Bố mẹ nhà thơ Dạ Thảo Phương lên tiếng

2
13
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trao quyết định bổ nhiệm chức vụ mới cho ông Lương Ngọc An, ngày 5/12/2024. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam.

Phương ơi,

Mặc dù em dặn chị không để phiền đến bố mẹ nhưng bố mẹ không thể không lên tiếng. Sáng nay, bố mẹ đã đưa đơn đến Hội nhà văn, gia đình đứng bên em!

Năm xưa, em đã nghĩ rằng chỉ có cái chết mới có thể minh oan cho em. Kẻ thủ ác đã tung tin hiểm độc nhằm tạo ra một câu chuyện tình ái ngoài luồng và ghen tuông khiến em phải chịu đựng sự nhục mạ, giễu cợt. “Giết” em xưa kia không phải chỉ là những hành động xâm hại, lợi dụng uy hiếp và làm nhục em của Lương Ngọc An mà còn là thủ đoạn tàn độc của hắn sau đó nhằm tráo đổi bên, đổi trắng thay đen và những lời thị phi tàn nhẫn của một bộ phận dư luận.

Năm xưa, em hỏi bố mẹ: Bố mẹ cứu con để làm gì? Bây giờ thì bố mẹ hiểu, ngoài lẽ đương nhiên là cha mẹ thì phải cứu con mình sống cho dù nó muốn chết, thì việc gia đình giữ được mạng sống cho em vượt qua cơn cùng cực ngày ấy là ý nguyện của cao xanh giúp cho em còn ở lại trên trần gian này đến ngày nay để dũng cảm nói lên toàn bộ sự thật, minh oan cho em, cứu giúp những nạn nhân đã, đang phải câm nín ngoài kia, buộc những kẻ thủ ác, những kẻ có ý định bệnh hoạn và tàn ác phải chùn tay.

Mọi người ơi, đây là nội dung lá thư gửi Hội Nhà văn của cha mẹ chúng tôi (gửi trực tiếp ở phòng bảo vệ Hội Nhà văn ngày 30/12/2024):

***

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

____________

Kính gửi: Ông Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn,

Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Đồng kính gửi: Ông Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.

Tôi tên là Phan Lạc Kiên, năm nay 83 tuổi, là cựu chiến binh về hưu, đã từng phục vụ trong hải quân và chiến dịch “Những con tàu không số”, bố của tôi là liệt sĩ đã hy sinh trong trận Điện Biên Phủ, có ghi danh trên Bảng vàng ở bảo tàng Điện Biên. Tôi là bố đẻ của công dân Phan Thị Thanh Thúy, sinh năm 1974 – bút danh của con gái tôi là Dạ Thảo Phương, trước đây đã từng là biên tập viên, làm việc tại báo Văn nghệ.

Gia đình chúng tôi viết lá thư này để cực lực phản đối việc bổ nhiệm Lương Ngọc An làm Phó tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, vì kẻ này đang bị con gái của chúng tôi là nhà thơ Dạ Thảo Phương trực tiếp và công khai tố cáo hắn đã từng uy hiếp, đánh đập và xâm hại con tôi trong một thời gian dài đồng thời loan tin bịa đặt, tráo đổi trắng đen, để lại cho con gái tôi những tổn hại cả thể xác và tinh thần không gì bù đắp nổi.

Năm 2022, cháu Dạ Thảo Phương con gái chúng tôi đã có đơn thư tố cáo Lương Ngọc An gửi Hội nhà văn và kể lại sự tình rõ ràng, rõ tên rõ tuổi trên trang Facebook cá nhân, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của rất nhiều nhân sĩ, cộng đồng mạng công tâm, có hiểu biết và lương tri. Nhiều báo đài tivi uy tín của cả Việt Nam và nước ngoài đều đưa tin, ủng hộ con gái tôi lên tiếng.

