CHƠI PHÂY AI CÓ QUA CẦU MỚI HAY… (HAY LÀ CHUYỆN VUI PHÂY BÚC)

1
1176
People are silhouetted as they pose with laptops in front of a screen projected with a Facebook logo, in this picture illustration taken in Zenica October 29, 2014. Facebook Inc warned on Tuesday of a dramatic increase in spending in 2015 and projected a slowdown in revenue growth this quarter, slicing a tenth off its market value. Facebook shares fell 7.7 percent in premarket trading the day after the social network announced an increase in spending in 2015 and projected a slowdown in revenue growth this quarter. REUTERS/Dado Ruvic (BOSNIA AND HERZEGOVINABUSINESS LOGO - Tags: BUSINESS SCIENCE TECHNOLOGY LOGO TPX IMAGES OF THE DAY)
Văn Công Hùng

Không biết tự bao giờ, facebook (từ đây xin viết phây búc cho nhanh) trở thành phổ thông với mọi người đến thế. Giới nhà văn thường là thủ cựu nhất, nhưng giờ cũng tràn ngập trên phây.

Rất nhiều chuyện hài hước từ phây đã diễn ra, như đi đường đói rã người, dừng xe vào quán ăn, thức ăn vừa bưng ra, người chưa đụng đũa nhưng đã vớ điện thoại chụp ảnh thức ăn để cho… phây ăn. Thậm chí nhà có giỗ, cỗ vừa bưng lên bàn thờ, chưa kịp thắp hương nhưng đã kịp… cúng phây. Hay như vợ chồng unfriend nhau trong phây, nhưng ngoài đời dính nhau như sam, ngược lại, ngoài đời… tẩn nhau như đồ tể nhưng trong phây mở ra là em iu, anh iu. Hoặc lập nick ảo để… đọc của nhau. Con cái thường là không kết bạn với bố mẹ, thậm chí cấm cửa (chặn) thì bố mẹ cũng trăm phương ngàn kế đọc con như mượn phây người khác, lập nick mới vân vân…

Điều ấy chứng tỏ, người ta bộc lộ mình trên phây khá rõ, phây đã trở thành… cơm ăn nước uống hàng ngày, thành “một phần không thể thiếu” như một quảng cáo.

Phây trở thành một xã hội tưởng là ảo té ra lại rất là thật, bởi con người bộc lộ mình khá rõ, ai như thế nào nó hiện ra trên phây ngay, khôn cũng đấy mà dại cũng ở đấy. Xây nhà ở đấy mà đốt nhà cũng ở đấy.

Muốn chơi phây phải có mấy điều kiện.

Đầu tiên là phải có máy tính hoặc điện thoại Smartphone. Phải có mạng hoặc điện thoại 3G, thậm chí có cả 2 càng tốt, để đủ sức… ăn phây ngủ phây. Và như thế tức là phải có kinh tế, chứ nghèo, không có mạng, xài điện thoại cùi bắp thì… quên phây tắp lự. Giờ phây trải hang cùng ngõ hẻm chứng tỏ dân ta không nghèo.

Tiếp đến là khả năng tin học, để ít nhất biết bấm phím, post bài, post ảnh. Bây giờ việc này phổ thông như chúng ta học i tờ, nhưng cách đây hơn chục năm, thời mà cơ quan có cái máy tính phải sắm phòng lạnh để đặt, vào phòng ấy phải bỏ dép, nhân viên vi tính quyền to hơn… thủ trưởng, thì cái việc bấm phím nhoay nhoáy hoặc live post ngay tắp lự nó là cả một huyền thoại.

Tiếp đến, quan trọng hơn, có đủ chữ để viết, đủ nhận thức để like hoặc comment.

Nhưng không phải ai cũng có thể phân biệt việc này, từ kỹ thuật tới nội dung.

Nhớ có hồi, hàng loạt facebooker bị lừa rồi bị hack. Ấy là các hacker gửi một cái link tới, vỏ link là một cảnh giường chiếu, thế là rất đông bác tò mò click vào, ăn virus ngay. Cái sự “tò mò” này không giấu được, bởi ngay sau đó, virus ăn theo friend list phát tán đến bạn phây. Mỗi khi nhận được link ấy từ ông bạn phây khả kính nào đấy, tôi thường del ngay, sau đấy vào inbox nhắn tin chọc: Bác tò mò quá đấy nhé, nên bị hack. Thế mà nhiều bác reply cãi: đâu, tớ có làm gì đâu? Khổ, khôn ngoan nó bày ra mặt, què quặt nó hiện ra… phây mà.

Mới nhất, tôi cũng bị một vụ.

