Tầm nhìn của một người thông thường có hai hàm nghĩa: Một là, không ngừng mở rộng thế giới của mình ra bên ngoài, nhìn cao hơn, xa hơn; hai là, hiểu sâu sắc về thế giới nội tâm của mình, chỉ khi biết mình có cái gì, mới có thể tận dụng nó để tạo ra nhiều giá trị hơn.
BÃO – J.M.G. Le Clézio
Nobel Văn chương 2008
Những cơn bão không cần lý do để đến trong thế giới này, nhưng nó cần những khoảng trống để sinh ra. Từ biển rộng khôn cùng hay từ lòng tử cung âm thầm của những người đàn bà, từ cõi lòng nứt toác vì những vết thương của họ hay từ nỗi chán chường khôn khuây. Bằng những cách khác nhau, người ta mang bão đến với cuộc đời, như bản mệnh, như số phận. Và bằng cách chống trả lại với những cơn bão, họ đã hoá thành những cơn bão.
Biển đã sinh ra bão như những người đàn bà đã sinh ra những đứa con, đầy sợ hãi và bơ vơ nhưng vẫn lựa chọn việc đem chúng vào đời. Bão ở đó trong nỗi ám ảnh về thân phận, trong những vết cứa của quá khứ và những vọng tưởng về ngày mai. Những người đàn bà hoá bão một cách âm thầm, mạnh mẽ và độc ác một cách âm thầm. Để những người đàn ông, những người đã xé toạc đời họ ra để gieo một cơn lốc đớn đau vào đấy, sống nốt quãng đời còn lại dưới bóng mây đen bao phủ của những gì mình gây nên, giữa điệp trùng quá khứ bủa vây và hiện tại không lời hồi đáp. Người ta không thể lấy lại được hạt mầm mình đã gieo, cũng như bão không thể quay lại chui vào đáy biển mà ngủ yên. Và bão, vì thế mà đã thành một phần của thế giới, của cuộc đời, một món nợ của kiếp người và lạ thay, nó cũng chính là ý nghĩa của sự sống.
Thế gian sẽ ra sao nếu không có bão? Cũng như cuộc đời này có nghĩa lý gì nếu không có những vết thương? Thế nên năm tháng chưa bao giờ thôi chồng chất những trái ngang của nó lên mỗi số phận, và biển không năm nào quên tặng cho đất liền những trận cuồng phong. Sau tất cả, à mà không, sau mỗi giai đoạn, mọi thứ sẽ tan tác. Nhưng rồi mọi thứ cũng tinh khôi. Mỗi sự đổ vỡ đều là một cơ hội để soi rọi để thấu suốt dù là không dễ để chịu đựng. Đau đớn là chất liệu cho sự trưởng thành, người ta sẽ mạnh mẽ hơn, và dịu dàng hơn nhờ nó. Những người đàn bà hiện lên dưới ngòi bút của Le Clezio đều ngang tàng bất cần khi đối diện với bão tố và rồi đều đằm thắm và nữ tính hơn khi đi xuyên qua nó. Với ông, đàn bà là biển cả, im lặng khi người ta gieo vào lòng nó thậm chí cả một trái bom, nhưng một ngày sẽ tặng lại cho ta những cơn bão đầy bất ngờ cuồng nộ nhưng bất cần truy đòi hay giải thích. Sự nổi loạn của họ đầy ám ảnh nhưng sự nhẫn nhịn của họ thậm chí còn ám ảnh hơn, như một biển khơi phẳng lặng báo hiệu ngày bão đến.
Sau cuối, mọi cơn bão đều tan. Nó có thể cuốn về lòng biển những thứ vô nghĩa hay có nghĩa trên mặt đất nhưng nó đều trả lại cho mặt đất sự bình yên. Mọi thứ luôn có thể được phục hồi, tạo dựng. Bão là cách mà biển đòi lại món nợ cho mình, cũng là cơ hội để người ta được trả những thứ mà mình đã vay hoặc cướp đi, để cứu chuộc tâm hồn mang nhiều tội lỗi. Bão vì thế là sự tha thứ mà thượng đế dành cho loài người, dẫu là mãi mãi loài người không bao giờ xứng đáng với bất kỳ một sự tha thứ nào. Nhưng vì thượng đế vẫn còn yêu thương, và vì loài người vẫn còn mong muốn được yêu mà đến cuối cùng, người ta sẽ học được cách tha thứ cho chính mình. Vì yêu, vì thế…
https://www.youtube.com/watch?v=Jto3vG3Wn5c [Les Valses De Vienne – Francois Feldman]
Nguồn bài, ảnh: Net.