B A N G À Y Ở T H Ị T R Ấ N C Ù C Ư A

    0
    79
    Photo by Thận Nhiên

    Thu VuQuang Nam Vũ

    VŨ THƯ HIÊN

    – Anh muốn hỏi chuyện Cù Cưa, hử? – hướng đôi mắt mờ đục và bất động về phía tôi, ông già ghé sát vào tôi để nghe cho rõ – Nhưng là hỏi chuyện gì cưa? 

    – Dạ, chả là thế này, … cháu phải viết một bài báo. 

    Ông già ra chiều suy nghĩ.

    – Anh là nhà báo hử?

    – Vâng. 

    – À…, nhà báo… – ông già im lặng, rồi gãi đầu – Cái ấy thì… thế này nhá: nói thật với anh, tôi không rành. Anh hỏi uỷ ban ấy, họ có trách nhiệm. Hay… thế này vậy: anh tìm lão Trưởng Giám. Người ở đây lâu nhất là lão ấy. Tôi mới có ba chục năm. So với lão, tôi là dân mới. Tôi chẳng biết bao nhiêu đâu. 

    Một cây bút nữ nổi tiếng trong nhóm Phá Cách bảo tôi có gì cứ hỏi cụ Cần, ông ngoại cô. Cổ nhân dạy: đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ, tuyệt rồi. Nhưng tôi không may – cụ Cần, người tôi đặt nhiều hi vọng vào đấy lại tiếp tôi không nhiệt tình. 

    – Cháu nó quen anh thế nào?

    Tôi vội trình bày. Chả là cô cháu cụ thỉnh thoảng có thơ đăng trên báo chúng tôi. Quan hệ cộng tác viên với toà soạn, không hơn không kém. 

    Cụ Cần nghe hờ hững. Nhưng cái sự không tỏ thái độ ấy là thái độ rõ ràng – cụ không mấy hài lòng về sự giới thiệu của cô cháu gái. Tôi đoán cụ còn không hài lòng về hoạt động của chính cô cháu nữa kia. Nhóm Phá Cách của cô tên tuổi rùm beng vì sự hung hăng tấn công vào mọi thứ bút pháp của các nhà văn nhà thơ quá cố và chưa quá cố mà họ cho là cổ hủ. Với họ, chỉ có văn chương hậu hiện đại mới đáng được tồn tại. Cái sự hăng máu vịt của cô cháu làm cụ lo lắng. Tôi vội thưa: nhóm này không dại, có thể nói là khôn lỏi nữa – họ biết tránh né những chỗ cần tránh né. 

    – Ông em biết mọi chuyện ở Cù Cưa – cô cháu cụ khoe – Ngồi một chỗ mà cụ thấy hết. Cấm cái gì qua được mắt cụ.

    – Tính tôi không thích rắc rối – cụ Cần thủng thẳng – Ở đây nhiều đứa thối mồm lắm. Mà ở đâu chẳng vậy, có phải không ạ? Phàm chuyện gì đưa lên báo là y như rằng thiên hạ nhao nhao lên nói đông nói tây. Phải không sao, chệch một cái là y như rằng lôi thôi, chờ được vạ thì má đã xưng, chẳng phải đầu cũng phải tai.

    Tôi nhìn cụ, thông cảm. Cụ nói phải. Rặt những điều ông cha đã rút tỉa trong cách xử sự với đời. Đầu cụ lơ thơ mấy sợi tóc, tai cụ nghễnh ngãng, cả hai thứ đều mỏng manh, bất cứ va chạm nhỏ nào cũng gây ra hư hỏng.

    – Nhưng cháu nó đã giới thiệu anh thì có việc gì cần đến tôi, anh cứ lại. Mà này, chớ ở khách sạn làm gì cho tốn tiền. Tối cứ về đây, có mình tôi thôi – cụ lầu bầu – Vớ vẩn, ở cái chốn này làm gì có khách sạn, mỗn cái nhà trọ chết tiệt, cơ mà người ta cứ thích nói vống lên là khách sạn, cho nó sướng con ráy. 

    Ngày thứ nhất 

    Tìm cụ Trưởng Giám không khó. Đó là một túp lều ở đầu thị trấn, cách xa những ngôi nhà tân thời, bên một bãi rác. Người đầu tiên đặt nền móng cho cái thị trấn sầm uất đáp lời hỏi thăm của tôi bằng một tràng ho khan. 

    – Cứ đẩy cửa mà vào.

    Cánh cửa bằng nứa ken, méo xẹo, xệ xuống đất. Muốn vào trong nhà khách phải nâng nó lên bằng hai tay rồi đẩy mạnh về phía trước. Nó kêu kèn kẹt. 

    Một ông già thấp tè, lưng còng, xương xẩu, còn điếc hơn cả ông già chỉ đường cho tôi đến hỏi thăm. Trong nhà không có bàn tay đàn bà, rõ ràng thế – tuềnh toàng, ngập ngụa. Có mùi mốc và mùi chuột chù.

    Cụ Trưởng Giám ngồi chồm hổm trên giường, khoác chăn dạ, mặt quắt queo, sáng quắc một cặp mắt nhìn ra cửa, tức là chỗ có cái ô sáng méo mó hình chữ nhật: 

    – Nhà báo hử? Vào đây, vào đây. Đứa nào bảo nhà anh đến tìm ta? Lại lão Cần, phải không? 

    – Dạ, phải.

    – Lão ấy khôn như rận. Lão khôn từ lúc còn trẻ kia, càng già càng khôn, càng già càng nhát. Lão biết nhiều lắm đấy, còn nhiều hơn ta kia, nhưng không dám nói. Ta thì ta cóc sợ thằng nào con nào hết. Nhà báo cứ việc hỏi. Hỏi cái gì cũng được. 

    Tôi đứng giữa nhà, trình bày mục đích đến gặp cụ. Cù Cưa nổi tiếng, tờ báo chúng tôi muốn có một phóng sự về nó.  

    – Thế thì ngồi xuống đã, chuyện dài đấy. Nghe rồi ghi, này, đã ghi thì ghi cho đúng con mẹ nó vào đấy nhá.

    – Dạ.

    – Ghi đi, rằng ta, cái lão Trưởng Giám này này, nói thế đấy: chúng nó, tuốt tuột, rặt một lũ vô ơn.

    Cụ không kể, cụ chửi. 

    – Chúng nó là ai, thưa cụ?

    – Còn đứa nào vào đấy nữa – là cái lũ đang ngồi trên đầu trên cổ cái xóm này chứ ai.

    Bằng ngón trỏ cong queo cụ Trưởng Giám chỉ ra ngoài cửa. Rồi vừa khò khè nguyền rủa cái lũ đang ngồi trên đầu trên cổ vừa chỉ cho tôi chỗ để ấm nước vối, bảo tôi rót lấy mà uống. Nước nguội tanh trong giỏ.

    – Ở đây, cụ là người khai sơn phá thạch, cụ Cần bảo thế…

    – Thì còn đứa chó nào vào đấy nữa. 

