ALBERT CAMUS VÀ JEAN-PAUL SARTRE: BẤT HÒA TRÊN CON ĐƯỜNG ĐẾN TỰ DO

0
57
Designer: Cincin

Lê Công Định

Translator: Bụi

Designer: Cincin

Xem #Philosapiens

1. Họ là một đôi bạn kỳ quặc. Albert Camus là người Pháp gốc Algeria, một pied-noir sinh ra trong cảnh khốn khó và có một phong cách Bogart cực kỳ lịch lãm. Trái lại, Jean-Paul Sartre thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội Pháp, nhưng không có vẻ ngoài điển trai đặc biệt. Họ gặp nhau ở Paris trong thời kỳ Chiếm đóng và là đôi bạn thân thiết sau Thế chiến thứ 2. Những ngày ấy, khi ánh đèn thành phố Paris được thắp sáng trở lại, Camus là người bạn thân nhất của Sartre. “Khi ấy chúng tôi đã yêu mến nhau biết bao” – Sartre kể lại.

2. Họ là những biểu tượng sáng chói của thời đại. Báo chí đưa tin những chuyển động hàng ngày của họ: Sartre ẩn náu tại Les Deux Magots, Camus là lãng tử chu du của Paris. Khi thành phố bắt đầu tái thiết, Sartre và Camus đã nói lên tiếng lòng của biết bao con người lúc ấy. Châu Âu đã bị thiêu rụi, nhưng đống tro tàn do chiến tranh để lại đã tạo ra một không gian để tưởng tượng một thế giới mới. Độc giả tìm đến Sartre và Camus để biết thế giới mới ấy trông sẽ ra sao. “Chúng tôi,” nhà triết học đồng nghiệp Simone de Beauvoir nhớ lại, “đã mang đến thời kỳ hậu chiến hệ tư tưởng của nó”.

3. Thật vậy, những con người ấy đã mang đến nước Pháp và cả thế giới một chủ nghĩa hiện sinh. Sartre, Camus và nhiều trí thức Pháp đã bác bỏ tôn giáo, dựng lên những vở kịch mới nhưng ảm đạm, thách thức độc giả sống chân thực, cũng như biện hộ cho tính phi lý của thế giới – một thế giới không có mục đích và giá trị. Camus viết: “[Chỉ có] đá, thịt, sao là những sự thật mà bàn tay có thể chạm tới”. Chúng ta phải chọn sống trong thế giới này và phóng chiếu ý nghĩa, giá trị của chúng ta lên thế giới đó để hiểu được ý nghĩa của nó. Có nghĩa là mọi người đều được tự do và đồng thời bị đè nặng, bởi đi cùng tự do là một trách nhiệm khủng khiếp để sống sao cho được một cuộc đời có nghĩa.

4. Nếu lý tưởng tự do đã kết nối Camus và Sartre trong triết học, thì cuộc đấu tranh vì công lý đã gắn kết họ trong chính trị. Họ dấn thân đấu tranh và chống lại bất công, và trong mắt họ, không có hạng người nào bị đối xử bất công hơn giai cấp công nhân và giai cấp vô sản. Camus và Sartre nghĩ đến họ bị gông cùm trong lao động và bị tước mất nhân tính. Để giải phóng họ, các hệ thống chính trị mới phải được xây dựng.

5. Tháng 10 năm 1951, Camus xuất bản “Con người phản kháng” (L’Homme révolté, Bùi Giáng dịch). Trong tác phẩm đó, Camus đã đưa ra một triết lý “nổi loạn” một cách đại khái. Nó không phải là một hệ thống triết học; một cách chính xác, nó kết hợp giữa các ý tưởng triết học và chính trị: Mọi người đều tự do, nhưng bản thân sự tự do chỉ là tương đối; ta phải chấp nhận các giới hạn, sự điều tiết, “rủi ro được toan tính”; tuyệt đối là chống lại con người. Trên hết, Camus lên án bạo lực cách mạng. Bạo lực có thể được sử dụng trong những hoàn cảnh khắc nghiệt (dù sao thì ông cũng ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Pháp) nhưng sử dụng bạo lực cách mạng để thúc đẩy lịch sử theo mục đích mong muốn là điều không tưởng, chuyên chế và phản bội.

6. Camus viết: “Tự do tuyệt đối là quyền thống trị của kẻ mạnh nhất”, trong khi “công lý tuyệt đối đạt được bằng cách triệt tiêu mọi mâu thuẫn: do đó phá hủy tự do”. Xung đột giữa công lý và tự do đòi hỏi phải thường xuyên được tái cân bằng, điều tiết, đồng thời sẵn sàng chấp nhận một hạn chế lớn nhất: Nhân tính.

7. Sartre đọc L’Homme révolté với sự ghê tởm. Đối với Sarte, có thể đạt được công lý và tự do hoàn hảo – đó là thành tựu của thành tựu của chủ nghĩa cộng sản. Dưới chủ nghĩa tư bản và trong cảnh nghèo đói, người lao động không thể được tự do. Lựa chọn của họ khiến nhiều người ghê rợn và cảm thấy mất nhân tính: họ chọn làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và bị xa lánh, hoặc là chết. Nhưng bằng cách loại bỏ những kẻ áp bức và trả lại quyền tự chủ cho người lao động, chủ nghĩa cộng sản cho phép mỗi cá nhân sống không còn đặt nặng nhu cầu vật chất, và do đó lựa chọn cách tốt để nhận ra bản thân họ. Điều này mới thực sự khiến cho họ được tự do.

