“Hàng chục nhân viên an ninh mặc thường phục” được cho là hiện diện bên ngoài ngôi nhà của blogger Nguyễn Hữu Vinh, còn được biết tới với tên gọi Anh Ba Sàm, ngay sau khi ông được trả tự do sau 5 năm bị giam trong tù.
Ông Vinh, chủ trang blog Anh Ba Sàm, được trả tự do hôm 5/5 sau khi mãn hạn tù. Bà Lê Thị Minh Hà, vợ của ông, cho biết trong thông tin đăng tải trên trang Facebook cá nhân rằng bà đã đón chồng mình từ Trại giam số 5 ở Yên Định, Thanh Hóa.
Luật sư Trần Vũ Hải, người từng bào chữa cho ông Vinh, cho biết trên trang Facebook cá nhân rằng ông “bị chặn vì thăm Anh Ba Sàm trở về.”
“Tôi vừa mang hoa đến thăm bạn tôi, Nguyễn Hữu Vinh tức Anh Ba Sàm, vừa được tự do sau 5 năm tù và trở về nhà ở Hà Nội,” ông Hải viết ngày 5/5. “Tuy nhiên đến trước ngõ nhà anh, gần 50 người, phần lớn không mặc quân phục chặn tôi.”
Theo bức ảnh mà luật sư từng bào chữa nhiều nhà đồng chính kiến đăng kèm thông tin trên, có thể thấy hàng chục người đứng, ngồi bên ngoài một quán cà phê. VOA tiếng Việt không thể kiểm chứng được liệu đó có phải là các nhân viên an ninh hay không.
Từ trước ngày Anh Ba Sàm được trả tự do, một số nhà hoạt động cho biết trên Facebook cá nhân rằng họ “được an ninh đến tận nhà”, “khuyên” và “ngăn không cho đi đón” blogger được nhiều người biết tiếng này.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A viết, nhưng không cho biết chi tiết: “Công an đe những người quý anh Vinh từ cả tháng nay: Không được đi đón ông Vinh.”
Quá trình trả tự do cho ông ông Vinh hôm 5/5 cũng diễn ra trong tình trạng an ninh trại giam và khu vực lân cận được thắt chặt, theo bà Hà. Bà cho biết rằng “xung quanh cổng trại giam có hàng trăm cảnh sát giao thông lẫn an ninh chìm, đồng thời có hai xe ôtô đi trước và sau xe của gia đình trong suốt một chặng đường dài sau khi xe rời khỏi trại giam.”
Ông Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động sống ở Hà Nội, cho VOA biết rằng việc ngăn cản người đến chào đón những tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm mãn hạn tù “là chuyện bình thường dưới chế độ Cộng sản.”
“Họ không muốn những người mà gọi là tù chính trị được người dân đón chào. Họ muốn những người đó là những thứ gì đó mà bị xã hội xa lánh. Cho nên họ dùng mọi biện pháp để ngăn chặn những người đi đón, những người đến thăm, gặp. Họ không muốn ngày ra tù của một người tù chính trị lại trở thành một sự kiện truyền thông.”
Cũng theo TS Nguyễn Quang A, “cảnh sát tư tưởng (tức ban Tuyên giáo Trung ương) lệnh cho các báo chính thông không được nói về việc ra tù của Anh Ba Sàm.”
Theo quan sát của VOA, không có bản tin nào trên truyền thông chính thống đưa tin về việc ông Vinh ra tù.
Ông Vinh bị bắt vào tháng 4/2014 về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự 1999.
Cáo trạng cho rằng các bài viết đăng tải trên trang Anh Ba Sàm “có nội dung xuyên tạc, thể hiện quan điểm một chiều chống lại đảng cộng sản, gây ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân đối với lãnh đạo Việt Nam”.
Nhiều tổ chức nhân quyền đã lên án bản án 5 năm dành cho ông Vinh. Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội từng bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam “sử dụng các điều luật hình sự để trừng phạt các cá nhân thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa”.
Theo Luật Khoa Tạp Chí, ông Vinh thuộc về thế hệ nhà báo tiên phong trong trào lưu báo chí độc lập Việt Nam. Trang web về pháp luật thường thức cho rằng với việc sáng lập trang báo mạng Anh Ba Sàm, với chủ trương “phá vòng nô lệ”, ông Vinh “trực tiếp thách thức hệ thống kiểm duyệt của chính quyền”.
“Chúng tôi vui mừng chào đón anh (Vinh) trở về,” anh Tuyến cho biết. “Anh Ba Sàm, nếu ở ngoài, sẽ đóng góp rất nhiều cho cộng đồng, cho đất nước, cho người dân. Trang Anh Ba Sàm đã giúp nhiều người Việt ở trong nước và ngoài nước mở mang (kiến thức).”