[Tác giả Vương Phàm]
Tôi thuộc thế hệ 8x. Theo như định nghĩa thì 8x chỉ những người sinh năm 1980 đến 1989. Nhưng ở Trung Quốc còn có một tầng lớp đặc biệt hơn một chút, tầng lớp này thật ra là chỉ thế hệ “con một” đầu tiên được sinh ra khi Trung Quốc chính thức thực hiện kế hoạch hóa gia đình vào đầu những năm 80. Chúng tôi sinh ra được cấp một giấy chứng nhận cấp Quốc gia gọi là “chứng nhận con một”. Chứng nhận này có thể bảo đảm cho chúng tôi được độc hưởng toàn bộ tình yêu thương đến từ bố mẹ mình nhưng đồng thời cũng yêu cầu chúng tôi phải gánh vác toàn bộ trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ.
Lúc đầu tôi nghĩ rằng muốn làm một đứa con gái tốt thì bản thân nhất định phải kiếm thật nhiều tiền, sau đó cho bố mẹ tôi một cuộc sống vô cùng tốt đẹp. Từ khi lên đại học tôi bắt đầu sống tự lập, tất cả các kỳ nghỉ của tôi đều dành để đi làm, bởi vậy cả năm bố mẹ tôi hầu như cũng chẳng gặp được tôi tới 2 lần. Đối với những đứa con ra ngoài học tập, làm việc giống như tôi, bố mẹ chúng ta nghiễm nhiên trở thành “Người già với cái tổ trống rỗng”.
Có một hôm mẹ gọi điện cho tôi nói, sáng nay bố ngồi cạnh giường rơi nước mắt nói rằng ông nhớ con gái rồi. Bạn biết phản ứng đầu tiên của tôi khi ấy là gì không? “Ôi, có cần đến mức ấy không ạ, ông lão lớn tuổi như bố rồi mà còn yếu đuối như vậy, ngày ngày ở nhà tự diễn phim cho bản thân mình coi.” Thế nhưng sau đó có một lần tôi về nhà, buổi chiều hôm đó tôi vĩnh viễn ghi nhớ: Bố tôi ngồi cạnh cửa sổ, ông vẫn cao to lực lưỡng như cũ nhưng đôi vai không còn thẳng như trước, tóc tai cũng không còn ngay ngắn như xưa nữa. Ông ngắm những bông hoa trên bệ cửa sổ, nói với tôi một câu: “Bố không còn mẹ của mình nữa rồi.”
“Bố không còn mẹ của mình nữa rồi.”… Mọi người biết câu này biểu đạt gì không? Bi thương, yếu đuối hay mong muốn được che chở? Tôi chỉ nhớ khi còn nhỏ nếu mơ thấy mẹ tôi không cần tôi nữa, tôi liền khóc mà tỉnh dậy, tôi vô cùng buồn bã nhưng chưa từng nghĩ việc “bố tôi không còn mẹ nữa” là cảm giác như thế nào. Tôi nhận ra người đàn ông kiên cường vững chãi không gì có thể quật ngã trong ấn tượng của tôi bỗng chốc già đi rồi. “Bố không còn mẹ của mình nữa rồi.” biểu đạt không phải là bi thương cũng không phải là yếu đuối mà là nương tựa.
Bố mẹ thực ra là chỗ dựa lớn nhất của mỗi chúng ta nhưng khi bố mẹ chúng ta mất đi bố mẹ của họ, họ còn có thể dựa vào ai đây? Bởi vậy từ khoảnh khắc tôi mới ý thức được rằng, bất cứ lúc nào bố mẹ cũng đều cần mình hơn nữa, nửa đời sau này người họ có thể dựa vào chỉ có thể là mình. Tôi cần chăm sóc họ, ở bên cạnh họ, đem tất cả tình yêu dành cho bố mẹ mình như cách mà họ đã từng đối xử với tôi. Tôi cần cho bố tôi biết rằng, dù cho ông không còn mẹ mình nữa nhưng ông còn có tôi.
Từ đó về sau, tôi bằng lòng dẹp bớt một chút công việc, tụ tập để tranh thủ nhiều thời gian về nhà hơn. Tôi cùng bố mẹ tôi đi du lịch chứ không phải là đưa tiền cho công ty du lịch để người khác đưa họ đi. Bởi tôi hiểu một điều rằng, phụng dưỡng bố mẹ tuyệt đối không phải là đưa tiền cho rồi để họ một mình đối mặt với cuộc sống, mà chúng ta phải tham gia vào chính cuộc sống của bố mẹ chúng ta, chúng ta cần cùng họ tận hưởng cuộc sống này.