    Cụ Trưởng Giám ưỡn bộ ngực lép kẹp trong dáng tự hào. 

    – Nhưng lão Cần không dám kể, đúng không nào? Thế đấy, ai hỏi chuyện Cù Cưa là lão đùn đẩy, lão sợ đụng chạm. Ta thì không. Trước ta cũng sợ. Giờ ta cóc sợ nữa.      

     Sổ tay đặt trên đùi, tôi ngồi trên chõng, bên cạnh cụ, hí hoáy ghi. 

     Cụ trưởng Giám chửi một hồi rồi ngừng, cụ mệt. Cụ nhẩn nha kể, còn tôi thì gắng mường tượng cái xóm nhỏ đìu hiu nửa thế kỷ trước, với dăm nóc tranh, gọi là xóm còn không đáng, đừng nói làng. Người đàn ông già ngồi bên tôi lúc ấy là một anh bộ đội. Duyên trời, cụ gặp cụ bà ở vùng này. Vất vả lắm họ mới cưới được nhau. 

     – Kỷ luật trong quân ngũ ngày ấy nghiêm lắm: luyến ái – cấm, hủ hoá – kỷ luật. Mà không gặp gỡ trò chuyện thì làm sao biết nhau. Thế là luyến ái rồi đấy. Là có phê bình, kiểm thảo rồi đấy. Không như bây giờ.

     – Tức là trước kia tốt hơn?

     – Tốt chó gì mà tốt.

     – Hai cụ vẫn cứ lấy nhau?

     – Chứ sao.  

     Cụ không nói vì lẽ gì cụ không ở bộ đội nữa. Có thể đoán là cụ bị thương, có thể cụ bị sốt rét nặng không đủ sức ở lại đơn vị chiến đấu.  Hoặc tệ hơn, cụ bị kỷ luật, bị đuổi khỏi quân ngũ vì “hủ hoá” với người sau này là cụ bà. Trong câu chuyện cụ lờ đi những chi tiết ấy, những chi tiết cũng rất đáng để biết, cho một truyện ngắn nhiều hơn cho một bài báo. 

    Bù vào đó cụ dẫn tích bằng giọng hào hứng, với những chi tiết nhiều màu sắc huyền thoại, chuyện cụ đã dựng nên nóc nhà đầu tiên ở đây như thế nào. Với một cái rìu và một con dao rựa. Bây giờ cái chỗ cụ dựng túp lều đầu tiên, rồi một cái nhà, đã là một thị trấn, được nhà nước thừa nhận, bằng văn bản hẳn hoi, được đăng trên công báo. Có đèn điện, có nước máy, có quan có dân, có trụ sở hoành tráng, có trộm có đĩ, có sòng bạc nhởn nhơ, có xì ke ma tuý, có công an vận cảnh phục đi lại, có xe cảnh sát giao thông hú còi ầm ĩ, có đủ thứ, không là thị trấn còn là cái gì. 

    Ngoài nó ra còn có hai xã gần, một ở trên đường, một trong rừng. Theo lệ thường, nó phải được gọi là Xóm Trại, cách gọi thông thường nơi ở của dân ngụ cư, thuộc một trong hai xã kia.

    – Tại sao nó lại có tên Cù Cưa, thưa cụ?

    – Cái ấy có tích của nó. Nhẩn nha rồi ta kể.

     Trên con đường xuyên sơn được Nhật làm trong đại chiến, hai bên toàn rừng với tranh, bỗng chồi ra một rẻo đất bằng phẳng, sim mua lúp xúp. Nó lại ở ngay giao lộ của con đường tạm, trải đá, với tỉnh lộ có trải nhựa đã ghẻ lở do thực dân Pháp xây dựng. Thoạt đầu, trên rẻo đất hoang mọc lên một quán nước tự giác. Chủ quán chính là cụ Trưởng Giám bây giờ. 

     – Tức thị, cụ sống bằng buôn bán?

     – Xì, buôn bán gì. Tôi làm ruộng. Buôn bán thời ấy có mà chết. To bị cấm, nhỏ bị khinh, không như bây giờ.

     Người già thường thế – lúc nào cũng so sánh ngày trước và bây giờ. Trong cách nói của họ cái ngày trước dù có tồi tàn đến mấy, dù họ có chê bai nó đến mấy, cũng vẫn là cái gì đó đáng nhớ.

     Cụ Trưởng Giám làm ruộng, đốn gỗ. Cụ không cần coi cái quán. Gọi là quán chứ nó chỉ là một túp lều lợp lá chuối ở vệ đường. Cứ việc bày mấy món hàng lên cái chõng tre xộc xệch rồi bỏ đi, muốn làm gì thì làm. Khách qua lại rẽ vào quán, tự nhiên ăn, tự nhiên uống, bỏ tiền trả vào một ống nứa móc trên vách. Trên chõng vẻn vẹn vài nải chuối, đĩa sắn luộc, đĩa lạc rang, ấm nước vối…. Giá hàng được viết nguệch ngoạc bằng mực tím trên giấy dó. Khách là bộ đội đi công tác lẻ, chẳng ai ăn quỵt.  

     Sau, thấy đất ấy làm ăn được người ta mới kéo đến, nhà nọ nối nhà kia, thế là thành xóm. Chiến tranh hết, sự buôn bán ven biên giới được khai thông, được mở rộng, dân cửu vạn đi lại rầm rập, quán trọ nhà hàng mọc lên như nấm sau mưa. Rồi có cả mấy tổ hợp làm măng xuất khẩu, máy rửa măng, máy đóng hộp xình xịch suốt ngày đêm.

     Tôi nhắc cụ quay về với sự tích cái tên Cù Cưa.

     – Ờ, là thế vầy. Thoạt kỳ thuỷ, xóm này chẳng có tên tuổi gì sất. Đến khi người đông dần, quán xá nhiều, đã có thể thu thuế, thì cái xã trên đường ở đàng kia kìa mới toan ghép nó vào địa giới của mình. Xã ở trong rừng không chịu. Hai bên giành nhau, huyện không biết phân xử thế nào, đùn cho tỉnh. Tỉnh nay quyết thế này, mai quyết thế khác. Có điều lạ là chẳng bên nào buồn hỏi ta muốn nhập vào đâu, ta có muốn nhập hay không. Ta đây là mấy nhà xóm này ấy. Nhập vào đâu làm gì? Cái xóm tự nó mọc ra, tự nó lớn lên, trên không chằng dưới không rễ, một mình một cõi, nó có thuộc về ai bao giờ.

     – Xóm gần xã nào hơn, cụ?

     – Bằng chằn chặn.

     – Thế thì khó xử thật.

     – Kiện lên kiện xuống, sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, có lúc nó đã có tên đấy: xóm Tân Lập, xã Đông Phong…

     – Tức là thuộc về cái xã bên đường cái?

     – Không phải. Thuộc cái xã trong rừng. 

     – Tân Lập, cái tên nhàm, nhưng nghe cũng tạm được – tôi nói.

