BÂY GIỜ LÀ MÙA XUÂN VIỆT NAM- NHỚ MÙA XUÂN 1968 Ở TIỆP KHẮC 56 NĂM TRƯỚC.

1
63
PRAGUE

Nguyễn Xuân Nghĩa cùng với Phạm Thanh Nghiên 

( Viết nhân nhớ đến vài kỷ niệm ở Tiệp Khắc cũ)

Xin được vài lời phi lộ, rằng tôi được đến du học tại Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc ( Zcech và Slovakia bây giờ) nhờ bố tôi là đảng viên từ phong trào Xô-Viết Nghệ-Tĩnh, Anh cả tôi là Đảng viên trong chống Pháp, một anh nữa là liệt sĩ „ chống Mỹ“. Tôi không được hoặc phải vào quân đội ( tôi nói ĐƯỢC, nhiều người nói PHẢI) ra chiến trường bởi tôi là con duy nhất còn lại trong 3 người con của bố-mẹ tôi.  Trước khi rời quê hương tôi gia nhập dân quân tự vệ, nhiều lần ra trận địa bắn máy bay Mỹ bằng súng K.44 của Nga, ăn trưa dưới hầm tránh bom bằng lương khô 72 của Trung Quốc; thêm nữa tôi là Đoàn viên có “số má” của Liên đoàn Thanh niên lao động xã ( Đoàn thanh niên HCM bây giờ), là đối tượng cảm tình đảng. Nếu không rời quê, đến 45-50 tuổi, có thể thấp nhất tôi cũng làm đến chức bí thư tỉnh ủy tỉnh Nghệ An (không đùa).

PRAGUE

 Sáu bảy năm trước, tôi về thăm quê, gặp một anh bạn học là Giám đốc, phó Bí thư Đảng bộ chi nhánh điện quận Hoàn Kiếm Hà Nội đã về hưu, cũng về thăm quê. Hắn phê phán „ Sao lý lịch tốt thế lại đi làm „ phản động“. Tôi trả lời. „ Lý lịch tốt hay xấu nói sau, Có lý lịch như thế tớ mới thế này“

 Có lẽ tôi thay đổi góc nhìn chính trị, xã hội, (dù chậm chạp) nhờ cuộc cách mạng Dân chủ & Thoát Nga của sinh viên, thanh niên và nhân dân Tiệp Khắc vào mùa xuân 1968. (Mùa thu năm 1967 chúng tôi đặt chân đến Tiệp Khắc thì Mùa Xuân 1968 sự kiện Praha xảy ra). 

Sau 1 năm học tiếng Séc, chúng tôi khăn gói đến trường đại học kỹ thuật Ostrava, một trường đại học lớn của vùng Morava ( Moravia).

 Trước ngày chúng tôi rời khỏi trường học tiếng, một cán bộ đại sứ quán VN đến, gọi nhóm du học sinh chúng tôi lại. Ông khuyên chúng tôi phải biết lựa chọn khi nghe nhạc, xem phim và tham gia các sinh hoạt của sinh viên Tiệp. Ông kết thúc buổi giáo huấn bằng câu: “Các cậu vừa học vừa phải tuyên truyền cho Việt Nam, làm nhà Ngoại giao cho tổ quốc.  

PRAGUE

Chúng tôi đều là những thanh niên trẻ măng, chưa có kinh nghiệm sống, ra đi từ những tỉnh nghèo nàn, lạc hậu của Bắc Việt Nam , đang có chiến tranh, đầu óc còn tối như mực Tàu bỗng nhiên được đôn lên thành „nhà ngoại giao“ nên mặt mũi thằng nào cũng tươi như hoa buổi sáng. Có lẽ vị cán bộ ĐSQ Việt Nam nói không đầy đủ, nhưng tôi biết đối tượng ngoại giao của tôi là các sinh viên Tiệp Khắc cùng trường. 

Tôi không biết các đồng hương của tôi nghĩ sao, nhưng tôi, khi đã lấy nhân vật cộng sản Pavel Cosagin ( trong tiểu thuyết Nga- Thép đã tôi thế đấy) làm thần tượng và với điểm tốt về tiếng Séc, tôi sẽ có khả năng…

Tuy nhiên, nhập trường chỉ vài tháng, qua các lần trải nghiệm tôi đã đưa ra nhận xét với Chi đoàn ( Chi đoàn thanh niên lao động Việt Nam của sinh viên Việt Nam) rằng sinh viên Tiệp Khắc không quan tâm đến chính trị. Hình như thời ấy ở Tiệp Khắc giống thời này ở Việt Nam  sau hơn nửa thế kỷ. -Tất cả đã có Đảng & Nhà nước lo – có thể là câu của các Đảng viên cộng sản Tiệp Khắc nhắn nhủ/răn đe thanh niên và sinh viên.

