Phần 1: “nạn kiều”.
Lãnh đạo CSVN, trong một thời gian (tương đối ngắn so với thời gian lập quốc của Việt Nam), đã liên tục mở ra bốn cuộc chiến tranh: “9 năm kháng chiến” đánh Pháp (1945-1954); hai mươi năm “đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào” (1954-1975); mười năm đánh Khmer đỏ và chiếm đóng Campuchia (1978-1988); cuối cùng là đánh Trung Quốc, tháng 2-1979.
Trong 10 năm, 1978-1988, VN phải đương đầu cùng lúc hai cuộc chiến tranh: biên giới phía Bắc với TQ và phía Tây Nam với Khmer đỏ.
Phía CSVN hãnh diện tuyên bố đã “chiến thắng vẻ vang” ở 4 cuộc chiến đó.
Câu hỏi đặt ra là các “chiến thắng vẻ vang” đã đem lại điều gì lợi ích cho người dân và đất nước?
40 năm sau (cuộc chiến biên giới 1979) người dân vẫn nghèo, đất nước bị tàn phá. “Rừng đã hết và biển đã chết”. Sông ngòi, ruộng đồng, đất đai… ô nhiễm, tài nguyên quốc gia bị hủy hoại. Đất nước không đơn thuần đứng trước “nguy cơ chưa giàu đã già” mà thực tế đã lâm vào vòng lệ thuộc.
Huyết mạch kinh tế phần lớn do tài phiệt nước ngoài nắm giữ (qua các hình thức đầu tư). Đại đa số dân chúng sống về lao động tay chân, làm công trong các xí nghiệp của tài phiệt nước ngoài. Nếu không thì sống nhờ vào “xuất khẩu lao động”, “làm dâu xứ người”, một hình thức “lao nô quốc tế”.
Những quốc gia “chiến bại” trước VN, Pháp và Mỹ không nói, vẫn luôn là các đại cường hàng đầu thế giới.
Còn Trung quốc ?
Học giả VN thường khoe khoang TQ “học VN một bài học”. Nhưng đàng sau “bài học” mà TQ học của VN, nếu không nói là nhờ “thua” VN, TQ từ một quốc gia nghèo đói lạc hậu “vươn vai” trong bốn thập niên trở thành một đại cường, chỉ đứng sau Mỹ, về kinh tế, khoa học kỹ thuật, quốc phòng…
Ngay cả Campuchia, phía thiệt thòi nhứt trong chiến tranh, bây giờ cũng “qua mặt” VN trên nhiều phương diện.
Viết lại lịch sử không phải để “say sưa” với “hào quang” chiến thắng, hay để “tự hào” ta là “anh hùng”. Viết lại lịch sử cũng không phải để khơi dậy lòng “căm thù” giữa hai dân tộc VN-Mỹ, VN-TQ, VN-Campuchia… (thậm chí khơi dậy hận thù dân tộc hai miền Nam Bắc). Lợi ích của “lịch sử” là để “không lập lại những sai lầm của lịch sử”.
TQ chắc chắn đã “học” được nhiều kinh nghiệm ở cuộc chiến 1979. Không phải nhờ cuộc chiến này mà TQ “lấy niềm tin” với Mỹ, từ đó nhờ vào tư bản cùng khoa học kỹ thuật của Mỹ để phát triển hay sao ?
Còn VN đã học được cái gì (ở 4 cuộc chiến)?.
Vấn đề “nạn kiều”: bài học về sự “bội ước” và hệ quả việc giết chết “con gà đẻ trứng vàng”.
Theo tác giả François Joyaux, trong tập “La Tentation Impériale – politique extérieure de la Chine depuis 1949” (Paris 1994), đến năm 1975 người Hoa ở miền Nam Việt Nam khoảng 1.200.000 người, phần lớn ở Chợ Lớn (800.000). Những người này kiểm soát huyết mạch kinh tế miền Nam. Thời tổng thống Ngô Đình Diệm đã có những chính sách hạn chế sinh hoạt kinh tế của ngoại kiều, như người nước ngoài không được làm một số ngành nghề, việc cấp Visa hạn chế. Điều này cũng áp dụng cho Hoa Kiều, khiến lớp người này hầu hết nhập tịch Việt Nam. Qua nhiều thế hệ lớp người “gốc Hoa” này không bị xã hội phân biệt hay kỳ thị. Họ trở thành người Việt, có đủ quyền lợi và nghĩa vụ không khác những người dân khác.
