16/04/2022 – 14:21
Mất soái hạm Moskva tác động thế nào đến chiến lược của Nga tại Ukraina? Vì sao đây là « một tổn thất nghiêm trọng » về quân sự của Hải Quân Nga ?
Cận cảnh soái hạm Moskova- ảnh 2008. REUTERS – Denis Sinyakov
Theo các nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Mỹ, tên lửa hành trình Neptune của Ukraina vừa nhận chìm một khối nặng hơn 13.000 tấn, có chiều dài 186 mét và với khả năng đón nhận đến 600 thủy thủ. Khi Moskva bị trúng tên lửa Ukraina, đang có hơn 500 thủy thủ trên tàu. Từ hôm 14/04/2022 trên các mạng xã hội Nga, càng lúc càng rộ tin « chỉ một số ít » được bình an. Thậm chí một tin nhắn còn nói chỉ có 58 trong số 510 thủy thủ còn sống sót. Các con số nói trên chưa được kiểm chứng. Riêng giám đốc tạp chí Biển Cả và Hải Dương – Mer et Marine của Pháp, Vincent Groizeleau thì nhấn mạnh việc đưa hơn 500 thủy thủ trên tàu vào bờ « đòi hỏi thời gian » và ông cũng không tin rằng tất cả mọi người trên tàu được an toàn.
Moskva là một trong ba soái hạm của Hải Quân Nga lớp Altant, nhưng là chiếc duy nhất hiện diện tại Hắc Hải. Hoạt động từ năm 1983, tàu chiến này ban đầu mang tên Slava – Vinh Quang, trước khi được đổi tên. Đợt trùng tu gần đây nhất là hồi 2018/2020.
Tàu có trang bị 16 tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình Bazalt/Voulkan. Thêm vào đó là loại tên lửa tầm xa Fort, phiên bản của loại tên lửa S-300 dành cho Hải Quân ; tên lửa tầm ngắn Ossa. Trên chiếc Moskva vừa bị đánh chìm còn có cả một dàn phóng rocket, đại bác và thủy lôi.
Moskova là soái hạm duy nhất của Nga đang hoạt động tại Hắc Hải. Đây cũng là nơi Hải Quân Nga gài sẵn 6 tàu ngầm lớp Kilo, 5 tàu hộ tống (2 Krivak và 3 Grigorovich), 20 tàu dẫn đường, 9 tàu dò mìn, và 19 chiếc tàu lội nước đủ loại.
Về câu hỏi mất Moskva có ảnh hưởng gì đến chiến lược của Nga tại Ukraina hay không, trên đài RFI Vincent Groizeleau, tổng biên tập tạp chí chuyên đề Mer et Marine trả lời là « không ». Theo ông Moskova tuy lớn nhất nhưng chỉ là một trong số gần 50 chiếc đang hoạt động ở Hắc Hải.
Moskva cũng được trang bị nhiều phương tiện để theo dõi, dọ thám và có khả năng « can thiệp lợi hại », tuy nhiên theo tổng biên tập tạp chí Mer et Marine, nhiệm vụ của Moskva không phải là phóng tên lửa « vào những mục tiêu trên đất liền ». Soái hạm duy nhất của Nga ở Hắc Hải có nhiệm vụ mang tính phòng thủ nhiều hơn.
Và có Moskva hay không, sự hiện diện của Hải Quân Nga « vẫn áp đảo » trong vùng biển này và Nga « kiểm soát » Hắc Hải, trong lúc lực lượng của Ukraina thì « không đáng là bao ».
Từ khi cuộc chiến khai mào, chiếc tàu chiến quan trọng nhất của Ukraina đã bị hư hại. Vẫn theo lời Vincent Groizeleau, « rất hiếm thông tin về thực lực của Hải Quân Ukraina : lực lượng đó có bao nhiêu tàu, với khả năng tấn công ra sao và liệu có đủ sức tiến hành các chiến dịch trên biển hay không ? Hiện không thể giải đáp tất cả những câu hỏi đó ». Do vậy, tổng biên tập tạp chí Mer et Marine của Pháp cho rằng Nga có mất đi một soái hạm ở Biển Đen cũng không làm thay đổi tương quan lực lượng trong cuộc chiến với Ukraina.