PRAGUE

Tuy nhiên cái đầu nóng của tôi cũng tìm ra một bạn học có tên là Jan Balak. Jan khá cởi mở. Chính vì cởi mở hắn đã dội vào đầu tôi một thùng nước lạnh: 

– Proč jste proti Američan? Amerika nenapadla Vietnam. Amerika je velmi dobrá. Amerika je skutečně demokratická země. My Češi chceme opustit Rusko a následovat Ameriku.

(Tại sao chúng mày chống Mỹ? Mỹ không xâm lược Việt Nam. Mỹ rất tốt. Mỹ thật sự là quốc gia dân chủ. Người Tiệp tao đang muốn bỏ Nga theo Mỹ đây!

Video: Praha cổ kính

Một lần khác tôi lại nghe mấy câu tương tự, nhưng nói về nước Nga. Lần này của một ông già. Ông phụ trách căng-tin phục vụ sinh viên của trường. Lúc trẻ, ông tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất chống Nga trong quân đội của đế quốc Áo-Hung ( bấy giờ Sec là một phần lãnh thổ của đế quốc Áo-Hung). Ông nói:

– Người Nga hả? Có gì tốt ở người Nga mà chúng mày theo? Tao sống trong trại tù binh của Nga 7 năm, Chính phủ tao theo Nga đã gần 30 năm. Tao hiểu người Nga hơn chúng mày.

(Ruština? Co je na Rusech tak dobrého, že Rusko sledujete? Žil jsem v Ruském vězení 7 let, moje vláda následovala Rusko téměř 30 let. Rusům rozumím lépe než Vy).

Suy nghĩ kỹ về cuộc xuống đường đòi Dân Chủ và Thoát Nga từ Mùa Xuân năm 1968 trong ôn hòa của giới sinh viên, thanh niên và người dân Tiệp Khắc, cao điểm là sự kiện 2 sinh viên đang học ở Praha tự thiêu để phản đối Nga đưa quân đội Warsawa vào chiếm đóng Tiệp Khắc, tôi mới hiểu rằng tất cả những gì tôi thấy ở bên ngoài của sinh viên Tiệp Khắc thời ấy hoàn toàn không phải là bên trong của họ.

 Đã hơn 50 năm, dù tôi không còn liên lạc với một cựu sinh viên Tiệp Khắc (cũ ) nào cùng khoa thời ấy để hỏi, nhưng vẫn tin rằng ngày ấy họ không tiếp chuyện chính trị với tôi bởi tôi là một thành phần ngu dốt trong một nhóm người ngu dốt ngoại lai trên đất nước của họ. 

Về nước, tôi càng „chán đoàn nhạt đảng“ Tôi vất Giấy giới chuyển sinh hoạt đoàn, không nộp giấy chứng nhận cảm tình đảng cho chi bộ cơ quan. Những năm ở Tiệp, sau cách mạng Mùa xuân Praha, tôi tìm đến cuộc nổi dậy của nhân dân Hungari năm 1956. Về nước, tôi theo dõi các hoạt động của công đoàn Đoàn Kết Ba Lan vào thập niên 1980. Internet và cái đầu không lúc nào lạnh khiến tôi thay đổi triệt để. Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi ở thì hiện tại. Tại sao tôi bị tù, tại sao con trai tôi tìm đến Mỹ tị nạn và vượt qua nhiều cửa ải để đến nơi, tốt nghiệp đại học, trở thành một kỹ sư phần mềm tại thung lũng Silicon;  tại sao tôi ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraina chống quân xâm lược Nga-Putin, ủng hộ Cộng hòa Séc, Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO và mong muốn cộng hòa Séc giúp đỡ Ukraina nhiều hơn.

Hình: Sinh viên Jan Palach ( tự thiêu năm 20 tuổi)

Cộng hòa Séc và cộng hòa Slovakia chắc chắn thay đổi rất nhiều so với các năm còn cộng sản mà tôi ở đấy. Tôi vẫn thường xem các video quay cảnh thủ đô Praha, Ostrava, Brno, Plzen, Oloumou, các địa danh di tích lịch sử, bảo tồn thiên nhiên mà tôi đã đặt chân đến, các sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Séc mỗi khi rỗi với buồn vui lẫn lộn. Vui vì tôi có bạn cùng chí hướng ở đó, mà buồn cũng vì có bạn học ở lại mà không chung nhận thức.

1 COMMENT

  1. Thank you for your response! I’m grateful for your willingness to engage in discussions. If there’s anything specific you’d like to explore or if you have any questions, please feel free to share them. Whether it’s about emerging trends in technology, recent breakthroughs in science, intriguing literary analyses, or any other topic, I’m here to assist you. Just let me know how I can be of help, and I’ll do my best to provide valuable insights and information!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here