Bọ Lập viết Ba Đồn mạn thuật – khó thế mà cũng làm được (kỳ 2)

0
76
Ảnh: "Nhà bác học" Bọ Lập và Thông Cào (tháng 9.2015)

Nguyễn Thông  Nguyễn Quang Lập.

Tiếp theo Kỳ 1

Có nhẽ cần nói ngay để khỏi gây thất vọng cho ai đó. Vẫn biết người nước nam ta rất ham đọc, thích đọc sách, thường ngâm nga câu thơ cổ “vạn ban giai hạ phẩm/duy hữu độc thư cao” (mọi thứ trên đời đều thấp kém tầm thường, chỉ có đọc sách mới cao quý đáng tôn trọng) nhưng… Hồi nhỏ tôi có nghe thày tôi kể người viết ra câu ấy là nhà thơ bên Tàu, nhưng nhỏ tuổi lắm, nghe đâu mới chín mười tuổi. Đại loại cũng kiểu thần đồng Trần Đăng Khoa bên ta sau này. Anh trai tôi, một tay học giỏi toán nhất trường cấp 3, sau phải đi bộ đội đánh nhau nên chẳng dùng toán vào việc gì, bĩu môi (tất nhiên nói với chị em tôi chứ không phải với thày), đọc với chả cao, không có người làm ruộng cày cấy thì có khối gạo để bỏ vào mồm.

Sách của Bọ Lập, cuốn “Ba Đồn mạn thuật” này khá kén chọn người đọc. Nó không phải thứ sách ngôn tình, diễm lệ, chuyện gay cấn hồi hộp nút thắt nút mở, khơi gợi tò mò thân xác tình dục, lấy nước mắt; không có ý định “dành cho giới trẻ”, những 9X, 10X, Gen này Gen nọ; không phải kiểu sách của âu sần Vương (Ocean Vương) mà người ta đang tranh cãi. Đại loại vậy. Nhưng “Ba Đồn mạn thuật” là cuốn sách đúng nghĩa sách, bác học mà dân dã, hợp với tất cả những người yêu sách, thích đọc sách, ưa khám phá, ham mở mang kiến thức, và yêu quê hương đất nước mình (dù sách này chỉ khai phá một… làng).

Đọc sách về Ba Đồn của Bọ Lập, bất giác ta liên tưởng tới những điều tương tự. Thời còn làm cho một tờ báo to, tôi thường được gặp, tiếp cụ nhà văn Thái Vũ – Bùi Quang Đoài. Nhiều người biết ông ở góc độ ông là nhân vật liên quan đến Nhân văn giai phẩm. Ông từng rủ tôi tới thăm cụ Trần Đức Thảo lừng danh khi cụ Thảo “lánh nạn” vào tá túc trong cái phòng nhỏ trên đường Nguyễn Trung Trực quận 1 Sài Gòn. Thái Vũ thông kim bác cổ, hay chuyện, rất thẳng thắn. Có lần ông nói với tôi, cậu bảo thằng Xuân Ba bạn cậu, nó giỏi thật đấy, tớ rất phục nó, nhưng nó cứ hay dùng từ “thi thoảng” mà đúng ra phải là “thỉnh thoảng”, dùng thế là sai bét. Thái Vũ người Quảng Bình, lại ở ngay huyện Quảng Trạch, lại ở ngay vùng Ròn, Ba Đồn nữa. Ông rất yêu quê, nặng tình quê. Ông tặng tôi cuốn sách “Xứ Ròn – Di Luân” viết về quê chôn nhau cắt rốn, đọc rất thích. Giờ xứ Ròn có thêm sách Bọ Lập, hoành tráng, đầy đủ, chi tiết, mê mẩn hơn. Sao một vùng quê nho nhỏ nghèo mà lắm người tài, người nghĩa tình chịu ơn quê đến vậy.