Cách đây hơn 20 năm, khi biết tin con gái chúng tôi bị tay Lương Ngọc An cưỡng bức không thành ở trụ sở báo Văn nghệ, gia đình chúng tôi đã đến gặp ông Hữu Thỉnh, lúc đó là Tổng biên tập báo Văn nghệ để trình bày, khiếu nại: “Xông vào phòng lúc không ai xung quanh, nằm đè lên 1 người con gái trẻ- hành động của anh An nếu không phải cưỡng hiếp thì là gì. May có các anh, các bác, các cháu trong cơ quan nghe thấy cháu nó kêu, ngăn chặn kịp…”. Ông Hữu Thỉnh an ủi chúng tôi, hứa sẽ giải quyết nghiêm minh.

Chúng tôi đã lên tận cơ quan để chính thức tố cáo, đòi hỏi phải xử lý rõ ràng. Lãnh đạo báo Văn nghệ tiếp chúng tôi lúc đó là ông Trương Vĩnh Tuấn, Phó Tổng biên tập. Vợ tôi nói: “Ngay giữa ban ngày ban mặt mà nó đè con gái tôi ra định cưỡng hiếp như thế thì còn gọi gì là kỷ cương, là luật pháp, là con người nữa?…” Ông Trương Vĩnh Tuấn đã nói với chúng tôi là: “Chúng tôi rất hiểu bức xúc của anh chị, rất thương cháu Phương, tôi còn 2 đứa con gái ở nhà, tôi hiểu chứ, tôi cũng sôi máu lắm. Chúng tôi hứa sẽ cho thằng mất dạy kia một trận, rồi đuổi thẳng cổ nó ra khỏi cơ quan. Cháu là nạn nhân, thì đương nhiên chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ, anh chị cứ yên tâm. Cháu Phương ở cơ quan làm việc rất tốt, là nhà báo trẻ xuất sắc của chúng tôi, chúng tôi còn cần cháu ổn định tinh thần để cống hiến tiếp cho cơ quan. Cá nhân tôi cũng quý cháu lắm, còn gọi nhau là bố con nữa. Tôi đảm bảo sẽ giải quyết công bằng cho cháu, vừa như lãnh đạo của cháu, vừa như người bố của cháu ở cơ quan. Nhưng giờ anh chị cần cực kỳ bình tĩnh để không ảnh hưởng đến danh tiếng của cơ quan và việc lớn của anh Thỉnh sắp tới ở đại hội. Anh chị cứ về viết cho tôi cái đơn đề nghị cơ quan giải quyết để chúng tôi dựa vào đó làm việc. Cháu nó là con gái còn trẻ, anh chị lựa dùng từ ngữ trong đơn sao cho cháu nó không bị xấu hổ. Mình cố gắng giải quyết gọn, đừng để ảnh hưởng đến danh tiếng cơ quan, nếu đưa việc này ra công an thì sự việc loang rộng, cháu Phương chưa có chồng, còn cả tương lai của cháu phía trước, chắc anh chị hiểu…”.

Và chúng tôi đã tin tưởng ông Thỉnh, ông Tuấn, thay vì viết đơn lên cơ quan công an thì chỉ viết đơn gửi lãnh đạo báo Văn nghệ và chờ đợi, chờ đợi… Không có giấy tờ hay công bố công khai gì cả. Tất cả vẫn bặt vô âm tín. Họ chỉ điều chuyển Lương Ngọc An đi đâu đó một thời gian rồi lại thấy quay về nhởn nhơ!

