Chiến lược chống khủng bố ảnh hưởng đến vị thế của thủ tướng Anh

0
70
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trong một chiến dịch vận động tranh cử bầu Quốc Hội, Luân Đôn, ngày 05/06/2017. REUTERS/Hannah McKay
RFI
media
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trong một chiến dịch vận động tranh cử bầu Quốc Hội, Luân Đôn, ngày 05/06/2017. REUTERS/Hannah McKay

Mục tiêu giành được đa số rộng rãi ở Hạ Viện để dễ thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu về thủ tục Brexit mà bà Therea May đặt ra phức tạp hơn dự kiến. Khủng bố đẫm máu tại Luân Đôn và Manchester biến vấn đề an ninh thành một nhược điểm của chính quyền Anh. Nữ thủ tướng Theresa May đang tìm cách dập tắt tranh luận về sơ sót trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên lãnh thổ Anh.

 

Đợt tấn công gần đây nhất, diễn ra chỉ 6 ngày trước bầu cử Quốc Hội, và chưa đầy hai tuần sau thảm họa ở sân vận động Arena, sau buổi trình diễn văn nghệ của danh ca người Mỹ, Ariana Grande. Phát biểu vào trưa Chủ Nhật 04/05, thủ tướng May tuyên bố duy trì bầu cử Quốc Hội vào ngày mồng 08/06/2017 và “xét lại chiến lược chống khủng bố” sau vụ tấn công đêm thứ Bảy. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy ba tháng, nước Anh bị tấn công, nâng tổng số tử vong lên 32 người.

Sau vụ khủng bố tự sát tại Manchester, chính quyền Anh đã nâng mức báo động về tình trạng an ninh lên cấp “nguy hiểm” để rồi lại hạ xuống cấp “nghiêm trọng” vài giờ trước một thảm họa mới ở Luân Đôn. Từ sau vụ tấn công đầu tiên nhắm vào Hạ Viện Anh hôm 22/03/2017, ngành an ninh dồn dập thông báo đã phá vỡ các đường dây khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Bộ Nội Vụ cho biết đã ngăn chặn được ít nhất 5 âm mưu tấn công. Luật chống khủng bố được tăng cường bất chấp một số p hản đối trong công luận cho rằng, các điều khoản khắt khe đó giới hạn một số các quyền tự do cá nhân.

Trong lĩnh vực tình báo, chính phủ Anh cho biết cơ quan phản gián đã tuyển dụng thêm 2.000 nhân viên từ năm 2005, tức sau loạt nổ bom trong hệ thống xe điện ngầm ở Luân Đôn vào tháng 7/2005, làm 56 người thiệt mạng. Luân Đôn một mặt phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu trong lĩnh vực này, mặt khác mở rộng thêm các mối liên hệ với tình báo của Úc, Mỹ, Canada và kể cả New Zealand. Nhưng tất cả các biện pháp đó vẫn không tránh khỏi tai họa cho nước Anh.

Trong bài phát biểu hôm qua, thủ tướng May nói tới một “kiểu đe dọa mới” mà nước Anh phải đối mặt, do đó Luân Đôn cần có một “chiến lược an ninh mới” dựa trên bốn hướng chính : tăng cường kiểm soát với các tổ chức tuyên truyền tư tưởng Hồi giáo cực đoan; gia tăng kiểm duyệt các trang mạng có nội dung quảng bá cho những tư tưởng đó. Hướng thứ ba nhắm tới là cần xét lại mô hình hội nhập, mà theo bà Theresa May, là quá dễ dãi đối với các cộng đồng người nước ngoài. Sau cùng, và đây chính là điểm mà chính phủ sắp tới của nước Anh cần đặc biệt quan tâm đó là “tăng cường chiến lược và phương tiện chống khủng bố trên lãnh thổ“.

Theo giới quan sát, điểm sau cùng này là một nhược điểm của bà May. Một cách gián tiếp nữ thủ tướng Anh nhìn nhận một số những “lỗ hổng” trong vế an ninh. Hai vụ khủng bố ở Manchester và Luân Đôn vừa qua đang làm thay đổi tương quan lực lượng trên chính trường Anh.

Cuộc chiến chống khủng bố là nhược điểm của bà May trong cuộc chạy đua để giữ chiếc ghế thủ tướng. Thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu mới nhất cho thấy khoảng cách giữa bà May thuộc cánh bảo thủ và ông Corbyn, bên Công Đảng đang thu hẹp lại. Thậm chí có một số nhà bình luận cho rằng, Theresa May sẽ khó chiếm được đa số rộng rãi. Như phân tích của một nhà báo Anh, trên tờ Times có khuynh hướng bảo thủ, lãnh đạo đối lập, ông Jeremy Corbyn, 68 tuổi, chứng tỏ ông là một đối thủ đáng gờm với bà May, người mà nữ thủ tướng Anh luôn chỉ trích là “không có tầm cỡ“.

Tự nhận mình là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và cứng rắn, cựu bộ trưởng Nội Vụ của thủ tướng David Cameron hứa hẹn sẽ mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của Luân Đôn trong các vòng thương thuyết với Liên Hiệp Châu Âu về Brexit mở ra kể từ ngày 19/06/2017. Bà May lao vào cuộc vận động với khẩu hiệu “hùng mạnh và ổn định” hàm ý bà sẽ cứng rắn với các đối tác và nhất là với những đối thủ nào đe dọa quyền lợi của vương quốc Anh, nhưng cũng là người bảo đảm một sự ổn định cho đất nước.

Hình ảnh đó của nữ thủ tướng May đang bị sứt mẻ sau ba vụ khủng bố liên tiếp nổ ra trên đất Anh trong một thời gian ngắn kỷ lục. Thêm vào đó là lo ngại với Brexit, hợp tác an ninh và chia sẻ thông tin tình báo giữa Luân Đôn với các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu sẽ lỏng lẻo hơn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here