Bàn về chữ “tự do”… 

0
74
TBT Đổ Mười đề ra khái niệm “Nhà nước Pháp quyền” đồng thời yêu cầu học giả XHCN bổ sung ý nghĩa của cụm từ này sao cho nó thích hợp với pháp chế xã hội chủ nghĩa. 

Nhân Tuấn Trương

Theo tôi, ý nghĩa của chữ “tự do”, diễn giải theo ý kiến của ông Trần Tiến Đức (trong bài phỏng vấn của RFA ngày 2 tháng 9), là có vấn đề. (Bài Nâng cấp Việt-Mỹ lên “đối tác chiến lược” là điều đáng “hoan nghênh”).  

Dẫn ý kiến của ông  Trần Tiến Đức : 

“Tôi nghĩ rằng Hồ Chí Minh từ lúc khai sáng ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã luôn nhấn mạnh hai từ là ‘độc lập’ và ‘tự do’. ‘Độc lập’ là độc lập dân tộc, ‘độc lập’ có nghĩa là người Việt Nam có quyền quyết định về tất cả những vấn đề liên quan việc nội trị và quan hệ đối ngoại của Việt Nam và ‘tự do’ nghĩa là không bị một thế lực nào ràng buộc. Tự do cho đất nước, một nước tự do có nghĩa là không một thế lực ngoại bang nào có thể chi phối mọi đường lối đối nội và đối ngoại của Việt Nam.”

Trước hết nói về ý nghĩa “ngôn từ”. Sau đó nói về quan điểm của ông Hồ về “độc lập và tự do”. 

Theo tôi ông Đức nói đúng về ý nghĩa của “độc lập”. Wikipedia VN định nghĩa : “Độc lập là quyền bất khả xâm phạm của một đất nước, một quốc gia, một dân tộc bởi chính người dân sinh sống ở đó, có nghĩa là có chủ quyền tối cao.” 

Độc lập sử dụng ở đây (phạm trù quốc gia, dân tộc) là một từ “luật học”,  thuộc về “khái niệm”, có ý nghĩa tương đương với “có chủ quyền”. 

Một quốc gia “độc lập” có nghĩa là chính phủ đại diện cho người dân của quốc gia này tự chủ, không bị ảnh hưởng của bất kỳ thế lực ngoại bang nào đến các quyết định về đường lối, đối ngoại cũng như đối nội. 

Nguyên tắc nền tảng của Hiến chương LHQ là “các quốc gia bất kể lớn nhỏ đều  bình đẳng về chủ quyền”. Tức bình đẳng về sự “độc lập” của mỗi quốc gia.

Ông Đức cho rằng “‘tự do’ nghĩa là không bị một thế lực nào ràng buộc. Tự do cho đất nước, một nước tự do có nghĩa là không một thế lực ngoại bang nào có thể chi phối mọi đường lối đối nội và đối ngoại của Việt Nam ”. 

Theo tôi ông Đức đã lẫn lộn giữa “độc lập” và “tự do”. 

Một quốc gia “không bị một thế lực nào ràng buộc” hay “không bị chi phối bởi ngoại bang” có nghĩa là quốc gia đó là quốc gia “độc lập, có chủ quyền”. 

Về chữ “tự do”, ý nghĩa thay đổi tùy theo lãnh vực. Ý kiến của ông Đức ở đây thuộc phạm trù quốc gia. 

Một quốc gia (nước) tự do có nghĩa (thông thường) là quốc gia đó có chế độ “tự do dân chủ”.  

Cách hiểu thông thường khác của người CSVN, đặc biệt trong hoàn cảnh đấu tranh cách mạng dành độc lập 45-54, tự do có nghĩa là “được giải phóng – libéré”. 

Cách hiểu đại chúng, theo tiêu chuẩn của LHQ, “tự do” là một “quyền” thuộc cá nhân. 

Ý kiến của ông Đức về tự do, một mặt “xiêu vẹo” so với tư tưởng của ông Hồ về tự do. Mặt khác ý kiến về tự do này rất tai hại, nó đã khiến Mỹ và Đồng minh quay mặt với các thỉnh nguyện của ông Hồ (sau ngày 2 tháng 9 năm 1945).

Thật vậy, xét tư tưởng về tự do của ông Hồ thông qua bản Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.  

Dẫn nguyên văn nội dung Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9, đoạn mở đầu và đoạn kết luận: 

Đoạn mở đầu : “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được trong những quyền sống, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.   

Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là : tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.” Hết dẫn đoạn đầu. 

……. 

Đoạn kết luận: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Teheran và Cựu kim sơn, quyết không thể không nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. 

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống Phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi – Chính phủ lâm thời của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa – trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: 

Nước Việt nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.” 

Hết dẫn đoạn kết luận.

Về ý nghĩa ngôn từ, đoạn mở đầu. Ta thấy bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ nói về tự do cá nhân : “mọi người đều sinh ra bình đẳng” và tạo hóa ban cho những cá nhân ấy ”những quyền không ai có thể xâm phạm được”, đó là “quyền sống, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. 

Ông Hồ đã “suy diễn” quyền tự do cá nhân (trong bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ) thành ra quyền của “dân tộc”, quyền của “tập thể”: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. 

Sự suy diễn này hoàn toàn sai. 

Hiến chương LHQ qui định các quốc gia “bình đẳng” về “chủ quyền”. Nhưng không có qui định nào nói về “tự do” của một dân tộc hết cả. (Chỉ hiện hữu một số nguyên tắc về quyền dân tộc tự quyết và quyền của các dân tộc bản địa).

Thử nhìn về nội bộ “dân tộc” VN. Có tất cả bao nhiêu “dân tộc” ? Có thực sự các dân tộc thiểu số được “bình đẳng” với dân tộc “kinh” ? Có thật hay không dân tộc “ngụy” VNCH (tức miền Nam dưới vĩ tuyến 17) có quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do… như dân tộc miền Bắc hay không ? 

Ông Hồ đã nhặp nhằng về “quyền tự do của cá nhân”, nền tảng xây dựng nên nước Mỹ và các quốc gia tiên tiến dân chủ tự do, với “tự do tập thể”, cách nói khác của “tự do tập trung, dân chủ tập trung” của Mác-Lê nin. 

Trách sao Mỹ và Đông minh không trả độc lập VN cho chính phủ VNDCCH của ông Hồ ? 

Về ý nghĩa ngôn từ ở đoạn kết luận. 

Câu: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Teheran và Cựu kim sơn, quyết không thể không nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam”. 

Theo tôi ông Hồ thực sự muốn một VN độc lập và muốn Mỹ và Đồng minh nhìn nhận sự kiện này. Bởi vì dân tộc VN xứng đáng :

“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống Phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!” 

Nếu bản tuyên ngôn độc lập 2-9 ngừng ở đây thì tôi nghĩ chắc chắn Mỹ đã có thể nhìn nhận chính phủ VNDCCH của ông Hồ. Rõ ràng và cụ thể, lực lượng Việt Minh của ông Hồ là đồng minh của Mỹ trong công cuộc chống Phát xít. 

Trở ngại là câu suy diễn ở đoạn đầu và câu kết sau đây!

“Nước Việt nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Một nước VN “tự do” có nghĩa là một nước VN “libéré”. Đáng lẽ từ sử dụng ở đây phải là VN được “giải phóng”. 

Câu kết ở trên phải viết là “Nước Việt nam có quyền hưởng nền độc lập, và sự thực nước VN đã được giải phóng và trở thành một nước độc lập. Toàn thể dân tộc Việt nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền độc lập ấy”. 

Nhặp nhằng ngôn từ, ông Hồ muốn đi với Mỹ và Đồng minh, nhưng không muốn từ bỏ cái gốc là cán bộ xách động và tuyên truyền của công sản quốc tế.

Vì vậy ta không ngạc nhiên Mỹ và Đồng minh đã bỏ qua những thỉnh nguyện của ông Hồ (về nền độc lập của nước VNDCCH). Mỹ và Đồng minh quyết định trao trả chủ quyền VN lại cho Pháp. 

Vì vậy đến nước này rồi, theo tôi ông Trần Tiến Đức không nên đánh tráo khái niệm về “độc lập và tự do”. Ông Đức vốn là “cựu Vụ trưởng một Ủy ban nhà nước thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và nguyên thành viên nhóm tư vấn một số vấn đề chính sách cho Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam những nhiệm kỳ trước đây”. 

Một lần đánh tráo về ý nghĩa “tự do” đã khiến VN lỡ chuyến xe tiến bộ, làm VN mất thời gian gần 80 năm. Đánh tráo khái niệm “tự do” lần này có thể sẽ khiến TT Biden “suy nghĩ lại” về việc nâng quan hệ với VN cũng như cam kết ủng hộ mộ “VN  độc lập, tự chủ, phú cường…”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here