Mãi không thấy lãnh đạo báo Văn nghệ giải quyết rõ ràng và thông báo cho gia đình chúng tôi, vợ chồng chúng tôi nhiều lần đến cơ quan, đến nhà riêng gặp cả ông Trương Vĩnh Tuấn và ông Hữu Thỉnh để thúc giục giải quyết. Ông Hữu Thỉnh bảo: “Nhà tôi cũng có mấy đứa con gái trẻ, tôi thương cháu Phương như chúng nó vậy. Cháu Phương lại là một nhà thơ có tài, một nhà báo giỏi, tôi rất trọng và tin tưởng tài năng của cháu. Không thể để một nạn nhân như cháu chịu thiệt thòi. Nhưng bây giờ báo Văn Nghệ và Hội nhà văn đang có nhiều sự kiện lớn, tình hình rất phức tạp, anh chị phải cho chúng tôi thời gian để giải quyết chuyện này thật êm đẹp, không bị bọn xấu bên ngoài lợi dụng, mất uy tín của cơ quan. Tôi hứa với anh chị là sẽ giải quyết thật công bằng, bảo vệ danh dự của cháu Phương. Anh chị phải tin tôi…”

Thế nhưng, lòng tin của chúng tôi đã bị rơi vào chốn nhiều thủ đoạn mà chúng tôi không biết. Sau này, khi lãnh đạo báo Văn nghệ -toàn những người cháu Phương từng kính trọng, yêu quý hết lòng, tuổi đáng mặt cha chú của cháu mà nuốt lời hứa, quay lại trù úm hành hạ cháu, chúng tôi mới biết là đã bị họ lừa ngay từ đầu, hòng biến sự việc ngày 14/4/2000 từ “cưỡng hiếp không thành” thành ra là “hành hung, gây mất trật tự trong cơ quan”, xoa dịu, hứa hẹn để chúng tôi vuột mất cơ hội đưa vụ việc ra công an, ra cơ quan pháp luật.

Những năm tháng phải nhìn con gái sống vật vờ, 5 lần 7 lượt nhất quyết tự tử, chúng tôi phải đưa cháu đến bệnh viện để giành lại cháu từ tay thần chết, chúng tôi đau đớn vô cùng nhưng lúc đó cũng không hiểu hết điều gì đã làm cháu khổ tâm đến mức như thế. Mãi đến gần đây chúng tôi mới biết, mấy chục năm qua cháu đã giấu tất cả mọi người trong gia đình để ôm giữ những sự thật còn đau đớn, khủng khiếp hơn nhiều: Con gái tôi sau một lần bị Lương Ngọc An lừa và hãm hiếp, vì xấu hổ, vì non dại không biết xử lý ra sao đã tiếp tục bị khống chế, uy hiếp, làm nhục trong một thời gian dài. Sự việc Lương Ngọc An cưỡng bức con gái chúng tôi ở trụ sở cơ quan có sự chứng kiến của nhạc sĩ Lê Tâm, họa sĩ Thành Chương… chỉ là một phần bề nổi của vụ việc nghiêm trọng ngày đó mà thôi. Khi gia đình tìm lại được cuốn nhật ký của cháu Phương, chúng tôi đau đớn quá. Cho dù đã già cả, nhưng những gì đã diễn ra ngày ấy thì vẫn hằn ghi dấu vết trong trí nhớ, trong trái tim của chúng tôi. Vì những ngày khủng khiếp đó đã thay đổi cả cuộc sống của gia đình tôi thì làm sao chúng tôi quên được. Con gái tôi từ đứa trẻ vui vẻ nhiều dự định cuộc đời thành đứa chỉ khỏi vòng mắt bố mẹ là tự tử. Vợ chồng tôi nhìn con gái như thế, đau lòng, suy sụp sức khoẻ.

Những lời ông Tuấn, ông Thỉnh nói vẫn vang âm trong đầu chúng tôi, hình ảnh con gái của chúng tôi gầy nhỏ nằm trong bệnh viện Xanh-pôn trên băng-ca cấp cứu, nước rửa ruột lênh láng sàn bệnh viện vẫn trở đi trở lại trong những cơn ác mộng của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng không nhắc lại để khỏi làm đau lòng con và đau lòng chính mình, nhưng giờ Lương Ngọc An trâng tráo lên làm lãnh đạo một tạp chí của Hội nhà văn như thế có phải là xúc phạm nỗi đau khổ của cả một gia đình không! Chúng tôi không thể ôm giữ mãi những sự thật về những gì đã thực sự diễn ra ngày ấy đến khi chết. Tuổi già như chuối chín cây, chúng tôi phải nói ra!