Cầm trên tay, nói chính xác là ôm, cuốn tân kỳ thư của Bọ Lập, cũng lại nhớ tới một người hùng vĩ ở xứ này, cụ bác học Quế Đường Lê Quý Đôn. Những người yêu nước Việt, ưa khám phá các vùng miền, ham nạp kiến thức có thể tỉ mẩn tìm được rất nhiều điều qua các ghi chép của cụ Quế Đường như “Kiến văn tiểu lục”, “Phủ biên tạp lục”, “Đại Việt thông sử”, “Đại Việt sử ký tục biên”…, kể từ phong tục, địa lý, văn hóa, con người cho tới món ăn, cây cỏ, thậm chí cả những bãi cát vàng Hoàng Sa, Trường Sa cũng được nhắc cụ tỉ, cẩn thận. Về mảng sách này, nói không ngoa, trong Nguyễn Quang Lập có hình bóng con người Lê Quý Đôn. Hậu sinh khả úy, sau 200 năm.

“Ba Đồn mạn thuật” là một công trình, công trình văn hóa, thiển ý có gắn cho nó từ “vĩ đại” cũng không sao. Tôi cứ hình dung, ở xứ này bao lâu nay, đủ các ban bệ viện nghiên cứu, với cách mà họ từng làm, để có đứa con như thế, có nhẽ phải vài chục người, phân công ai chủ biên, ai làm phần nào phần nào, rồi họp bàn, phân tích, bổ sung, nâng lên đặt xuống, sơ kết, tổng kết, báo cáo, có khi mất vài năm, thậm chí chục năm. Biết bao nhiêu “kinh phí” đổ vào đấy để có sự “thành công tốt đẹp”.

“Ba Đồn mạn thuật” chỉ đề tên tác giả Nguyễn Quang Lập, bởi bọ làm một mình, nhõn một mình, trong 2 năm dịch, cụ thể như chính bọ khai, “451 ngày đêm”. Chưa đầy một năm rưỡi, hoàn thành, một mình. Kinh. Nếu không phải là quần quật bỏ ăn bỏ ngủ, xuyên ngày xuyên đêm thì chỉ có thần thánh trợ lực, chứ siêu nhân cũng không làm được, để ra cuốn kỳ thư nặng trĩu 650 trang khổ lớn nặng đúng 1 ký 2 mà tôi đang nâng niu đây.

Cuốn sách gồm 5 phần đại, riêng nội dung chính đã 15 chương, không thể nào kể ra hết được, dù chỉ cái tên, trong một bài ngắn như thế này. Có cảm giác, hầu như tất cả những gì Ba Đồn có, Ba Đồn trải đều được tìm hiểu kỹ lưỡng, không bị bỏ qua, sót lọt, từ một dấu tích, sự việc, thửa ruộng, con người, chuyện vui chuyện buồn. Tôi rất khoái khi đọc đến phần văn hóa văn nghệ được “gặp” lại bậc đàn anh đồng môn, bác Nguyễn Tri Nguyên, mà bấy lâu bặt tin. Bác Nguyên học trước tôi 2 khóa, khóa 15. Năm 1974, cả khoa văn xôn xao khi sinh viên Nguyễn Tri Nguyên có truyện ngắn “Sóng lừng” đăng trên báo Văn nghệ – tờ báo như ngôi đền thiêng của giới văn nghệ miền Bắc không dễ gì đặt chân vào. Bác Nguyên là dân Ba Đồn chính cống, một “danh nhân” của làng này.

Thật cảm động khi lia mắt vào mấy dòng trong phần “Đôi lời” mở đầu cuốn sách, bọ thủ thỉ chân thành cảm ơn tất cả những ai đã ít nhiều giúp bọ thai nghén, sinh nở. Bọ bảo “Chưa bao giờ tôi nhờ cậy mà họ nói không. Có thể nói, không có những người kể trên sẽ không có cuốn sách này. Xin khấu đầu tạ ơn tất cả”. (còn tiếp, cho dễ đọc, nhất là khi mọi người đang quan tâm vụ “bắt giò” Hai Nhật)

Nguyễn Thông 

—————

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here