BIỂU TÌNH Ở THỤY SĨ CHỐNG LẠI WEIDEL

0
8
  • Lưu Thủy Hương đưa tin từ Berlin –
*
Những người biểu tình ở Thụy Sĩ/Einsiedeln hét vang: “Weidel cútđi!”, “Phát xít cútđi!”. Cuộc biểu tình có đăng ký trước ở ngôi làng nhỏ, với khoảng 10.000 cư dân, đã biến thành cuộc biểu tình lớn – do những người Thụy Sĩ nói tiếng Đức và tiếng Pháp ở nhưng vùng lân cận cũng kéo đến.
Tại đây, phe cực hữu của Thụy Sĩ cũng có mặt bất hợp pháp (họ không đăng ký trước) đã đun nóng bầu không khí và dẫn đến xô xát. Tuy nhiên, cuộc bạo loạn lớn đã được cảnh sát ngăn chặn với năm người bị bắt.
*
Nhiều người Việt Nam sẽ thắc mắc, vì sao người dân Thụy Sĩ vốn hiền lành lại xuống đường chống lại ứng cử viên thủ tướng tận bên Đức.
Người Đức và người Thụy Sĩ đều có câu trả lời, mà đó cũng là điều mà Weidel luôn tìm cách né tránh và thường tỏ ra bực tức, mất bình tĩnh khi bị cử tri chất vấn: Ứng cử viên Weidel không sống ở Đức mà sống với vợ con bên Thụy Sĩ, cụ thể là ở làng Einsiedeln.
Về mặt chính trị, Weidel đã đạt được một dấu ấn lịch sử ở Đức:
– Là người phụ nữ đồng tính đầu tiên lãnh đạo AfD và ra ứng cử chức thủ tướng.
– Là ứng cử viên thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Đức thường xuyên bị cử tri hỏi về giá thực phẩm ở Đức và hỏi về nơi cư trú.
Chuyện Weidel sống cùng gia đình ở Einsiedeln/Thụy Sĩ không phải là bí mật, chưa bao giờ là bí mật. Nhưng chính những người trong đảng AfD từ lâu đã khó chịu về vấn đề này: Tại sao đảng AfD – một đảng kêu gọi tinh thần quốc gia – lại có thủ lãnh định cư ở nước ngoài?
Điều họ thắc mắc mà không được giải thích tường tận là: Liệu Weidel còn muốn sống ở nước ngoài đến bao lâu? Weidel nộp thuế ở đâu, địa chỉ trên thẻ căn cước của bà ta là gì? Liệu Weidel có hai quốc tịch hay không (hai quốc tịch là chuyện bị đảng AfD chỉ trích gay gắt)?
Một vụ tai tiếng vào năm 2023, trong ngày hội nghị đảng của AfD trên chính quê hương của Weidel (Baden-Württemberg), cho đến nay vẫn còn là câu chuyện bực bội trong đảng AfD. Trong khi tất cả đảng viên muốn tham dự đại hội đảng đều phải xuất trình chứng minh thư và thẻ đảng viên để vào cửa, thì Weidel lại kiên quyết từ chối xuất trình giấy tờ tùy thân. Cuộc tranh cãi diễn ra rất lâu, nhưng Weidel vẫn giữ thái độ ngoan cố (biệt danh công chúa băng giá, Eisprinzessin, bắt đầu từ đây). Cuối cùng, bà ta vẫn được phép tham gia đại hội đảng, thậm chí còn được quyền bỏ phiếu.
Tuy nhiên điều này khiến một số người trong đảng gia tăng nghi ngờ: Liệu Weidel có điều gì muốn che giấu không? Thẻ căn cước của bà ta có ghi nơi cư trú tại Thụy Sĩ không?
Weidel luôn thông báo rằng, bà có nơi cư trú tại Đức, cụ thể là ở Überlingen. Trên thực tế, Weidel không mấy khi đến đây. Phần lớn thời gian của bà là đi vận động tranh cử ở các thành phố lớn và sau đó quay về Thụy Sĩ với vợ con.