     – Được cái con khỉ ! – cụ Trưởng Giám gắt – Nó cho mình cái tên để nó giắt mình vào cạp quần. Hai xã tiếp tục kiện. Ta cũng đâm đơn lên trên, ta cóc muốn về với bên nào, ta muốn một mình một cõi. Lằng nhằng mãi. Mới có cái tên là Cù Cưa. Lúc bấy giờ ta là người đứng đầu ở đây. Ta, tức là cả xóm.

     – Đã thành thị trấn rồi sao người ta vẫn gọi là Cù Cưa?

    – Thị trấn Tân Sinh chỉ có trên giấy, người qua kẻ lại vưỡn cứ Cù Cưa mà gọi. Ông có thuốc đấy không?

    Cụ chìa cho tôi cái điếu bát. Tôi không hút thuốc lào, tôi móc túi lấy bao Vinataba. Cụ đón bao thuốc, nhón một điếu, châm lửa, bỏ bao thuốc xuống chõng, bên đùi mình. Tôi mở xà cột, lấy bao khác.

    – Bây giờ thị trấn có bao nhiêu dân, thưa cụ?

    – Cái ấy ông phải hỏi “Con Nặc Nô”. Thời ta không có lệ đếm người. Trâu bò gà vịt thì đếm, người thì không. Cứ việc lấy nhau, cứ việc đẻ. Đất này tốt, đàn bà mắn. 

    – “Con Nặc Nô” là ai cơ, thưa cụ?

    Cụ Trưởng Giám trề môi dưới trong câu trả lời không âm thanh.

    Hoá ra “Con Nặc Nô” không phải một con mẹ ba vạ nào đó, mà là chủ tịch thị trấn. Tôi không biết từ nguyên của Nặc Nô là gì, nhưng chắc chắn nó có nghĩa không đẹp. Người ta dùng nó để chỉ người đàn bà chanh chua, chỏng lỏn, hùng hổ, lắm điều, đanh đá, và nhiều tính xấu khác nữa. Không phải chỉ một mình cụ Trưởng Giám gọi người đứng đầu thị trấn bằng cái tên như thế, sau tôi mới biết. Cụ Trưởng Giám nói to, còn dân thị trấn nói nhỏ. Sự đời là vậy, chẳng có gì lạ, không ưa thì dưa có giòi. Nhất là đối với những bậc chức sắc của bất cứ chính quyền nào. Họ bao giờ cũng là mục tiêu của sự soi mói, và tất nhiên, của sự đàm tiếu.

    “Con Nặc Nô” không còn trẻ, nhưng cũng chưa đến nỗi già. Sắc đẹp thường thường bậc trung. Có thể chê đôi lưỡng quyền hơi cao, làn da không được mịn màng, không được trắng trẻo, tuy cũng không thể chê là thiết bì. Hàm răng hơi hô, với những cái răng to, không đều.

    – Chào nhà báo. – nàng tươi cười đón tôi trong trụ sở uỷ ban – Em vẫn thường đọc báo anh đấy. Báo của anh uỷ ban em không đặt mua, nhưng tiếng tăm lắm.

    Khi nàng cười trông nàng cũng có duyên lắm. Tôi chỉ có thể gọi nàng là “nàng”. Bởi vì khi giao tiếp nàng không những không có vẻ đáng ghét như cái tên thiên hạ đặt, mà về khía cạnh nào đó phải nhận rằng nàng khá dễ thương. Trong cử chỉ. Trong cách phục sức. Nàng có giọng nói ngọt ngào, thánh thót. Mà không chỉ giọng nói, cách nàng nói cũng quyến rũ. Khi nàng cười, tôi bất giác bật cười theo. Nghe nàng véo von tôi quên cả ghi chép, để nàng phải giục:

    – Ơ kìa, anh không ghi thì rồi quên mất cái chi tiết ấy đấy. 

    Tôi ghi. Nàng ngọt ngào:

    – Gặp anh vui thật. Này, em cũng là đồng nghiệp với anh, biết không?

    – Thế ư?

    Tôi cũng cười vui với nàng. Nặc Nô mở ngăn kéo lấy ra một tập giấy, đưa cho tôi. Tôi nhầm, không phải hồ sơ, mà là một tập thơ. Thì ra nàng cũng là nhà thơ. Thơ đăng báo tỉnh, dù sao cũng là thơ được in báo, với những vần thơ có xuống hàng, không giống thơ liền tù tì một câu dài nửa trang của nhóm Phá Cách là thứ thơ tôi kính trọng nhưng không đọc.              

    – Anh thấy thế nào?

    Nàng đặt tay lên tay tôi. Da nàng mát rượi. 

    Tôi đọc. Thơ của nàng là thứ thơ cổ động, nó trúc trắc, thường lạc vận, đôi chỗ leo thang, nhưng dễ hiểu. Nó bốc thơm, nó kêu gọi, nó ra lệnh. Thứ thơ này thường được các bậc chèo lái quốc gia ưa thích, vừa dễ làm, vừa na ná như thơ để có thể gọi là thơ. Thơ của các vị được gộp lại thành sách, đóng bìa cứng. Thơ của nàng mới chỉ có những bài rải rác trên báo tỉnh, nàng phải tự cắt ra, dán lên giấy.  

    – Cũng được đấy.

    – Được là thế nào? – nàng nguýt tôi – Chỉ có hay trở lên thôi.

    Tôi sẵn sàng đồng ý với nàng.    

    Chúng tôi thân nhau ngay. Sau cuộc gặp gỡ đáng ngán với một ông già nhát gan và một ông già ba gai, nàng là luồng gió mát. 

    Nàng kéo tôi đi thăm thị trấn. Ở đâu nàng cũng được trọng vọng. Từ trong cửa hàng người ta chào nàng bằng nụ cười tươi rói, với những lời có cánh. Mấy anh công an nhác thấy nàng là xin gặp riêng một phút để thỉnh thị về một vụ việc khó xử.  

    – Thị trấn là một nước nhỏ – nàng nói – Đủ mọi lĩnh vực: tài chính, thương mại, an ninh, ngoại giao, ngoại thương, nội chính…. Vất lắm. Như con mọn ấy.

    Nàng chưa có chồng. Chắc chắn nàng chưa biết con mọn là thế nào.

    Bữa trưa nàng dẫn tôi đi ăn phở chua, một món ăn lạ miệng, một cái gì đó ở giữa bát “thắng cố” của miền núi với phở xào, nhưng có rưới nước dưa. 

    Buổi tối, chúng tôi ăn đặc sản. “Ở đây có đủ thứ thịt rừng mà ở thủ đô bói không ra đâu, rồi anh thấy”, nàng nói. Tôi được ăn thịt nhím nướng ròn, trăn om nghệ, bìm bịp xào nấm.

    – Tuyệt thật.

    Nàng đưa tay quệt mép. Nàng ăn say sưa.

    – Người Tàu cũng thường sang đây ăn. Họ đặt mua thú rừng với số lượng lớn. Nhờ thế mà thợ săn kiếm được, thương lái giàu lên.