Cho dù sự việc đã diễn ra cách đây hơn 20 năm nhưng đó là một sự việc có nhân chứng, có tài liệu giấy tờ lưu lại. Từ những tài liệu lưu lại ấy có thể thấy rất rõ sự việc đã không được xử lý đúng đắn, công bằng, công khai, nếu không muốn nói rằng có dấu hiệu bao che, lấp liếm cho tội ác, tráo đổi bên bị hại. Cho dù bây giờ thì con gái chúng tôi không thể đưa vụ việc ra tòa vì hết hiệu lực pháp luật, cho dù Hội nhà văn không phải là cơ quan có chức năng phán xử nhưng Đảng ủy Hội nhà văn và Ban chấp hành Hội nhà văn không thể làm lơ trước những lời lên án trực diện và có bằng cớ của Dạ Thảo Phương mà không có hành động hợp tình, hợp lý, xứng đáng là một tổ chức văn hóa lớn. Lương Ngọc An cho dù chưa bị pháp luật kết án phạm tội hiếp dâm nhưng việc bổ nhiệm một kẻ đang bị tố cáo một cách có bằng chứng phạm tội hiếp dâm lên nắm chức Phó tổng biên tập một tạp chí của Hội nhà văn rõ ràng là nguy hại đến hình ảnh của Hội nhà văn trước dư luận trong nước và bạn bè quốc tế vì đã không đếm xỉa đến lời tố cáo của nạn nhân về một vụ án xâm hại tình dục nghiêm trọng chưa được giải quyết thỏa đáng trong quá khứ.

Cha tôi trước kia là một viên chức trong bộ Giáo dục Pháp, nhưng vì độc lập dân tộc đã tham gia vào đội cảm tử chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, rồi tham gia trung đoàn 308, chiến đấu và hy sinh ở Điện Biên khi mới ngoài 30 tuổi. Bản thân vợ chồng chúng tôi cũng là những Đảng viên, cựu chiến binh đã cống hiến tuổi trẻ trong chiến tranh, bao đau thương, vất vả. Giờ hoà bình lại nhìn thấy con gái mình bị xâm hại, bị khổ đau oan ức, bị bắt nạt o ép bởi những người quyền thế, thử hỏi công bằng, đạo lý ở đâu?

Bằng lá thư này, chúng tôi chính thức trình bày lại vụ việc năm xưa, và một lần nữa cùng với con gái chúng tôi nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo tội ác của Lương Ngọc An và phản đối việc bổ nhiệm Lương Ngọc An vào bất kỳ vị trí lãnh đạo nào, kêu gọi lương tri và hành động công tâm, chính đáng của Ban chấp hành Hội nhà văn mà ông Nguyễn Quang Thiều là Chủ tịch. (Chúng tôi gửi kèm lá thư tố cáo này một trong số giấy tờ hồ sơ mà chúng tôi có, đó là bản tường trình của họa sĩ Lê Tâm, có chữ ký của những đồng nghiệp cùng làm chứng về sự việc Lương Ngọc An cưỡng bức con gái chúng tôi ngày 14/4/2000. Những giấy tờ bằng chứng khác chúng tôi sẽ trình tòa khi cần thiết.) + 1 trang trích nhật ký của Dạ Thảo Phương để lại ở văn phòng luật sư hơn 20 năm trước đây.

Trân trọng.

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Người viết đơn

Phan Lạc Kiên – Cựu chiến binh, cha đẻ của nạn nhân

Tạ Thị Nội – Mẹ đẻ của nạn nhân

đã ký

2 COMMENTS

  1. I loved as much as youll receive carried out right here The sketch is tasteful your authored material stylish nonetheless you command get bought an nervousness over that you wish be delivering the following unwell unquestionably come more formerly again since exactly the same nearly a lot often inside case you shield this hike

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here