Nguyễn Thông và Nguyễn Quang Lập.
Tôi không như người ta “nhà nghèo ham sách không có tiền mua sách mà cũng sưu tập được mấy trăm cuốn cho tủ sách cá nhân”. Ấy báo chí ca ngợi vậy về một ông từng là cột trong tứ trụ. Hồi bé, tôi nghe bạn quần thủng đít truyền nhau kinh nghiệm “tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm”. Sách hay, khi dành dụm đủ tiền thì tôi mua, tuyệt không xin xỏ đề nghị cho tặng bao giờ, dù tác giả bạn chí cốt mấy chăng nữa. Đơn giản, tôi hiểu, đẻ được sách còn khó hơn bà chửa trâu vượt cạn.
Hè 2024, Giáp Thìn tháng 4. Thiên hạ nói với nhau Sài Gòn chưa khi nào nóng gay gắt và kéo dài như năm nay. Đang cửi trần, ting cái tin nhắn, rằng “Ông cho tôi địa chỉ, tôi gửi biếu ông cuốn sách. Bọ”. Ngắn gọn, dứt khoát, không nhiều lời à ơi. Tôi biết tính lão, nhưng còn cố vớt vát sĩ diện “thôi thì cụ đã có lòng, nhà cháu xin nhận, hay để nhà cháu trả tiền síp (ship)”. Bọ nhắn lại, chắc vừa gõ vừa cười “tiền sách mới nhiều chứ síp siếc đáng bao nhiêu”.
Trên đời này thiếu gì người tên Lập. Cái Lập mà nhà cháu đang nhắc là Nguyễn Quang Lập, một kẻ rạch giời nhảy xuống hạ giới. Quê Quảng Bình, nơi thời chiến tranh bị gọi là Quảng Bọ, nên y chết tên Bọ Lập. Có một thời, cũng khá dài, thiên hạ ùn ùn rủ nhau đọc blog Quê Choa, có người còn bảo chỉ 2 mình “Quê Choa” và “Anh Ba Sàm” đủ chấp hết báo chí tivi mậu dịch, cung cấp đủ thông tin và văn hóa cho đời. Đời sống xã hội xứ ta có một thời lề trái thăng hoa lẫy lừng như thế. Sau này có “nhà” nào viết sử, tất nhiên không phải kiểu Phạm Hồng Tung… thì đừng quên nha. Đó có lẽ là chặng đẹp đẽ ý nghĩa nhất của tự do dân chủ trước khi nó bị đàn áp, chết uất ức, tồn tại vật vờ như bây giờ.
Ông bạn tôi ở Hà Nội có lần thủ thỉ, tài của người đời thì cũng chỉ đến mức Bọ Lập là kịch khung. Hỏi sao, y bảo y vừa đọc bài kể về tay diễn viên đóng vai cụ Hồ, nghệ sĩ Tiến Hợi, hình như có tên “Kinh tế Bác Hồ”, đọc xong cả nhà lăn ra cười, tranh nhau khen tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư anh Bọ Lập. Vợ y còn đòi làm cái đơn cả nhà ký đề nghị phong ngay cho Bọ nghệ sĩ nhân dân (đốt cháy giai đoạn, đi tắt, bỏ qua bước nghệ sĩ ưu tú), tặng ngay giải thưởng Hồ Chí Minh trong đêm, v.v.. Tôi cười, vợ chồng con cái mày mà được đọc đủ những sách lão ta viết như Bạn văn, Ký ức vụn, Đời cát… thì có khi còn bầu lão í là trời không chừng. Nó nhắn lại bằng cái mặt biểu tượng cười ha ha.
Nhớ hồi Bọ mới ở 6 Phan Đăng Lưu về, tá túc bên khu dân cư Thảo Điền quận 2, bác Nguyễn Khắc Nhượng rủ tôi tới “dò xét tình hình”. Ba anh em làm hết chai rượu với đĩa vịt luộc, nồi cháo vịt, chuyện trò bắp rang… Ngó bọ bình thản như chưa từng xảy ra chuyện gì, không hề có phan đăng lưu đăng liếc, chợt hiểu rằng cái con người suýt què chân do bị đâm xe kia đã vượt qua mức cảnh giới rồi, mình được bá vai bá cổ thế ni là may mắn lắm.
Cũng không ít lần những cuộc tụ bạ tình nghĩa, huynh đệ giang hồ vặt do tay Nguyễn Một chủ trì, chiếc ghế hình như ở vị trí đẹp nhất được ngấm ngầm chừa cho Bọ Lập. Y tới, không khí nhậu nhẹt tán chuyện sinh sắc hẳn lên. Y là thứ bột nêm không thể thiếu để chữa những nồi canh có nguy cơ nhạt. Hôm nào đủ cả y và Đỗ Trung Quân, giang hồ vặt tự động tắt đài. Lần trưa ấy, y và Yên Ba thi nhau nhớ lại thời làm báo Văn nghệ trẻ, mọi người cười bò quên cả ăn uống, tôi mấy hôm sau vẫn còn khan cổ dù đã ngậm hết 4 vỉ Bảo Thanh. (còn tiếp, ai muốn biết tân thư “Ba Đồn mạn thuật” hay dở thế nào thì đọc số ngày mai)
Nguyễn Thông
——————