Số người Việt gốc Hoa ở miền Nam sau đó tăng thêm 200.000, là số Hoa kiều sống tại Kampuchia, sau 1975 chạy sang VN tị nạn.
Số người Hoa ở miền Bắc, khoảng 300 ngàn người. Vấn đề quốc tịch được Bắc Kinh và chính phủ VNDCCH đặt ra sau khi hiệp định Genève 1954 được ký kết. Việc thuơng thuyết gặp khó khăn, nhưng cuối cùng người Hoa tại VN (miền Bắc) được có những quyền lợi tương tự như người bản xứ với điều kiện những người này phải lần hồi lấy quốc tịch Việt.
Năm 1976, nhân việc tổ chức bầu cử toàn quốc, những người Việt gốc Hoa ở miền Nam bị bắt buộc khai quốc tịch. Việc này quan hệ đến đại đa số dân Hoa sống tại miền Nam. Từ thập niên 50 họ đã có quốc tịch Việt Nam, một phần do chính sách của ông Diệm, người Hoa muốn làm ăn ở VN phải vô quốc tịch.
Vấn đề là chính phủ MTGPMN đã có cam kết với Bắc Kinh về tình trạng của người Hoa sau chiến tranh. Ngày 24 tháng 5 năm 1965, lúc chiến tranh gia tăng cường độ, chính phủ lâm thời MTGPMN công bố một lá thư nhằm gởi đến Hoa kiều đang ở miền Nam, dĩ nhiên để lôi kéo khối dân chúng này vốn bất mãn các chính sách về quốc tịch của ông Diệm. Nội dung lá thư cho biết những người này có quyền tự do lựa chọn quốc tịch của mình sau khi chiến tranh kết thức.
Năm 1968 việc này được CP LTMTGPMN nhắc lại và Bắc Kinh tiếp nhận sự việc này. Như thế đây là một lời cam kết giữa hai chính phủ. MTGPMN đã “hưởng lợi” qua những viện trợ của Bắc Kinh về kinh tài lẫn vũ khí.
Sau khi “thống nhứt đất nước”, quốc gia VN lẽ ra phải có nhiệm vụ “kế thừa” các di sản của VNDCCH và CPLT MTGPMN, như về lãnh thổ, dân chúng, quan hệ ngoại giao với nước thứ ba…
Hai điều cam kết, một của nhà nước VNDCCH đối với khối dân người Hoa miền Bắc, một của CP LTMTGPMN đối với khối dân Hoa ở miền Nam. Các lời hứa nói trên đơn thuần bị “xóa bỏ”.
Dĩ nhiên, trước nhà cầm quyền Bắc Kinh, thái độ của VN buộc dân chúng gốc Hoa hồi tịch thể hiện sự “bội ước”, một điều cấm kỵ trong quan hệ ngoại giao. Vô hình trung lãnh đạo CSVN đã đem lại tính “chính đáng” cho cuộc chiến tranh “phản công tự vệ chiến” của TQ.
Và đây là bài học thứ nhứt: sự “bội ước”. Học giả, sử gia VN có “nhìn nhận” sự việc này hay chưa và có quan điểm gì về sự kiện lịch sử này ?
*****
Ý kiến từ các học giả nước ngoài, nguyên nhân vấn đề “nạn kiều” xuất phát từ việc Việt Nam lo ngại TQ sẽ sử dụng người Hoa tại VN như một “đội quân thứ năm”. (Robert S. Ross, The Indochina Triangle: Vietnam Policy, 1975-1979 – David Elliot, The Third Indochina Conflict).
Dưới thời VNCH người ta cũng thường nghe lập luận như vậy đối với những Hoa kiều đang sống ở Chợ Lớn. Ý kiến cho rằng “đạo quân thứ năm” sẽ hành động như những “du kích nằm vùng”, mục đích phá hoại nền kinh tế cũng như gây xáo trộn về các phương diện chính trị, xã hội.