    – Thế chuyện bảo vệ động vật quý hiếm thì sao?

    – Thì cứ bắt, cứ bán cái đã. Ngày mai là chuyện của trời.

    Nàng cười ngặt nghẽo.

    – Kinh tế thị trường mà. Anh uống đi.

    Tôi uống. Rượu Mai Quế Lộ. Nặng mà êm.

    Khuya, nàng dẫn tôi về nhà nàng, tiếp tục kể chuyện Cù Cưa. Trong nhà nàng cũng sẵn rượu. Nàng mở chai Mao Đài thết tôi. Thứ Mao Đài trong bình sứ, bọc nhiễu đỏ. nghe nói người ta phải đặt mua tận Bắc Kinh mới có để biếu nàng. Quý lắm. 

    Tôi lên giường với nàng lúc nào không hay.  Rượu làm cho tôi mất khả năng ngạc nhiên. Tôi chỉ thấy một cơn vui dâng lên, tràn ngập. Trên giường nàng không hiền dịu, mà là con hổ cái. Mồ hôi đầm đìa, tôi anh dũng vật lộn với con hổ. Cho đến khi nàng vắt kiệt tôi, biến tôi thành cọng dọc mùng mềm nhũn trong bát canh bung, tôi mới được thả ra.

    Chúng tôi nằm bên nhau, thở rốc. 

    – Bây giờ thì anh về – nàng đứng lên – Anh ở khách sạn hử?

    Tôi hiểu. Nàng không muốn tôi ở lại. Không thể. Nàng là người đứng đầu thị trấn. Một thứ lãnh tụ địa phương. Mà lãnh tụ thì phải đạo đức. Không tì vết.

    – Anh cầm lấy đèn pin mà về.

    Nàng nói, với một chút ân cần. 

    Đèn pin trong tay, tôi lảo đảo bước ra đêm đen. 

    Ngôi nhà hai tầng của nàng là một khối sáng trong bóng tối. Dưới chân nó, sau nhà, là một con suối. Tôi không nhìn thấy nó, nhưng nghe tiếng nước rì rầm. Một ngôi nhà to. Trong đó có một con hổ cái.

    Thị trấn im lìm trong đêm. Cuối cùng rồi tôi cũng lần mò tìm được khách sạn. Hình như nó là cái duy nhất. Đúng như lời cụ Cần, một cái nhà trọ, với những căn phòng trống và những chiếc giường trải chiếu ẩm. Tôi vừa đặt mình xuống thì những con rệp hung hãn đã ào ào xông tới.

    Ngày thứ hai

    Tôi đến nhà cụ Cần khi còn tối đất. Tôi tin chắc người già dậy sớm. Quả nhiên cụ Cần đã ở ngoài vườn, đang dọn cỏ mấy luống rau và bắt sâu. Cụ ngạc nhiên:

    – Tối qua sao anh không về? Ngủ đâu?

    – Cháu ngủ khách sạn.

    Cụ đưa bàn tay khum khum lên vành tai.

    – Ai đưa anh đến đấy?

    Tôi lúng túng:

    – Cháu tự tìm.

    Cụ nhìn vào mặt tôi:

    – Rệp cắn không ngủ được, phải không?

    Tôi tránh cái nhìn soi mói của cụ.

    – Vâng.

    Cụ Cần mỉm cười.

    – Anh đã gặp “Con Nặc Nô”?

    – Dạ, đã.

    – Vào nhà uống nước.

    Tôi theo cụ vào nhà. 

    Khác cụ Trưởng Giám, cụ Cần tuy không còn cụ bà, con cái đều ở xa, nhưng nhà cửa ngăn nắp, vườn tược gọn gàng. Chúng tôi uống trà. Trà búp. Cái ấm chu sa đối ẩm, hai cái chén, cái nào cũng sạch bong. 

    – Lão Trưởng Giám chê tôi nhát, phải không?

    Tôi uống thật chậm để chọn chữ:

    – Cụ là người biết nhìn trước ngó sau, cụ Trưởng bảo thế.

    Cụ Cần cười:

    – Anh cứ nói toạc ra là lão bảo tôi sợ. Chẳng phải mình tôi, cả xóm này sợ. Thoạt kỳ thuỷ, dân chưa đông thì khác, người nọ bảo người kia, mọi người trông nhau mà ăn ở sao cho phải đạo. Sau, mỗi ngày mỗi đổi, tôn ti trật tự thành hình, không sợ cũng không được. Chẳng hiểu có phải vì đông dân thêm mà sinh ra thế không? Ý tôi muốn nói: trước kia chưa có dân, chỉ có xóm giềng với nhau thì dễ, chứ có dân rồi thì ắt phải có quan, có quan rồi phải có lính,  có lính rồi phải có phạt, dân có việc phải trình báo phải xin xỏ, phải vi thiềng. Tôn ti trật tự nghĩa là thế…

    Tôi không hiểu cụ khen hay cụ chê. Giọng cụ đều đều. 

    – Nhưng còn bầu bán thì sao?

    – Có chứ, có cả. Bầu là cho có cái tiếng, thế thôi, người ta sắp đặt trước cả rồi, dân chỉ còn có việc nhất trí giơ tay. 

    Có lẽ cụ Cần đã nghĩ lại. Cụ vẫn ý tứ, tránh những chữ mạnh, nhưng tôi hiểu cụ muốn nói gì. 

    – Cháu dạo qua một ngày, thấy buôn bán tấp nập, phố xá đông vui… Thị trấn phát triển, tương lai lắm. Cô chủ tịch thân đưa cháu đi tham quan mấy cơ sở sản xuất, thương nghiệp, dịch vụ…

    Cụ Cần nhếch mép. Mấy cái răng cửa hàm trên không còn, cái nhếch mép của cụ không ra cười mỉa, không ra mếu.

    – Tin “Con Nặc Nô” có mà đổ thóc giống ra mà ăn. 

    Lần đầu tiên tôi thấy cụ nói không giữ ý.

    – Cháu thấy cô ấy làm việc tích cực lắm.

    – Anh là người qua đường, sao biết được – cụ trề môi – Chúng tôi còn nhầm nữa là. “Con Nặc Nô” là đứa mồ côi, chính dân chúng tôi nuôi nó từ tấm bé. Gọi là con mồ côi cũng là  do quen miệng, chứ cũng không đúng. Nó là con hoang, không cha không mẹ. Chính cô con dâu lão Trưởng Giám nhặt được nó ở đầu ngõ, bọc trong mớ giẻ. Không biết con trốn chúa lộn chồng nào nỡ vứt đứa con rứt ruột đẻ ra như thế? Nó lớn lên, cả xóm này đùm bọc nó. Mới nghĩ rằng tre già măng mọc, nay nó trưởng thành, nó là người đứng đầu ở đây thì dân được nhờ, ăn cây nào rào cây ấy. Hoá không phải. Ăn cây táo nó rào cây soan đâu.

