Cảm giác chiến tranh

0
126
U.S. President Donald Trump speaks during an event announcing the Air Traffic Control Reform Initiative in the East Room of the White House in Washington, DC, U.S. June 5, 2017. REUTERS/Joshua Roberts
Lê Minh Nguyên

26-7-2017

Các sự kiện xảy ra dồn dập trong tuần qua ở thủ đô Washington DC tựa như là một tấn tuồng bi hài kịch xã hội (soap opera) trình chiếu ở tốc độ nhanh chóng mặt.

Những diễn viên trên sân khấu từ TT Trump đến Trump Jr., con rể Kushner, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử Manafort, bộ truởng tư pháp Sessions, thứ trưởng tư pháp Rosenstein, ngoại truởng Tillerson, bà counselor Conway, bà phụ tá văn phòng báo chí Sanders, ông tân giám đốc truyền thông Scaramucci, ông công tố viên đặc biệt Mueller… đang làm cho chính trường Hoa Kỳ ít nhất là trong 12 tháng sắp tới xáo trộn với những tình tiết ly kỳ.

TT Trump đang ngồi trên một cái ghế quá nóng (hot seat) mà ông phải chọn lựa giữa một trong hai thái độ, và chỉ có hai để chọn.

Một là chấp nhận các cuộc điều tra của ông Mueller, hai viện quốc hội, các cơ quan tình báo, tiểu bang New York… và các phơi bày càng ngày càng nhiều từ tin mật bị lộ và từ các kết quả điều tra. Ông phải chống chọi với ít nhất 4 loại điều tra (1) có thông đồng với Nga về bầu cử hay không? (2) có cản trở công lý hay không? (3) có thủ lợi từ chức vụ hay không? (4) có phạm tội tài chánh về rửa tiền cho tài phiệt Nga hay không? Qua cuộc phỏng vấn ông bởi New York Times hôm 19/7 cho thấy, ông rất lo ngại về vấn đề thứ tư và nhắn với ông Mueller là như thế sẽ vượt lằn ranh đỏ, hàm ý là ông có thể đuổi ông Mueller.

Hai là chiến đấu cho tới cùng, tức sẵn sàng đuổi việc ông Mueller, thay thế ông Sessions, ông Rosenstein, ngay cả bà Conway, chiến lược gia trưởng Bannon, bà bộ trưởng giáo dục Devos, bộ trưởng y tế Price (hôm Thứ Hai 24/7 ở sinh hoạt hướng đạo toàn quốc ông đã đe doạ)… Ông đang xây dựng đội hình để điều tra ngược lại ông Mueller, cho rằng ông Mueller có động cơ chính trị và nằm về phía đảng Dân Chủ để hạ ông.

Tình hình cho thấy là ông chọn giải pháp hai. Với giải pháp này thì nghe đâu đây có mùi thuốc súng.

Quy luật thông thường của các lãnh tụ khi bên trong bị khủng hoảng thì tìm cách tống nó ra bên ngoài, hướng dư luận về một chiều khác có lợi cho vị thế chính trị của mình. TT George Herbert Walker Bush (Bush cha) vào cuối năm 1990 được dư luận ủng hộ khoảng 50%, sau khi đánh Iraq để giải phóng Kuwait thì vọt lên 89% vào tháng Hai, tháng Ba năm 1991. Hiện tượng gây chiến bên ngoài để giải quyết các khó khăn bên trong mà tiếng lóng thường gọi là “cái đuôi vẫy con chó” (wagging the dog) dường như đang được đội ngũ của Trump chuẩn bị.

TT Trump chỉ có hai vùng trên thế giới để động binh, đó là vùng Trung Đông và vùng Đông Bắc Á.

Nhưng ở vùng Trung Đông, những nước mà TT Trump muốn đánh là Syria, Iran thì lại là đồng minh của Nga. Xét tình thế rất tế nhị trong khủng hoảng nội bộ của Hoa Kỳ hiện nay có liên quan trực tiếp đến Nga và việc Nga trả đũa có thể tạo thêm sóng gió cho TT Trump với những nút nhấn mà Nga đang nắm nhưng chưa sử dụng thì TT Trump không dại gì mà đi gây hấn với Nga.

Nhìn đạo luật trừng phạt Nga mà hai viện Quốc Hội HK vừa thoả thuận hôm thứ Bảy 22/7 thì thấy rằng QH không tin tưởng là TT Trump sẽ trừng phạt Nga nên QH ra tay trước và trong đó có điều khoản cấm tổng thống tự ý bãi bỏ trừng phạt mà không thông qua QH. Cho đến khi viết bài này thì bên phía Toà Bạch Ốc không cho biết là TT Trump có chịu ký ban hành hay không. Cái khó cho ông Trump là trong luật này không phải một mình Nga mà còn có Iran và Bắc Hàn, nếu không ký thì hai nước sau cũng sẽ thoát luật này.

Cho nên còn lại là vùng Đông Bắc Á mà hiển nhiên nhất là Bắc Hàn. Theo Fox News 25/7/17 thì Bắc Hàn sắp sửa bắn thử hoả tiển liên lục địa và chủ tịch liên quân HK nói rằng chỉ còn vài tháng là hết hạn giải pháp ngoại giao. Cũng hôm 25/7 báo Time loan tin bà nghị sĩ Cộng Hoà Susan Collins (R-Maine) nói mà quên tắt micro với NS Dân Chủ Jack Reed của Rhode Island sự “lo lắng” của bà về TT Trump.

Tình trạng chính trị hiện nay của HK là tác dụng phụ (side effects) của liều thuốc dân chủ. HK vẫn vững như bàn thạch do đã xây dựng được những định chế vững chắc và TT Trump dù có làm gì thì cũng không thể mặc áo qua khỏi đầu (Hiến Pháp). Chính quyền TT Trump chỉ kéo dài 4 hay 8 năm tối đa, nên chỉ là hiện tượng nhất thời trong lịch sử HK. Các yếu tố thiên nhiên, địa chính trị, sức mạnh nội tại của đại khối quần chúng, nền dân chủ pháp trị vững chắc, nền giáo dục đại chúng rộng sâu… cho phép HK vẫn là siêu cường số một trong ít nhất là thế kỷ 21 này.

Nhưng trước mặt thì dường như có tanh tanh mùi thuốc súng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here