủ nghĩa tư bản. Karl Marx lý luận rằng mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp lao động sẽ tất yếu dẫn đến việc cần lao vùng lên, xóa bỏ Chủ nghĩa Tư bản, và xây dựng một hình thái xã hội theo mô hình Chủ nghĩa Xã hội (Socialism), theo đó, tư liệu sản xuất trở thành sở hữu của toàn dân. Từ đây trở đi, mình dùng từ Socialist để chỉ những người ủng hộ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Hayek tập trung lý giải nền kinh tế kế hoạch tập trung nhằm đảm bảo hiệu suất tối ưu và phân phối quyền lợi đều khắp lại chính là gốc rễ của Chủ nghĩa Phát xít độc tài, toàn trị.

“Những Socialist tin vào hai thứ hoàn toàn khác biệt và thậm chí đối lập nhau, đó là TỰ DO và KẾ HOẠCH.” – Elie Halévy

Theo Hayek, những người muốn xây dựng Xã hội Chủ nghĩa thời kỳ sơ khai chỉ quan tâm tới mục tiêu đảm bảo công lý, công bằng và an sinh, nhưng họ không quan tâm tới lý luận và phương pháp để đạt được những mục tiêu đó. Vậy nên thời kỳ đầu, những tranh cãi về Chủ nghĩa Xã hội không phải là về mục tiêu tối thượng mà các Socialist hướng tới, mà mâu thuẫn xoay quanh cách thức để đi đến cái đích đẹp đẽ đó. Lý tưởng thì hay ho quá rồi, mà làm thế nào để thực hiện lý tưởng mới là vấn đề.

Công cụ chính Chủ nghĩa Xã hội dùng để điều hành nền kinh tế là “kế hoạch tập trung”. Điều này có nghĩa là phải loại bỏ quyền tư hữu tư liệu sản xuất, thay thế mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận bằng mục đích kinh doanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội thôi. Mà muốn loại bỏ tư hữu và mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận thì không có cách nào khác là phải thực hiện các biện pháp tước đoạt quyền tư hữu, đi ngược với công lý. Theo Adam Smith, những người xây dựng Chủ nghĩa Xã hội đặt các chính phủ vào vị trí quyền lực mà họ hiển nhiên sẽ phải mạnh tay, bạo ngược và chuyên chế.

Kinh tế kế hoạch hiển nhiên đối lập với dân chủ!

Trong Đường về Nô lệ – The Road to Serfdom, Hayek viết rằng các phiên bản khác nhau của Chủ nghĩa Tập thể – Collectivism là Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Phát xít có khác biệt cốt lõi với Chủ nghĩa Tự do – Liberalism và Chủ nghĩa Cá nhân – Individualism ở tham vọng tổ chức toàn xã hội vì một mục tiêu xã hội duy nhất và không công nhận rằng lợi ích của cá nhân là tối thượng. Nói cho ngay và vuông, Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Phát xít đều mang đặc điểm toàn trị totalitarian theo nghĩa căn bản và sâu xa nhất của từ này.

Mục tiêu xã hội thường được mô tả bằng những mỹ từ chung chung, mơ hồ như lợi ích cộng đồng “common good”, “general interest” hay phúc lợi công cộng “general welfare”, nhưng để đạt tới các mục tiêu cao cả này, Chủ nghĩa Xã hội sẵn sàng hi sinh và tước đoạt lợi ích chính đáng của cá nhân, chẳng hạn như quyền tư hữu của các chủ doanh nghiệp, hay của chính những người tiêu dùng, khi không để cho họ có nhiều chọn lựa trong một thị trường tự do và đa dạng.

Những người sống qua thời kinh tế kế hoạch và bao cấp ở Việt Nam hẳn còn nhớ tại một đất nước nông nghiệp mà những người dùng tem phiếu phải ăn gạo mốc, thịt ôi, rau héo, mua cái săm xe đạp cũng phải đăng ký, khai báo, mỗi năm không được mua quá hai bộ quần áo, và có mua cũng phải chờ bình duyệt. Mình lớn lên trong thời bao cấp, 8 tuổi đã phải đi xếp hàng từ 4h sáng mà đến 10h mới đến sát được quầy thịt để mua vài lạng bèo nhèo, nên mình thấm thía cái “trại súc vật” mà thế hệ mình lớn lên. Câu “nhân dân cứ yên tâm, mọi chuyện có Đảng và Nhà nước lo” ra đời trong thời kỳ này, với tinh thần Đảng và Nhà nước là cha là mẹ của nhân dân. Chính một phần vì tư tưởng này mà người dân dần thui chột mong muốn và khả năng phản biện, cất lên tiếng nói với chính quyền về những vấn đề thiết thân với cuộc sống của gia đình họ như giáo dục, y tế và môi trường. Hiện nay chúng ta thường dùng câu này với ý nghĩa châm biếm, chứ không phải theo nghĩa sơ khai của nó ha.