    – Tức là cô ấy rồi được bầu làm chủ tịch?

    – Bầu chứ. Nó hoạt động thanh niên, phụ nữ, cái gì cũng tốt. Trên mới cơ cấu nó làm chủ tịch. Tính ra nó chỉ dưới cơ anh bí thư. Nhưng anh này lành, bị nó giắt cạp quần, bảo sao nghe vậy. Chúng tôi tin nó.  Ai ai có thể biết trước sự đời cơ chứ? –  cụ thở dài đánh sượt – Lúc bé nó ngoan lắm, ai cũng yêu. 

    Cụ ngậm ngùi.  

    – Con này mà nói thì khéo vô cùng, kiến trong lỗ phải bò ra… Phàm cái gì từ miệng nó phát ra đều hay cả, cứ ngọt như mía lùi. Nhưng khốn nạn, hay thật đấy, cơ mà rốt cuộc chỉ hay cho nó, chứ không hay cho mình… Anh thấy dân chúng tôi có vẻ phởn phơ là anh mới thấy cái bề ngoài. Tiếng ta hay lắm. Anh có hiểu tại sao có hai chữ “dân gian” không? Phàm đã có quan thì dân phải gian mới sống được. Không gian chỉ có chết. Ấy là nói riêng với anh. Chớ viết lên báo.

    Cô cháu gái của cụ hẳn được hưởng gien di truyền của ông ngoại. Trong nhóm Phá Cách cô là người cẩn thận nhất trong chữ nghĩa.

    – Tôi nói thế đã nhiều rồi. Nói để anh biết, biết rồi thì để bụng. Lạng quạng chết có ngày. 

    Cụ rủ rỉ, giọng tin cậy. Tôi rất muốn mà không dám giở sổ tay ra ghi. Sang tuần trà thứ hai, cụ bảo:  

    – Anh về đây được “Con Nặc Nô” dẫn đi tham quan, dẫn đi chiêu đãi, tốt thôi. Nhưng phải coi chừng, chớ có hứa gì hết. Nó chiều anh là có ý của nó. Có khi anh còn được nó tặng quà cũng nên… 

    Tôi giật mình. 

    – Nó cho chẳng lẽ không lấy, hì hì… – không nhận thấy phản ứng của tôi, cụ nhẩn nha tiếp tục – Lấy rồi thì há miệng mắc quai.

    – Thì sao?

    – Anh mà không viết bài ca tụng nó, tức là ca tụng cái thị trấn Tân Sinh này này, không phải cái thị trấn trước mặt anh đâu, mà là cái thị trấn dưới-sự-lãnh-đạo-của-nó, thì anh sẽ thành kẻ thù của nó, có dịp là nó xơi tái anh tắp lự, hì hì… Anh phải biết: nó quan hệ rộng lắm. Nó với tới anh chẳng khó gì.

    Tôi nhớ đến cái giường nhà nàng, nhớ những giọt mồ hôi của tôi nhỏ xuống đệm, nhớ hơi thở nóng rẫy, tiếng rên rỉ, cái miệng xinh xinh mở to với dãy răng cửa không đều nhe ra trắng nhởn trong cơn cực khoái. Sống lưng tôi ớn lạnh.

    – Đã có chuyện xảy ra rồi đấy. Cháu tôi nó có giới thiệu một ông nhà văn về đây, ông biết nhà văn Ngô Toản chứ?

    – Cụ ấy nổi tiếng, ai mà không biết.

    – Vậy, ông cụ chừng nghe thiên hạ đồn đại về “Con Nặc Nô”, có ý muốn gặp mặt nó, chẳng hiểu cụ có ý định viết chuyện nó hay chỉ vì tò mò. Chính tôi dẫn ông cụ tới gặp nó. Lại cũng chính cháu tôi viết thư giới thiệu, như nó giới thiệu anh. Cho nên gặp anh tôi mới ngại. “Con Nặc Nô” tiếp ông cụ nồng nhiệt lắm, tặng ông cụ cả xấp bài báo người ta viết về nó, cả những bài nó viết nữa. Nó cũng dẫn ông cụ đi tham quan các cơ sở, như dẫn anh ấy, cũng chiêu đãi ông cụ, như chiêu đãi anh ấy, cũng dẫn ông ấy về nhà…

    Tôi toát mồ hôi.

    – Sau, mãi chẳng thấy ông cụ viết bài ca ngợi nó, thế là nó tương lên báo, báo tỉnh thôi, không phải báo trung ương, chắc anh không đọc nên không biết. Nó chê ông ấy hết lời, bịa chuyện ông cụ xin yết kiến nó mấy lần, năn nỉ mãi nó mới tiếp, nó kể nó thay mặt dân chúng tiếp đãi, tặng quà ông ấy những gì, tặng như thế nào, vậy mà ông cụ chẳng viết một dòng về thị trấn như ông cụ hứa, như dân chúng mong mỏi…

    Không, tôi hi vọng, tôi chắc “Nặc Nô” sẽ không bao giờ nói đến món quà cho tôi đêm qua, dù tôi không viết dòng nào về cái thị trấn rắc rối này.

     Từ biệt cụ Cần, tôi đi tìm “Con Nặc Nô”. Người ta chỉ tôi đến nhà trẻ của thị trấn. Đó là một ngôi nhà quét vôi hồng, nằm giữa phố chính. Trong đầu tôi ong ong những lời hai ông già nói về nàng. Tôi không mấy tin những gì họ nói là sự thật. Không phải lần đầu tôi gặp thói ghen ăn tức ở nơi những người kém may mắn trong đời. Nàng dễ thương đấy chứ. Với tôi, nàng hồn nhiên, nàng thực thà.

     Đứng trước nhà trẻ, tôi còn đang ngập ngừng không biết nên gõ cửa hay tìm nút chuông bấm thì nghe bên trong có tiếng quát tháo. Rồi cánh cửa mở tung, một cô gái lao ra, đâm sầm vào tôi. Mặt cô đỏ bừng, nhoè nhoẹt nước mắt. 

     Tôi ngó vào.

    – Vào đây, vào đây anh! – thấy tôi, nàng vồn vã – Giới thiệu với anh, mấy em nuôi dạy trẻ điển hình tiên tiến ở thị trấn chúng em. Còn anh đây là đồng chí nhà báo ở trung ương về lấy tài liệu.  

    Mấy cô nuôi dạy trẻ lí nhí đứng trước mặt nàng ấp úng chào tôi. Mặt họ nhợt nhạt, vẻ sợ hãi, mắt ướt. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Điều rõ ràng là họ không phải người quát tháo. 

    Nàng dẫn tôi ra sân. Đàn trẻ ăn cháo sáng. Thấy nàng chúng đồng loạt ngừng ăn: “Chúng cháu chào cô ạ!”.

    – Các cháu ăn có no không? – nàng véo von. 

    – Thưa cô có ạ! – lũ trẻ đồng thanh kêu lên.

    – Cháo có ngon không?

    – Thưa cô có ạ! 

