BUỒN VÌ CÁN BỘ XỨ QUẢNG… KHÔNG BIẾT CÃI

    0
    125

    Tôi không sinh ra trên xứ Quảng! Ý này bao gồm cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Và không ít lần phải bực mình vì bạn bè xứ Quảng hay cãi, cùng cái lối dùng một câu hỏi để trả lời một câu hỏi của họ.

    Bạn có nổi đóa không khi câu hỏi đường về Cửa Đại của bạn sẽ nhận lấy câu trả lời: “Đường ni không về Cửa Đại, không lẽ nó dẫn tới từ đường nhà mi”. Hoặc nếu là một tên cướp, bạn sẽ làm gì với yêu cầu “giơ tay lên, móc ví ra” trước một bị hại Quảng Nam cắc cớ: “Ta giơ hai tay lên, lấy tay chi ta móc ví cho mi? Mi ăn cướp cũng phải khôn chút chớ”.

    Nhưng, suy cho cùng, việc cãi cọ đó chính là tư duy phản biện, hoài nghi mọi thứ để có câu trả lời tốt nhất cho mọi tình huống. Con em xứ Quảng học giỏi và không phải vô cớ khi đất này được gọi là “Ngũ phụng tề phi” với năm con chim phụng cùng cất cao trong một kỳ đại khoa triều Nguyễn.

    Đầu thế kỷ XX, đất Quảng lại tiếp tục xuất hiện bậc nhân sĩ lỗi lạc khác là cụ Phan Chu Trinh!

    Tiếc thay, cán bộ xứ Quảng hiện nay lại thiếu tư duy “cãi cọ”, cùng chất phản biện đó. Họ dễ dàng chấp nhận bản kiến nghị của 12 người có học hàm, học vị hủ nho và bệ rạc trong lối mòn định kiến đến từ xứ Thần Kinh.

    Cán bộ xứ Quảng, cụ thể là lãnh đạo TP. Đà Nẵng dễ dàng chấp nhận quan điểm, các giáo sĩ Tây phương sáng tạo ra chữ quốc ngữ để làm công cụ xâm lược. Và rằng, Nho giáo, Khổng Tử mới đáng được tôn vinh.

    Phải đến 200 năm sau khi có chữ quốc ngữ, quân đội Pháp mới đến nước Nam. Hà cớ gì gom các cha thừa sai vốn truyền đi tin mừng và bác ái của Thiên Chúa với quân đội Pháp vào chung.

    Trong khi đó, với cương vị lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước, lãnh đạo Đà Nẵng hoàn toàn có thể áp dụng khoản 5, điều 10 Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11/07/2005 của Chính phủ Về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

    Theo đó, điều khoản này viết: “5. Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.

    Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng”.

    Thực tế, tại TP.HCM đã có đường Alexandre de Rhodes từ rất lâu nên không thể xem là “còn có ý kiến đánh giá khác nhau” hay “chưa rõ ràng về mặt lịch sử”.

    Lãnh đạo Đà Nẵng đã mất đi cái kiêu hãnh, lòng tự tôn trên cương vị lãnh đạo dễ khiến con em xứ Quảng nghi ngờ tri kiến của họ.

    Còn 12 vị học giả xứ Thần Kinh kia, các vị bám riết Nho giáo, tôn thờ Khổng tử, liệu các vị có hiểu rằng, kẻ hậu thế luận tội tiền nhân là vô lễ không?

    Các vị có muốn đời sau sẽ mắng các vị là những kẻ vô ơn và dốt nát! Bài học Trần Huy Liệu luận tội cụ Phan Thanh Giản trước 150 năm, dù không hề thù oán với cụ Phan không đáng để ngẫm ư, các giáo sư, tiến sĩ xứ Thần Kinh?

    THANH NHÃ

    CẬP NHẬT: Báo Sạch đã liên lạc với giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, người có tên trong danh sách 12 người phản đối việc đặt tên đường. Giáo sư Dũng cho hay ông ủng hộ bất kỳ người nào tạo ra các giá trị văn hoá cho Việt Nam. Giáo sư Dũng cho biết ông phản đối từ đầu việc đưa tên của mình vào danh sách trên nhưng vẫn bị xuất hiện tên trong danh sách đó.

    #baosach
    #chuquocngu

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here