Vợ của Weidel là Sarah Bossard, một phụ nữ Thụy Sĩ gốc Sri Lanka. Họ có hai con trai; được thụ thai nhờ tinh trùng hiến tặng từ hai người cha khác nhau. Weidel thường nói về các con của mình trong suốt chiến dịch tranh cử, nói với mức độ dày đặc bất thường so với các ứng cử viên đối thủ của mình, như một cách đảm bảo về hạnh phúc gia đình.
Ban đầu cặp đôi Weidel Bossard sống ở Biel, nhưng vì Biel thiên tả nên họ chuyển về Einsiedeln. Ở đây không ai nhận ra Weidel, cho đến ngày bà ta nổi tiếng ở Đức vì khuynh hướng thiên tả cực đoan của mình thì người dân Einsiedeln mới thấy bất ngờ.
Chuyện Weidel nhập nhằng và không dám minh bạch về nơi cư trú là do vấn đề nghiêm trọng từ phía luật pháp Thụy Sĩ. Theo luật đăng ký của Thụy Sĩ, được quy định trong Bộ luật Dân sự, nguyên tắc cốt lõi là: “Không ai được cư trú ở nhiều nơi cùng một lúc”, “Niemand kann an mehreren Orten zugleich seinen Wohnsitz haben.” Weidel có giấy phép cư trú ở Thụy Sĩ và bà phải xác nhận với báo chí “theo luật đăng ký của Thụy Sĩ, nơi sinh sống và nơi cư trú duy nhất của bà là ở Thụy Sĩ”.
Trong khi đó, tại Đức, Weidel thường gay gắt trả lời, nơi cư ngụ chính của bà là Überlingen/Đức, để nhằm chấm dứt mọi cuộc đối thoại. Luật pháp ở Đức cho phép một người được phép đăng ký một nơi cư ngụ chính, cho dù họ có ở đó hay không. Tuy nhiên, “Luật Đăng ký, Hộ chiếu và Căn cước công dân” lại quy định rõ: Người nào sống lâu dài ở nước ngoài đều được xem là đã chuyển nhà đi, ngay cả khi họ vẫn còn căn hộ ở Đức. “Wer dauerhaft im Ausland lebt, gilt als ausgezogen, auch wenn er weiter eine Wohnung in Deutschland hat”.
Vấn đề khác cũng gây tranh cãi, đó là Weidel đóng thuế ở đâu? Trước mắt, Weidel luôn khẳng định, bà chỉ đóng thuế cho nước Đức. Nhưng trên thực tế, có nhiều bằng chứng là Weidel đã đóng thuế ở Thụy Sĩ.
*
Chuyện Weidel sống ở đâu, đóng thuế ở đâu hoàn toàn không vi phạm luật pháp của cả Đức lẫn Thụy Sĩ. Bà có thể đơn giản trả lời: “Tôi sống ở Thụy Sĩ, trả thuế ở Thụy Sĩ”. Thì đã sao? Có gì sai trái?
Nhưng Weidel đang tranh cử thủ tướng ở Đức. Nhiều người Đức, và ngay trong nội bộ đảng AfD cũng vậy, thấy khó chấp nhận chuyện một người ngồi ở nước láng giềng không chia sẻ với người dân cuộc sống ở Đức mà vẫn chỉ tay lãnh đạo nước Đức.
Người Thụy Sĩ cũng bắt đầu có phản ứng khước từ Weidel và AfD. Dân châu Âu chưa hề quên thảm họa phát xít do Đức gây ra. Họ muốn Weidel cuốn gói về Đức!
Người Thụy Sĩ đã xuống đường với hàng chữ:
Die Schweiz und Alice Weidel:
Früher das nazigold beschützt
Heute als Faschowohnstätt benützt
.
Thụy Sĩ và Alice Weidel:
Trước đây bảo vệ vàng của Đức Quốc Xã
Ngày nay được dùng làm nơi cư ngụ của phần tử phát xít
*
Lưu Thủy Hương, viết trước giờ đi bầu cử
Nguồn dẫn chứng xem trong comment.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here