    Chúng không chào tôi. Chúng không nhìn đến tôi. Chúng không thấy tôi. Tôi chẳng là cái gì ở đây. Người ta không dạy chúng chào khách. Có lẽ trừ những khách mà người ta đã dặn trước.

    Nàng ẵm một đứa lên, thơm đánh chụt. Nàng chìa nó cho tôi.

    – Anh xem, con bé có xinh không?

    Tôi chưa kịp đón lấy nó thì con bé đã giãy ra khỏi tay nàng, tụt xuống đất, chạy lại chỗ cô giáo đang cầm thìa. Nó không cần ai khen. Nó cần cháo. 

    Nàng nháy mắt với tôi:

    – Nhà trẻ này là niềm tự hào của thị trấn em đấy. Đã có nhiều báo viết về nó.

    – Thế thì tốt. Nếu có nhiều báo viết rồi thì anh chẳng cần phải viết nữa.

    – Viết chứ. Thêm một bài, càng hay. Nhất là bài của anh.

    Nàng vuốt ve lòng tự ái của tôi. Nhưng tôi không cảm động. Tôi đồ rằng  nàng chưa từng đọc tôi. 

    – Để em đưa anh một báo cáo về nhà trẻ. Coi như anh đã đến, đã quan sát, đã phỏng vấn. Cứ dựa theo báo cáo mà viết là xong. 

    – Anh cần báo cáo về mọi mặt. Không phải chỉ nhà trẻ.

    – Tham thế! – nàng nguýt yêu – Để em lệnh cho cậu thư ký chuẩn bị cho anh. Bây giờ ta tiếp tục tham quan thực địa những gì nhà báo muốn biết nhá.

    Chúng tôi đi dọc phố chính. Nàng than thở:

    – Tất bật cả ngày không hết việc, anh thấy đấy. Mấy con nuôi dạy trẻ anh vừa gặp ấy là một lũ mất dạy.

    – Em vừa nói họ là điển hình tiên tiến cơ mà.

    – Thì phải đôn chúng nó lên mà đoạt cờ luân lưu của tỉnh chứ – mặt nàng ửng đỏ – Nhưng tức không chịu được. Bảo một đàng, chúng nó làm một nẻo. Chỉ giỏi đòi hỏi.

    – Họ đòi hỏi gì vậy?

    – Chúng nó đòi may quần áo mới cho lũ trẻ con. Anh chưa nhìn thấy lũ trẻ mặc quần áo đẹp đâu. Mẫu do em vẽ. Tuyệt cú mèo. Nhà trẻ Hoa Hồng ở Hà Nội chẳng ăn đứt. Nhưng quần áo đẹp ấy là để dành cho ngày lễ ngày hội thôi, để chưng ra thôi. Giết ai ra tiền mà ngày nào cũng cho lũ trẻ diện bảnh? Mấy con quái ấy láo lắm, chúng nó bảo ảnh chụp nhà trẻ đã được đưa lên báo rồi, mọi người đọc báo đã thấy thế rồi thì phải đồng loạt cho lũ trẻ mặc hàng ngày, kẻo mang tiếng lừa bịp.

    – Họ có lý.

    – Lý cái nỗi gì, em hỏi anh? Anh tưởng người ta không biết mình bịp à? Người ta biết quá đi chứ. Ở chỗ người ta, người ta cũng làm y như vậy. Báo của anh cũng thế. Anh đưa lên báo những mặt tích cực của đời sống hay đưa mặt tiêu cực? Trên muốn thế, dưới cũng muốn thế. 

    – Ờ…

    – Như thế không phải bịp mà là làm công tác tuyên truyền. Tuyên truyền thì phải có mục đích. Tuyên truyền cho nhau, tức thị động viên nhau, có gì xấu? Khi tỉnh muốn thị trấn mình khoe thành tích nuôi con khoẻ dạy con ngoan với phái đoàn tỉnh bạn đến tham quan, nói ví thử như thế, thì mình phải làm sao cho tỉnh vừa lòng, lũ trẻ phải mặc quần áo đẹp, bữa ăn phải ngon…

    Lập luận của nàng khó cãi lại. Vừa lý giải vừa biện bạch, rất thấu tình đạt lý. Nếu sự lừa dối được tiến hành trong sự đồng thuận của kẻ bịp bợm với người bị bịp bợm thì sự lừa dối lẫn nhau còn có nghĩa gì. Nó trở thành một trò chơi với những luật lệ được cả hai bên tham gia thừa nhận.   

    Nàng giật tay áo tôi:

    – Anh nghĩ cái gì thế? Anh không đồng ý à? Cũng có lúc bọn em phải để bọn trẻ ăn mặc khác, lam lũ, nhem nhuốc. Ấy là khi có phái đoàn quốc tế đến xem để họ giúp mình lập dự án xoá đói giảm nghèo ấy mà. Lúc ấy mà cho trẻ con diện bảnh thì có mà ăn cám. 

    Nàng cười khanh khách:

    – Thị trấn là một nước nhỏ mà anh. Nó có chính trị của nó.

    Nhìn thấy một đám đông tụ họp ở đàng xa, nàng chau mày:

    – Cái gì thế kia không biết? Anh chờ em ở uỷ ban nhé ! Rồi em lại đưa anh đi ăn.

    Tôi sẽ đi ăn một mình. Tôi không thích ăn không của người khác. Tôi biết nàng không trả tiền hai bữa ăn hôm trước. Tôi có hai con mắt sau gáy để biết rằng hai ông chủ buộc lòng phải chiều nàng để thết đãi một thằng cha căng chú kiết nào đó, và họ không được phép tính tiền.

    Tôi không về uỷ ban trước. Tôi đứng lại chờ nàng. Từ xa, tôi thấy nàng đến trước đám đông. Quanh nàng là mấy người hoa chân múa tay sừng sộ và những người đi theo mấy người ấy. Có vẻ họ phản đối cái gì đó, thỉnh cầu cái gì đó. Những người sừng sộ phản đối, những người đi theo thỉnh cầu. Số người thỉnh cầu đông hơn số người phản đối.

    Nàng quay lại chỗ tôi đứng. 

    – Anh đợi em à? 

    Đi sát nàng, nhưng sau một bước là hai anh công an. Tôi nghe nàng dặn:

    – Làm một báo cáo ngay về vụ này. Không thể để chúng nó chống đối có tổ chức như vậy được. Nguy lắm. Phải có bàn tay địch khuấy động chúng nó mới dám thế.

    – Đúng vậy – một anh công an đứng tuổi nói – Để yên không xong, chúng nó là thế, được đằng chân lân đằng đầu.

    – Lập ngay hồ sơ mấy thằng cầm đầu cho chị. Phải dằn mặt chúng nó, bằng cách nào tốt nhất thì làm.         

    – Rõ, thưa chị – anh công an trẻ nói.

    Trên đường về uỷ ban nàng giải thích:

    – Chúng nó chống lại mức thuế do nhà nước quy định, chống luôn phần phụ thu của thị trấn. Anh thấy em có vất không? 

