Câu hỏi mấu chốt về liêm chính học thuật trong vụ PGS “bán bài báo khoa học”

0
70
Ảnh chụp màn hình báo Dân Trí
   

Dũng Thế Vũ

1. Hợp tác hay mua bán?

Hợp tác nghiên cứu là việc làm cần khuyến khích, nhưng “bán bài báo” thì lại vi phạm liêm chính hay đạo đức khoa học, và hành vi “mua bài báo” cũng vi phạm liêm chính khoa học. Vậy cái cần làm là phân biệt giữa hợp tác nghiên cứu và “mua-bán”.

Hợp tác nghiên cứu khoa học thường bao gồm: hợp tác về nhân lực (đồng nghiệp cùng nghiên cứu), về cơ sở vật chất (Phòng thí nghiệm, cơ sở dữ liệu, nhà xưởng, máy móc phục vụ nghiên cứu), ngân sách (chi cho nghiên cứu), vấn đề nghiên cứu (vấn đề nghiên cứu mà 2 bên cùng quan tâm), hợp pháp (hai bên có đủ cơ sở pháp lý về việc hợp tác của mình mà không vi phạm quyền lợi của bên khác).

PGS.TS Đinh Công Hướng – Ảnh: THƯƠNG NGUYỄN

Từ các tiêu chuẩn này thử đặt các câu hỏi cho vị PGS và 2 trường liên quan là ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Thủ Dầu Một

Về nhân lực: các bài báo mà PGS Đinh Công Hướng xuất bản dưới tên 2 trường này có sự tham gia của các cộng sự là giảng viên toàn thời gian của 2 trường này hay không? Mức độ đóng góp của các nhân sự này là bao nhiêu? Họ thực sự đóng góp hay chỉ được PGS cho đứng tên chung mà không có đóng góp? Thông qua quá trình hợp tác, đội ngũ nhân sự của hai trường đã trưởng thành như thế nào về học thuật? Về phía PGS, có vẻ anh không cho thấy bản thân mình học được gì từ các hợp tác này (mà chỉ thuần tuý thu nhập).

Về cơ sở vật chất: theo phỏng vấn của Dân trí thì PGS Hướng cho rằng các nghiên cứu của anh không dùng cơ sở vật chất của trường anh lúc đó (ĐH Qui Nhơn) mà chỉ dùng trí tuệ và laptop riêng. Như vậy 2 trường hợp tác có đónh góp vào các nghiên cứu của anh về cơ sở vật chất, máy móc, hay không? Có lẽ là không.

Về ngân sách: thì chắc chắn có, vì PGS cho biết mình làm việc này vì thu nhập.

Về vấn đề nghiên cứu: đây là vấn đề khá quan trọng có thể thấy rõ bản chất của vấn đề. Các bài báo liên quan có được 2 trường đặt hàng nghiên cứu cụ thể về chủ đề nào trong toán học không? Chủ đề đặt hàng đó nằm trong đề tài, hướng nghiên cứu lớn, chung nào của các trường này? Hay nằm trong 1 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước nào, mà nghiên cứu của PGS là 1 đóng góp cần thiết cho đề tài chung? Hoặc các nghiên cứu này sau đó đã giúp hai trường thế nào trong công việc giảng dạy đại học, sau đại học? 

Ngược lại, nếu vấn đề nghiên cứu và xuất bản mà PGS hợp tác với 2 trường hoàn toàn chỉ là nghiên cứu của riêng anh, hai trường không thực sự có hướng nghiên cứu này trong quá khứ, hiện tại và tương lai, cũng không hề có 1 dự án/ đề tài lớn nào mà trường chủ trì và nghiên cứu của PGS là nhánh, hoặc các nghiên cứu của anh cũng không hề được sử dụng trong giảng dạy của hai trường thỉ  bản chất “bán bài báo” là trội hơn hẳn “hợp tác nghiên cứu”.

2. Vì sao chỉ đặt vấn đề liêm chính với người “bán” mà không hỏi vấn đề liêm chính với “người mua”?

Nên câu hỏi mấu chốt về liêm chính học thuật không chỉ hỏi PGS Hướng mà phải hỏi cả người “mua” là hai trường Tôn Đức Thắng và Thủ Dầu Một trên các khía cạnh trên. 

Có hay không hợp tác về nhân lực, cơ sở vật chất, đề tài nghiên cứu? Hay chỉ thoả thuận “mua, bán” mà hợp tác là cái mác?

Ở đây tạm không bàn yếu tố pháp lý mà bàn chủ yếu về liêm chính hay đạo đức học thuật. Có những vấn đề không sai về pháp luật, nhưng lấn cấn về đạo đức, lúc đó các câu hỏi về đạo đức chính là các hướng dẫn để các bên làm đúng hơn (về đạo đức). Còn ai đó cho rẳng chỉ cần không sai pháp luật là ổn thì không tranh luận, vì ở đây đang bàn đến liêm chính khoa học – cái vốn đòi hỏi cao hơn tiêu chuẩn pháp luật.

Các trường có chiến lược dài hạn về phát triển nghiên cứu khoa học thì hoàn toàn có thể thông qua các hợp tác nghiên cứu để phát triển đội ngũ nghiên cứu cơ hữu, phát triển năng lực nghiên cứu và xuất bản. Còn “mua bài báo” chỉ để phục vụ mục tiêu xếp hạng, marketing mà không thực sự thay đổi bản chất năng lực nghiên cứu, giảng dạy của trường thì rất tệ. Tệ cho liêm chính của người mua và người bán, tệ cho hệ thống giáo dục mà người mua và người bán này công tác và đại diện.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here