Ấy là một bà mẹ lên phây của mình, “nhắn gửi” các anh công an một phường ở Hà Nội, về việc các anh đã “can thiệp thô bạo” con của chị khiến cháu khóc. Con chị là học sinh học trường quốc tế, 15 tuổi, tức là gia đình có điều kiện và được giáo dục kỹ. Cháu ra phố đi bộ chơi vĩ cầm và có đặt cái vỏ đàn để nhận tiền, nghe nói là để làm từ thiện, bố cháu cũng lên phây khoe cháu biết kiếm tiền. Mẹ cháu bảo công an hạch sách cháu, quát tháo đòi kiểm tra giấy phép khiến cháu về nhà còn khóc. Tôi đã viết một status bày tỏ sự phản đối hành vi kém nhân văn và cả văn hóa ấy, và cho rằng, hình ảnh cháu bé 15 tuổi chơi vĩ cầm trên phố đi bộ chỉ sang cho thành phố ấy. Nhưng sau đấy thì… gió đổi chiều, báo cáo của đoàn kiểm tra, chứng nhận của nhân chứng và ngay mẹ cháu cũng viết lời xin lỗi. Thì té ra, người to tiếng lại là bố cháu và… cháu. Khác nhiều người là lơ đi hoặc lẳng lặng gỡ tút, tôi viết lại một bài, xin lỗi, và cho rằng, cách dạy con như của gia đình chị kia thì… nguy cho cháu. Và quả là, không ngờ, đến giờ mà vẫn còn có cách dạy con kỳ lạ như vậy, khiến cháu bé, nghe nói hôm ấy đã có những lời nói rất hỗn với tổ công tác, người lớn cũng không nói thế chứ đừng nói trẻ em.

Trước đấy, lâu lâu rồi là vụ “các mẹ ơi biết gì chưa” nổi đình đám và người “các mẹ ơi” đã bị phạt, nhưng giờ, nó thành câu cửa miệng của khá nhiều người, mở đầu câu chuyện là… các mẹ ơi biết gì chưa?

Phây là nơi, phải công nhận là, rất dân chủ, bởi ai cũng có thể là phây… thủ, và bình đẳng, chả anh nào dám coi mình tài hơn anh nào. Cũng may anh Mark có chế độ bạn bè, nên anh có thể vào đấy kết bạn và… chịu đựng nhau trong số bạn bè mình. Ví như có chị một ngày 5 lần thay quần áo chụp ảnh nuôi phây, ngày nào cũng như ngày nào, đủ tư thế đứng, nằm, ngồi, hết rồi lặp lại. Phải nói là các chị này có một sức tưởng tượng phi phàm chả thua gì… nhà thơ. Chỉ nguyên đứng có chừng 105 kiểu, ngồi ít hơn chút và nằm thì vô biên. Rồi các kiểu chụp, từ tự sướng (Selfie) một mình đến cả tốp, đến nhờ người khác chụp, thậm chí cháu nội cháu ngoại mới hai ba tuổi cũng nhờ bấm rồi khoe: Sản phẩm của cháu 3 tuổi. Về sắc và gu thẩm mỹ thì, trời ạ, tốt nhất nếu là bạn thì vào like một phát rồi… chuồn không lại mang tiếng là người… không trung thực. Có người buổi sáng mở điện thoại, chả biết viết gì bèn Wao một cái kèm cái chấm than, thế mà cũng cả hàng trăm like, mấy chục comment hỏi han thán phục.

Mới nhất, chính quyền Đà Nẵng vừa phạt một người đăng tin ở công viên thành phố có tổ chức quyên tiền từ thiện bằng cách… sờ ngực thiếu nữ. Thế mà cũng được like và share điên đảo. An ninh mạng chỉ cần 30 giây là tìm ra thủ phạm, thì chủ nhân ú ớ, thấy người ta đăng ở đâu đấy, mang về mông má lại đăng lên để… kiếm like.

Cái nạn kiếm like cũng khá hài hước. Với tư cách là người cũng chơi phây và không màng like không màng comment bởi không có thời gian đếm và re com, tôi thấy việc ngồi chờ like nó hài hước không kém gì màn lợn cưới áo mới thuở nào. Nhưng cũng khổ, ngay báo chính thống, khi nhắc đến một nhân vật nào đó, một sự kiện nào đó trên phây thì lại cũng… “chỉ sau thời gian rất ngắn, tâm trạng của chị đã có hàng ngàn like”, thì người ta sướng vì “lai” cũng chả… oan uổng gì.

Chơi phây, trước hết là phải có bản lĩnh, có một phông văn hóa vững và rộng, tri thức đủ để phân biệt thật giả, phải trang bị cho mình một tư duy hết sức tỉnh táo để phân biệt, nói thì dễ nhưng quả là rất khó, vì chính nhiều nhà báo (trong đó có người đang viết bài này) cũng bị lừa mà vụ cậu bé 15 tuổi chơi vĩ cầm vừa rồi là ví dụ. Càng là người nổi tiếng càng phải thận trọng khi đăng hoặc chia sẻ thông tin. Phải điềm tĩnh kiểm chứng thông tin, nhất là những thông tin nhạy cảm về lãnh đạo, về chính quyền. Nói chung là, nói như dân phây bây giờ, đừng để tay nhanh hơn não, rồi thì mang vạ.