    – Vất thật.

    – Không phải lúc nào chúng nó cũng dám chống đâu. Chống hàng ngày như thế có mà  chết. Chẳng qua chúng nó thấy dân tỉnh bên kéo đàn kéo lũ lên tận Trung ương khiếu nại thuế nông nghiệp cao quá, kiện cán bộ giải toả đất ăn chặn tiền đền bù, thanh toán không thích đáng. Là do mấy ông thanh tra trót dại hứa hươu hứa vượn rằng sẽ giải quyết. Dân bên này mới học đòi… Hoạ này là hoạ dây chuyền. Phải kiên quyết bóp chết lũ phản động ấy ngay lập tức, từ trong trứng.

    “Con Nặc Nô” có đủ tư chất một chính trị gia, tôi nghĩ. Nàng còn đi xa. Nàng biết cai trị. Nàng biết trấn áp.

    Đêm ấy, tôi ở lại nhà nàng. Tôi không đủ sức kháng cự bất cứ mệnh lệnh nào của nàng. Mặc dầu lòng đã dặn lòng là thôi, không đi ăn với nàng nữa, nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn đi theo nàng để khen món chân gấu hầm rượu bách thảo là tuyệt diệu, dê rừng nướng vỉ là không chê vào đâu được… 

    Chúng tôi lại nằm với nhau trên cái giường quen thuộc. Đêm ở vùng thượng du lạnh. Trong chăn ấm tôi ôm tấm thân nóng hổi của nàng vào lòng. Nàng quặp chặt lấy tôi. Chúng tôi lại vật lộn. Trong cơn mê, tôi rên lên:

    – Em yêu của anh! Em tuyệt vời của anh.

    Nàng cũng rên cùng với tôi, nhưng không nói gì. Nàng không đuổi tôi về như đêm trước. Nhưng tang tảng sáng, nàng đánh thức tôi dậy:

    – Bây giờ anh phải đi. Nhớ rẽ vào con đường nhỏ bên tay phải ấy, chỗ không có nhà cửa gì hết.

    Nàng pha trà cho tôi uống, chờ tôi tỉnh ngủ. 

    – Lúc chúng mình gần nhau, anh nói cái gì ấy nhỉ?

    – Anh gọi em: em yêu của anh!

    Nàng nhìn vào mắt tôi, cái nhìn lạnh lẽo:

    – Đừng bao giờ gọi như thế nhá! Em là em, mà anh là anh, chẳng ai là của ai hết. Quên cho nhanh đi nhá!

    – Gọi thế thì có sao? Chúng mình đã là của nhau mà…

    – Một lúc thôi. Một giây lát. – nàng đứng lên – Một cuộc trao đổi sòng phẳng của hai đồng minh giai đoạn, đồng chí ạ.

    Bước ra cửa, tôi toan ôm lấy nàng lần nữa thì nàng gạt phắt.

    Ngày thứ ba

    Tai hoạ nào cũng đến một cách bất ngờ. 

    Trời đổ mưa to. Hôm sau, tôi đội vải mưa lướt thướt ôm chồng tài liệu mà cậu thư ký uỷ ban trao cho, chạy về nhà cụ Cần. Tôi kiếm một chỗ ngồi không bị dột, đọc chăm chú, biết rằng những báo cáo có chữ ký của nàng là cái nằm trong trò chơi đã được các bên tham gia đồng thuận. Muốn hay không, tôi cũng là người tham gia trò chơi rồi, tôi phải tuân thủ luật chơi. Ông chủ nhiệm của tôi là người nghiêm khắc, ông ấy không tha thứ nếu tôi vi phạm cái luật bất thành văn nọ của cả hệ thống. 

    Nhưng cụ Cần lại không chịu nghĩ thế. Cụ là người đứng đắn. Cụ không thích tham gia cái trò chơi ấy. Tôi hiểu ra điều đó khi cụ bỏ đi cả ngày sau khi đã nấu cơm cho tôi ăn trưa một mình. Buổi chiều cụ trở về, cụ Trưởng Giám đi cùng. 

    Tôi ngỡ ngàng. Tôi cứ tưởng hai người không ưa nhau. Tôi nhầm, không ưa thì không ưa, họ cùng phe trong cuộc đấu tranh với “Con Nặc Nô”. 

    Hai cụ trao cho tôi một tập giấy. 

    – Đây là đơn của dân chúng tôi tố cáo những sai phạm của chính quyền thị trấn. Chúng tôi nhờ anh chuyển tận tay cấp trên. Oan ức nhiều lắm, dân không biết kêu vào đâu. Anh thấy làm thế nào là tốt thì làm giùm. Trước nay chúng tôi gửi đơn đi thì nó bao giờ cũng quay lại chỗ cũ, chính những người chúng tôi kiện lại nhận được để quật lại chúng tôi. 

    Chúng tôi có một bữa tiệc chia tay do cụ Cần tổ chức. 

    Trong tiếng mưa rơi sầm sập, trong ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu, tôi lẳng lặng nghe hai cụ kể thêm về Cù Cưa. Tôi không biết nói gì với hai cụ. Khác với trò chơi của “Con Nặc Nô”, hai cụ, và tất nhiên, những người cùng với hai cụ, cũng có trò chơi của họ. Tôi đang chơi trò chơi kia, làm sao có thể chơi trò này cùng một lúc?

    Tôi miễn cưỡng nhận sự uỷ thác của hai ông già. Tôi đã giở qua để biết trong đó có gì. Hệt như mình được xem bản âm một tấm hình mà mình quen nhìn bản dương. Tôi tự nhủ sẽ cố tìm ai đó là người sẽ xem xét những lá đơn này bằng con mắt khác. Việc này lành ít dữ nhiều. Nhưng tôi sẽ tìm. Có điều tôi chẳng tin sẽ gặp được những người can đảm dám rời bỏ trò chơi mà họ đang chơi.

    Bữa tiệc kéo dài tới khuya. Cụ Trưởng Giám quyết định ngủ lại nhà cụ Cần. Cụ cũng có một mình, ngủ đâu chẳng được.

    Chúng tôi đang mải chuyện thì trong tiếng mưa có tiếng ầm ì từ xa vọng lại. Như tiếng cối xay thóc. Như tiếng sấm rền. Chưa biết là cái gì thì nó đã biến thành một tiếng ồn kinh thiên động địa.     

    Cụ Cần không nghe thấy, nhưng nhìn nét mặt hốt hoảng của cụ Trưởng Giám thì cụ hiểu có cái gì đó bất thường đang xảy ra.

    – Cái gì vậy, cái gì vậy? – cụ đứng phắt lên.

    – Nguyên xem nào – cụ Trưởng Giám thần mặt ra, lắng nghe – Thôi chết rồi, vỡ đập, các ông ơi!

    – Xóm mình ở đất cao, có vỡ đập cũng không sao đâu. – cụ Cần nói. 