Đài tưởng niệm nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản

Ngược lại với tư tưởng Tập thể, Chủ nghĩa Cá nhân cho rằng cá nhân cần có quyền theo đuổi các giá trị và ưu tiên của bản thân, trong những giới hạn được phân định và đồng thuận, lợi ích cá nhân là tối cao, không phụ thuộc vào sự kiểm soát của bất cứ ai. Tất nhiên, quan điểm này cũng không loại trừ những lợi ích của toàn xã hội, mà thực ra Chủ nghĩa Cá nhân cho rằng khi lợi ích cá nhân được thỏa mãn thì lợi ích của xã hội cũng được nâng lên. Khi cá nhân được tự do, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, được học hành, chăm sóc sức khỏe, có cơ hội giải trí và rèn luyện sức khỏe thì họ sẽ làm việc hiệu quả hơn, đóng góp cho xã hội tốt hơn.

Tại nước Đức, cho tới năm 1928, Chính phủ trung ương và địa phương kiểm soát 53% thu nhập quốc gia. Ngay cả trước khi Hitler lên nắm quyền, trước cả năm 1933, đất nước này đã dần được điều hành bởi những biện pháp độc tài. Hitler thực tế đã không cần phải phá bỏ nền dân chủ tại nước Đức, mà ông ta chỉ lợi dụng xu hướng lao dốc của nền dân chủ trong một thời điểm đen tối của lịch sử, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của những người vốn ghét cay ghét đắng ông ta, nhưng tin rằng ông ta là người duy nhất đủ mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề mà nước Đức phải đối mặt.

Vấn đề là mô hình Quốc hội hay Nghị viện lúc này không có đủ năng lực để làm luật và điều hành nền kinh tế kế hoạch. Họ chỉ có khả năng bầu ra một quốc trưởng có quyền lực tuyệt đối. Mà khi đã nắm quyền rồi, quốc trưởng này sẽ lái các cơ quan dân cử theo hướng mà ông ta muốn. Khi đất nước và nền kinh tế được điều hành bằng kế hoạch tập trung, với tư tưởng của Chủ nghĩa Tập thể, Dân chủ tất yếu sẽ chết nghẻo. Nền kinh tế kế hoạch tất yếu sẽ dẫn đến chế độ chính trị độc tài vì chỉ có bằng các phương thức độc tài thì mới có thể ra các quyết định và thực thi các lý tưởng duy ý chí ở quy mô rộng lớn.

Có một hiểu nhầm phổ biến về lý thuyết “bàn tay vô hình” – invisible hand của Adam Smith, rằng cứ để cho các doanh nghiệp cạnh tranh tự do, rồi nhờ động cơ cạnh tranh để tối ưu lợi nhuận cho cá nhân mà chủ doanh nghiệp phải điều chỉnh theo cung cầu thị trường, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, khác biệt hóa và giá thành cạnh tranh. Bàn tay vô hình hay laissez faire và tự do kinh tế không có nghĩa là để mặc cho cá lớn bắt nạt và ăn thịt bé trong hoang dã, mà cần có một khung pháp lý đủ tốt để giữ cho cạnh tranh và thị trường lành mạnh, đem lại lợi ích cuối cùng cho người tiêu dùng và xã hội.

Đài tưởng niệm nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản không chỉ dành cho những người bị tù đày và giết hại bởi Cộng sản, mà còn dành để ghi nhận cuộc đời của tất cả những con người bị dày xéo bởi chế độ độc tài toàn trị

