Blogger Nguyễn Tường Thụy bị bắt, nhiều nhà tranh đấu sẵn sàng “nhập kho”

0
95
Nhà văn Nguyễn Tường Thụy. Ảnh: facebook Nguyễn Tường Thụy
SAIGON NHỎ

VŨ ĐÌNH TRỌNG

HÀ NỘI – Sáng hôm Thứ Bảy, 23 Tháng Năm, 2020, blogger – nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy bị công an Hà Nội khám nhà và đọc lệnh bắt giam. Vì lệnh bắt do Viện Kiểm Sát và Công An TP.HCM thực hiện, nên ông bị di lý ông TP.HCM ngay sau đó.

Ông Thụy là Phó Chủ Tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, một tổ chức không được nhà nước CSVN công nhận. Người đứng đầu hội là nhà báo Phạm Chí Dũng, đã bị bắt ngày 21 Tháng Mười Một, năm 2019, vì tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam,” theo điều 117 Bộ Luật Hình Sự (BLHS) 2015.

Biên bản khám xét dùng bắt nhà văn Nguyễn Tường Thụy tại Hà Nội.

Ngày 21 Tháng Năm, nhà văn Phạm Chí Thành, có bút danh là Phạm Thành, người gốc Thanh Hóa, sống tại Hà Nội. Thường biết đến như là chủ trang blog Bà Đầm Xòe đã bị bắt giam cũng theo điều 117 BLHS.

Trước đó, vào ngày 23 Tháng Tư, nhà thơ Trần Đức Thạch, người Nghệ An bị bắt với cái gọi là “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109 BLHS.

Có một vài điểm chung của ba nhà yêu nước, các ông đều sinh năm 1952. Ông Thụy, ông Thạch là cựu chiến binh. Ông Phạm Thành từng giữ chức vụ thư ký tòa soạn của Đài Phát Thanh Việt Nam.

Từ trái: Nhà văn Nguyễn Tường Thụy, nhà văn Phạm Chí Thành, nhà thơ Trần Đức Thạch. Cả ba ông đều mới bị bắt trong Tháng Tư và Tháng Năm, 2020. Ảnh: facebook Nguyễn Tường Thụy

Sẵn sàng “nhập kho”

Sau khi ông Phạm Chí Dũng bị bắt, ông Nguyễn Tường Thụy đã cảm nhận được mối nguy hiểm, khi gia đình ông bị nhiều người mặc thường phục canh gác không cho ông tự do đi lại.

Trước khi bị bắt, an ninh điều tra Công An Hà Nội đã gửi ông Thụy ít nhất ba giấy triệu tập, nội dung liên quan vụ án “Phạm Chí Dũng tuyên truyền chống nhà nước,” nhưng ông “đã từ chối vì lý do sức khỏe và lo ngại dịch bệnh Covid-19.”

Một trong những post gần đây trên trang cá nhân của ông Nguyễn Tường Thụy: “Bà Thái Anh Văn không những bị Tàu Cộng ghét mà còn coi như thù địch. Thế mà bà vẫn tái trúng cử tổng thống xứ Đài. Mà Đài lại là một phần lãnh thổ của Trung Quốc tách ra. Còn tiêu chuẩn hàng đầu của nguyên thủ xứ Vệ là phải được lòng Tàu Cộng. Nó mà lắc thì đừng mơ. Nghe nói quan tỉnh cũng lo lấy lòng Tàu Cộng còn hơn cả lo lấy lòng trung ương. Qua đó mới hiểu nước Vệ có độc lập không. Nhục thật!”

Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, có vẻ như chiến dịch bắt bớ trước đại hội 13 có một danh sách dài. Từ năm 2019, đã có những lời bàn về một tin hành lang, rằng sẽ có những cuộc săn đuổi và nhổ cỏ tận gốc những thành phần “gai mắt” – kể cả “gai mắt tiềm năng” – chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2023, Việt Nam phải ký và đưa vào hoạt động Công Ước 87 của ILO về công đoàn độc lập.

Đó cũng là nhận định chung của những nhà đấu tranh dân chủ trong nước, họ đều chuẩn bị cho một ngày phải “nhập kho” theo yêu cầu phi lý của nhà cầm quyền.

Nói về nhận định này, blogger Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng bản thân ông và ông Huỳnh Công Thuận cũng “đang là tù nhân dự bị, luôn ở tư thế sẵn sàng đi nhập kho.”

Ước tính, đã có khoảng 240 người cầm bút, trí thức, kể cả người lớn tuổi, cũng bị cầm tù bằng những bản án nặng nề, nhằm gây sợ hãi cho xã hội trong việc đòi hỏi quyền sống, quyền làm người.

Facebooker Lê Văn Sơn chia sẻ: “Họ đã lớn tuổi, sức khỏe không còn dồi dào, nhưng tại sao nhà cầm quyền cộng sản bắt và tống họ vào lao tù? Vì cộng sản rất sợ những con người dư hiểu về nó, phản tỉnh, và lên án nó.”

“Vấn đề thực tại của xã hội ngày nay là không chỉ có một Phạm Thành, một Nguyễn Tường Thụy, một Trần Đức Thạch, mà có hàng triệu người như vậy. Cộng sản không thể tống giam hết được yêu nước nước vào trong tù.”

“Cây già thì măng mọc. Còn cộng sản còn người đấu tranh.”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here