    Tôi nhớ cụ có nói về một cái đập ngăn nước cho hồ chứa phục vụ dự án thuỷ điện ở thượng nguồn. Tạm thời người ta dùng để nuôi cá. “Con Nặc Nô” có phần hùn trong công trình này. Vụ đắp đập làm cho nhiều làng ở dưới nguồn bất bình vì thiếu nước. Người ta nói thế nào rồi cũng có ngày đập bị phá.

    – Nhà “Con Nặc Nô” ở ngay bên bờ suối. – cụ Trưởng Giám bỗng cuống quýt – Nước cuốn băng nhà nó mất. 

    Cả hai cụ xăng xái đập nứa, châm lửa. Cả hai, mỗi người một bó, đội mưa đi phăng phăng về hướng con suối. Trong cơn hốt hoảng hai cụ quên bẵng tôi. Tôi khoác vội áo mưa, lẽo đẽo theo họ. Không thể hình dung được hai con người vừa mới hết lời nguyền rủa “Con Nặc Nô”, giờ lại hớt hải đi xem nhà nàng thế nào. 

    Nhà cụ Cần ở trên chỗ đất cao nhất của thị trấn. Chúng tôi ra khỏi nhà thì đã thấy có rất nhiều đuốc đi cùng một hướng. Nước mưa rơi vào đuốc xèo xèo.

    – Tôi đã bảo con bé: không được làm nhà gần suối như thế, nó không thèm nghe tôi. 

    Cụ Trưởng Giám cằn nhằn, cụ đi lật đật, chốc chốc lại vấp phải những mô đất.

    – Ai mà bảo được nó. Nó cứ tưởng nó là giỏi, nó là nhất. Bây giờ thì biết thân nhá! – cụ Cần nói. 

    – Lạy trời cho nó tai qua nạn khỏi – cụ Trưởng Giám thì thầm. 

    – Cái nhà thì chắc sập rồi – cụ Cần nói – Nước đổ về mạnh như thế, đến lô cốt cũng phải bung. Không biết nó có chạy kịp không?

    – Chạy mà không kịp thì chắc chết quá.

    Khi chúng tôi đến được gần nhà nàng thì quanh đấy đã có cả một rừng đuốc nhấp nhô. Mưa đã ngớt. 

    Ngoài nhà nàng ở bên suối, không nhà nào làm ở chỗ nguy hiểm ấy cả. Dân cả thị trấn túm tụm ở mé nước.  Con suối nhỏ bé đã trở thành dòng sông hung hãn. Trên mặt nước nhấp nhô những gốc cây bật rễ.

    Người ta ồn ào:

    – Nhà sập rồi. 

    – Nhưng chưa trôi đâu. Có ai dám ra đó xem còn người không?

    – Ai dám ra bây giờ? Nhìn kìa, nước cuồn cuộn thế kia.

    – Có ai mang theo thừng không? Buộc vào mình mà bơi ra đấy xem.

    – Thừng có đây, cơ mà ngắn lắm.

    Nói thì nói chứ chẳng ai dám ra. Trong ánh đuốc bập bùng tôi nhìn thấy một mảng tường trăng trắng. Mái nhà đã rơi xuống nước, không còn dấu tích. Nhưng cái mảng tường kia thì không nhúc nhích, nước không đủ sức cuốn nó đi, hoặc nó còn bám được vào nền nhờ một cái cột có cốt thép. Có lẽ đó là mảng tường phòng ngủ, nơi tôi đã qua đêm. 

    – Kia, ở chỗ cái cây đổ có cái gì như hình người kia kìa.

    – Đâu? Đâu?

    – Kia thây.

    – Cái áo chứ người đâu mà người.

    – Không phải cái áo, người thật. Không nhìn thấy tóc vật vờ kia à?

    Đám đông chú mục nhìn rồi đồng loạt kêu lên.

    – Đúng! Người thật rồi.

    – Chỗ ấy thì ra được đấy. Có ai chịu ra không? 

    – May chăng còn sống.

    Một người đàn ông lực lưỡng chẳng nói chẳng rằng quăng bó đuốc xuống đất, buộc sợi thừng quanh bụng, lao ra. Thấy thừng ngắn, những chàng trai nắm lấy tay nhau làm thành một chuỗi người cho sợi thừng dài thêm.

    – Cô chủ tịch! – người đàn ông kêu lên từ xa, chỗ bức tường.

    Chống chọi với dòng nước hung hãn, ông ta cố gỡ người mắc vào cành cây. Gỡ được rồi ông ta bơi ngược trở lại với sự giúp sức của những cánh tay nối dài.    

    – Liệu còn sống không? – người ta nhao nhao hỏi vọng ra.

    – Không biết nữa – người đàn ông đáp – Lạnh ngắt rồi.

    – Nhanh lên. Có khi còn kịp.

    Nàng được đưa lên bờ. Đưa tay gần mũi thấy không còn thở. Người đàn ông vác nàng lên vai chạy mấy vòng rồi đặt xuống. Không thấy nước ộc ra. Những bó đuốc quây lại làm thành một vòng lửa sưởi ấm cho nàng. 

    Những phút dài vô tận trôi qua. Nàng không tỉnh lại.

    – Xong rồi.

    – Vô phương.

    Nàng nằm đấy, lạnh giá và hững hờ. Giống như lúc nàng bảo tôi:

    – Em là em, mà anh là anh, chẳng ai là của ai hết. Quên cho nhanh đi nhá!

    – Hức! Hức!

    Bên cạnh tôi cụ Trưởng Giám bật khóc. Tiếng nức nở của cụ lan nhanh trong đám đông. Những người đàn bà khóc theo cụ. Những người đàn ông mím môi, không nói gì, mặt lầm lì. 

    Một người nào đó tiến đến bên nàng, lấy cái khăn tay phủ lên mặt nàng. Tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Thế là vĩnh viễn tôi không còn thấy mặt nàng nữa, gương mặt lúc nồng nàn lúc lạnh nhạt, như một dấu hỏi cho câu trả lời không bao giờ có.

    Cụ Cần ôm lấy cụ Trưởng Giám dìu đi:

    – Thôi cụ ơi, nó đã chết rồi, có khóc có thương cũng vô ích. Ta đã có lúc yêu mến nó lắm chứ, có phải lúc nào cũng ghét bỏ nó đâu. 

    Hai ông già bám vào vai nhau mà đi. Tôi cầm bó đuốc đi sau, giơ cao cho hai cụ thấy đường. Tôi nghe cụ Trưởng Giám nói với cụ Cần trong tiếng nức nở:

    – Tôi khóc là vì tôi đã không kịp làm một việc cho cháu. 

    – Việc gì cơ? Hả cụ? Việc gì? 

    Cụ Trưởng Giám lặng đi một lát. 

    Rồi nói:

    – Tôi chưa kịp nói với nó rằng nhà văn Ngô Toản chính là cha đẻ của nó. Cụ ấy cũng sau chuyến đi về đây mới biết. Cụ ấy cậy tôi nói cho nó biết. Không kịp nữa rồi. 

    2006

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here