Thứ phân biệt giữa một đất nước tự do và một đất nước chuyên chế chính là Pháp quyền – Rule of Law. Theo đó, tự do của cá nhân được đặt trong khuôn khổ, nhưng cá nhân biết rằng trong phạm vi của pháp luật thì cá nhân được thoải mái theo đuổi những lợi ích riêng mà không sợ bố con thằng quan chức chính phủ nào. Cả Voltaire và Kant đã chỉ ra: con người chỉ được tự do nếu họ không cần tuân lệnh một cá nhân nào, mà chỉ đơn giản là tuân thủ luật pháp. Còn ở những đất nước theo đuổi kinh tế kế hoạch, khi chính quyền phải quyết định cần nuôi bao nhiêu con lợn, cần bao nhiêu xe bus chạy trên đường, cần khai thác than ở mỏ nào, giày dép tông tiếc phải bán với giá bao nhiêu, những quyết định này không thể căn cứ trên những nguyên tắc thống nhất, dài hạn, mà phải tùy thuộc vào tình hình, và do đó thường bị lợi dụng vì lợi ích của thiểu số cá nhân và nhóm nắm quyền quyết định. Một thiểu số sẽ xác quyết lợi ích của thành phần xã hội nào cần được ưu tiên và thành phần nào phải hi sinh cho “lợi ích chung”, gây ra phân biệt đối xử chứ không hề tạo ra bình đẳng, công bằng. Cần nhắc lại là chính sách kinh tế kế hoạch toàn trị đã làm suy yếu nền Pháp quyền ở Đức trước khi Hitler lên cầm quyền, và ông ta chỉ đẩy nó lên cực điểm mà thôi.

Tại sao những nền kinh tế kế hoạch lại chọn những nhà lãnh đạo tồi tệ nhất?

“Quyền lực thường gây tha hóa, và quyền lực tuyệt đối gây tha hóa tuyệt đối.” – Lord Acton

Không hài lòng với quy trình chậm chạp và phiền phức của nền dân chủ và sự bất lực của mô hình Quốc hội hay Nghị viện, các nền kinh tế kế hoạch cần những nhà lãnh đạo mạnh mẽ để giải quyết vấn đề “get things done”. Chính vì điều này mà những đảng phái được tổ chức theo mô hình quân đội bắt đầu trỗi dậy. Những nhà lãnh đạo Socialist tập hợp quanh mình những người ủng hộ thân cận, sẵn sàng chấp nhận những nguyên tắc toàn trị, và tới lượt họ, những người này cũng áp đặt sự chuyên chế toàn trị lên toàn xã hội.

Những phương thức để tiến tới Chủ nghĩa Xã hội này tất nhiên đi ngược với những mong ước của những Socialist nguyên thủy, và những đảng Xã hội đích thực không muốn thực thi những phương pháp tàn bạo để đạt tới mục tiêu cao cả. Chính ở Đức và Italy, Chủ nghĩa Phát xít đã trỗi dậy vì những đảng Xã hội từ chối nắm quyền điều hành đất nước bằng những biện pháp phi dân chủ. Những đảng viên Socialist vẫn hi vọng đạt tới đồng thuận toàn xã hội một cách kỳ diệu.

Bảo tàng cho Lenin và Stalin đứng canh toilet, doạ ma mọi người

Nói chung, những người có tri thức và đạo đức cao nhất thường có nhãn quan và giá trị sống khác biệt với đại chúng. Vì vậy, nếu người ta kỳ vọng đạt được một sự thống nhất, đồng thuận cao nhất về nhãn quan và đạo đức, thì không thể trông chờ ở những người có tri thức và đạo đức cao nhất, mà phải dựa vào đa số. Điều này có nghĩa là nhóm chiếm đa số và có thể đạt tới sự tương đồng về giá trị sống dễ dàng là nhóm có tiêu chuẩn tri thức và đạo đức thấp hơn. Một lãnh tụ độc tài muốn tập hợp quanh mình một đám đông sẽ lợi dụng đặc điểm này để mỵ dân. Hắn ta sẽ thu hút được những kẻ dễ bảo, cả tin, không có những niềm tin có cơ sở mà sẵn sàng tiếp nhận và để cho người khác nhồi sọ bằng những tư tưởng và giá trị được tuyên truyền đủ mạnh, đủ thường xuyên. Chính những người không có chính kiến sẽ dễ bị cuốn theo và nghiêng ngả theo một lãnh tụ độc tài. Khi những người có tri thức và tiêu chuẩn đạo đức cao không chọn con đường phục vụ cho bộ máy độc tài toàn trị, thì những kẻ tàn bạo, bất chấp đúng sai, sẵn sàng lừa mỵ và ngồi xổm lên sự thật lại có cơ hội thăng tiến lên những vị trí cao nhất.

