Các trường đại học Đức hy vọng có được các nhà khoa học của Hoa Kỳ
Tagesschau, 01.04.2025
Nhiều nhà khoa học Hoa Kỳ đang tìm một vùng đất nghiên cứu mới. Nước Đức nhìn thấy cơ hội của mình. Tuy nhiên việc tích cực tuyển dụng những bộ óc thông minh không chỉ là những lời cổ động.
*
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ sự hoài nghi về đại bộ phận nghiên cứu khoa học. Khi thì ông đe dọa các trường đại học bằng cách cắt giảm tài trợ, khi thì ông cấm một số từ ngữ (*) trong các đề xuất nghiên cứu, hoặc muốn loại bỏ toàn bộ các môn học không phù hợp với thế giới quan của ông. Do đó, nhiều nước châu Âu đang thảo luận về việc: liệu có thể thu hút các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ qua Đại Tây Dương hay không và bằng cách nào.
Ví dụ, vài ngày trước Bộ trưởng Khoa học Hà Lan, Eppo Bruins, đã công bố một quỹ khuyến khích các nhà khoa học hàng đầu chuyển đến Hà Lan. Bruins cho biết: “Chúng ta phải đi đầu trong việc trở thành địa điểm khoa học và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu hàng đầu đến Hà Lan”. Chương trình này dự kiến sẽ tiêu tốn hàng chục triệu euro và sẽ được triển khai sớm nhất có thể.
*
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH BÁO: KHÔNG PHẢI LÀ MỘT Ý TƯỞNG HAY
Joybrato Mukherjee tỏ ra nghi ngờ về những công bố như vậy. Mukherjee là Hiệu trưởng Đại học Köln và Chủ tịch Cơ quan trao đổi học thuật Đức (DAAD). Ông cảnh báo: “Ai kêu gọi săn bắt các nhà khoa học Hoa Kỳ trong tình hình hiện tại, người đó tạo khó khăn cho quan hệ đối tác khoa học xuyên Đại Tây Dương”. Việc tổ chức tạo ra một cuộc chảy máu chất xám đúng nghĩa nhằm vào Hoa Kỳ không là mục tiêu của châu Âu hay Đức.
Mukherjee cho biết hiện nay có khoảng 75.000 nhà khoa học nước ngoài tại Đức. Với đà diễn biến này ở Hoa Kỳ, con số có thể gia tăng.
“Theo đó, nước Đức cần có vài thứ mời gọi: một nền văn hóa rộng mở; trường đại học với cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên tuyệt vời, đáng tin cậy; cơ cấu hành chính linh hoạt để bộ máy quan liêu không làm chậm trễ việc thu hút những nhân tài quốc tế hàng đầu.”
Hiệu trưởng Đại học Köln cho biết phương châm không phải là hăng hái nhử mồi mà là thúc đẩy chất lượng của hệ thống khoa học Đức và châu Âu. Mục tiêu quan trọng nhất là các nhà nghiên cứu ở Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn duy trì đối thoại với nhau và tiếp tục trao đổi.
*
ĐỪNG QUÊN GIỚI SINH VIÊN
Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp sinh viên Đức (DSW), Matthias Anbuhl, nhắc nhở rằng, cuộc tranh luận hiện nay không chỉ tập trung vào các nhà nghiên cứu hàng đầu. Không kém phần quan trọng là giới học giả trẻ, những người thấy việc học hành tại Hoa Kỳ trở nên kém hấp dẫn trong thời chính quyền Trump.
“Đức cũng có thể khá tự tin về vấn đề này; chúng ta là điểm đến được yêu thích hàng thứ ba đối với sinh viên quốc tế”, Anbuhl nói. Đó là nhờ các chương trình học tốt, nhưng trên hết là do không phải đóng học phí. “Chúng ta cần phải giữ lấy điều này để duy trì sức hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế.”
Anbuhl cho biết cuộc thảo luận hiện nay trong chính phủ mang đến cơ hội cải thiện cho lĩnh vực giáo dục đại học đang thiếu vốn đầu tư ở Đức – ví dụ, bằng cách mở rộng số lượng chỗ ở cho các ký túc xá sinh viên với giá cả phải chăng. “Điều quan trọng là khi sinh viên quốc tế đến Đức, họ sẽ thấy điều kiện ở đây tốt đẹp. Việc này chắc chắn có nhiều thứ cần cải thiện, đặc biệt là về mặt cơ sở hạ tầng xã hội.”
*
Lưu Thủy Hương dịch từ: https://www.tagesschau.de/wissen/forschung/usa-forschung-europa-100.html
(*) Các từ này đã được báo Đức chuyển sang tiếng Đức: “Diversität” và “Geschlecht”. Tôi không rõ tiếng Anh là gì nên tạm thời không dịch ra tiếng Việt.