Lang thang trên phây, thấy nhiều chuyện rất trời ơi mà sao người ta vẫn đưa lên và rất nhiều người tin, như chuyện đang cực nóng bây giờ là… bắt cóc chẳng hạn. Kiếm cái ảnh bá vơ ở đâu đó rồi phán như thật: Chuyện vừa xảy ra nè, ở đấy ở đấy, 2 người bắt cóc, thậm chí là ướp đá cháu bé. Nhắc để các mẹ cẩn thận. Thế là tất cả, hoặc rất đông “các mẹ” phát rồ lên, chia sẻ, hẹn nhau, thêm mắm thêm muối cho nó xứng với tầm quan trọng của sự kiện và với chính các mẹ.

Cũng trên phây, có những nhóm được lập ra rất thú vị. Tôi hay vào diễn đàn ô tô fun và đọc khá say sưa, trên ấy có đủ mọi trạng huống diễn ra trên đường được các tài xế ghi lại, post lên. Tài xế giờ không phải chỉ là công nhân lái xe nữa, mà xe của cá nhân, họ có thể là nhà văn, giáo viên, kỹ sư, bác sĩ vân vân, vì thế những câu chuyện trên ấy hết sức sinh động và thực tế. Tôi cũng học được nhiều trên ấy cách xử lý các tình huống xảy ra trên đường khi lái xe. Và có việc gì, vào đấy hỏi phát, ngay lập tức hàng trăm bạn vào trả lời. Tất nhiên mình chọn cái nào có lý nhất, mình cho là đúng nhất. Cũng như có lần tôi bị đau gối, vào phây hỏi, một bạn bảo tôi, ông ơi, ông có 5000 bạn, họ sẽ là 5000 bác sĩ của ông, ông sẽ loạn trong ấy. Nhưng quả là, nếu tỉnh táo, 5000 ông bác sĩ phây ấy, thế nào cũng có 1000 ông chuyên gia thứ thiệt, thế là tốt rồi, là ấm cúng rồi…

Cái giỏi của người chơi phây là phải biết lọc thông tin. Giữa hàng triệu post mỗi giờ, phải biết thông tin nào là thực, thông tin nào có ích cho mình, cái gì mình học được, cái gì mình tránh, cái gì ghi lại để nhớ, cái gì đọc xong phì cười rồi thôi, cái gì nhảm nhí phải loại thẳng cánh. Và nói thế chứ, với tôi, thế giới phây là nơi tôi được rất nhiều. Viết phây là một cách để luyện chữ, để chữ luôn luôn luôn mới, đọc phây là để tìm thông tin, nuôi cảm xúc, là nơi kết nối bạn bè. Có những bạn bè lưu lạc hàng ba bốn chục năm, một ngày nhận ra nhờ… phây búc. Và còn muôn vàn lợi ích khác nữa, để bây giờ, ngay các cơ quan nhà nước cũng mở phây để giao tiếp với dân. Tổng thống một số nước lớn cũng dùng mạng xã hội, có phây búc, để tương tác với cử tri. Nó là một thực thể của xã hội văn minh, và nó cũng như đời sống thực, cũng đầy đủ hỉ nộ ái ố.

Cá nhân tôi, mỗi ngày bỏ ra 30 phút viết phây, ba tiếng để đọc phây, và tôi mới phát hiện là, tiềm năng chữ trong mỗi con người trên cuộc đời này là rất lớn. Rất nhiều người làm nghề chả liên quan gì đến chữ nhưng viết phây cực hay, đọc cứ thun thút, hoặc xuýt xoa, hoặc cười như nghé, còn các nhà văn nhà báo ư, ai cũng tưởng là họ viết phây hay, té ra không phải thế. Hôm tôi và nhà văn Sương Nguyệt Minh giao lưu với độc giả Pleiku nhân Ngày sách, tôi có trả lời một bạn đọc rằng, không phải nhà văn nhà báo nào cũng viết phây hay đâu, bạn cứ nghĩ thế là nhầm đấy. Có thể toàn bộ sức lực, tinh hoa, tài năng, họ dồn vào tác phẩm hết rồi, phây là nơi họ ghé qua để xả sì trét nên nó thế. Nhưng có người, phây là nơi họ nháp, họ tung ra trước để bạn đọc góp ý, sau đấy họ mới viết thật. Thì nó cứ mờ mờ ảo ảo như phây thế, biết đằng nào mà lần…

Muôn hình vạn trạng về phây, tôi lược ra một ít hầu các bạn, hy vọng cuối tuần các bạn sẽ vừa đọc bài này vừa… lướt phây. Và tôi cũng ủng hộ, Việt Nam ta sẽ có ngày… cai phây. Vâng, ngày ấy, cả nước tắt moderm wifi, toàn bộ internet tê liệt, các quán cà phê sáng sẽ chỉ còn những người ngồi nhìn thẳng vào nhau, nói chuyện với nhau chứ không còn cảnh ai cũng cắm cúi vào điện thoại, muốn trao đổi gì với người trước mặt thì… inbox nữa…

1 COMMENT

  1. Hey there! Do you know if they make any plugins to help with SEO?
    I’m trying to get my site to rank for some targeted keywords but I’m
    not seeing very good results. If you know of any please share.
    Thanks! You can read similar blog here: Eco wool

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here