
Đứa cháu nó hỏi: Cô Bee, tại sao con luôn cảm thấy khó khăn khi nói lời xin lỗi.
Mình nói với cháu, con có thấy đứa con nít nhỏ nó lớn nhanh như thổi, nó khôn lên từng ngày không?
Nó đồng ý.
Mình lại tiếp, con có thấy con nít biểu nó xin lỗi hay cám ơn nó đều làm không?
Nó dường như đoán ra ý mình. Nó nói, con biết nhưng con nít nó dễ làm như vậy. Giờ với con, con thấy khó á.
Mình cười, con biết tại sao không? Vì con nít nó chưa có cái tôi (ego), hay nói cách khác là cái tôi của nó chưa lớn. Vì vậy mà nó dễ nhận lỗi, dễ cám ơn, dễ quên những chuyện buồn, dễ học những điều mới và dễ thay đổi để lớn hơn. Còn giờ mười lăm tuổi, cái tôi trong con bắt đầu lớn luôn, nên những điều đó dần chậm lại. Con nên nhớ khi con thấy ngại, xấu hổ, tổn thương lòng tự trọng khi xin lỗi dù trong tâm đã nhận ra lỗi có nghĩa là cái tôi của con nó xấu hổ, còn con mới là đứa đã nhận ra lỗi. Cái tôi nó không cho con dễ dàng xin lỗi. Bởi vì khi con làm vậy là con hoàn toàn sống với chính con, từ nhận ra lỗi đến xin lỗi. Mà làm vậy thì con lớn lên, cái tôi nó bị nhỏ lại. Thân con chỉ có một, cái này lớn lên cái kia phải nhỏ lại. Nó không cho phép con làm điều đó mà con nghe theo nó, thì nó lớn lên còn con thì chậm lại. Chậm biết thêm, lớn thêm, hiểu thêm và khôn thêm. Giờ con muốn cái nào?
Thấy nó gật gù đồng ý. Mình nhoẻn cười. Con có thấy người lớn hông? Khi người ta càng lớn, hay càng già đi á. Cái tôi nó càng lớn và người ta cũng chậm lớn thêm không? Đó là vì hầu hết người lớn sống quen với cái tôi. Thoả hiệp với nó, cho nó điều khiển mình á. Giờ con mới có mười lăm, chả lẽ để nó lớn trước con nhanh vậy sao?
Nó như giật mình “oh.noooo”.
Uhm, vậy thì giờ con biết rồi đó. Khi nói xin lỗi, cám ơn,…con chỉ có lớn thêm, khôn thêm chứ không hề đáng xấu hổ hay sự tự trọng không mẻ miếng nào à nha.
“Dạ cô Bee. Nhưng nếu khi người khác cười mình vì điều đó thì sao?”
Shhhhhh đứa nào đang nghĩ ra những điều đó? Con hay…”nó”?
Nó ahhhh lớn như phát hiện điều gì. Rồi cô cháu cùng cười.
“Now i know, thank you cô Bee”
****
Tới giờ này, cô còn phải học nhận diện “cái tôi” của chính mình từng ngày mà. Hơn nửa cuộc đời cô từng nghĩ “cái tôi” và “sự tự trọng” là một mà. Sau mới biết. Cái tôi là thứ biến hoá khôn lường. Gọi nó là gì thì nó biến thành cái đó. Cho nó là sự tự tôn, nó sẽ hùng hổ đứng lên bảo vệ danh dự bản thân liền. Gọi nó là tham vọng, là khát khao, là hoài bão, nó trở nên bất chấp liền. Gọi nó là sự thật, nó thà chết hoặc mất hết chứ quyết chẳng chịu sai bao giờ.
Mong con không phải sống đôi ba lần mười lăm nữa mới nhận ra kẻ thù lớn nhất, cản trở lớn nhất của chính mình là “cái tôi”.
-Bee-