Mỗi lần về nhà, tôi đều đưa mẹ tôi đến trung tâm bơi lội tận hưởng một chút. Có một lần, khi tôi đang giúp mẹ mình sấy tóc thì một bác gái ở bên cạnh nói: “Con gái chị thật hiếu thảo”. Mẹ tôi liền nói: “Người ta đều nói con gái là chiếc áo bông nhỏ, còn con gái tôi thì là áo lông vũ”. May mà mẹ tôi không nói tôi là áo khoác quân đội. Bác ấy nói con trai bác cũng rất hiếu thảo. Con bác ấy ở Mỹ, mỗi năm đều về nước đưa bố mẹ đi du lịch. Vừa nói bác gái vừa lấy điện thoại cho mẹ tôi xem ảnh, nói mẹ tôi xem con trai của bác ấy đẹp trai biết mấy, dáng người to cao 1m85, tiền lương một năm cũng mấy mươi vạn tệ (10 vạn bằng khoảng 330 triệu vnđ). Tôi bỗng nhiên cảm thấy giọng điệu này có chút kỳ lạ. Vì sao ư? Khi một bác gái đưa ảnh con trai bác ấy cho mẹ bạn xem, đồng thời giới thiệu thông tin về chiều cao, cân nặng lương lậu, nghĩa rằng… Lúc ấy, bác nói một câu khiến tất cả những người có mặt ở đấy đều ngây ra: “Đáng tiếc không còn nữa, không còn nữa rồi….” Thì ra năm ngoái, đứa con trai duy nhất của bác đã mất bởi tai nạn giao thông trên đường cao tốc khi đưa hai vợ chồng bác đi du lịch.
Quả thực tôi không biết phải nói gì để an ủi bác ấy, tôi muốn đưa tay ra ôm lấy bác. Nhưng khoảnh khắc tôi vừa dang tay ra, nước mắt của bác bắt đầu rơi lã chã. Tôi ôm bác, cảm nhận được cả sự run rẩy của bác, cũng cảm nhận được bác ấy hy vọng biết bao có một đứa con có thể ôm lấy mình. Cũng chính trong khoảnh khắc ấy, tôi vô cùng sợ hãi, tôi không còn sợ bố mẹ sẽ rời xa tôi nữa mà tôi sợ bản thân mình sẽ rời xa bố mẹ. Hơn nữa qua chuyện này, thì ra tôi vốn chỉ nghĩ rằng bản thân cần trân trọng cơ thể, trân trọng sinh mạng của mình không để cho bố mẹ lo lắng nhưng giờ đây tôi mới nhận ra rằng không chỉ như vậy, chúng ta đối đãi với người khác cũng cần như thế, bởi vì, mỗi một người đều có nghĩa là một gia đình.
Tôi nghĩ là con một, chúng ta quả thực phải gánh vác trách nhiệm và áp lực phụng dưỡng cha mẹ, nhưng cha mẹ chúng ta gánh vác với mối hiểm nguy lớn nhất cuộc đời ngày mà họ không bao giờ nói ra cũng không bao giờ lộ ra sự yếu đuối của bản thân. Khi bạn gọi điện cho bố mẹ, họ nói mọi thứ đều ổn nhưng họ có thật sự ổn hay không? Phận làm con cái, chúng ta cần phải khéo léo nhìn ra sự kiên cường của cha mẹ, điều này cần càng sớm càng tốt, đừng đợi đến lúc không kịp, cũng đừng đợi đến khi không còn cơ hội nữa. Điều đó cũng giống như bố mẹ không muốn vắng bóng trong quá trình trưởng thành của chúng ta, chúng ta cũng không nên vắng bóng trong quá trình già nua của họ. Kết thúc bài “Ánh mắt tiễn đưa”, Long Ứng Đài nói, “Không cần theo đuổi!” Nhưng hôm nay tôi nhất định phải nói với mọi người: “ Chúng ta phải theo đuổi, hơn nữa phải đuổi theo ngay từ ngày hôm nay, đuổi theo sớm hơn nữa, sải rộng bước chân mà đuổi theo”. Tình thân, không phải là nhìn bóng hình của nhau từ từ khuất xa, mà phải là: “Bố mẹ nuôi con khôn lớn, con cùng bố mẹ già đi!”
***
[Nguồn: Blog Tiếng Trung]
Ảnh minh họa: Nhiếp ảnh gia Daniel Kordan