Một đặc điểm khác của bản chất con người là họ dễ đồng thuận với những điều tiêu cực, như căm thù một kẻ thù chung. Sự đối lập giữa “chúng ta” và “chúng nó”, xung đột giữa cộng đồng mà họ thuộc về với những người không có cùng hệ giá trị là chất xúc tác cần thiết liên kết họ để cùng hành động vì “lý tưởng” chung. Tại Đức và Áo, người Do Thái đã được coi là đại diện của Chủ nghĩa Tư bản. Chính vì lẽ này, người Do Thái đã trở thành kẻ thù của nước Đức, do tâm lý bài trừ Chủ nghĩa Tư bản.

Vì giành được sự đồng thuận của toàn bộ dân chúng là điều phi thực tế, các lãnh tụ của Chủ nghĩa Tập thể sẽ viện tới một nhóm mà họ có thể giành được sự ủng hộ tuyệt đối, và từ đó lan tỏa ảnh hưởng ra các nhóm khác. Lúc này, Chủ nghĩa Dân tộc Nationalism, Chủ nghĩa Chủng tộc Racialism hay Chủ nghĩa Giai cấp Classism lên ngôi.

Về lý thuyết, Chủ nghĩa Xã hội mang tính quốc tế. Nhưng khi được thực thi ở Đức hay ở Nga, nó đã mang đậm màu sắc Chủ nghĩa Dân tộc cực đoan, toàn trị. Nếu lợi ích “cộng đồng” đại chúng hay quốc gia được đặt lên trên lợi ích cá nhân, thì bất cứ cá nhân nào không ủng hộ cho mục tiêu này đều trở thành những con chiên ghẻ, không thuộc về “cộng đồng” và cần phải bài trừ, hay thậm chí loại trừ. Tương tự, những cường quốc cần dẫn dắt thế giới, và những quốc gia nhỏ phải nhập vào cường quốc, hoặc sẽ bị nghiền nát. Những người đặt nền tảng cho Đảng Quốc gia Xã hội Đức – National Socialism đã từ lý tưởng của Chủ nghĩa Xã hội tiến về Chủ nghĩa Dân tộc. Đảng này thường được gọi tắt là Quốc Xã trong tiếng Việt, lấp liếm đi thành tố Xã hội trong tên của chính đảng này.

Nguyên tắc “kết quả biện minh cho phương tiện” khiến cho các Socialist bỏ qua các nguyên tắc đạo đức. Họ sẵn sàng làm tất cả những gì cần thiết, để đạt được mục đích chung. Ít ai có thể phủ nhận rằng người Đức là những người chăm chỉ và có kỷ luật tới mức khắc kỷ, họ có những nguyên tắc về trật tự, trách nhiệm và tuân thủ quyền lực, họ sẵn sàng hi sinh với lòng quả cảm lớn lao, thậm chí sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm. Những người ủng hộ cho chế độ toàn trị có cảm xúc đạo đức mãnh liệt về Đảng Quốc Xã – National Socialism, tương đương với nhiệt tình dành cho các phong trào tôn giáo nhiệt thành nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, khi những mục tiêu chung bao trùm toàn xã hội, hiển nhiên là đôi khi sự tàn bạo trở thành một trách nhiệm, ví dụ như bắn bỏ những con tin hay giết người già và ốm yếu được coi là những thủ đoạn cần thiết.

Chú thích ảnh: Ảnh 1 là tượng Marx mình chụp ở Bảo tàng Cộng sản tại Praha năm 2018, mình đã bổ sung chú thích tiếng Việt. Ảnh 2 chụp Lenin và Stalin đứng canh toilet Bảo tàng Cộng sản. Ảnh 3 là một tác phẩm điêu khắc vừa được dựng lên ở Berlin để vinh danh các nhà tư tưởng lớn của nước Đức, trong đó có Marx.

Gốc rễ Socialist của Chủ nghĩa Phát xít

Có một sai lầm khi cho rằng Đảng Quốc Xã – National Socialism không đặt nền tảng trên tri thức. Nếu thực vậy thì phong trào đã không nguy hiểm như nó đã là. Những nhà tư tưởng Đức như Thomas Carlyle, Houston Stewart Chamberlain, Auguste Comte và Georges Sorel đã cùng đóng góp và đặt tiền đề cho Chủ nghĩa Phát xít. Trong quyển sách có tựa đề “The Roots of National Socialism”, R. D. Butler đã nghiên cứu và hệ thống hóa lại sự phát triển qua 150 năm của những tư tưởng là tiền đề cho sự ra đời của Đảng Quốc Xã. Những học thuyết bắt rễ ở Đức đối nghịch với những giá trị tự do, quốc tế và dân chủ của Marxism.