8. Vấn đề là ở Sartre và những người cánh tả khác, chủ nghĩa cộng sản cần phải có bạo lực cách mạng vì trật tự hiện có phải bị đập tan. Tất nhiên, không phải tất cả những người cánh tả đều ủng hộ bạo lực như vậy. Sự phân chia giữa những người cánh tả theo đường lối cứng rắn và ôn hòa – nói một cách dễ hiểu đó là giữa những người cộng sản và những người xã hội chủ nghĩa là sự phân chia không có gì mới. Tuy nhiên, những năm 1930 và đầu những năm 1940 đã chứng kiến phe Cánh tả tạm thời thống nhất để chống lại chủ nghĩa phát xít. Với sự hủy diệt của chủ nghĩa phát xít, sự rạn nứt giữa những người cánh tả theo đường lối cứng rắn sẵn sàng sử dụng bạo lực và những người ôn hòa lên án bạo lực đã quay trở lại. Sự chia rẽ này càng trở nên kịch tính hơn bởi sự biến mất trên thực tế của phe cánh hữu và sự trỗi dậy của Liên Xô – một nhà nước đã trao quyền cho những người theo đường lối cứng rắn trên khắp châu Âu, nhưng lại làm dấy lên những câu hỏi đáng lo ngại như nỗi kinh hoàng của những trại cải tạo, khủng bố và những phiên tòa được đưa ra ánh sáng. Câu hỏi đặt ra cho những cánh tả thời hậu chiến rất đơn giản: Họ ở phe nào?

9. Với việc xuất bản cuốn L’Homme révolté, Camus tuyên bố ủng hộ một chủ nghĩa xã hội hòa bình không dùng đến bạo lực cách mạng. Ông kinh hoàng trước những câu chuyện nổi lên từ Liên Xô: đó không phải là một đất nước của những người cộng sản cùng nhau chung sống tự do, mà là một đất nước không có chút tự do nào. Trong khi đó, Sartre muốn đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản và ông sẵn sàng ủng hộ bạo lực để làm như vậy.

10. Sự chia rẽ giữa hai người bạn đã gây chấn động lớn cho giới truyền thông. Les Temps Modernes – tạp chí do Sartre biên tập, đăng bài phê bình L’Homme révolté và đã bán hết gấp ba lần. Le Monde và L’Observateur đều nín thở đưa tin về sự tan vỡ. Thật khó để tưởng tượng một mối thù oán trong tư tưởng lại thu hút được đông đảo công chúng, nhưng trong sự bất đồng đó, nhiều độc giả đã nhìn thấy những cuộc khủng hoảng chính trị trong thời đại của họ.

11. Quan điểm của Sartre bị xuyên thủng bởi những mâu thuẫn tư tưởng mà ông phải vật lộn trong suốt phần đời còn lại. Sartre, một nhà hiện sinh đã cho rằng người cho rằng con người bị kết án là tự do, nhưng cũng là Sartre, một người theo chủ nghĩa Marx lại cho rằng lịch sử không dành nhiều không gian cho tự do thực sự theo nghĩa hiện sinh. Mặc dù ông chưa bao giờ chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, nhưng ông sẽ tiếp tục bảo vệ chủ nghĩa cộng sản trên khắp châu Âu cho đến năm 1956, khi xe tăng Liên Xô ở Budapest cuối cùng đã thuyết phục ông rằng Liên Xô đã không còn giữ vững con đường phía trước. Thật vậy, tôi đã mất hết tinh thần trước những người Liên Xô ở Hungary vì họ hành động như người Mỹ – ông nói. Sartre vẫn có tiếng nói mạnh mẽ trong phe Cánh tả suốt cuộc đời của mình, và chọn tổng thống Pháp Charles de Gaulle như Whipping boy yêu thích. Khi de Gaulle được yêu cầu bắt Sartre, Sartre đã đáp lại rằng: “Người ta không bỏ tù Voltaire”. Mặc dù Sartre rời bỏ Liên Xô sau sự kiện đó, nhưng ông không bao giờ hoàn toàn từ bỏ ý tưởng rằng bạo lực cách mạng là điều chắc chắn.

12. Thế nhưng, bạo lực của chủ nghĩa cộng sản đã đưa Camus đi theo một quỹ đạo khác. “Cuối cùng,” ông viết trong L’Homme révolté, “Tôi chọn tự do. Vì ngay cả khi công lý không được thực hiện, tự do vẫn duy trì sức mạnh phản đối bất công và khiến cho giao tiếp được cởi mở”. Nhìn từ bên Chiến tranh Lạnh qua, thật khó mà không cảm thông cho Camus nhưng cũng thật đáng ngạc nhiên trước lòng trung thành của Sartre dành cho chủ nghĩa cộng sản. Họ đã kiên trung chống lại chủ nghĩa tuyệt đối, chủ nghĩa lý tưởng bất khả thi như một con đường nguy hiểm khiến cho châu Âu chìm trong đống tro tàn, và họ đấu tranh cho một thế giới công bằng và tự do hơn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here