BAN VẬN ĐỘNG VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM

0
134
Các thành viên Ban Vận động Văn Đoàn Độc Lập và thân hữu kỷ niệm một năm thành lập.

Dự án 88

Dự án 88 xin chia sẻ đôi nét về Ban Vận động Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam. 

Tháng 3/2014, một nhóm bao gồm nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học đã ra Tuyên bố Vận động Thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam (VĐĐL), một tổ chức xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước.

Ban Vận Động gồm nhiều người có tên tuổi cả trong nước lẫn hải ngoại như Nguyên Ngọc, Bùi Chát, Bùi Minh Quốc, Bùi Ngọc Tấn, Châu Diên, Dạ Ngân, Dương Tường, Đỗ Trung Quân, Giáng Vân, Hà Sĩ Phu, Hoàng Dũng, Hoàng Hưng, Hoàng Minh Tường, Lê Hoài Nguyên, Lưu Trọng Văn, Nguyễn Duy, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Thân, Phạm Xuân Nguyên, Ý Nhi, Chân Phương, Đặng Tiến, Lê Minh Hà, Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Thanh Bình, Phan Tấn Hải, Thuỵ Khuê, Võ Thị Hảo, Vũ Thư Hiên v.v… Nhà văn Nguyên Ngọc giữ vai trò Trưởng ban. Nhà thơ Hoàng Hưng là người giúp nhà văn Nguyên Ngọc điều hành từ những ngày đầu đến tháng 3/2020. Nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Hoàng Dũng là admin của trang Văn Việt, cơ quan ngôn luận của tổ chức.

Nhà văn Nguyên Ngọc, Trưởng ban Ban Vận động Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam.

Mục đích của VĐĐL là vận động các nhà văn tự do sáng tác, tự do công bố tác phẩm, không chịu sự kiểm duyệt của nhà nước. Và “mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi”. Hội chủ trương không đối đầu với nhà nước và chỉ thành lập chính thức khi được cấp giấy phép hoạt động.

Là nơi quy tụ nhiều trí thức, thuần túy về văn học nghệ thuật nhưng nhiều người trong số họ bị sách nhiễu, đàn áp. Một số tác giả đã không thể đi nhận giải, thậm chí phải từ chối giải thưởng của Văn Việt vì sức ép từ nhà cầm quyền. 

Vào năm 2018, Ban Tuyên Giáo đề nghị “rút toàn bộ tác phẩm của nhà văn có tên trong VĐĐL ra khỏi sách giáo khoa”. Mặc dù bị cấm đoán, Văn Việt vẫn tổ chức xét và trao giải hàng năm cho các tác phẩm có giá trị. Đồng thời trên diễn đàn này, các tác phẩm được công chúng nhận xét là không chỉ “mang giá trị về văn học – nghệ thuật đích thực mà khích lệ tinh thần tự do sáng tác”, vẫn xuất hiện đều đặn mỗi ngày.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here