Điều lo ngại này đến nay cho thấy là vô căn cứ. Nhân số người Hoa sống ở VN so sánh còn ít hơn số người Hoa sống tại Mã Lai, Thái Lan, Singapour… Không thể phản biện rằng tất cả những quốc gia thịnh vượng vùng Đông Nam Á, nền kinh tế phồn thịnh hôm nay là nhờ vào sự đóng góp tích cực của khối dân Hoa kiều. Cũng không thể phản biện rằng TQ phục hưng kinh tế sau này là nhờ sự đầu tư của khối Hoa kiều hải ngoại, đứng đầu là Hồng Kông và Đài loan. Chưa thấy bằng chứng nào cho thấy những người này làm việc như một nhân tố của “đạo quân thứ năm”.
Điều quan trọng khác, sau khi bị buộc “hồi hương”, số Hoa kiều rời khỏi VN lên đến hàng triệu người. Nhưng chỉ có 40.000 người trong số đó nhận sự trợ giúp của Bắc Kinh. Con số chấp nhận sống ở lại TQ không thấy thống kê, nhưng có lẽ không có bao nhiêu người. Những người Hoa sau khi được trợ giúp đến được lục địa cũng tìm cách rời bỏ nơi này để tìm đến quốc gia thứ ba. Điều này khẳng định khuynh hướng chính trị “ưa chuộng tự do” của đại đa số Hoa kiều hải ngoại.
Vấn đề “nạn kiều”. Thử tưởng tượng, một đứa trẻ sinh ra, lớn lên tại VN, không biết nói tiếng Hoa, không biết tổ tiên là ai, nguồn gốc đến từ đâu. Những người là chủ tập đoàn xí nghiệp, làm chủ ngân hàng, nhà thương, trường học… Những người chỉ biết nói tiếng Việt, có bằng cấp VN, đi làm phục vụ cho lợi ích của đất nước VN. Chỉ trong một giây đồng hồ, họ có lệnh phải từ bỏ quốc tịch Việt, từ bỏ mọi của cải, vàng bạc, nhà cửa ruộng đất…. Sau đó họ phải rời khỏi đất nước VN, tay không, bằng phương tiện tự túc!
Hãy xem câu chuyện thương tâm của một cô bé người Hoa nhưng sinh ra và lớn lên tại VN đăng trên BBC hôm qua!
Thảm cảnh “thuyền nhân” làm chấn động lương tâm nhân loại các năm 1978-1990. Những người này vừa là nguyên nhân khiến cả thế giới tự do (và LHQ) quay lưng với VN. Vừa là động lực để TQ quyết định chiến tranh “phản công tự vệ chính đáng”.
Nhưng thực tế họ vừa là nạn nhân của tinh thần kỳ thị chủng tộc quốc gia chủ nghĩa cực đoan mù quáng cùng với các chính sách kinh tế “phi nhân” mang tên “xã hội chủ nghĩa” của đảng và nhà nước CSVN.
Bằng cái nhìn “kinh tế” và “xã hội” hôm nay, đảng và nhà nước CSVN đã “thắt cổ” con gà đẻ trứng vàng của đất nước mình. Con gà đẻ trứng vàng, không chỉ là các nhà tư bản gốc Hoa hay thuần Việt. Mà còn là tài sản văn hóa, vật chất, khoa học kỹ thuật, đạo đức, luân thường xã hội… đã cấu thành xã hội VNCH, nền tảng để xây dựng một quốc gia VN tương lai phú cường. Nền tảng xã hội này không khác gì với các xã hội tiên tiến “cường quốc bậc trung” Nam Hàn, Đài loan, Singapour, Mã Lai, Thái Lan…
Con gà đẻ trứng vàng chết uất ức không nhắm mắt…
Đây là bài học cay đắng đầu tiên. Học giả và sử gia VN đã học gì từ bài học này ?
Đất nước bây giờ có hàng trăm “đạo quân thứ năm” chi phối đất nước, như sự “tưởng tượng” của CSVN thế kỷ trước. Tất cả huyết mạch kinh tế VN đều nằm trong tay tài phiệt nước ngoài. Nhật, TQ, Mỹ, Pháp, Nam Hàn, Đài loan, Singapour, Thái lan…
Ngày xưa đổ máu đánh “tư sản mại bản”. Bây giờ dân cả nước tròng đầu vào ách “thực dân kiểu mới”.
VN, quốc gia chiến thắng, trở thành kẻ làm công cho những “kẻ thù” đã từ thua thảm hại ngày xưa.
Học giả và sử gia VN đã ý thức được việc này hay chưa ?
(tháng hai 2019)