Mối quan hệ giữa Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Dân tộc ở Đức đã luôn gần gũi, ngay từ đầu. Những ông tổ quan trọng nhất của Đảng Quốc Xã – National Socialism bao gồm Fichte, Rodbertus và Lassalle cũng là cha đẻ của Chủ nghĩa Xã hội. Mặc dù Chủ nghĩa Xã hội theo lý thuyết của những người Marxist nhằm lãnh đạo lực lượng cần lao, từ năm 1914, những người Marxist đã lần lượt trở thành những người đã dẫn dắt người lao động và thanh niên lý tưởng gia nhập phong trào của Đảng Quốc Xã. Chỉ từ đó, làn sóng Quốc Xã mới giành được tiếng nói quan trọng và nhanh chóng phát triển những học thuyết Hitler.

Có lẽ người đầu tiên và quan trọng nhất với Đảng Quốc Xã là giáo sư Werner Sombat, xuất thân là một Marxist đã dành phần lớn cuộc đời để đấu tranh và truyền bá những lý tưởng chống tư bản của Karl Marx trên khắp nước Đức. Những người có vai trò quan trọng trong việc quảng bá tư tưởng Marx còn phải kể đến Giáo sư Johann Plenge và Friedrich Nauman, Paul Lensch, Oswald Spengler và Arthur Moeller van den Bruck… Trong số họ, Bruck tuyên bố Chiến tranh thế giới thứ nhất là cuộc chiến giữa Chủ nghĩa Tự do và Chủ nghĩa Xã hội. Theo ông, ở nước Đức không có người theo Chủ nghĩa Tự do, mà chỉ có những nhà Cách mạng trẻ và những người Bảo thủ trẻ. Chủ nghĩa Tự do là một triết lý sống mà thanh niên Đức kinh tởm. Những nhà tư tưởng này đã đặt nền móng cho Đảng Quốc Xã trỗi dậy, với tham vọng cách mạng và lãnh đạo toàn thế giới. Vậy tóm lại, Chủ nghĩa Xã hội với đại diện là Marx và Chủ nghĩa Phát xít với quốc trưởng là Hitler không tình cờ rơi vào đầu nước Đức, mà nó có cội rễ sâu xa là sự tiếp nối của những tư tưởng đã xuất hiện trước đó. Nhưng bản chất, hai hình thái xã hội này đều sử dụng công cụ kế hoạch tập trung để điều hành nền kinh tế và toàn xã hội, nên chúng tuy có 2 tên gọi mà đều có cùng mã DNA giống nhau.

Mình đã đọc loáng thoáng trong một số còm của anh Dương Quốc Chính khi anh nhắc tới bản chất giống nhau của Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Phát xít. Gần đây mình đề nghị anh ấy viết bài phân tích chi tiết mà ảnh không chịu nghe lời thỉnh cầu của mình, nên mình tự viết ra vậy. Quả thực nhờ việc đọc lại quyển sách lần hai để viết bài này mà mình hiểu rõ hơn những thông điệp và phân tích của Hayek so với lần đầu.

Quyển Đường về Nô lệ xuất bản lần đầu năm 1944, trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Mục đích chính của Hayek, một người Áo định cư và làm giáo sư giảng dạy kinh tế học tại Anh là nhằm cảnh báo nước Anh và phương Tây tránh đi theo vết xe đổ của nền kinh tế kế hoạch. Những cảnh báo này có cơ sở vì trong chiến tranh, Anh và các nước phương Tây cũng đã rất nghiêng ngả theo những lý thuyết và đường lối rất gần với Chủ nghĩa Xã hội, đi ngược lại với Chủ nghĩa Tự do và Chủ nghĩa Cá nhân mà phương Tây vốn tôn sùng.

Chú thích ảnh: Ảnh 1 là tượng Marx mình chụp ở Bảo tàng Cộng sản tại Praha năm 2018, mình đã bổ sung chú thích tiếng Việt. Ảnh 2 chụp Lenin và Stalin đứng canh toilet Bảo tàng Cộng sản. Ảnh 3 là một tác phẩm điêu khắc vừa được dựng lên ở Berlin để vinh danh các nhà tư tưởng lớn của nước Đức, trong đó có Marx.

https://www.facebook.com/groups/778019953000802/permalink/1413859286083529/

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here