BẢO VỆ “DINH TỈNH TRƯỞNG”

0
87

Xuân Sơn Võ

Mấy hôm nay trên mạng rộ lên vụ “dinh tỉnh trưởng” Đà lạt. Tôi tò mò xem cái dinh này ở đâu. Tôi biết Dinh 1, Dinh 3, Dinh nọ Dinh kia, nhưng chưa bao giờ nghe nói về dinh tỉnh trưởng.

Thực ra thì dù có yêu Đà lạt, nhưng tôi không rành về Đà lạt cho lắm. Thế nhưng, sẽ là rất tệ nếu một người sẵn sàng nhận Đà lạt là quê hương cho cuối đời của mình mà không biết cái “dinh” mà như nhiều bạn nói, là cái hồn của Đà lạt.

Mở Google ra. Ôi, thì ra là tôi có đến chỗ này, và không chỉ một lần. Nhưng nói thật, tôi chẳng biết nó là cái “dinh”, ngay cả khi đến tận nơi, nhìn tận mắt. Trong đầu tôi, đó chỉ là một nơi phế tích, bị bỏ hoang, các lái xe đến đó, lấy đó làm chỗ đậu xe. Mà chỗ đậu xe thì mười chỗ như một, có đủ các đặc tính giống nhau.

Tôi biết đến nó cách đây khoảng chục năm, khi tìm chỗ rửa xe. Phải nói là hồi đó, tìm được chỗ rửa xe ở Đà lạt khó lắm, nhất là vào giờ chiều tối. Cuối cùng thì một anh bạn, dân Đà lạt thứ thiệt, cư ngụ vài đời tại đó, chỉ cho tôi đường đến chỗ rửa xe mà anh quen. Tôi được anh rửa xe nhận vô rửa, giá cả khá mềm. Thỉnh thoảng sau đó tôi có ghé chỗ anh ấy. Sau này, khách sạn tôi ở có chỗ rửa xe, sau nữa tôi lại có nhà, nên tôi không còn ghé đó.

Tôi cũng có niềm tin, rằng chẳng có mấy khách du lịch biết về cái “dinh tỉnh trưởng” đó cho đến khi đọc được những ý kiến phản đối việc người ta định làm lại khu đó. Cũng dễ hiểu, ở đó có gì đâu mà các công ty du lịch giới thiệu cho khách. Cũng chẳng có cái nhà hàng nào đặt ở đó mà decor hay nấu ăn cho ra hồn, để khách du lịch biết đến nó. Nó chẳng có gì để gọi là dinh, mà thực sự là một địa điểm hoang phế.

Chợt nhớ đến một anh bạn. Anh ấy có một cô bạn gái. Nhìn bên ngoài ai cũng nghĩ họ yêu nhau. Đùng một cái, cô kia gởi thiệp mời đám cưới, mà thằng chồng sắp cưới của cô ấy là một thằng lạ hoắc lạ huơ. Bạn bè hỏi anh bạn. Anh ấy tỏ vẻ cực kì đau khổ. Thế là họ xúm vô trách móc cô gái. Tôi cũng là một trong số ấy.

Trước ngày cưới vài ngày. Cô gái gọi mấy đứa bạn thân nhất, và cả anh bạn kia, đến một quán cà phê. Thì ra là bao nhiêu lâu nay, anh chàng kia chẳng có một lời tỏ tình, mà ngoài chuyện bạn bè ghép đôi, anh ấy cũng chẳng tỏ ra có gì đặc biệt với cô gái. Sau vài lần “thử thách”, thấy rõ là anh chàng chẳng quan tâm gì đến mình, nên cô ấy quyết định.

Tôi còn nhớ cô ấy nói, rằng cô ấy đâu có thể cứ ngồi đó mà trông chờ anh ấy tỏ tình, cô cũng không phải là của riêng anh ấy, để khi anh ấy không thèm quan tâm đến cô, thì cô không thể tìm đến một người nào khác. Cô còn khẳng định, cô hoàn toàn có quyền đến với ai thật lòng yêu cô, hoặc cô cảm thấy phù hợp, hoặc, ngay cả khi ai đó giúp cô không biến thành gái già.

Tôi chưa tìm hiểu đủ độ để ủng hộ hay phản đối kế hoạch xây dựng khu “dinh tỉnh trưởng”, nhưng tôi biết chắc là hầu hết những người đang hô hào chống lại việc xây dựng nó hiện nay đều đã từng chẳng coi nó là cái gì đáng giá, ít nhất là như một cái “dinh”. Chỉ đến khi cảm thấy nó sắp mất đi, thì mới la lên, làm như họ quí nó lắm.

Có nhiều lúc tôi nghĩ, Đà lạt như là một thành phố bị bỏ hoang. Cứ nhìn những vạt thông bị chết khô vì bị khoan gốc rồi bơm hoá chất vô, cứ nhìn những quả đồi bị khoét ra nham nhở, cứ nhìn những nhà màng mọc lên dày đặc với tốc độ phi mã, sẽ thấy Đà lạt là một nơi mà người ta được tự do chặt, phá, đào, lấp… và dựng nhà màng.

Khi tôi trồng thông trong đất nhà mình, trong hàng trăm người Đà lạt đến vườn nhà tôi, chỉ duy nhất có một anh kiến trúc sư khen tôi việc trồng thông. Còn lại, người thì bảo trồng thông là sau này khó chặt lắm. Thậm chí, có người còn phân tích, rằng nếu tôi trồng thông, tôi sẽ khó bán được cái vườn ấy, vì người mua sẽ không thể chặt thông để phân lô bán nền.

Vậy đó, nếu các bạn thực sự yêu Đà lạt, thì hãy làm gì cho nó trước khi nó biến thành phế tích, trước khi nó bị chặt trụi, bị cạo trọc, bị đục khoét, bị beton hoá, hay màng hoá… Chứ đừng bỏ rơi nó, cho đến khi có ai đó định cải tạo nó thì quay ra chống đối.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here